- Bongdaplus.vn

OLE GUNNAR SOLSKJAER: Chúa Xuân hồi sinh Nhà Hát Của Những Giấc Mơ

"Thằng bé đã về nhà". Sir Alex Ferguson mấp máy làn môi khi thấy Ole Gunnar Solskjaer ngồi ở băng ghế huấn luyện Man United. Sir Alex cảm thấy huyết quản nhộn nhạo không phải vì chiến thắng 5-1 của M.U trước Cardiff City. Trong ông dâng trào niềm cảm xúc như Bố Già Vito Corleone nghe tin cậu út Michael đã về Mỹ an toàn. "Đúng rồi. Thằng bé đã về nhà!".

Tháng 5 năm 2013. Mùa Hè rực rỡ, ban phát ánh nắng ấm áp, mơn man trên da thịt những con người có mặt trên sân Old Trafford – Nhà Hát Của Những Giấc Mơ. Họ đang ngắm nhìn khoảnh khắc huy hoàng với chức vô địch Premier League thứ 13 của Sir Alex Ferguson.

Đó cũng là thời khắc vị Chủ nhân của Man United tuyên bố rửa tay gác kiếm, triệt thoái toàn bộ quyền lực của mình để trao lại cho một HLV trưởng mới. Tất cả đều hân hoan, rạng rỡ, không gian tràn ngập những sóng ý tích cực, lạc quan về một đế chế Quỷ Đỏ trường tồn.

Nhưng có ai ngờ đâu rằng, khi mặt trời tháng 5 của 2013 lặn đi, một cơn ác mộng tàn ác ngấm ngầm bao phủ Old Trafford, chầm chậm bào mòn sức mạnh, sinh lực và tinh thần của đội bóng này theo một cách êm ái nhưng độc địa khôn tưởng.

Mùa Thu buồn bã cũng trôi nhanh với những chiếc lá vàng rơi lả tả. Những chiếc lá vốn mang đầy hy vọng đó còn rơi nhanh hơn cả David Moyes và Louis van Gaal, hai HLV đã thất bại hoàn toàn trong đại mộng tiếp quản quyền lực của Sir Alex.

Và rồi mùa Đông dằng dặc đã thống trị Old Trafford với sự xuất hiện của Chúa tể hắc ám Jose Mourinho. Cơn hoảng loạn về thành tích của những người điều hành Man United đã khiến họ đưa ra một quyết định sai lầm chết người: Mời Mourinho về dẫn dắt Quỷ Đỏ.

Mourinho không phải hạng người tầm thường nhưng triết lý và tư duy của ông ta tương khắc với Man United, điều mà Sir Alex đã nhìn thấy từ khi còn đối tửu với Mourinho sau mỗi trận đấu. Mourinho tài năng, nhưng tài năng đó không hợp với Man United, thậm chí còn bạo phá toàn diện.

Quả nhiên, Man United chìm trong mùa Đông vĩnh cửu, âm u, rét mướt và bi thảm. Những bữa tiệc tại Europa League hay Champions League chỉ là những đốm lửa leo lét, tội nghiệp và không đủ hơi ấm để sưởi niềm hy vọng. Khắp nơi chỉ là tiếng cười chế giễu, khoái trá của kẻ thù cũ...

Trong cơn bĩ cực, người ta chợt nhớ đến một nhân vật đang ẩn thân ở vùng địa cực: Ole Gunnar Solskjaer. Đó là một Quỷ Đỏ thực thụ, một tiền đạo chuyên đá dự bị suốt tuổi thanh xuân nhưng anh ta lừng danh với biệt hiệu “Sát thủ với bộ mặt trẻ thơ”.

Không ai ấn tượng gì về sự nghiệp huấn luyện của Solskjaer bởi những kẻ lừng lẫy hơn như Mark Hughes, Paul Ince, Steve Bruce, Gary Neville, Ryan Giggs... còn thất bại nữa là. Nghiệp báo của một sự nghiệp HLV dài dằng dặc của Sir Alex chính là sự đoản mệnh của các học trò trên ghế nóng.

Thế nhưng, lệnh triệu hồi Solskjaer chắc chắn mang tính định mệnh. Bởi khi Man United dùng đến một gương mặt không mấy ai tin tưởng thì phép nhiệm màu lại xuất hiện. Đó là sự hồi sinh đến choáng ngợp mà không ai không cảm thấy xúc động.

Ngay ngày tái ngộ là một trận thắng giòn giã vốn đã biến mất khỏi tâm trí người Man United từ năm 2013, cái thời mà Man United ghi 5 bàn thắng trong 1 trận đấu là chuyện quá bình thường. Tiếp theo là kỷ lục thắng liên tiếp 4 trận đầu tiên tại giải VĐQG/Premier League của Sir Matt Busby tồn tại hàng chục năm bị phá vỡ.

