Balotelli: “Tôi muốn mình xấu xa hơn”

Mario Balotelli chưa bao giờ trả lời phỏng vấn dài đến thế và hay đến thế. Trong cuộc trả lời độc quyền cho tờ tạp chí Four Four Two, Balotelli mang đến những tiết lộ, những câu chuyện, những bộc bạch chưa từng có.
Balotelli: “Tôi muốn mình xấu xa hơn”
Đột nhiên người ta thấy một Mario Balotelli hoàn toàn mới mẻ, một con người mà không ai dám tưởng tượng đến nếu như không do chính miệng anh nói ra.

Và Balotelli, cũng thông qua bài phỏng vấn này, muốn nhắn nhủ tất cả là đừng tin những gì được bịa đặt hàng ngày trên báo. Hãy tin những gì chính miệng anh nói hoặc anh viết trên... Twitter. Trang Twitter ấy có tên là @FinallyMario (người ta làm giả Twitter của Balotelli nhiều đến mức anh buộc phải lấy nick này) và là nơi Balotelli  chia sẻ rất nhiều thứ, từ chuyện anh đi gặp Giáo hoàng, chơi piano cho đến việc chăm sóc thú cưng (một... chú heo).

“TÔI KHÔNG SỢ CHỈ TRÍCH” 
- Anh có cảm thấy nhớ Manchester không?
+ Có chứ. Tôi nhớ các CĐV ở đấy. Có rất nhiều thứ mà tôi không nhớ. Tôi không nhớ thức ăn, không nhớ thời tiết, không nhớ luôn cả quy định lái xe kỳ lạ ở đó. Nhưng tôi quả là rất nhớ các fan City, mặc dù fan Milan cũng rất dễ thương với tôi. Hầu hết những ký ức của tôi về City đều là những điều tốt đẹp. Tôi đã tận hưởng khoảng thời gian ở đó. Cách Milan và City đối xử với cầu thủ của mình rất giống nhau.

- Cái tên Balotelli luôn đi liền với những scandal trên sân tập: đánh nhau với đồng đội, với HLV, ném phi tiêu vào cầu thủ trẻ... Sao bây giờ mọi người không còn nghe những điều tương tự như vậy nữa ở Italia?
+ Thật không may là ở Anh, nhiều người thích làm to chuyện cho dù sự việc chỉ bé xíu. Thật ra ở Anh và Italia tôi không có gì khác nhau cả. Ngay cả trên sân tập thì các cầu thủ cũng đều muốn chiếm ưu thế trong từng pha bóng một. Vậy thì va chạm và xung đột với nhau là chuyện hết sức bình thường. Điều quan trọng là mọi người lại bình thường sau đó. Và ở City mọi việc đã diễn ra đúng như vậy.

- Mấy lần ấy nhỉ?
+ Hai. Một lần là với Micah (Richards), bạn tốt của tôi. (Nhún vai) Những chuyện như thế vẫn xảy ra ở Italia, nhưng chả có ai quan tâm bởi tại sao lại phải quan tâm cơ chứ. Tôi không nói truyền thông Italia tốt hơn ở Anh, nhưng ở Anh người ta quan tâm rất nhiều đến cuộc sống riêng tư của cầu thủ và điều đó làm tôi cảm thấy chán ngán. 

Họ nói về gia đình tôi với những chi tiết không biết từ đâu ra. Tôi không ngại việc bị báo chí chỉ trích nếu mình chơi tồi. Nhưng tôi khó chịu với cái cách mà báo chí Anh làm quá mọi chuyện lên, từ chuyện tranh cãi trên sân tập cho đến những sự việc diễn ra bên ngoài sân.


- Vậy điều tồi tệ nhất họ nói về anh là gì?
+ Tôi chả nhớ nữa và tôi cũng không muốn nhớ.

- Điều ấy nghĩa là mối quan hệ giữa anh và báo chí Italia tốt hơn?
+ Tôi không có quan hệ gì với báo chí cả. 

“Có nhiều người không biết kiếm tiền bằng cách nào, thế là họ cố trục lợi trên người khác. Tin đồn là một chuyện, nhưng việc bịa đặt về cuộc sống người khác là một hành vi gần với tội ác. Đã có rất nhiều câu chuyện được kể về tôi mà chỉ có 0,01% trong đó là sự thật. Ai lợi dụng tôi ư? Gần như tất cả”.

