U16 Việt Nam & câu chuyện 'gò' và 'nắn' tư duy

Đức Nguyễn Đức Nguyễn
14:28 ngày 24-09-2016
Điều mà bóng đá Việt Nam đang cần chính là sự hoạch định hướng chiến lược, sự nhất thống một lối chơi, từ đội tuyển trẻ đến ĐTQG, thay vì lạc tông, lỗi nhịp…
U16 Việt Nam & câu chuyện 'gò' và 'nắn' tư duy
Nếu nhìn cách chơi của U16 Việt Nam sẽ có không ít người liên tưởng đến lứa cầu thủ U19 Việt Nam từng làm “dậy sóng” ngày nào. Cần phải nói cho rõ, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nhìn vào bản chất thì đấy là những tín hiệu rất đáng mừng cho bóng đá Việt Nam.

Chúng ta sẽ bắt đầu với câu chuyện tư duy chơi bóng của U19 Việt Nam thời HLV Guillaume Graechen gồm nòng cốt là lứa cầu thủ của Học viện HAGL – Arsenal JMG. Quả bóng sẽ bắt đầu phát triển từ thủ môn, luân chuyển qua chân những hậu vệ đứng gần nhất, sau đó đến những trạm trung chuyển ở khu vực giữa sân, rồi mới phát triển các hướng tấn công.

Các cầu thủ sẽ tích cực di chuyển theo nhóm, sử dụng những đường ban bật ngắn, dựa trên nguyên tắc là kiểm soát được bóng trong chân, rồi mới tìm ra những kẽ hở hàng phòng ngự đối thủ để ra đòn. Để đáp ứng được lối chơi này, các cầu thủ phải có kỹ thuật cá nhân tốt. Dĩ nhiên, điều người ta nhận thấy, trong tập thể U19 Việt Nam có những cá nhân có thể chơi bùng nổ, chẳng hạn như Công Phượng, Văn Toàn, Hồng Duy và có cả những người có thể tung ra những đường chuyền “chết chóc” như Xuân Trường, Tuấn Anh…

VIDEO: Nội soi U16 Iran - đối thủ của U16 Việt Nam



Ở độ tuổi 16, nếu như những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… phải ngày 2 buổi ra sân và hoàn thành những bài tập điểm chạm bằng đôi chân trần, thì những Khắc Khiêm, Hữu Thắng, Huỳnh Sang, Trọng Long… đã xỏ giày vào sân thi đấu. Có vẻ như lứa đàn em này đang dạn dày hơn về kinh nghiệm dù họ có thể thua kém về mặt kỹ thuật.

So với U19 Việt Nam thì U16 Việt Nam có gì đặc biệt? Câu trả lời là không. Nếu có, sự đặc biệt ấy nằm ở tư duy chơi bóng đang có sự giống nhau. Tức, đội bóng của HLV Đinh Thế Nam cũng chủ động trong việc kiểm soát bóng, tự tin cầm bóng ban bật…

Tại VCK U16 châu Á 2016 đang diễn ra tại Ấn Độ, rất hiếm khi người ta thấy các cầu thủ U16 Việt Nam leo biên rồi thực hiện những cú tạt vu vơ vào trong. Thay vào đó là những đường chuyền ở nách, hoặc sau lưng các hậu vệ cao lớn của Australia, Kyrgyzstan… Khi cần, U16 Việt Nam vẫn có những pha bóng đầy táo bạo của Khắc Khiêm, Hữu Thắng…

Khoan vội bàn về thành tích, có thể thấy lối chơi của U19 Việt Nam trước đây và U16 Việt Nam bây giờ là khá phù hợp với thể trạng các cầu thủ. Kể từ sau AFF Suzuki Cup 2008 dưới triều đại của HLV Henrique Calisto, chúng ta tiếp nhận những luồng tư tưởng và tư duy bóng đá khác nhau từ Falko Goezt cho đến Toshiya Miura nhưng vẫn chưa định hình được sẽ chơi kiểu gì và ra sao. 

U16 Việt Nam 3-1 U16 Kyrgyzstan (Bảng B - U16 châu Á 2016)



Nói cách khác, bóng đá Việt Nam vừa phải đi vừa phải dò đường để tìm ra một lối chơi phù hợp với trình độ, thể trạng vốn có.

ĐT Việt Nam dưới thời của HLV Hữu Thắng đang đề cao việc kiểm soát bóng, thực hiện những pha phối hợp nhỏ, nhanh xen lẫn bóng dài (nếu cần). Có thể coi đấy là tính định hướng đúng đắn của nhà cầm quân xứ Nghệ. 

Vậy nên, nếu nhìn từ U16 Việt Nam, trước đó là U19 Việt Nam của những năm 2013, 2014 thì chúng ta có quyền mở cờ. Bởi ít nhất, nếu được triệu tập trong tương lai gần, các cầu thủ cũng không bị lạc tông, lỗi nhịp, khiến các HLV phải mất thời gian gò và nắn tư duy.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x