Đấy chính là những nụ tầm xuân đầu tiên vươn lên từ đống tro tàn, báo hiệu một mùa Xuân tràn đầy sinh khí đang thay thế mùa Đông hoang hoải từ quá lâu tại Nhà Hát Của Những Giấc Mơ. Những dòng người ùa ra đường, ngắm nhìn ánh nắng ban sơ dẫu chưa ấm nóng nhưng đã tốt hơn rất nhiều.

Họ ngắm nhìn Ole Gunnar Solskjae mỗi cuối tuần để bồi đắp niềm tin vào con người này. Những bàn thắng, những chiến công, những trận cầu tươi vui, những bước chạy cống hiến... tất cả dệt nên một bức tranh tươi sáng. Đúng rồi, “chuyện của gia đình” phải do “người trong gia đình” lo liệu.

Người trong gia đình đó chính là một gương mặt tươi tắn, bất hoại trước sự nghiệt ngã của Premier League: Ole Gunnar Solskjaer. Vâng, thưa Ngài Alex Ferguson: “Thằng bé đã về nhà”!”.

Thời còn là cầu thủ, Solskjaer quá nổi tiếng với biệt danh “sát thủ có khuôn mặt trẻ thơ”. Sát thủ thì rõ rồi, nhưng vì sao gọi là trẻ thơ? Bởi ông không chỉ trẻ với những đường nét trên khuôn mặt mà còn nằm ở nụ cười luôn thường trực trên môi cùng một tâm hồn lạc quan.

Chỉ trẻ thơ mới vô tư nhìn đời và khiến người đối diện bất giác cũng hạnh phúc theo. Solskjaer là vậy, đi đến đâu là tỏa ánh nắng ban mai dịu nhẹ, làm trong lành bầu không khí.

Theo nhân tướng học, Solskjaer hội tụ đủ những nét của một người phúc hậu. Ông có ấn đường khoáng đạt, có cánh mũi lớn nhưng lỗ mũi lại nhỏ, có khóe miệng hướng lên trên và hay mỉm cười, đặc biệt nhất là sống mũi cao thẳng. Solskjaer chính là một chính nhân quân tử theo tiêu chuẩn của ngày xưa và vẫn nguyên giá trị cho tới tận thời điểm này.

Nhưng dáng vẻ bên ngoài không phải tất cả để làm nên một Solskjaer vui vẻ. Chính một đức tính đặc biệt khiến ông mới thật sự là “Chúa Xuân tươi trẻ” của Old Trafford.

Nhân sinh vốn không đau khổ, chỉ là chúng ta tham vọng quá nhiều mà thôi. Đời người vốn không mỏi mệt, mà mệt mỏi đến từ sự tranh giành, so đo. Cuộc sống có phiền não, không phải bởi thứ ta đạt được quá ít, mà bắt nguồn từ việc ta tham lam quá nhiều.

Thế nên, biết đủ, biết mãn nguyện là cách duy nhất để có hạnh phúc và người biết đủ chính là người tốt số nhất! Solskjaer chính là người như vậy. Ngày ông ngồi vào ghế nóng tại M.U, câu đầu tiên ông nói là: “Thật tốt khi được quay về nhà. Mỗi khi M.U gọi, tôi không cần suy nghĩ đến lần thứ hai”.

Với Solskjaer, được cống hiến cho đội bóng trong tim đã là mãn nguyện lắm rồi, do đó ông đâu cần so bì với người trước, đề phòng người ở sau. Solskjaer chỉ muốn tập trung làm công việc mình yêu thích, “thể hiện bản thân” cũng chính là thông điệp ông muốn truyền đạt cho các học trò. Chúng ta đâu cần phải trở thành bất cứ ai ngoài chính mình để trở nên hạnh phúc.

Đương nhiên, có lẽ điểm nhìn của một HLV non trẻ như Solskjaer khác rất nhiều những người đã đoạt biết bao danh hiệu kiểu Jose Mourinho hay Louis van Gaal. Nhưng đâu phải chờ đến khi khoác lên mình bộ vest, tay cầm sa bàn, Solskjaer mới biết đâu là đủ.

Hồi còn là cầu thủ, dù sở hữu tỷ lệ chuyển hóa bàn thắng thuộc dạng khủng khiếp nhất Old Trafford, Solskjaer vẫn vui vẻ ngồi dự bị. Mọi cầu thủ đều muốn được vào sân thi đấu, nhưng một khi đã đồng nhất lợi ích của bản thân với tập thể, coi đội bóng như gia đình của mình, thì việc hy sinh trở nên mãn nguyện.

