Antoine Griezmann: Phía sau nụ cười (kỳ 2)

Khởi đầu không được nhiều lợi thế như những đồng đội, nhưng nhờ những nỗ lực tuyệt vời, Griezmann đã khiến bản thân tỏa sáng và cả thế giới phải công nhận tài năng của anh.
Antoine Griezmann: Phía sau nụ cười (kỳ 2)

Antoine Griezmann: Phía sau nụ cười (kỳ 1)

Mâcon và trái bóng trên lưng

Bóng đá chảy trong mạch máu của tôi. Nó được di truyền từ ông ngoại tôi. Ông ngoại tôi tên là Amaro Lopes, từng là một cầu thủ chuyên nghiệp. Ông là một hậu vệ không thực sự cao lớn nhưng lại dẻo dai. Có vẻ, tôi giống ông về ngoại hình. Ông từng khoác áo CLB Pacos Ferreira, thuộc thành phố 60.000 dân, phía bắc Bồ Đào Nha, nằm giữa Porto và Guimaraes. Đội bóng này từng mang tên Vasco de Gama. Nhưng đến năm 1960 thì được đổi thành tên đầy đủ: Football Club Pacos de Ferreira. Cuộc sống nơi đây thực sự khó khăn và chế độ độc tài Salazar đã bóp nghẹt cả đất nước, khiến ông tôi quyết định rời Bồ Đào Nha. Khi ấy, ông đã cưới bà ngoại tôi là Carolina, sinh được 3 người con là các bác trai Jose, Manuel và bác gái Maria Alriza.

Nước Pháp lúc bấy giờ cần một nguồn nhân công khổng lồ để xây dựng lại đất nước sau Thế chiến II. Nước Pháp thực sự thiếu nhân công cho các nghề xây dựng. Ông ngoại tôi là thợ nề. Năm 1956, ông quyết định sẽ đưa cả gia đình sang Pháp, và ông sẽ đi trước. Nhưng cũng giống như nhiều nông dân và công nhân khác, ông không có được hộ chiếu du lịch hoặc di cư. Ông đã phải nhờ cậy đến các công ty vượt biên bất hợp pháp, tiến vào biên giới Lục lăng từ Tây Ban Nha rồi theo đường bộ ở dãy Pyrene. Cuộc vượt biên này buộc ông phải có kế hoạch chi tiết về thể lực cũng như tài chính. Thời gian đầu, Amaro dừng chân tại Cassis, thuộc Bouches-du-Rhone, gần Marseille. Nhưng ông không hài lòng. Năm tiếp theo, nhờ một ông Couturier nào đó (chủ thầu xây dựng) khuyên ông đi xin việc để giải quyết các khó khăn về tài chính.

Năm 1957, ông ngoại tôi đến sống ở Mâcon, thuộc Saone-et-Loire và bắt đầu trở lại với nghề thợ nề. Không lâu sau đó, ông đưa cả vợ con sang. Nhà Lopes là những người Bồ Đào Nha đầu tiên chọn sinh sống tại thành phố yên bình này. Mâcon có gần 30.000 dân, cách Paris 400km và cách Lyon 65km. Cho đến năm 1960, thì làn sóng di cư sang Pháp ồ ạt. Chỉ trong 1 thập kỷ, con số từ 50.000 lên tới 750.000 người và trở thành cộng đồng Bồ Đào Nha đầu tiên tại nước ngoài.

G7 và bố, ông Alain Griezmann

Mâcon là một mảnh đất rất thân thiện, hiền hòa. Gia đình Amaro và Carolina ngày một lớn hơn với sự ra đời của bác trai Andrea, rồi Isabelle – mẹ tôi. Những năm sau đó, nhiều người Pacos đã đến các thành phố cực nam của Bourgogne-Franche-Comte. Bà ngoại tôi giúp họ hòa nhập thích nghi với cuộc sống, đặc biệt giải quyết các thủ tục hành chính. Ai gõ cửa, bà đều đón chào nồng nhiệt và tận tình giúp đỡ. Nhiều người không thể đọc hay viết tiếng Pháp, bà lại giúp họ. Còn Amaro tiếp tục theo đuổi nghề thợ nề cho đến khi ông bị tai nạn. Tôi không có chút ký ức nào về ông ngoại. Bởi ông qua đời năm 1992, một năm sau khi tôi sinh.

