Chelsea và sự điên rồ của hệ thống cho mượn cầu thủ

Chiêu Văn
14:46 ngày 23-09-2014
Chính sách mua sao trẻ sau đó cho mượn hàng loạt đang giúp Chelsea gặt hái nhiều kết quả tích cực. Một có thể thu về kết quả tốt như trường hợp thủ môn Thibaut Courtois hoặc nếu không cũng có thể bán được với giá hời như Lukaku chẳng hạn.
Chelsea và sự điên rồ của hệ thống cho mượn cầu thủ
Cuối tuần trước ở Rayo Vallecano, một đội bóng cũ của Diego Costa, một cầu thủ có nhiều liên hệ với Chelsea ghi một bàn thắng khiến nhiều người nghĩ tới chân sút mới trị giá 32 triệu bảng ở Stamford Bridge.

Lao lên đón một đường chuyền dài dọc sân, đón bóng bằng chân trái rồi tung ra cú sút chân phải đưa bóng găm vào góc lưới, tác giả bàn thắng là Gael Kakuta. Cầu thủ thuộc biên chế The Blues vừa bắt đầu hợp đồng cho mượn thứ 6 ở quốc gia thứ 5, khi mới 23 tuổi.

Không lâu sau hồi còi chung cuộc trận đấu giữa Rayo và Elche, Kakuta sẽ phải gọi điện về London để báo cáo về trận đấu của anh. Giám đốc điều hành Ron Gourlay của Chelsea từng khẳng định mọi cầu thủ mà CLB mang cho mượn phải báo cáo lại đơn vị chủ quản 30 phút sau khi đá một trận chính thức.

Kakuta đang được Chelsea kiểm soát từng ly từng tý

Với tất cả 26 người đang lang thang khắp châu Âu, còn đông hơn danh sách đăng ký dự Premier League cho cả mùa giải (25 người), theo dõi các hợp đồng cho mượn sẽ là một công việc bề bộn với Gourlay và HLV Jose Mourinho.

Kakuta thì nhiều người biết, do anh từng được coi là một trong những tài năng triển vọng nhất thế giới bóng đá cách đây chưa lâu. Nhưng ngay cả với tài năng đó, Kakuta tới giờ vẫn chưa khẳng định được mình. Thật ra, có rất ít người chia tay Chelsea theo dạng cho mượn sau đó có thể trở về hoặc bước lên một đẳng cấp cao hơn.

Ví dụ tuyệt vời nhất có lẽ là thủ thành người Bỉ Thibaut Courtois, đã trải qua vài mùa giải rèn giũa kỹ năng ở Atletico Madrid, học hỏi được nhiều và trở về Chelsea để bắt chính. Courtois đã chơi hơn 100 trận trong 3 mùa giải ở TBN, củng cố danh tiếng và năng lực của anh, là nền tảng quan trọng để Atletico vô địch La Liga, Europa League và vào tới chung kết Champions League mùa trước.

Thibaut Courtois là kết quả rõ nhất cho thành công của kế hoạch cho mượn tài năng của Chelsea 

Một số trường hợp khá thành công khác là Romelu Lukaku hay Kevin De Bruyne, những người sau đó được bán đi giúp CLB thu về khoản lãi lớn. Chelsea đã bỏ túi khoảng 25 triệu bảng bằng cách mua 2 cầu thủ người Bỉ, cho mượn họ một thời gian, rồi bán đứt.

Nhưng những người còn lại, sự nghiệp của họ trôi vào quên lãng, với Josh McEachran, Marco van Ginkel hay Oriol Romeu là thường được nhắc nhất. Chelsea cần những cầu thủ giúp họ vô địch Premier League và Champions League, tức là không cần 3 người đó (Romeu hiện đang ở Stuttgart, Van Ginkel ở AC Milan, McEachran ở CLB đối tác của Chelsea tại Hà Lan, Vitesse Arnhem).

