VẤN ĐỀ & SỰ KIỆN

U19 Việt Nam: Câu chuyện "Tôi ơi đừng đá bậy"

Đức Nguyễn
14:13 ngày 24-08-2014
Chứng kiến những cầu thủ U19 Việt Nam “dính đòn” của đối thủ, rất nhiều CĐV và HLV cho rằng: “Các học trò của HLV Guillaume Graechen chơi quá hiền lành, vì bóng đá không chỉ có kỹ thuật mà còn phải có độ quái, thậm chí biết dùng tiểu xảo, để giành chiến thắng”.
U19 Việt Nam: Câu chuyện "Tôi ơi đừng đá bậy"
TRIẾT LÍ & SẢN PHẨM CỦA GIÁO DỤC
Lại nói lại câu chuyện cũ, ở Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG có một nội quy bắt buộc, đó là các cầu thủ phải học hết văn hóa rồi mới học bóng đá. Trong đợt thi đại học vừa rồi, có 10 cầu thủ của HA.GL – Arsenal JMG đã và đang thi đấu cho U19 Việt Nam được tuyển thẳng vào khoa Bóng đá (Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM).

Nói như thế để thấy, lò HA.GL – Arsenal JMG có những triết lí đào tạo bóng đá rất khác so với các trung tâm ở Việt Nam, đó là học bóng đá từ đôi chân trần và song song là học văn hóa. Thế cho nên, những ai tiếp xúc với các cầu thủ của HA.GL – Arsenal JMG, đều có một cảm nhận chung, đó là các cầu thủ đều rất lễ phép. Chẳng hạn: Bạn là một người xa lạ đến thăm học viện, nếu bạn gặp một học viên nào đó, lời đầu tiên được nhận đó là lời chào thân mật. 

Bây giờ ở độ tuổi 17, 18 và 19 nề nếp ấy vẫn được giữ và vẫn được phát huy. Do vậy, nếu nói đấy là sản phẩm của giáo dục có lẽ cũng chẳng sai, bởi từ nhỏ các em phải sống xa gia đình, bố mẹ, người thân. Chỗ dựa tinh thần cho họ chính là những mẹ nuôi, các thầy, cô trong Học viện và những cánh rừng cao su bạt ngàn…

Rõ ràng, giáo dục quyết định một phần rất lớn trong nhân cách của con người.



BÓNG ĐÁ ĐẸP, HAY CÂU CHUYỆN CÔ TẤM PHẢI CHẾT
Nếu chúng tôi nhớ không lầm, kể từ ngày đưa quân thi đấu ở một giải chính thức, các cầu thủ của HA.GL – Arsenal JMG chưa bao giờ phải nhận một thẻ đỏ nào. Hoặc nếu phải tính ở cấp độ U19 Việt Nam mà lực lượng của Học viện này làm nòng cốt, thì chỉ có 1 chiếc thẻ đỏ, nhưng người lãnh thẻ là trung vệ Hoàng Văn Khánh đến từ SLNA, tại giải U19 Quốc tế 2014 – Cúp NutiFood được tổ chức tại TP.HCM.

Còn lại, U19 Việt Nam dường như đã trở thành những nạn nhân của những vụ “chặt chém” của các đối thủ. Người ta chưa quên, các cầu thủ U19 Việt Nam thi đấu tại giải U19 Đông Nam Á 2013 phải thay nhau ngồi băng ca rời sân vì các đối thủ chơi thứ bóng đá đầy bạo lực. Trong đó, U19 Indonesia từng để lại nỗi khiếp đảm với những “kungfu” trong trận chung kết giải đấu này. 

Cũng ở cấp độ Đông Nam Á, khi gặp lại đội bóng xứ vạn đảo tại giải Hassanal Bolkiah 2014, U19 Việt Nam đã trả được món nợ ngọt ngào bằng lối đá khôn ngoan. 

Nhưng “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”, trong trận bán kết mới đây, U19 Thái Lan lại chơi thứ bóng đá vô cùng xấu xí. Và hậu quả là hơn 1 nửa đội hình của U19 Việt Nam đã dính chấn thương, trong đó có 3 trụ cột là đội trưởng Công Phượng, các tiền vệ Xuân Trường và Quang Hải có nguy cơ phải nghỉ chơi trận chung kết với U19 Myanmar.

Thấy các học trò của mình trở thành “nạn nhân” của bóng đá bạo lực, HLV Guillaume Graechen đã không kìm nổi sự bình tĩnh. Ông nói: “Ở sân chơi dành cho bóng đá trẻ mà đã cổ súy cho bạo lực thì nó chẳng bao giờ phát triển được. Tất nhiên, cầu thủ một phần, HLV cũng phải nhận trách nhiệm và chẳng thể không nói đến vai trò của các trọng tài. Tôi lấy ví dụ, nếu ông trọng tài người Lào điều khiển trận U19 Việt Nam và U19 Thái Lan công bằng, có lẽ U19 Thái Lan chẳng còn người để đá vì lối chơi quá thô bạo”.