Solskjaer hiểu được vị thế của mình tại M.U và trong mắt Sir Alex Ferguson, như vậy là đủ. Ngồi dự bị, là mệnh lệnh hay chiến thuật, tùy quan điểm mỗi người. Với một cái đầu lạc quan như Solskjaer, ông coi đó một phần của trò chơi này. Tôn trọng kỷ luật tối đa hay chỉ là kẻ “ngu trung”, người hiểu được giá trị của mình sẽ mỉm cười.

Solskjaer đương nhiên không phải một người vô tư đến độ vô tâm. Không cầu toàn, không trau chuốt thì đâu có thể lãnh đạo một đội bóng. Nhưng sự cầu toàn của Solskjaer khác với Mourinho, đó không phải là những chỉ thị cụ thể đến từng centimet trên sân cỏ, mà là quy hoạch làm sao cho cái đầu thoải mái nhất có thể.

Sống trong một tập thể mà suy nghĩ chỉ luôn tích cực, đó mới chính là động lực thúc đẩy tất cả cùng đi về phía trước. Solskjaer muốn mọi người ở Old Trafford cùng tiến lên. Sẽ không có ai bị bỏ lại, không có ai bị nghi kỵ, ngờ vực, chỉ trích, lấp liếm hay trù dập. Với Solskjaer, M.U là nhà, và nhà thì sau bao sóng gió, niềm vui vẫn luôn hiện diện.

Thật sự, Solskjaer là một trường hợp kỳ lạ ngồi vào ghế thuyền trưởng của M.U. Bởi lẽ đội bóng này thật sự quá lớn, quá tham vọng để biết bằng lòng với những gì đạt được. Nhưng dù tương lai cuốn đi đến đâu chăng nữa, Solskjaer có thể không còn tại vị sau mùa bóng này, người hâm mộ vẫn mãi nhớ đến ông như người đã mang bình yên trở lại nơi đau thương này.

Solskjaer từng 11 năm gắn bó với M.U và tạo dựng thương hiệu siêu dự bị dưới sự dẫn dắt của HLV Alex Ferguson. Bước sang sự nghiệp cầm quân, cựu danh thủ người Na Uy thực chẳng khác nào ánh đèn đom đóm so với ánh trăng vằng vặc từ những người tiền nhiệm tại M.U như David Moyes, Louis van Gaal và Jose Mourinho.

Thế nhưng, bóng đá hấp dẫn ở chỗ muôn hình vạn trạng, thiên biến vạn hóa, không có một thước đo nào là chuẩn mực nhất quán. Và thực tế, Solskjaer đã làm được rất nhiều điều mà những người tiền nhiệm của ông không làm được, mà phản ánh rõ nhất là thành tích thi đấu.

Từ khi thay Mourinho, Solskjaer đã thắng 7 trận liên tiếp (tính đến thời điểm E_magazine này lên trang), xô đổ kỷ lục của một trong hai vị chiến lược gia vĩ đại nhất lịch sử M.U nói riêng và bóng đá thế giới nói chung: Sir Matt Busby.

Giống như bậc tiền bối lẫn ông thầy cũ, Solskjaer đem đến cho M.U điều mà từ Moyes, Van Gaal cho đến Mourinho đều không thể làm được. Đó là dòng màu nóng chảy rần rần trong huyết quản từng cầu thủ. Dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Na Uy, Pogba và đồng đội ra sân không chỉ để giành chiến thắng mà còn hướng đến sự tận hiến và phô bày, tạo ra niềm phấn khích tột độ.

Phân tích dựa trên khía cạnh chuyên môn, Solskjaer thực hiện điều đó thông qua một vài điều chỉnh nho nhỏ trong sơ đồ chiến thuật. Cụ thể, tuyến phòng ngự được đẩy cao hơn, cho phép hậu vệ biên di chuyển tự do và khuyến khích dâng cao thực hiện các pha nước rút, mọi vị trí dao động trong khoảng không gian rộng hơn và các cầu thủ đều được thúc đẩy lao lên phía trước tấn công.

Nghe chừng có vẻ đơn giản song M.U đã phải trải qua một hành trình dài đầy bão giông mới đến được bến bờ, với bước ngoặt là việc trảm Mourinho. Dưới thời vị chiến lược gia thực dụng này, M.U chơi một thứ bóng đá cứng nhắc và nhàm chán.

Hệ quả là Paul Pogba, bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử M.U phát ngán đến mức đăng đàn chỉ trích HLV, CLB; còn Rashford, tài năng trẻ hứa hẹn nhất thì dần dần thui chột và đã tính chuyện ra đi.

Lý do rất dễ nhận ra, Pogba là mẫu tiền vệ ngẫu hứng nhưng Mourinho lại sử dụng anh ở vị trí tiền vệ box-to-box, phải tham gia cả phòng ngự lẫn tấn công. Và với việc phải di chuyển trên một khoảng không gian quá rộng (từ vòng cấm địa này đến vòng cấm địa kia), Pogba không có đủ thời gian và điều kiện để chơi thứ bóng đá phô diễn và sáng tạo.

