Chiến thuật ở EURO 2016: Thực dụng lên ngôi

MINH VIỆT
14:49 ngày 11-07-2016
Đúng như dự đoán của rất nhiều chuyên gia, EURO 2016 là giải đấu tôn vinh thứ bóng đá thực dụng. Với cách chơi như thế, Bồ Đào Nha đã vào tới chung kết. Italia là đội bóng gây ấn tượng nhất. Còn “tý hon” Iceland cũng ghi tên vào tứ kết. Câu hỏi đặt ra: Vì sao sự thực dụng lên ngôi trên đất Pháp?

GIẢI ĐẤU CỦA BÓNG ĐÁ THỰC DỤNG

Trong bài phân tích về xu hướng chiến thuật, lối chơi ở EURO 2016 cho Telegraph hồi đầu tháng 6, HLV Carlo Ancelotti đã nhận định đây sẽ là giải đấu mà lối chơi thực dụng lên ngôi. Và những gì diễn ra trên đất Pháp đúng với điều mà bậc thầy chiến thuật người Italia đã dự báo. 

EURO 2016 là nơi tôn vinh thứ bóng đá phòng ngự thực dụng. Rất nhiều đội bóng đã dùng chung công thức: Chơi phòng ngự thật chặt bên phần sân nhà, rồi chờ đợi những pha phản công nhanh. Và họ đã thành công. Bồ Đào Nha là một ví dụ. Sau khi vòng bảng kết thúc, HLV Fernando Santos đã thay đổi hẳn lối chơi của Bồ Đào Nha. “Brazil của châu Âu” đã chấp nhận vứt đi jogo bonito truyền thống để chuyển sang đá phòng ngự phản công. Trận gặp Croatia, Bồ Đào Nha thậm chí còn không buồn đẩy cao đội hình tấn công trong 2 hiệp chính khi có cơ hội. Bàn thắng quyết định loại Croatia của Bồ Đào Nha cũng tới sau một pha phản công. 

Italia cũng là gương mặt đại diện khác cho lối chơi phòng ngự phản công. Với chiến thuật như thế, Azzurri đánh bại rất nhiều đội tuyển mạnh như Bỉ, Tây Ban Nha và chỉ chịu thua Đức sau loạt “đấu súng”. Thậm chí, cách đá phòng ngự phản công của Italia còn khoa học hơn cả người Bồ. 

Còn rất nhiều đội bóng khác thành công với lối chơi phòng ngự phản công như Xứ Wales, Iceland. Trong đó, Xứ Wales đã lọt vào tới bán kết. Còn Iceland tạo ra cơn địa chấn lớn nhất ở EURO 2016 khi đánh bại người Anh để góp mặt ở tứ kết. Thứ bóng đá của Iceland đơn giản đến mức họ có thể tận dụng cả những tình huống ném biên để lập công. 

Sự thắng thế của bóng đá thực dụng còn ở chỗ rất nhiều đội bóng chơi “xấu xí” đã loại những đại diện chơi kiểu áp đặt thế trận. Vòng 1/8, Croatia bị Bồ Đào Nha hất cẳng, Anh bị Iceland đá văng, ông vua châu Âu Tây Ban Nha bị Italia hạ bệ. Tới tứ kết, một Xứ Wales đá phòng ngự phản công cũng khiến Bỉ với dàn tiền vệ cực mạnh phải ôm hận.


Chẳng nói đâu xa, ngay cả Pháp vốn được xem là đội bóng đá tấn công cũng dùng lối chơi phòng ngự phản công để hạ Đức ở bán kết. Nên nhớ, trước khi Les Bleus ghi bàn mở tỷ số thì họ không cầm nổi bóng và chỉ biết phòng ngự co cụm để chờ đợi cơ hội phản công. 


VÌ SAO THỰC DỤNG LÊN NGÔI? 

Lý do đầu tiên nằm ở vấn đề thời gian. Thời gian là kẻ thù muôn thuở với các HLV ở đội tuyển quốc gia. HLV cấp đội tuyển luôn có rất ít thời gian để làm việc với cầu thủ trước mỗi giải đấu lớn. Mà nếu muốn chơi kiểu áp đặt đối phương, đá nhuần nhuyễn, bạn phải mất nhiều giờ trên sân tập, trừ khi đó là Tây Ban Nha hay Đức, hai đội tuyển có một nhóm cầu thủ đã chơi bóng cùng nhau trong thời gian rất dài. 

Vì vậy, có một cách đơn giản hơn để đi tới thành công, là để đội tuyển của bạn đá phòng ngự phản công. Bạn chỉ cần có hàng phòng ngự tốt, rồi tập cho các học trò cách chống chọi với sức ép mà đối phương tạo ra. Sau đó, bạn có thể đánh bại đối thủ bằng một tiền đạo có tốc độ cao ở phía trên, người luôn sẵn sàng chạy đua với các hậu vệ đối thủ. Đó chính là cách chơi phù hợp với rất nhiều đội tuyển ở EURO 2016, nơi các HLV không có nhiều thời gian huấn luyện cầu thủ để đá gắn kết được như Đức hay Tây Ban Nha, ví dụ như Bồ Đào Nha với Ronaldo, Xứ Wales với Gareth Bale, hay Italia với Eder. 

Một lý do nữa đến từ cảm hứng của Leicester City và Atletico Madrid. Đó là 2 CLB gây ấn tượng nhất ở châu Âu mùa giải 2015/16. Leicester vô địch Premier League với lối đá đặc trưng kiểu Italia. Còn Atletico với lối đá phòng ngự phản công cũng đã loại Barcelona, Bayern trên đường lọt vào tới trận chung kết Champions League. Họ đã trở thành cảm hứng để các đội tuyển ở EURO 2016 chọn lối chơi thực dụng. 

Lý do cuối là bởi thể thức thi đấu mới ở EURO 2016. Vòng bảng 24 đội thì có tới 16 đội là giành vé vào vòng knock-out. Các đội tuyển chẳng việc gì phải mạo hiểm dâng cao đội hình để giành chiến thắng, vì họ hiểu một kết quả hòa cũng có thể đủ để giành vé đi tiếp. Đừng quên là Bồ Đào Nha, đội đã vào tới chung kết, chỉ xếp thứ 3 ở bảng F với 3 trận toàn hòa.


Jonathan Wilson - Cây bút chuyên về chiến thuật của Guardian và World Soccer: “Triết lý bóng đá thực dụng đã bao trùm tại EURO 2016. Điểm chung của Pháp, Bồ Đào Nha, Italia và Xứ Wales, 4 đội lọt vào bán kết là họ đều chơi với hàng thủ thấp, nhiều tầng, cả tiền đạo cũng phải lui về phòng ngự. Với họ an toàn là trên hết và họ đã thành công”.

Cựu tuyển thủ Italia, Gianluca Vialli: “Rất nhiều đội bóng bị đánh giá thấp đã thành công tại EURO 2016. Chỉ điều đó thôi cũng nói lên rằng chiến thuật phòng ngự phản công đã lên ngôi. Và cũng vì thế, những đội bóng chơi tấn công, kiểm soát bóng đều sớm bị loại như Tây Ban Nha hay Croatia”.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x