Chuyện xem EURO và đọc báo Bóng đá ở Bệnh viện Bạch Mai

EURO 2016, báo Bóng đá đã nhận được rất nhiều thư, bài của bạn đọc gần xa bày tỏ cảm xúc về ngày hội bóng đá châu Âu và chia sẻ, động viên chúng tôi trong những ngày tác nghiệp hết mình vì sự kiện thể thao này.
Trước trận đấu cuối cùng của giải, xin được gửi tới quý độc giả một trong số những bài viết như thế để thay lời tri ân của báo Bóng đá tới những tình cảm mến yêu của bạn đọc.

Trong đêm khuya vắng hắt hiu, có tiếng khóc lặng lẽ, và có cả thanh âm của bóng đá, vẫn vang vọng...

XEM EURO Ở BỆNH VIỆN...
“Thôi chỉnh tiếng bé bé xuống thôi, vì lúc có bàn thắng, anh bình luận viên hô to lắm, sợ làm ồn, ảnh hưởng đến các phòng, các bệnh nhân khác...”, nhưng rồi khi có bàn thắng, bệnh nhân đang nằm trên giường bệnh, đang cắm kim truyền thuốc vẫn bật dậy hô rõ to “vào, vào rồi...”, rồi lại tự nhắc mình “ấy chết, quên, phải bé mồm, sướng quá quên mất. Có bác cao tuổi thích ĐT Đức nhiều năm nay, rồi vào nằm viện, vợ đi chăm, bác gái cứ càu nhàu mãi: “Cấm ông chồng thức khuya xem bóng đá, rồi cấm hò hét, sợ ảnh hưởng sức khỏe, sợ cao huyết áp, tim mạch lại tứ tung bất thình lình mà nào có được đâu, ông ấy cứ bảo giờ già rồi, còn xem được mấy cái Ơ dô, Uốc cắp nữa đâu, nên cứ là phải xem cho sướng”. 

Đúng kỳ EURO này, vợ tôi có 1 tuần nằm viện Bạch Mai, và tôi bất đắc dĩ có vài ngày xem bóng đá trong bệnh viện. Người nhà đi chăm bệnh nhân, vẫn cứ hay giục “thôi khỏi nhanh nhanh lên, ra viện, về nhà xem bóng đá cho sướng, chứ nằm đây lại mất toi cả EURO...”. 

Ở khoa truyền nhiễm có 2 loại phòng bệnh, phòng tự nguyện thì chỉ 3 giường, 3 bệnh nhân, có điều hòa, tivi, còn phòng thường thì có 4 giường, không tivi. Phòng thường liên tục quá tải, vì số bệnh nhân đông, 2-3 bệnh nhân phải nằm chung một giường, kèm thêm mỗi bệnh nhân ít nhất một người nhà đi chăm nữa, cả chục con người trong 1 phòng rất nhỏ hẹp. Tivi bệnh viện thì là loại... siêu tivi, đường truyền cáp phập phù, chỉnh bắt được đúng kênh có EURO là phải để im đấy, hôm sau lại bật lên, bởi nhỡ tay bấm điều khiển thôi có khi kênh lại nhẩy mất, hoặc sang tình trạng có hình thì mất tiếng, có tiếng lại mất hình. 

Bệnh nhân và người nhà nằm chung một khoa rất chia sẻ với nhau, nhưng chuyện bệnh nhân phòng khác đêm đêm đứng cả tiếng ngó qua cửa sổ xem ké tivi phòng bên cạnh là chuyện thường, người bên trong có mời vào xem cũng nhẹ nhàng tỏ ý cảm ơn rồi lắc đầu. Khoa truyền nhiễm, bệnh dễ lây, qua phòng khác chơi cũng ngại, thôi cứ đứng cửa sổ ngó ké, cũng kịp nhìn Ronaldo đánh đầu ghi bàn. 
Đêm bệnh viện rất tĩnh lặng, chỉ có khoa cấp cứu là ồn ào, người ra người vào, tiếng gọi tên bệnh nhân, tiếng bước chân y bác sĩ… Đêm khuya hiu hắt, đôi khi có những tiếng khóc than ai oán vang lên, lại một trường hợp bệnh nhân nào đó đã không qua khỏi, một linh hồn nào đó đã giã từ cõi đời. Giữa cái không gian hiu hắt đó, những thanh âm của bóng đá vẫn cứ vang vọng...  Bóng đá là vậy, vẫn cứ là niềm đam mê, vẫn cứ mang đến niềm động viên, an ủi trong bất cứ hoàn cảnh nào. 


...ĐẾN CHUYỆN ĐỌC BÁO BÓNG ĐÁ Ở VIỆN
Một ngày bình thường, bạn thức dậy, và theo thói quen, mua một tờ báo thể thao quen thuộc, nhâm nhi ly cafe sáng và đọc báo. Tôi cá với bạn, thường chúng ta chỉ đọc những tin tức nóng nhất trong ngày, đọc những bài bình luận “đinh” nhất, ít khi đọc từ đầu đến cuối hết cả tờ báo, khi nhịp sống, công việc hàng ngày bận rộn. 