Thủ môn thứ ba của Atletico là Andre Moreira, 21 tuổi và cao 1m95. Người Bồ Đào Nha. Anh ấy thường xuyên nói với tôi về ông ngoại tôi. Anh giải thích rằng đã nhìn thấy những tấm ảnh của Amaro trong rất nhiều album ảnh, đặc biệt là trong cuốn sách kỷ yếu 50 năm thành lập CLB Pacos Ferreira. Anh ấy hứa sẽ mang cuốn sách này đến cho tôi xem. Tôi sẽ rất tò mò lật từng trang. Ký ức về ông ngoại Amaro Lopes cũng hiện ra qua cúp tứ hùng mang tên ông. Nó diễn ra tại công viên triển lãm Mâcon mỗi năm 1 lần vào tháng 2 do CLB Sporting de Mâcon tổ chức, quy tụ cộng đồng người Bồ Đào Nha tại đây. Em trai tôi là Théo cũng thi đấu cho đội bóng này, nó khoác áo số 9.

Bà ngoại tôi sống đến năm 2009. Bà thường trông chúng tôi khi bố mẹ đi làm. Những năm tháng cuối đời, bà chuyển về sống cùng gia đình tôi. Khi ấy tôi đã sang Sociedad. Lúc còn nhỏ, tôi cũng trải qua vài kỳ nghỉ hè hiếm hoi tại Bồ đào Nha. Khi ấy, gia đình tôi vẫn còn vài người ở Pacos de Ferreira nhưng tôi lại cảm thấy không mấy đặc biệt. Mẹ tôi không bao giờ nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Bồ. Một ngày nào đó, tôi sẽ dành thời gian trở lại thăm cội nguồn của gia đình bên ngoại. Những gì mà tôi có chất Bồ ư? Không nghi ngờ gì, chính là bộ mông khủng của bà ngoại! Bạn thấy không, mông của Ronaldo cũng rất lớn đấy nhé!

Cha tôi là Alain, một đứa trẻ Mâcon chính hiệu. Quê gốc của cha từ vùng Alsace hoặc Áo. Cái tên Griezmann có nghĩa là “người đàn ông dũng cảm”. Ông nội tôi là Victor, sinh ra tại Orleans và sinh sống tại Mâcon.

Cha tôi bắt đầu chơi bóng lúc 9 tuổi tại CLB ASPTT Mâcon. Ông có thể đá hậu vệ hoặc tiền vệ. Cha tôi chỉ chơi bóng nghiệp dư (Hạng Tư Pháp) và từng khoác áo đội B St.Etienne. Sau đó ông đi lính cách nhà tôi chừng chục km, ở La Chapelle-de-Guinchay. Để có công ăn việc làm và chỗ ở, ông cần có chứng chỉ của CLB. Đồng thời ông ũng phải thi đấu cho đội bóng quận ở giải đấu hạng Bảy, đại diện cho khoảng 3.000 dân và hộ gia đình tại Ain và Rhone.

Tôi có tất cả mọi thứ để chơi bóng. Đó thực sự là thứ đã giúp bố mẹ tôi gặp nhau. Khi cha tôi chơi cho ASPTT Mâcon, người bạn thân nhất của ông là Manuel Lopes. Sinh ra tại Bồ, bác trai sau này của tôi xứng đáng có một sự nghiệp cầu thủ nhà nghề. Bác ấy có 3 lá phổi giống tôi. Nhưng bà ngoại tôi đã từ chối. Bà ngoại tôi không muốn bác ấy xa gia đình. Và giữa bóng đá và gia đình, bác Manuel không do dự chọn gia đình. Đến bây giờ bác vẫn rất hay tán gẫu với cha tôi và nói rằng bác xuất sắc hơn ông ấy, rằng tôi thừa hưởng tài năng từ bác. Còn cha tôi thì hay tếu táo rằng: “Anh thì có kỹ thuật thượng thừa, còn em lại thông minh. Nghĩa là, trong bóng đá, thông minh mới quan trọng!”. Manuel là tiền vệ dẫn dắt lối chơi. Bác ấy thích tấn công. Cực hiểu nhau, lại là bạn thân, hai người bạn tiếp tục gặp gỡ nhau thường xuyên khi cha tôi chuyển về sống tại La Chapelle-de-Guinchay.

G7 trước cửa nhà bà ngoại lúc 1 tuổi, ăn mừng chức vô địch của ĐT Pháp lúc 7 tuổi và chơi bóng với các bạn.
G7 trước cửa nhà bà ngoại lúc 1 tuổi, ăn mừng chức vô địch của ĐT Pháp lúc 7 tuổi và chơi bóng với các bạn.

