Chân dung 2 ông chủ giàu có của PSG và Man City

Việt Hà
09:01 ngày 06-04-2016
Trận PSG - Man City ngoài sự khốc liệt trên mặt sân còn là màn đối đầu giữa hai người đàn ông quyền lực bậc nhất ở vùng Vịnh: Quốc vương Qatar, Tamim bin Hamad Al Thani và Hoàng thân UAE, Mansour bin Zayed Al Nahyan (Sheikh Mansour). Họ là những người đã “dát vàng” lên PSG và Man City, qua đó vẽ lại bản đồ bóng đá châu Âu.
Chân dung 2 ông chủ giàu có của PSG và Man City
HỌ LÀ AI?
Tamim, ông chủ thực sự của PSG, mới 35 tuổi nhưng đã là người nắm quyền lực tối cao ở Qatar. Giống như vua cha Hamad bin Khalifa Al Thani, Tamim được học tại một trường quân sự ở Sandhurst, phía Tây Nam London. Trước khi lên ngôi quốc vương vào năm 2013, Tamim từng nắm quỹ đầu tư quốc gia (QIA) mà tại đó ông đã thực hiện vụ mua lại PSG vào mùa Hè 2011. 

“Đó là một người đam mê thể thao”, Fatiha Dazi-Heni, giáo sư nghiên cứu vùng Vịnh của Trường đại học khoa học Paris, nhận xét. Tamim là người đứng đầu các chiến dịch Asian Games 2006 và World Cup 2022 của Qatar. Ngoài ra, ông chủ PSG hiện cũng là thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế.

Nếu như Tamim được biết tới như một chính trị gia đam mê thể thao thì Sheikh Mansour là một nhà kinh doanh sắc sảo. Năm nay 45 tuổi, ông chủ Man City xuất thân trong gia tộc hoàng gia Abu Dhabi, dòng tộc quyền lực nhất ở UAE. Mansour hiện giữ vị trí các trọng yếu tại quốc gia dầu mỏ này như Phó Thủ tướng và Bộ trưởng ngoại giao, còn anh trai ông chính là Tổng thống đương nhiệm Khalifa bin Zayed Al Nahyan. 

Mansour nắm nhiều quỹ đầu tư và từng nổi tiếng với thương vụ giải cứu ngân hàng Barclays (Anh). Mansour đã bành trướng sang lĩnh vực thể thao khi sáng lập tập đoàn City Football Group, chủ sở hữu của các CLB Man City, New York City, Melbourne City.  

VÌ SAO HỌ ĐẦU TƯ VÀO BÓNG ĐÁ?
Nhảy vào bóng đá châu Âu, cả Tamim lẫn Mansour đều ôm ấp những giấc mộng lớn vượt ra ngoài khuôn khổ bóng đá. Nói cách khác, những người Trung Đông xem bóng đá nói riêng và thể thao nói chung là một thứ “quyền lực mềm” trong tay họ.


Sự khác biệt ở chỗ. Với người Qatar, tham vọng chính trị là chủ đạo. Cũng giống như việc giành quyền đăng cai World Cup 2022, người Qatar đang làm mọi cách để khuếch trương hình ảnh của quốc gia dầu mỏ này tới toàn thế giới. Với một người đam mê thể thao như Tamim, chiến lược trên càng được đẩy mạnh. “Paris là trung tâm của kế hoạch đó. Gia đình Al Thani yêu nước Pháp và họ muốn biến PSG thành một thương hiệu toàn cầu”, giáo sư Fatiha Dazi-Heni phân tích. 

Sheikh Mansour không hoàn toàn như vậy. Ông đến với Man City trước tiên bởi sở thích cá nhân, như một món “đồ chơi” đắt tiền. Về danh nghĩa, Man City là tài sản riêng của Mansour chứ không phải của UAE như trường hợp PSG của Qatar. Tuy nhiên, bao trùm vẫn là những tham vọng vượt tầm bóng đá. 

UAE những năm gần đây đã đẩy mạnh chính sách ngoại giao văn hóa, điển hình như việc mua lại bản sao bảo tàng Louvre (Pháp). Việc thôn tính Man City thực tế cũng nằm trong chiến lược này. Cựu thủ tướng Anh, Tony Blair, sau khi trở thành cố vấn của UAE, đã có những tác động nhất định giúp Mansour thâu tóm Man City cũng như mở rộng thị trường tại Anh. 

HỌ GIÀU CỠ NÀO?
Câu hỏi lớn nhất mà ai cũng quan tâm: các ông chủ PSG và Man City giàu đến cỡ nào? UAE chiếm 9% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu, là một quốc gia giàu có và phồn vinh. Trong đó, Mansour với tư cách chủ sở hữu Công ty đầu tư dầu khí quốc tế có tài sản cá nhân ước tính 25 tỷ USD. Mansour được cho là dùng tiền riêng của ông để đầu tư vào Man City dù nhiều người cho rằng không phải vậy. 

Còn chủ sở hữu PSG là quỹ đầu tư QIA, hiện xếp thứ 9 thế giới trong các quỹ đầu tư với nguồn vốn 220 tỷ USD. Ngay cả khi giá dầu thô giảm, cuộc sống vương giả tại PSG và Man City cũng chẳng ảnh hưởng bao nhiêu.

So sánh tiềm lực tài chính hai gã nhà giàu

Từng có nguồn tin Tamim và Mansour có quan hệ huyết thống, song thực tế điều này là vô căn cứ. Nếu phải tìm một điểm chung giữa hai người, thì họ đều là những chính khách giàu quyền lực và tham vọng ở vùng Vịnh. 

Tamim cho thấy quyết tâm làm tốt hơn cha mình trong việc mở rộng “quyền lực mềm” trên thế giới, thông qua việc tập trung tối đa vào lĩnh vực thể thao. Mansour với City Football Group gồm các CLB trải dài ở nhiều châu lục cũng khẳng định quyền lực ngày một to lớn trong thế giới bóng đá.

Họ có phải đối thủ của nhau? Câu hỏi đó xin dành cho các chuyên gia phân tích chính trường thế giới. Nhưng ít nhất gói gọn trong bóng đá, cả Tamim lẫn Mansour đều không muốn đội bóng của họ thất bại vào đêm nay. Và cho dù là đối thủ trên sân cỏ, thì hãng hàng không Emirates (UAE) vẫn có thể xuất hiện trên áo đấu PSG. Suy cho cùng, những người Qatar và UAE đều đang cùng nhìn về một hướng, đó là tham vọng bá chủ bóng đá châu Âu. 

Nhà giàu đại chiến
Sự giàu có và chịu chơi của những ông chủ đứng sau lưng PSG và Man City được thể hiện rất rõ thông qua số tiền họ đã chi ra để nâng cấp đội bóng suốt nhiều năm vừa qua. 

Trong khi PSG chi trung bình 139,5 triệu euro cho hoạt động chuyển nhượng mỗi năm thì Man City cũng không kém cạnh gì với trung bình 132,6 triệu euro/mùa bóng (1 tỷ 061 triệu trong 8 mùa). Khoản chi khổng lồ ấy đã đưa về hai đội những ngôi sao lớn như De Bruyne, Sterling... (Man City) hay Di Maria, Cavani... (PSG).
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x