Nhưng người nhà bệnh nhân khi đi chăm bệnh nhân trong viện thì thường đọc từ đầu đến cuối tờ báo, chẳng sót tin bài nào, đọc hết, xem hết, rồi có khi lại đọc lại lần nữa. Cả một ngày ở viện, có rất nhiều thứ phải làm, nhưng rồi lại cứ đứng lên ngồi xuống, đi ra rồi lại đi vào, bồn chồn, lo lắng, chờ đợi... Khi ấy, nếu cầm một tờ báo giấy trong tay, người ta sẽ đọc chẳng bỏ sót thứ gì. Một tờ báo khi ấy còn được truyền tay qua vài người, thậm chí khi mua về, chia ra 2-3 người đọc chung, rồi đổi trang báo lại cho nhau, và tờ Bóng đá thì được đọc theo cách ấy. 

Xem bóng đá đêm, mấy ông chồng chăm vợ ốm mê bóng đá phải chia nhau ra “trực nhật”, đến phiên ông nào thì ông đấy phải dậy sớm ra mua tờ báo để đọc. Một tờ báo Bóng đá được truyền tay qua vài người, hoặc đôi lúc thất lạc mất vì một bác cao tuổi nào đó “tôi mượn đọc chút” rồi đãng trí cầm mất, mọi người cũng đành vui vẻ. Thầy giáo Nguyễn Thanh Định, người Nghệ An đưa vợ ra viện Bạch Mai chữa bệnh, vốn rất mê bóng đá. Giữa những lúc chăm lo cho sức khỏe của người vợ gầy rạc đi vì ho, vì sốt, thầy vẫn cứ tranh thủ đọc xem kết quả trận tối qua thế nào, vì không xem được. 

Tôi viết những dòng này, là để những nhà báo, phóng viên tại báo Bóng đá, những người đã có cả một tháng vất vả ngày đêm với những thông tin, những bài viết, con chữ thấy được rằng, những sản phẩm các bạn làm ra đã được độc giả đón nhận thế nào. Hẳn những người viết báo Bóng đá sẽ cảm thấy vui, thấy công việc của mình là ý nghĩa và giá trị hơn, khi biết tờ báo của mình thậm chí đã được chia nhỏ ra để cùng đọc, được truyền tay nhau đọc, mang đến niềm vui cho độc giả trong một mùa Hè 2016 nhiều cảm xúc. 

Phải dậy sớm may ra mới còn báo
Ở viện Bạch Mai chỉ có 2 sạp báo nhỏ nằm tích hợp bên trong các quầy bán đồ dùng thiết yếu, một ở gần cửa chính, và một sạp đoạn cửa phụ. EURO này, báo Bóng đá là tờ bán chạy nhất, phải dậy sớm ra mua thì may ra còn, ra muộn thì chắc chắn hết, lại phải đi bộ ra đoạn đầu đường Lương Định Của để mua.

Hội CĐV Pháp tại Việt Nam tổ chức offline 
Không có số lượng lớn CĐV tại Việt Nam như ĐT Italia, ĐT Đức nhưng ĐT Pháp cũng được nhiều khán giả Việt Nam mến mộ. Để cùng nhau cổ vũ từ xa cho thầy trò HLV Didier Deschamp trong trận tranh ngai vàng với ĐT Bồ Đào Nha, các CĐV ĐT Pháp tại Việt Nam đã lên kế hoạch tổ chức buổi off-line. Cụ thể, Hội CĐV ĐT Pháp tại TP.HCM đã quyết định cùng nhau tụ tập tại một quán cà phê trên đường Hàm Nghi, quận 1 (TP.HCM). Buổi off-line này sẽ diễn ra 1 giờ trước khi trận chung kết diễn ra.


Không chỉ những người yêu mến Les Blues, những CĐV trung lập tại thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có một bữa tiệc bóng đá tưng bừng tại Nhà thi đấu trường đại học Tôn Đức Thắng (19 đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TP.HCM). Theo đó, một chương trình xem chung kết EURO 2016 được tổ chức khá hoành tráng tại đây, bắt đầu từ lúc 23h00 ngày 10/7. Chương trình có sự tham gia bình luận của các cựu cầu thủ nổi tiếng một thời. Bên cạnh đó, khán giả cũng còn được giao lưu, thưởng thức ca nhạc giải trí với các diễn viên, ca sỹ, DJ tiếng tăm… Ngoài ra, khán giả đến xem còn có cơ hội bốc thăm trúng thưởng, tham gia các trò chơi hấp dẫn, vui nhộn. 

Cầu thủ V-League được thoải mái xem chung kết


V-League diễn ra song song với EURO 2016 nên các cầu thủ ở V-League bị hạn chế xem EURO 2016 đến mức tối đa, nhất là các trận đấu về khuya. Trong thời gian qua, các đội bóng tăng cường nhắc nhở, kiểm tra, giám sát để các cầu thủ không sa đà vào việc theo dõi EURO nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho tập luyện và thi đấu. Tuy nhiên, các đội bóng hứa sẽ xả trại cho cầu thủ xem thoải mái trận chung kết. Cũng dễ hiểu là khi trận tranh chức vô địch EURO 2016 diễn ra cũng là lúc vòng đấu 15 của V-League vừa kết thúc. Thường thì sau khi vừa thi đấu xong, các cầu thủ được các HLV cho nghỉ ngơi chứ chưa tập luyện trở lại ngay để chuẩn bị cho vòng kế tiếp.  
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x