Với các cầu thủ, việc cứ phải lang thang khắp nơi khiến họ không thể xây dựng một sự nghiệp ổn định, sự tự tin và môi trường cần thiết để tiến bộ. Trong thế giới cạnh tranh gắt gao như bóng đá chuyên nghiệp, bất cứ cầu thủ trẻ nào được một đội bóng lớn tiếp cận đều đứng trước ngã ba đường. Bạn sẽ ở lại, gần gũi với gia đình, tiến bộ thêm và chờ đợi, con cá lớn nhất trong cái ao nhỏ? Hay bạn sẽ muốn nâng cấp danh tiếng, tiền lương và những cơ sở vật chất mới ở một CLB lớn, tranh đấu để trở thành con cá lớn của biển cả?

Oriol Romeu đang được Chelsea cho Stuttgart mượn

Hãy trở lại với Kakuta. Ai biết được sự nghiệp của anh sẽ ra sao nếu giờ Kakuta vẫn còn ở lại với đội bóng thời thơ ấu Lens. Có thể anh sẽ tiến bộ chậm hơn, nhưng có điều chắc chắn là với việc chấp nhận tham gia “chuỗi dây chuyền sản xuất” của Chelsea, sự nghiệp của anh giờ không như tiên đoán. Kakuta tài năng tới mức Chelsea đã chấp nhận một khoản phạt lớn để lôi kéo anh khỏi Lens. Mùa hè năm 2007, khi Kakuta bước sang tuổi 16, anh bị phạt nặng vì phá vỡ hợp đồng để chuyển sang Stamford Bridge. Vụ kiện tụng lên tới Ủy ban kỷ luật của FIFA, Kakuta bị cấm thi đấu 4 tháng và bị phạt 780.000 euro, trong khi Chelsea bị cấm mua cầu thủ trong 2 kỳ chuyển nhượng. Án phạt cấm mua cầu thủ bị Tòa án trọng tài thể thao hủy bỏ, nhưng Chelsea vẫn chấp nhận rủi ro rất lớn để có Kakuta.

“Tài năng bẩm sinh của cậu ấy thật đáng kinh ngạc”, Frank Lampard từng nói về anh. Tiền vệ John Mikel Obi thì kể anh từng phải phạm lỗi nhiều lần với Kakuta khi tập, “vì đó là cách duy nhất để ngăn cậu ấy lại”. Mikel, cũng gia nhập Chelsea từ khi còn rất trẻ sau một vụ chuyển nhượng đầy tranh cãi, từng tìm cách khuyên nhủ Kakuta: “Tôi chịu nhiều áp lực do còn quá trẻ, nhưng tôi cố gắng chỉ tập trung vào bóng đá. Đó là điều Gael nên làm”.

Kakuta ra mắt tháng 11/2009, cùng với 2 cầu thủ trẻ khác, cả ba đều vào sân từ ghế dự bị khi Chelsea đè bẹp Wolves. 2 người kia là Fabio Borini, chân sút người Italia chuyển tới từ Bologna, và Nemanja Matic, tiền vệ trung tâm người Serbia.

Lukaku không tha thiết quay về Chelsea sau khi bị đẩy sang Everton dưới dạng cho mượn 

Hành trình sau đó của họ tạo ra sự so sánh hết sức thú vị. HLV Carlo Ancelotti, đang dẫn dắt Chelsea khi đó, tiên đoán rằng 5-6 tài năng trẻ ở CLB sẽ tìm được đường lên đội 1. Matic trải qua 1 năm cho mượn ở Vitesse Arnhem, rồi được bán sang Benfica, một phần trong thương vụ đưa David Luiz về Stamford Bridge, trước khi Chelsea mua lại anh tháng 1 vừa rồi với giá 21 triệu bảng. Sau một vòng tròn, giờ Matic đang ở đội 1 Chelsea. Borini chơi theo dạng cho mượn ở Swansea trước khi tới Parma, Roma và Liverpool (đội mùa trước đem anh cho Sunderland mượn).

Câu chuyện của Kakuta thì khác. Anh trải qua vài hợp đồng cho mượn ở các CLB Premier League khiêm tốn hơn (Fulham và Bolton), mà không gây được ấn tượng. Anh về lại Pháp khoác áo Dijon trong 6 tháng, có ích hơn một chút, với 4 bàn sau 12 trận. Tiếp theo là một mùa giải với Vitesse ở Hà Lan, rồi chuyển sang Lazio. CLB Italia quyết định không giữ anh lại để rồi mùa này thêm một thử nghiệm nữa bắt đầu với cầu thủ đã 23 tuổi, với Rayo Vallecano tại TBN.