Nhà cầm quân người Pháp bức xúc, khán giả bức xúc, cầu thủ bức xúc… Tất cả đều có lí, nhưng cũng có nhiều người cho rằng: Nếu các cầu thủ U19 Việt Nam biết chơi rắn, biết “phản đòn”, có lẽ sẽ chẳng đến nỗi. Và đây lại là một câu chuyện đầy tranh cãi…



THAY ĐỔI, HAY BAO GIỜ SẼ ĐỔI THAY?
Các cầu thủ của đội 1 HA.GL kể lại rằng: “Trong một trận đấu tập với Học viên HA.GL – Arsenal JMG, họ được “mật lệnh” phải giữ đôi chân lành lặn cho đàn em. Trận ấy, các anh lớn đã một phen “bở hơi tai” vì lối chơi đập nhả tí tách của những cậu em độ tuổi 17, 18”. 

Điều này không có gì lạ bởi với triết lí kiểm soát bóng trong chân rồi mới tìm kẽ hở của đối phương để tấn công, U19 Việt Nam (nòng cốt vấn là HA.GL – Arsenal JMG) rất khó để các đối thủ giành được bóng, nếu như không chơi áp sát hay có chiêu thức để khắc chế.

Vậy nên, U19 Indonesia, hay U19 Thái Lan đã phải dùng đến thứ bóng đá xấu xí để cầu chiến thắng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 năm, U19 Việt Nam đã có những sự thay đổi rất rõ rệt trong tư duy, khi gặp một đối thủ đá rắn, đá láo. Đấy là việc họ đã biết gây áp lực với đối thủ, thậm chí, tăng cường sức mạnh cơ bắp trong những tình huống tranh chấp tay đôi. Chính điều này đã hạn chế được tối thiểu những rủi ro dẫn đến từ những pha bóng nửa vời. 

Cũng phải nhắc lại, U19 Việt Nam hiện hay còn có sự xuất hiện của rất nhiều nhân tố mới. Trong đội hình chính hiện tại, ít nhất có 4/11 người đến từ những CLB khác nhau. Và đây đều là những cầu thủ “rất quái”, ở vị trí trung vệ có Bùi Tiến Dũng (Viettel), cặp tiền vệ biên có Quang Hải (HN.T&T) cùng Văn Long (SHB.ĐN) và trên hàng công có tiền đạo Hồ Tuấn Tài (SLNA).

U19 Việt Nam bây giờ đã không còn hiền như cách đây một năm. Nhưng đội bóng của HLV Guillaume Graechen vẫn giữ được lối chơi hào hoa đẹp mắt và vẫn có sự hiệu quả. 

Dù thế, nhiều người vẫn cho rằng, U19 Việt Nam cần phải thay đổi hơn nữa. Trong số ấy, chúng ta nên tìm kiếm hoặc đào tạo những mẫu cầu thủ cơ bắp, kiểu Nigel de Jong (Hà Lan) hay Gattuso… để bổ khuyết cho những người chơi bóng có hơi hướng “nghệ sĩ” như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng…

Rõ ràng, ý kiến này không phải không có lí bởi trong bóng đá hiện đại, vai trò của những tiền vệ chơi mạnh mẽ cũng là một “đòn bẫy” của cả một đội bóng. Hoặc đội bóng ấy phải đổi thay để thích nghi với xu thế để tìm kiếm vinh quang. Nhưng sự đổi thay ấy sẽ (phải) dựa trên sự chọn lọc và kế thừa vì để biến cái đẹp thành thứ xấu xí luôn dễ hơn gấp bội so với chiều ngược lại.

Với U19 Việt Nam hiện tại, các cầu thủ đều đang ở độ tuổi 17, 18 và 19 nên cần có thời gian và môi trường thi đấu. Song cũng phải nói lại, trong bóng đá, ngoài kỹ năng chơi bóng, nhân cách cầu thủ là điều vô cùng quan trọng để biến họ thành những “ngôi sao” của công chúng; mà điều đầu tiên họ cần phải ghi nhớ, đó là: “Hãy giữ đôi chân của đồng nghiệp như giữ đôi chân của chính mình”.

THÔNG TIN

HẬU VỆ LÊ VĂN SƠN
“Tại sao tôi phải đá xấu?”
“Đôi khi tôi bị đối phương chơi xấu, cũng đã nghĩ đến cách để trả đòn. Nhưng rồi thôi, bởi bóng đá là nơi là để cống hiến chứ không phải nhăm nhăm tìm đôi chân đồng nghiệp để trút sự tức giận. Từ cuộc sống và ở học viện các thầy chưa bao giờ dạy tôi điều đó”.


TRƯỞNG ĐOÀN U19 VIỆT NAM – DƯƠNG VŨ LÂM
“Một đội bóng trẻ nhưng không còn trẻ”
“Tôi đặt mình ở cương vị là một CĐV và tôi đã thấy rằng, các cầu thủ không chỉ có chuyên môn tốt mà còn có đạo đức tuyệt vời. Mỗi khi được chứng kiến U19 Việt Nam chơi bóng, tôi luôn cảm thấy hứng thú và hồi hộp. Họ còn trẻ nhưng cách chơi bóng không còn trẻ. Tôi nghĩ lứa cầu thủ này sẽ còn tiến xa”.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x