Để giảm bớt áp lực, giải trí, họ thường rủ nhau đến một tòa nhà ở ga, gần khách sạn thành phố Mâcon. Trong số các nhân viên phụ vụ nữ có Isabelle, em gái bác Manuel. Isabelle bắt đầu làm việc tại đây từ năm 16 tuổi để giúp đỡ mẹ nuôi 5 miệng ăn. Ban đầu, Isabelle làm ở quầy bia Les Tuileries, rồi thời gian sau làm ở quầy rượu. Bố tôi khi nhìn thấy cô gái trẻ xinh đẹp này thì đã cảm nắng rồi, ngay cả khi Isabelle trẻ hơn bố rất nhiều. Thực tế thì Isabelle kém ông tận 9 tuổi. Bác Manuel trở thành thợ mộc, đảm nhận khâu đóng hàng. Lúc đó, bác Manuel đã kết hôn và rất ủng hộ mối quan hệ giữa bố tôi với Isabelle. “Đôi chim cu gáy” gặp gỡ nhau thường xuyên và nhanh chóng chính thức hóa mối quan hệ của mình. Năm 30 tuổi, bố tôi cưới vợ, còn Isabelle-mẹ tôi, mới 21. Sau đó ít lâu, chị Maud chào đời ngày 7/4/1988. Ba năm sau, tôi cất tiếng khóc chào đời ngày 21/3/1991. Năm năm sau, cậu út Théo sinh ra tại nhà hộ sinh Mâcon. Giống như chị Maud, tôi sinh ra tại nhà hộ sinh cũ ở phố Chailly-Gueret, Mâcon.

Cũng giống c Maud, tôi chỉ có một cái tên chính là Antoine. Còn Théo thì khác, tên nó dài lê thê với cả tên ông nội, ông ngoại tôi trên đó: Théo Victor-Amaro Griezmann. Khi mang thai Maud, bố mẹ tôi không biết đó là trai hay gái. Tất cả mọi người đều nói mẹ tôi mang thai một cậu bé. Vì thế, bố mẹ tôi chọn sẵn tên cho đứa con đầu lòng là Antoine. Nhưng Maud lại là gái. Chị ấy chả thèm cái tên này!

Ngay khi sinh con gái đầu lòng, bố tôi giảm rõ ràng công việc lại. Mỗi sáng chủ nhật, thay vì ra sân chơi bóng, ông đi dạo và chăm sóc hoa lá với mẹ tôi. Bởi mẹ tôi không thực sự hài lòng với cuộc sống ở La Chapelle-de-Guinchay. Vậy là sau khi sinh tôi vài tháng, bố tôi bảo mẹ tôi chuyển đến sống tại Mâcon. Lúc đó, bố tôi làm ở Tòa thị chính thành phố, ông được ưu tiên thuê nhà ở khu phố bình dân Gautriats, xung quanh là cây cối và các khu chung cư. Bố tôi thức dậy lúc 6:30, rồi đi phát bữa sáng cho chúng tôi, sau đó đi làm. Ông chịu trách nhiệm tu sửa các tòa nhà, giải quyết các vấn đề về máy móc hoặc điện nước.

Mỗi tối, bố tôi đặt báo thức lúc 23:00 để đi làm bảo vệ. Ông nhận làm thêm ở một sân bóng cạnh nhà. Sân này là một khu tổ hợp thể thao với những cơ sở vật chất của các môn như bóng đá, bóng chuyền, bóng ném và bóng rổ. Ban đầu, sân chưa được trải nhựa. Chúng tôi chơi trên cát. Bố tôi bắt gôn. Tóm lại, tôi nhanh chóng làm quen với trái bóng tròn từ lúc còn bé xíu. Tôi rất thích ngôi nhà của mình và môi trường sống trong lành, yên bình. Bố mẹ tôi sống ở đây cho đến năm 2013. Hiện tại, bố mẹ tôi vẫn luôn sống ở Mâcon. Và bố tôi vẫn tiếp tục làm một công dân ở Gautriats. Ông sẽ nghỉ hưu vào tháng 9/2017.

Mẹ tôi thì nghỉ việc cách đây 3 năm. Tôi đã yêu cầu bà nghỉ ngơi sớm vì lúc trẻ mẹ tôi vất vả đủ rồi. Thực tế, mẹ tôi không khỏe, hay bị mất ngủ, chóng mặt vì ngày xưa phải làm việc đứng trong hàng giờ đồng hồ mỗi ngày, giúp mọi người giải tỏa căng thẳng. Tôi nhìn thấy sức khỏe của mẹ sa sút rõ rệt. Bởi bà phải đi làm quá sớm, từ lúc mới 16 tuổi.