Guy Hillion, tay cò đã giới thiệu Kakuta cho Chelsea, nói cách họ sử dụng anh là sự lãng phí lớn. “Nhưng tài năng là không đủ”, Hillion cảm khái. “Khi bạn gặp hết thất bại này tới thất bại khác và ở bất kỳ CLB nào bạn chơi bóng, bạn cũng gặp vấn đề, thì bạn phải nghĩ về những điều bên ngoài sân bóng nữa. Không thể quản lý được việc cầu thủ, hay những người đi theo anh ta, gia đình, bè bạn, nghĩ gì”.

Mượn được Lampard trong thời gian ngắn hạn cũng là thành công của Man City

Tất nhiên, Chelsea không phải là đội duy nhất tìm cách mua về những cầu thủ trẻ khi còn chưa tới tuổi lao động. Arsenal từng rất thành công với Cesc Fabregas, nhưng những thất bại vẫn nhiều hơn, như Denilson hay Nicklas Bendtner.

Đội bóng áo đỏ-trắng hiện có trong đội hình cầu thủ chạy cánh 21 tuổi người Brazil - Wellington Silva, đang chơi theo hợp đồng cho mượn thứ 5 trong 3 mùa giải kể từ khi gia nhập Arsenal từ Fluminese. Phần lớn lương của anh vẫn do Arsenal trả và họ không hy vọng thu hồi được khoản phí chuyển nhượng 3 triệu bảng một khi hợp đồng của Silva đáo hạn.

Nhưng số cầu thủ mà Chelsea cho mượn cho thấy họ không chỉ coi đó là một cơ hội cho những cầu thủ trẻ, đó đã trở thành một chiến lược thực sự ở Stamford Bridge. Luật công bằng tài chính (FFP) cũng đã khiến các hợp đồng cho mượn trở lên kỳ lạ hơn, như việc Fernando Torres được cho mượn 2 năm ở AC Milan, Man United mượn Radamel Falcao từ Monaco một mùa, hay Alvaro Negredo tới Valencia từ Man City, mà không đội nào phải trả khoản phí chuyển nhượng lẽ ra là rất lớn.

Các đội mượn cầu thủ cũng có nhiều điều để hy vọng, như Everton cho thấy mùa trước với Lukaku, Gareth Barry và tài năng trẻ của Barcelona - Gerard Deulofeu. Về mặt tài chính hệ thống cho mượn giúp các đội có nhiều lựa chọn hơn, như trường hợp Divock Origi, đã được Liverpool mua với giá 10 triệu bảng, nhưng ở lại Lille theo dạng cho mượn để được ra sân nhiều hơn, và cũng như một cách giúp giá mua anh giảm xuống.

Nhưng để tổng kết cho sự điên rồ của hệ thống cho mượn, không có gì kỳ lạ hơn việc Chelsea bị Frank Lampard chọc thủng lưới cuối tuần qua. Lampard hiện thuộc sở hữu CLB Mỹ New York City, và trở lại Man City theo một hợp đồng cho mượn.

Đội hình cho mượn của Man City và Chelsea
Thủ môn: Matej Delac (Chelsea-Arles-Avignon, Pháp).
Hậu vệ: Micah Richards (Man City-Fiorentina, Italia), Nathaniel Chalobah (Chelsea-Burnley, Anh), Tomas Kalas (Chelsea-Cologne, Đức), Ryan Bertrand (Chelsea-Southampton, Anh).
Tiền vệ: Thorgan Hazard (Chelsea-Borussia M’gladbach, Đức), Oriol Reomeu (Chelsea-Stuttgart, Đức), Christian Atsu (Chelsea-Everton, Anh), Marko Marin (Chelsea-Fiorentina, Italia).
Tiền đạo: Alvaro Negredo (Man City-Valencia, TBN), Fernando Torres (Chelsea-AC Milan, Italia).

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x