RỜI MANCHESTER NHƯ MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG
- Ở City anh đã giành chức vô địch Cúp FA, Premier League. Trở lại Milan là một bước lùi của sự nghiệp. Anh có thấy vậy không? Anh có bao giờ nghi ngờ khả năng của mình?
+ Không. Tôi luôn biết rõ khả năng của mình và biết mình vẫn còn có thể chơi hay hơn nữa, tiến bộ hơn nữa. Nhưng mọi người biết đấy, ở City tôi luôn phải cạnh tranh với quá nhiều ngôi sao tấn công. Dù có hay đến bao nhiêu đi nữa thì thời gian trên sân cũng sẽ bị giới hạn, nhất là khi mùa nào cũng có nhiều tân binh đến với đội. Mà tôi thì lúc nào cũng muốn thi đấu.

- Anh có hối tiếc gì không?
+ Không, hoàn toàn không, ngược lại là khác. Khi đến Manchester tôi chỉ là một cậu bé, khi rời khỏi đấy tôi đã là một người đàn ông.

- Chuyện gì đã xảy ra với chiếc áo: “Why Always Me” mà anh mặc trong trận derby Manchester?
+ (Cười to) Tôi cũng không nhớ nữa. Sao thế, anh muốn mua lại ư?

- Vâng, tôi sẽ trả 10 euro cho nó.
+ Giỡn. Nó có giá cao hơn thế rất nhiều.

- Anh còn liên lạc với đồng đội nào tại City không?
+ Vâng. Tôi vừa nhận được SMS của Micah (Richards) cách đây ít lâu. Tôi cũng thỉnh thoảng gặp Carlos (Tevez) tại đây.

- Còn Roberto Mancini thì sao?
+ Không. Tôi chưa nói chuyện lại với ông ấy sau khi rời City. Nhưng bây giờ ông ấy cũng đang bận rộn ở Thổ Nhĩ Kỳ cơ mà (cười). Tôi thích ông ấy, đấy là người có ý nghĩa rất quan trọng đến sự nghiệp của tôi. Tôi thích Roberto từ trong công việc ra đến ngoài đời. Đúng là chúng tôi cũng có một vài hiểu lầm, nhưng không có bất kỳ chuyện gì nghiêm trọng xảy ra cả. Đâu có ai yêu mến nhau cả đời mà không tranh luận, đúng không.

- Liệu anh có muốn được cùng làm việc với ông ấy?
+ Vâng, rất sẵn sàng.

- Milan đang gặp nhiều khó khăn trong mùa bóng này, chí ít là tại giải vô địch. Anh có cảm thấy trách nhiệm nhiều hơn?
+ Không nhiều như mọi người nghĩ. Đây quả là một mùa bóng khó khăn, nhưng chúng tôi có nhiều cầu thủ trẻ tài năng. Và khi tập luyện với những người trẻ này, như Stephan (El Shaarawy) chẳng hạn, tôi phải nhận trách nhiệm nhiều hơn. Nhưng tôi không quan trọng đến mức là người ra những quyết định. Việc Kaka trở lại cũng tốt cho đội bóng. Anh ấy là một cầu thủ giàu kinh nghiệm, luôn có thứ để bạn học hỏi.

“Tôi thích ai hơn giữa Mancini và Mourinho ư? Trên khía cạnh cuộc sống là Mancini, khía cạnh bóng đá là Mourinho. Tôi cãi vã nhiều với Mourinho, nhưng tôi vẫn nhớ những lần cười vui cùng nhau”.

THẦN TƯỢNG GIÁO HOÀNG, RONALDO VÀ TYSON
- Đã có nhiều tranh luận về vấn đề thẻ phạt của anh trong mùa, chiếc thẻ đỏ trận gặp Napoli chẳng hạn. Anh có sợ các đối thủ sẽ lợi dụng cá tính của anh để khiêu khích anh phải nhận thẻ?
+ Tôi không biết có phải các đối thủ cố tình lợi dụng việc ấy hay không. Có thể điều ấy chỉ vì tôi là trung phong duy nhất mà thôi. Một số đối thủ không thể kiểm soát bạn nên họ phải dùng mọi cách có thể. Nhưng hầu hết các trọng tài đều biết việc gì đang xảy ra. Còn các CĐV, nếu họ không miệt thị chủng tộc thì tôi đều có thể chịu được. Tôi có bỏ ra khỏi sân nếu bị miệt thị chủng tộc hay không ư? Vâng, tôi sẽ làm vậy.