Sau khi làm nhân viên phục vụ quán ba được 5 năm, mẹ tôi đổi nghề lúc sinh chị Maud. Bởi bố tôi không muốn mẹ đi làm về quá trễ. Mẹ tôi bắt đầu công việc của một “bà mẹ bỉm sữa” và vài thứ đặc biệt khác. Ngay cả trong thời gian nghỉ sinh tôi, mẹ tôi vẫn phải làm việc, giúp bác tôi quản lý quầy bar vừa mới mở. Rồi mẹ tôi làm việc ở công ty vệ sinh Onet Services. Mẹ tôi thích nhất khi đến Trung tâm đón tiếp ở Mâcon để làm việc. Bà thức dậy lúc 3:30 rồi đi làm 30 phút sau đó. Đến 11:15 thì trở về nhà để chuẩn bị bữa trưa cho chúng tôi. Mỗi ngày mẹ tôi leo bộ rất nhiều. Bà lau chùi các phòng, sau đó mẹ tôi được chuyển lên làm văn phòng, quản lý khoảng 40 nhân viên, ký hợp đồng với các khách hàng của Onet. Quanh năm, bà phải vào viện.

UFM là đội bóng Pháp duy nhất G7 từng chơi

UFM là đội bóng Pháp duy nhất G7 từng chơi

Mẹ tôi rất yêu công việc của mình, nhưng đôi khi quên mất sức khỏe của bản thân. Công việc chiếm hết quỹ thời gian của bà. Lúc nào mẹ tôi cũng mệt mỏi, cảm thấy không khỏe và ngày càng ít thời gian sang thăm tôi. Điều này không thể kéo dài lâu được. Vậy là tôi yêu cầu mẹ tôi nghỉ việc. Tôi không cho bà có quyền lựa chọn. Chắc chắn nhờ lương của tôi tại Atletico và những hợp đồng quảng cáo khác, bà không phải lo lắng cho vấn đề tài chính và nhất quyết phải đi làm. Nhưng mẹ tôi suốt ngày than vãn là buồn tẻ. Thế là ở tuổi 51, mẹ tôi muốn mở một quầy bar ở Mâcon…

Bố mẹ chăm sóc chúng tôi bằng tất cả tình yêu và sự dịu dàng. Khi cả gia đình đi mua sắm ở Carrefour hau Auchan (những trung tâm mua sắm phổ biến tại Pháp), bố mẹ luôn tặng chúng tôi một món quà nhỏ. Bây giờ đến lượt mình, tôi muốn làm mọi thứ để bố mẹ hạnh phúc.

Tôi được nuôi dưỡng bằng “bầu sữa bóng đá”. Bố tôi huấn luyện không công cho rất nhiều đội bóng, từ U9 đến U21. 5 năm liền, ông huấn luyện cho CLB Thoissey, một làng nhỏ ở Ain, cách nhà tôi 30’ chạy xe. Hầu như lần nào tôi cũng theo ông đi. Tôi muốn dành tất cả mọi thời gian của mình để theo bố tôi đi tập. Tôi quan sát mọi thứ, dù chỉ một chi tiết nhỏ và tận dụng mọi thời gian để chơi bóng. Tôi cứ tập một mình với trái bóng nhỏ trong chân. Mỗi khi đội bóng nghỉ tập, tôi lại chạy vào sân tâng bóng, rê dắt và sút. Lúc thì có mình tôi, lúc lại có những cậu bé khác con của đội. Bố tôi về nhà sớm để chuẩn bị cho tôi đi học vào sáng hôm sau. Tôi mê nhất là cuối tuần vì được bố cho đi xem các trận đấu. 

Bạn bè tôi mơ ước thành Tổng thống, phi hành gia, phi công, bác sỹ, kỹ sư, luật sư, y tá, nhà khoa học hoặc kịch gia. Còn tôi, những nghề đó sao sao ấy. Tôi chả bao giờ có ý nghĩ trong đầu sau này phải làm gì. Ước mơ duy nhất của tôi là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Lúc nào trong đầu tôi cũng chỉ nghĩ đến điều đó. Và thế là, ngay từ tiểu học, tôi ngủ gật trong các môn học và vẽ nghệch ngoạc ra giấy: Tôi sẽ trở thành một cầu thủ bóng đá. Tôi không có kế hoạch B, C, D… gì đó. Vì với tôi, chỉ có bóng đá.

Thế nhưng ở trường, tôi lại chẳng dính phốt nào. Môn học yêu thích của tôi ư? Thể thao… Tôi dốt Toán, chẳng quan tâm đến Lịch sử-Địa lý. Tôi không nỗ lực đặc biệt nào cho các môn học này. Tôi không thích ngồi gần bảng, mà luôn chọn cuối lớp, gần cửa sổ để thường xuyên ngó ra ngoài, chỗ gần sân bóng mà các học sinh lớp khác đang luyện tập. Tôi rất mất tập trung. Thậm chí tôi còn chẳng hiểu tại sao mình lại có bằng tốt nghiệp các cấp vậy. Gia đình tôi thì không như vậy. Cả nhà luôn vặn vẹo rằng tôi đã phải trả bao nhiêu tiền để mua những tấm bằng ấy! Thực tế thì tôi lại được học các thầy cô cực kỳ quý mến mình và họ không quá nghiêm khắc với tôi. Họ hiểu mỗi đứa trẻ đều là một thiên tài trong thế mạnh của mình. 

