Bản quyền truyền hình giải V.League - Câu chuyện hàng đổi hàng

Trung Yên
10:41 ngày 16-04-2016
Suy thoái kinh tế cộng với việc chất lượng bóng đá đi xuống đã khiến VPF gặp khó khăn trong việc bán bản quyền truyền hình giải đấu V.League.
Bản quyền truyền hình giải V.League - Câu chuyện hàng đổi hàng
Hiện tại, VPF không nhận một đồng nào tiền mặt từ việc bán bản quyền truyền hình V.League cho các nhà đài mà trao đổi để nhận lại 15 phút quảng cáo mỗi trận đấu, dùng nó để quảng bá cho các nhà tài trợ của giải.

CÁC NHÀ ĐÀI KHÔNG PHẢI TRẢ TIỀN
Năm 2005, bản quyền truyền hình V.League bắt đầu được bán. Tuy nhiên, thời điểm đó giá trị hợp đồng giữa VFF và VTV cực thấp, gần như là tượng trưng, được phân chia theo tỷ lệ 55% - 35% - 15% (VFF - Chủ nhà - Đội khách). 

Cuối năm 2010, VFF bán bản quyền V.League cho AVG với bản hợp đồng có thời hạn 20 năm. Giá bản quyền truyền hình V.League mùa 2011 là 6 tỷ đồng, mỗi năm tăng 10% luỹ tiến. Theo kế hoạch, tới năm cuối của bản hợp đồng trên, năm 2020, giá trị bản quyền truyền hình V.League sẽ là 12 tỷ đồng. Số tiền trên được chia theo tỷ lệ 40% - 40% - 20%.

Tuy nhiên, ngay trong năm 2011, VPF được thành lập từ ý tưởng của bầu Kiên. Công ty này đã lấy lại hợp đồng bản quyền truyền hình V.League. Khi nhận quyền chuyển giao từ AVG, phía VPF cam kết sẽ khai thác được tối thiểu 50 tỷ đồng mỗi năm từ bản quyền truyền hình. 

Thậm chí, họ còn hướng đến cái đích 100 tỷ đồng ở năm 2013 và 300 hay 500 tỷ đồng vào những năm sau nữa. Theo kế hoạch, bầu Kiên sẽ mời 10 doanh nghiệp hàng đầu như ngân hàng ACB, Vinamilk, Techcombank... vào Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam, các doanh nghiệp này sẽ chi khủng để đổi lấy quảng cáo trên truyền hình.

Đáng tiếc, kế hoạch trên thực hiện chưa được bao lâu thì đổ bể vì bầu Kiên vướng vòng lao lý. Hội đồng bảo trợ tan vỡ và kế hoạch kiếm hàng trăm tỷ bản quyền truyền hình mỗi mùa V.League đi vào ngõ cụt. 

VPF phải xoay sở khá khó khăn trong chuyện kiếm tiền. Bản quyền truyền hình V.League hiện được bán rộng rãi cho các đài, với ưu tiên số một là VTV. VTV sẽ được quyền chọn các trận đấu trước, tiếp đến là các đài khác như VTC, đài địa phương.

Đặc biệt, không giống như Ngoại hạng Anh, La Liga, Bundesliga... tiền bản quyền truyền hình V.League không được thu bằng tiền mặt mà được thanh toán theo phương thức “hàng đổi hàng”. Các nhà đài tường thuật các trận đấu của giải bóng đá số một Việt Nam mà không phải chi trả đồng nào. Tuy nhiên, họ sẽ phải đổi cho VPF 15 phút quảng cáo, trước, giữa và sau mỗi trận đấu.


“Tiền bản quyền các trận đấu VPF không thu trực tiếp từ các nhà đài. Tuy nhiên, với việc có 15 phút quảng cáo, chúng tôi sử dụng để phát quảng cáo cho các nhà tài trợ của giải. Điều này giúp V.League hút nhiều nhà tài trợ hơn, thu được nhiều tiền hơn. Phương thức hàng đổi hàng được vận dụng một cách linh hoạt vào chuyện bản quyền truyền hình V.League”, TGĐ VPF Cao Văn Chóng chia sẻ. 

Theo luật, VPF được dùng 15 phút quảng cáo này để bán cả cho các doanh nghiệp không tài trợ cho giải đấu để lấy kinh phí. Tuy nhiên, hiện tại VPF chưa thực hiện cách làm này. VPF mới chỉ dùng để phát quảng cáo cho các doanh nghiệp có tài trợ cho giải bởi muốn tạo sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và V.League.