- Anh từng bảo là nạn phân biệt chủng tộc khiến mình cảm thấy cô độc?
+ Không, không, không. Tôi chưa từng nói vậy. Tôi không bao giờ cô độc khi luôn có gia đình và bạn bè quanh mình.

Balotelli có mối quan hệ khá thân thiết với Giáo hoàng Francis I

- Nhưng anh có nói về cảm giác cô đơn khị bị miệt thị lúc còn nhỏ. Cảm giác ấy đã thôi thúc khát vọng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong anh?
+ Không, tôi cũng không nói thế. Tôi là cầu thủ vì tôi yêu bóng đá. Tôi luôn nói với mẹ mình: “Con sẽ trở thành một cầu thủ”. Tôi tin tưởng và đầy quyết tâm. Còn phân biệt chủng tộc là một vấn đề khác. Tôi sẽ không nói vì nó mà tôi muốn trở thành cầu thủ, vì nó mà tôi xù xì, vì nó mà tôi trở nên thế này thế nọ. Tôi là con người tôi muốn, không phải vì ngoại cảnh tác động mà tôi thay đổi. Phân biệt chủng tộc tất nhiên là tồi tệ và kinh khủng. Nhưng để nó ảnh hưởng đến cuộc sống và con người mình ư? Không!

- Anh đã nói chuyện gì với Đức Giáo hoàng trong cuộc tiếp kiến riêng?
+ Tôi xin giữ việc ấy cho riêng mình. Ông ấy là một người đầy cảm hứng. Việc có một người theo dõi mình thi đấu như ông ấy có ý nghĩa thật đặc biệt với tôi.

- Anh thần tượng ai trong cuộc sống?
+ Ronaldo (Brazil) và Mike Tyson . Khi còn trẻ tôi mê quyền Anh vô cùng. Tyson là người đỉnh nhất. Còn Ronaldo thì luôn nhắc nhở tôi lý do vì sao mình yêu bóng đá.

- Liệu anh có bị ảnh hưởng phong cách của Tyson trên sân cỏ?
+ Tôi không biết nữa. Có lẽ là một chút.

- Thần tượng Giáo hoàng, rồi lại thần tượng Tyson. Liệu có một cuộc xung đột nào giữa Mario tốt và Mario xấu?
+ Có những lúc tôi nghĩ phần tốt trong tôi quá lớn và tôi muốn mình xấu xa hơn, tồi tệ hơn một chút. Ngay như trên sân cỏ, đôi khi tôi nghĩ mình cũng nên chơi rắn hơn. 

- Anh còn giữ ý định giành “Quả Bóng Vàng” như mình từng nói chứ?
+ Tất nhiên, tôi luôn muốn trở thành người giỏi nhất.

- Chơi tốt tại World Cup sẽ giúp anh tiến một bước dài đến mục tiêu ấy?
+ Tôi sẽ cố tận hưởng kỳ World Cup ấy. Đấy là World Cup đầu tiên của tôi, lại tổ chức tại Brazil nữa nên tôi muốn mình có một thời gian tuyệt vời ở đó. Tôi thật sự nóng lòng chờ đến ngày ấy.

 “Tôi rất hiếm khi bị phạt. Lần duy nhất tôi phải nộp phạt là khi Man City vô địch Premier League, tôi không ở lại ăn mừng với toàn đội mà bay về Italia. Tôi cũng chưa từng lái xe đâm vào bất kỳ ai, nhưng đã bị người khác tông vào mình 2 lần”.

“Khi còn là thiếu niên, tôi không thể làm những việc bình thường như những bạn đồng trang lứa. Thỉnh thoảng tôi cũng muốn trở thành một người bình thường, nhưng đơn giản là không thể. Còn việc trở thành cầu thủ hay nhất thế giới ư? Tôi cũng mong như vậy, nhưng trước hết tôi phải cải thiện trên mọi lĩnh vực”.

“Tôi hiếm khi nói chuyện với ai ở Inter dù thỉnh thoảng cũng có nghe tin từ Materazzi và Wesley Sneijder. Marco luôn gần gũi với tôi và chúng tôi chưa từng có bất kỳ xung đột gì như mọi người nói. Anh ta đấm tôi ư? Nếu thật sự muốn làm thế thì Marco cũng chả làm được”.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x