Cái mái tóc vàng óng của tôi chẳng bao giờ ngẩng lên khỏi trái bóng cả. Có lẽ mọi người dân ở Gautriats đều biết niềm đam mê bóng đá của tôi. Thậm chí đi bơi tôi cũng mang theo quả bóng. Có một lần khi chuẩn bị đến trường, mẹ tôi gọi giật tôi lại và hỏi: “Antoine, con có chắc mình không quên gì không? – Không, mẹ ạ. Con có quả bóng rồi”. Tôi trả lời chắc như đinh đóng cột. Bóng thì không quên, nhưng cặp xách thì luôn là thứ phiền phức cho tôi. Quả bóng lúc nào cũng trên lưng và khiến tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Nó khiến tôi quên đi mọi lo âu, phiền muộn, nó khiến tôi hạnh phúc. Đó là người bạn tốt nhất của tôi.

Buổi trưa, ở trước hoặc sau căng tin, chúng tôi thường tổ chức những giải đấu nhỏ. Trên sân, khi không có khung thành bằng gỗ, tôi hay luyện tập ở những chỗ có các biển quảng cáo hình tam giác ở ngay phía sau cột bóng rổ. Bóng đá là tất cả với tôi. Lúc nào tôi cũng có một quả bóng trong người để chơi cùng đám bạn thân. Có lúc tôi ước mình có được 1 quả bóng da như những cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng ước chỉ để ước thôi. Vì tôi biết nó rất đắt tiền. Những môn thể thao khác lại không hấp dẫn tôi. Cho đến hôm nay, tôi vẫn luôn nhận ra rằng, trái bóng tròn là niềm đa mê, là lẽ sống của tôi. Và tôi cũng biết rằng học hành cũng quan trọng, đương nhiên là vậy rồi.

Khi không chơi bóng, thì tôi lại xem các trận đấu. Khi ĐT Pháp vô địch thế giới, tôi mới 7 tuổi. Lúc nhìn Didier Deschamps, thủ quân của Les Bleus khi ấy và HLV trưởng của chúng tôi bây giờ, nâng cao Cúp vàng thế giới dưới bầu trời trong xanh của Saint-Denis ngày 12/7/1998 sau khi nghiền nát Brazil 3-0, tôi vô cùng xúc động. Tôi đã xem trận chung kết ở nhà, cờ quạt treo đầy ban công nhà tôi. Các nhà khác cũng thế. Tôi đã theo dõi trận đấu này với chiếc áo đấu của Les Bleus trên vai. Chúng tôi la hét khi bàn thắng đến. 1, 2, và 3-0… Thật hoàn hảo. Chúng tôi đã tràn ra khắp các con phố ở Saone và tạo nên bầu không khí lễ hội với những cuộc diễu hành bằng ô tô. Tôi thầm ước được sống một ngày vĩ đại như thế trong đời cầu thủ.

G7 bên bố, chị gái và em trai
G7 bên bố, chị gái và em trai

Khi chuẩn bị cho World Cup 1998, ĐT Pháp đã có một chặng dừng chân ở ga tàu siêu tốc TGV của Mâcon-Loche. Các cầu thủ của Aime Jacquet đã luyện tập tại Saint-Jean-d’Ardieres, phía bắc Lyon. Họ ở lâu đài Izay, nơi đóng quân của Bắc Ireland tại EURO 2016. Buổi tập ấy tôi đã tham dự. Bố của Jean-Baptiste Michaud, người bạn tốt nhất của tôi, đã dẫn chúng tôi đi. Jean-Baptiste đã thành công mỹ mãn khi xin được chữ ký của Zidane trên quả bóng của cậu ấy. Tôi thì có được chữ ký của những cầu thủ khác, trừ Zizou. Tất nhiên là tôi vô cùng thất vọng. Tôi nhút nhát đến nỗi nhìn thấy Zizou mà chả dám mở lời. Buổi tập ấy được kênh truyền hình M6 phát đi trong bản tin thể thao của họ về nhật ký của Les Bleus. Người ta đã thấy chúng tôi, hai cậu bé tóc vàng óng cứ chạy theo các cầu thủ. Phóng viên hỏi tên tất cả các cầu thủ của Les Bleus, Jean-Baptiste quên không nhớ một vài người, tôi lại nhắc cậu ấy. Sau này chính Jean-Baptiste đã gửi phóng sự ngắn ấy cho tôi.