Ông Chóng cho biết thêm trong hợp đồng đã ký, không có quy định VPF phải quảng cáo cho mỗi doanh nghiệp tài trợ bao nhiêu phút mỗi mùa giải. Tuy nhiên, VPF luôn “làm hết mình” bởi xác định tư tưởng phải làm hình ảnh tốt cho các nhà tài trợ để họ cảm nhận rõ lợi ích khi tài trợ cho V.League, qua đó gắn bó lâu dài cùng nhau.

PHƯƠNG THỨC CHIA TIỀN
Do thực hiện theo cách “hàng đổi hàng” nên khó có thể nói chính xác số tiền VPF thu được từ bản quyền truyền hình. Số tiền trên được gộp vào kinh phí thu được từ các nhà tài trợ. Theo tính toán sơ bộ, trong năm 2016, bản quyền truyền hình V.League rơi vào khoảng 30 tỷ đồng trong tổng số 121 tỷ đồng mà VPF phấn đấu thu về. Năm 2015, tiền từ bản quyền truyền hình được tính là 20 tỷ đồng.

Điều đặc biệt, tại V.League không phải cứ đội có thứ hạng cao hơn khi mùa giải khép lại là được nhận số tiền lớn hơn. VPF phân chia tiền không chỉ dựa vào thứ bậc mà còn có nhiều yếu tố khác như ít vi phạm kỷ luật, tính chuyên nghiệp của đội ngũ CĐV...

Điển hình, mùa giải 2015, đội á quân V.League Hà Nội T&T được nhận 918 triệu đồng, ít hơn 12 triệu đồng so với đội giành HCĐ là FLC Thanh Hoá. B.Bình Dương, đội bảo vệ thành công chức vô địch được nhận nhiều tiền hỗ trợ nhất từ VPF, với 1,3 tỷ đồng.

Doanh thu của VPF trong năm 2015 là 101 tỷ, 498 triệu đồng. Tổng số tiền mà VPF chi hỗ trợ cho các đội bóng dự V.League 2015 là 15 tỷ 298 triệu đồng. Theo kế hoạch, năm 2016 VPF sẽ thu về 121 tỷ đồng, tiền hỗ trợ cho các đội dự V.League là 16 tỷ 800 triệu đồng. 

VPF đã rất nỗ lực trong việc tăng thu từ bản quyền truyền hình để chia cho các đội bóng. Tuy nhiên, số tiền các CLB nhận được vẫn là quá nhỏ. Nhiều lãnh đạo thừa nhận không trông chờ gì nhiều vào tiền bản quyền truyền hình bởi tổng số tiền họ nhận được hỗ trợ từ VPF chưa đủ để ký hợp đồng với một cầu thủ có chất lượng chuyên môn vào dạng khá.

Hụt đại gia
MP&Silva từng ngỏ lời về chuyện mua bản quyền truyền hình bóng đá V.League. Tuy nhiên, vào phút cuối công ty có trụ sở tại Anh này đã “bỏ của chạy lấy người”. Nguyên nhân là bởi họ không thể độc quyền do tại Việt Nam, các đài truyền hình địa phương luôn phải có được quyền truyền hình trực tiếp các trận đấu có đội bóng của họ, phục vụ mục đích “quảng bá”.

Không thể ký kết với MP&Silva, VPF mất một khoản lớn. Cuối năm 2015, đối tác này đã ký một bản hợp đồng “nặng đô” về bản quyền truyền hình giải vô địch quốc gia Malaysia. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) Tengku Abdullah cho hay hợp đồng với MP&Silva (ảnh) có thời hạn 15 năm, trị giá 1,26 tỷ ringgit (tương đương 7.350 tỷ đồng).


MP & Silva cam kết rót mỗi năm 70 triệu ringgit trong thời hạn bản hợp đồng đầu tiên từ 2016 đến 2021, tăng lên 85 triệu ringgit cho giai đoạn 2022-2024, 92 triệu ringgit cho 2025-2027 và cao nhất là 103 triệu ringgit ở bản hợp đồng cuối cùng 2028-2030. 

40% số tiền mỗi năm được chuyển cho FAM, 30% được chia cho 12 đội bóng tham dự giải đấu và số còn lại được dành cho hoạt động phát triển công tác trọng tài và đào tạo trẻ.

Kỳ vọng đến con số hàng trăm tỉ đồng thu về từ việc bán BQTH giải V.League, nhưng cho đến nay, VPF vẫn phải chấp nhận phương thức “đổi bản quyền lấy quảng cáo” với các nhà đài và hoàn toàn không nhận được một đồng tiền mặt nào từ việc bán BQTH V.League. Đó là sự tương phản giữa BQTH V.League với BQTH Premier League, giải đấu đang chứng kiến giá trị tăng phi mã với tốc độ chóng mặt.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
33
+48
76
3
34
+41
74
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
33
-2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x