Trong khi đó, Rashford bị đẩy hẳn ra hành lang, không có nhiều cơ hội để thể hiện khả năng săn bàn như tài năng trẻ này đang trình diễn cùng Solskjaer. Đó mới chỉ là hai trong vô số bi kịch cá nhân tại Old Trafford, tạo thành một tấn bi kịch tập thể. Và Solskjaer đến, cởi sợi dây trói chân của từng cầu thủ.

Pogba chú tâm tấn công khi phía sau đã có 2 tiền vệ đánh chặn, Rashford bó vào trung lộ nhiều hơn trong vai trò tiền đạo cánh, hoặc một trường hợp khác là Lindelof trở về vị trí trung vệ lệch phải, nơi cầu thủ người Thụy Điển thuận chân và có được cảm giác không gian tốt nhất...

Kết quả, sự cởi bỏ về vị trí lẫn tâm lý đã giúp M.U hồi sinh mạnh mẽ, biến thành một cỗ máy hủy diệt thực sự. Nhưng, Solskjaer không hề ngây thơ. Kẻ nào nghĩ vị chiến lược gia có gương mặt trẻ thơ này ngô nghê và chỉ biết xua quân tấn công như chính phát biểu của… ông là hoàn toàn sai lầm.

Solskjaer cũng đầy toan tính và hắc ám. Ông từng hồ hởi tuyên bố: “M.U phải tấn công và bóng đá là để giải trí”. Nhưng, trong chuyến hành quân đến Wembley để so tài cùng Tottenham và nhà cầm quân đại tài Pochettino - kẻ đe dọa sẽ cướp ghế của Solskjaer vào mùa Hè tới - M.U đâu có chơi thứ bóng đá tấn công và đậm chất giải trí.

Thống kê của Opta ghi lại: M.U chỉ cầm bóng 39%, tung ra số pha dứt điểm và số lần được hưởng phạt góc chỉ bằng nửa Tottenham để rồi giành chiến thắng với tỷ số tối thiểu 1-0 đã phần nào chứng minh cho điều đó.

Phân tích sâu hơn, Solskjaer thiết lập nên ba phòng tuyến qua sơ đồ 4-3-3 để chú trọng bịt trung lộ, không cho các tiền vệ Tottenham không gian chơi bóng và buộc phải đẩy bóng ra biên.

Đó là cách bố trí rất cao tay của vị chiến lược gia người Na Uy. Bởi lẽ, Tottenham của Pochettino sử dụng sơ đồ 4-4-2 kim cương để tận dụng khả năng phát triển bóng của các tiền vệ trung tâm kỹ thuật và sáng tạo như Alli hay Eriksen. Khi không gian bị bịt kín, họ buộc phải đẩy bóng ra biên để tìm không gian và kéo giãn đội hình đối phương.

Tuy nhiên, sơ đồ này hai hậu vệ biên phải quán xuyến hoàn toàn hành lang. Bởi vậy khi đội nhà có bóng, hai hậu vệ biên của Tottenham đều phải dâng cao để hỗ trợ tấn công. Và đó chính là tử huyệt của Tottenham mà Solskjaer đã nhận ra.

Thế cho nên ông mới bố trí sơ đồ 4-3-3 với hai tiền đạo cánh giàu tốc độ là Martial và Rashford để khai thác khoảng không gian mênh mông sau lưng hậu vệ biên đối phương.

Kết quả, M.U có được bàn thắng theo đúng kịch bản soạn sẵn của Solskjaer: Pogba cướp bóng ở giữa sân, phất đường chuyền cho Rashford băng lên không chế bóng, bứt tốc và dứt điểm. Do đó, ngoài việc tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Siêu dự bị, Solskjaer vẫn là một “Sát thủ có gương mặt trẻ thơ” dù đã trở thành huấn luyện viên.

Một mùa Xuân nữa lại tới. Nhưng ở mùa Xuân 2019 này, sự lạc quan đang bung nở trên mặt sân Old Trafford. Khó khăn còn rất nhiều, nhưng có những con người sinh ra để làm việc gian nan với phong thái ung dung, nhàn hạ. Bởi họ hiểu bản chất vấn đề, biết rõ yếu tố Cần và Đủ.

Trong thế giới bóng đá, không ai nói trước được điều gì chắc chắn. Nhưng người Man United có thể chắc chắn với vị Chúa Xuân Solskjaer của mình vì những phép màu mà ông đang đem lại cho Old Trafford. Những phép màu đó minh chứng rằng, Solskjaer là người phù hợp với Man United bởi Man United là nhà của Solskjaer và Solskjaer là linh hồn của Quỷ Đỏ!

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: HẢI AN - XUÂN LỘC - NGỌC TRUNG
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x