Clip: Griezmann cùng cậu bạn Jean-Baptiste xin chữ ký của các tuyển thủ Pháp trước World Cup 1998

NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY

Nhờ có bố, tôi được dự khán nhiều trận đấu. Sau chặng đường dài ngồi ô tô ê ẩm cả người, chúng tôi xem trận đấu của Olympique Marseille, đội bóng mà bố tôi đánh giá rất cao. Jean-Baptiste thường đi cùng chúng tôi. Đó là trận đấu bán kết Cúp UEFA vào tháng 4/1999. Khi ấy tôi 8 tuổi. Sân Vélodrome chật kín khán giả. Chắc phải lên tới 80.000 người. Dưới sân, có Laurent Blanc, Peter Luccin, Daniel Bravo, William Gallas, Christophe Dugarry và cả Fabrizio Ravanelli nữa. Nhưng chẳng đội nào thắng, cũng chẳng có bàn thắng nào được ghi. Thực tế, tôi chả xem gì trận đấu ấy. Tôi bị hút hồn vào cảnh tượng trên khán đài. Tôi thực sự bị các CĐV Marseille quyến rũ. Họ hát hò suốt cả trận đấu, không ngừng nghỉ để cổ vũ cho đội nhà. Tôi lại ước mình được thi đấu trong bầu không khí cuồng nhiệt, máu lửa ấy.

Nhưng sân Gerland của Lyon mới là nơi tôi thường xuyên tới. Bố tôi không đặt vé cả mùa, nhưng chúng tôi lại đến đó mỗi cuối tuần. Thứ nhất, bởi Lyon rất gần Mâcon, chỉ cách khoảng 1 giờ chạy xe. Thứ hai, tôi mê tít cái thời Lyon bắt đầu thống trị làng túc cầu Pháp với 7 chức VĐQG liên tiếp (từ 2002-2008).

Tôi đã có mặt tại Gerland khi lần đầu tiên trong lịch sử CLB lên ngôi vô địch, ngày 2/5/2002 sau khi đánh bại Lens, đội bóng xếp trên họ ngay trước vòng đấu cuối. Đó là một trong những buổi chiều vô cùng hạnh phúc. Hạnh phúc đến phát điên ấy. Lyon thắng 3-1 để lên ngôi vô địch một cách ngoạn mục. Các cầu thủ Lyon tiến sát đến khu vực khán giả, hò hét và tung áo đấu cho CĐV. Riêng tiền vệ Eric Carriere còn tặng cả quần sooc nữa. Khi Carriere xuất hiện với chỉ mỗi chiếc quần sịp trên sân, tôi ở rất gần anh ấy, tôi hét lên vì sung sướng.

Thật là tuyệt vời. Một bầu không khí kỳ diệu mà tôi đã từng được tham dự trước đó không lâu, tháng 12/2000. Trận derby miền Nam giữa Lyon và đội bóng láng giềng Saint-Étienne. Tôi muốn được tận hưởng bầu không khí của các CĐV cuồng nhiệt nhất nên lọt thỏm vào giữa họ. Tôi chả xem được gì mà chỉ cảm thấy như mình đang sống giữa những người bị điên. Tôi bị đẩy qua đẩy lại. Nhưng có một cảnh tượng thật hoàn mỹ: Christophe Delmotte đánh đầu mang về 3 điểm cho Lyon trong trận đó khi thời gian đá bù giờ bước sang phút thứ 10.

Nói chung là tôi có rất nhiều kỷ niệm khi đi xem bóng tại Gerland.  Khi bố bận việc, mẹ sẽ đưa tôi đi. Tôi thường ăn ngấu nghiến một cái kebab trước khi vào sân.

Khoảng tầm giữa tháng 12 và tháng 1, thời tiết lạnh vô cùng. Khi ấy, tôi lại đi cùng em họ Dominique Martins. Tôi thích xem những trận OL-OM (Lyon-Marseille). Hai cầu thủ Lyon mà tôi thích nhất hồi đó đều là người Brazil: Fred và Edmilson. Người mà tôi mê nhất là Sony Anderson thì lại chuyển sang khoác áo Barcelona từ năm 1999. Tôi cũng thích cả Juninho nữa. Những cú sút phạt thần sầu của Juninho là kinh điển với quỹ đạo bay không thể kiểm soát được. Nhất là trong những trận đấu gặp Real và Barca tại Champions League, áo đấu số 8 của Juninho luôn cháy hàng; và trên sân, anh ấy luôn đẳng cấp với những cú treo bóng, sút phạt. Những bàn thắng từ các cú sút trên dưới 40 mét luôn khiến công chúng không ngừng hò reo tên Juninho và nó ngấm vào tôi như bảng cửu chương vậy.

Những mẫu cầu thủ mà tôi thích ở khắp nơi trên thế giới. Về tóc tai, tôi giống hệt như Pavel Nedved, tiền vệ dẫn dắt lối chơi của Juventus và CH Séc. Tôi giống như một con mèo nhỏ và thường đòi mẹ tôi nhuộm màu tóc vàng óng và để dài cho giống hệt với Quả bóng Vàng này.

Nếu thần tượng trong và ngoài sân cỏ của tôi là David Beckham, thì tôi cũng là fan bự của Didier Drogba. Khi anh ấy khoác áo Marseille với đôi giầy xanh, tôi cũng nhuộm cho tất cả những đôi giầy của tôi y chang như vậy. Tôi còn sưu tập rất nhiều chữ ký của các cầu thủ Lyon. Bố tôi quen với một trong những bác sỹ của đội ngũ y tế Lyon là Patrick Perret. Chúng tôi thường được gặp ông ấy ở lâu đài Pizay, ở đó tôi có dịp được tiếp cận gần hơn với các cầu thủ. Tôi nhát lắm. Bố tôi toàn phải chụp ảnh cho tôi rồi xin chữ ký của họ. Tôi đã chụp ảnh với rất nhiều cầu thủ Lyon như Pierre Laigle, Vikash Dhorasoo, Philippe Violeau, Tony Vaireilles hay Sony Anderson, người mà tôi thích nhất. Anderson còn tặng tôi cả 1 cái áo.

Một điểm khác nữa cũng vô cùng quan trọng trong mắt tôi là cách ăn mừng bàn thắng. Mỗi khi ghi bàn, tôi quỳ gối trượt đi xa nhất có thể, giống như Fernando Torres đã làm. Tôi chạy một mạch đến điểm phạt góc rồi chạy đi… Tôi đã bắt đầu ăn mừng như thế khi còn rất nhỏ với các bạn của tôi.

Tại EURO 2016, khi ghi bàn vào lưới CH Ireland, tôi đã ăn mừng bằng một cái nháy mắt của rapper nổi tiếng người Canada Drake, tôi đưa hai tay lên tai, giống như đang nghe hai điện thoại vậy…

Lúc nhỏ, tôi tôn thờ hầu hết những bàn thắng mà mình ghi. Bố tôi thường bắt tôi làm thủ môn, để cảm nhận được các pha dứt điểm của đối phương. Cũng nhờ đó, sau này tôi hiểu được thêm nhiều điều về tâm lý các thủ môn và giúp tôi nhạy cảm, tinh tế hơn trong các pha đối mặt với khung thành đối phương. Ngay cả bây giờ khi kết thúc mỗi buổi tập tại Atletico, tôi cũng thường xuyên làm thủ môn để cản phá một vài cú sút. Tôi là cầu thủ duy nhất trong đội làm điều đó. Thậm chí ở nhà, khi các bạn đến chơi, tôi cũng sắm vai thủ môn khi cùng đá bóng trong vườn.

Charnay-les-Mâcon là đội bóng đầu tiên mà tôi được nhận vào, ở lứa tuổi nhỏ nhất. Sân La Massonne là nơi diễn ra các trận đấu của chúng tôi. Cha đỡ đầu của con gái Mia của tôi và là bạn thân nhất của tôi Jean-Baptiste cũng có mặt khi ấy. Bruno Chetoux là một trong những HLV đầu tiên đặt niềm tin vào tôi. Cho đến tận bây giờ, tôi luôn giữ những kỷ niệm rất đẹp về ông ấy. Sau đó có Christophe Grosjean và Jerome Millet.

Rồi Charnay sáp nhập với CLB Mâcon. UFM (CLB bóng đá Mâcon) ra đời. Tôi thi đấu ở đó với các cầu thủ U13. HLV ư? Tất nhiên là bố tôi! Khi chúng tôi bị thủng lưới, đó là lỗi của tôi. Bố cực kỳ nghiêm khắc với tôi. Ông không bao giờ nương tay, dù tôi là con trai cưng của bố. Điều đó giúp tôi trưởng thành hơn so với các bạn cùng trang lứa. Tôi học được cách thi đấu vì tập thể. Bố thường chỉnh tôi từ lời ăn tiếng nói ở trên sân. Nhưng khi trở về nhà, mọi thứ bị gạt hết qua một bên. Chúng tôi lại ở bên nhau như những người bạn!

Bruno Chetoux, HLV đầu tiên của G7 và chiếc áo đấu do chính anh tặng

Rồi chúng tôi tham gia triền miên vào các giải lớn nhỏ dành cho nhi đồng. chúng tôi giành được không ít danh hiệu ở địa phương, trong đó có chức vô địch Bourgogne. Tuy nhiên, tôi và Jean-Baptiste đều bị hạn chế rất nhiều ở vóc dáng khiêm tốn. Chúng tôi lọt thỏm giữa đám cầu thủ cùng tuổi cao to. Tôi tồn sùng các buổi tập luyện của bố. Ông dậy chúng tôi làm người trước khi trở thành cầu thủ. Tôi thích chạy cánh hoặc trung phong. Tôi có cái chân trái biết tạo nên sự khác biệt. Sau đó, suốt một thời gian dài bố tôi dẫn dắt U19 của UFM. Sau khi nghỉ hai năm rưỡi, giờ ông lại quay lại với trái bóng khi dẫn dắt U13 của UFM. Ông đến đây huấn luyện 3 buổi mỗi tuần. Ông không thể xa được trái bóng.

Tôi đã được gặp HLV Jean Belver, người quản lý đội bóng nhỏ ở Louhans-Cuiseaux cùng với một cựu cầu thủ của giải hạng Tư Pháp là Thierry Comas. Belver quan sát các cầu thủ 14 tuổi và nhìn thấy rõ tố chất siêu việt của tôi. Ông đặc biệt quan tâm đến tôi. Một cá tính cao đẹp. Những buổi gặp gỡ, trò chuyện cùng Belver giúp ích nhiều cho tôi sau này. Ông giúp tôi hiểu về cường độ thi đấu, về nụ cười và về lối chơi căn bản của mình. Đồng thời, Belver cũng giúp chúng tôi cải thiện thể hình. Để tăng cường sức mạnh, chúng tôi cần phải sút bóng bằng chân trần. Lúc đầu, tôi chẳng hiểu ông bắt chúng tôi tập vậy để làm gì. Nhưng ông có lý. Cuối mỗi trận ông đều yêu cầu chúng tôi sút mạnh nhất có thể để bóng xé rách lưới mà không chạm đất. Chân tôi chai cứng thành tật, nhưng không hề đau đớn. Đó là một cách sút giúp chúng tôi có những pha dứt điểm phong phú.

Bài tập này không phải lúc nào cũng có ít với tôi, bởi giầy của tôi chỉ nặng có 100g. Chúng quá mỏng và nhẹ. Tôi thích cảm giác này. Vì nó giống như tôi chẳng mang gì ở chân. 

Jean Belver qua đời ngày 27/10/2016 ở tuổi 92. Ông đã từng khoác áo ĐT Pháp 1 lần. Ông từng thi đấu cho Reims, Lyon, Marseille, từng làm đội trưởng của Nice khi đoạt cú đúp vô địch Ligue 1 và đoạt Cúp Quốc gia năm 1952. Với tài năng đào tạo cùng phát hiện nhân tài của mình, ông được mệnh danh là “phù thủy”. Tôi sẽ không bao giờ quên ông.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
28
+46
64
2
28
+39
64
3
27
+34
60
4
29
+18
56
5
28
+17
53
6
28
0
47
7
29
-4
44
8
28
+6
42
9
28
-2
41
10
28
+11
40
11
27
+2
39
12
29
-1
38
13
28
-11
35
14
28
-16
27
15
28
-12
26
16
29
-18
22
17
28
-10
21
18
29
-16
21
19
29
-34
17
20
28
-49
15
  • CS2 tham gia Esports World Cup lần đầu tiên CS2 tham gia Esports World Cup lần đầu tiên

    Ban tổ chức Esports World Cup công bố thông tin chi tiết về giải cho bộ môn CS2. Trước đó, giải đấu được biết tới với tên Gamers8, lần đầu tổ chức vào năm 2023 tại Riyadh, Ả Rập Xê Út.

  • Tin giờ chót 29/3: MU tính đổi Greenwood lấy 'đá tảng' của Juventus Tin giờ chót 29/3: MU tính đổi Greenwood lấy 'đá tảng' của Juventus

    MU muốn đổi Greenwood lấy Bremer, Barca đón Pedri và De Jong trở lại, Bruno Fernandes đối diện nguy cơ treo giò.... là những tin tức nổi bật tối ngày 29/3.

  • Nhận định bóng đá HAGL vs Khánh Hoà, 17h00 ngày 30/3: Phố Núi thoát hiểm 17h00 ngày 30/3, HAGL vs Khánh Hoà

    Nhận định bóng trận HAGL vs Khánh Hoà diễn ra lúc 17h00 ngày 30/3 trong khuôn khổ vòng 14 V.League 2023/24. Bongdaplus phân tích lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số.

  • Nhận định bóng đá Girona vs Betis, 21h15 ngày 31/3: Khách tiếp tục rơi tự do 21h15 ngày 31/3: Girona vs Betis

    Nhận định bóng đá trận đấu giữa Girona vs Betis trong khuôn khổ vòng 30 giải VĐQG Tây Ban Nha sẽ diễn ra vào lúc 21h15 ngày 31/3. Bongdaplus phân tích thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, soi kèo nhà cái, dự đoán tỉ số.

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x