Đế quốc The Kop - Klopp chỉ mới bắt đầu - Bongdaplus.vn

Sự tiệm cận toàn bích ấy đến từ nền tảng vững vàng mà The Kop thể hiện. Đó là dàn cầu thủ trẻ trung đầy tài năng. Đó là tập thể ăn ý, đồng bộ. Đó là lối chơi biến hóa khôn lường nhưng rõ ràng về triết lý. Và đó là ý chí quật khởi, thèm khát chiến thắng được thể hiện ở từng thành viên cho đến người hâm mộ.

Vì vậy, hoàn toàn có thể tin tưởng rằng chu kỳ thành công của Liverpool mới chỉ bắt đầu. Trong vài năm tới, The Kop có thể ngự trị trên đỉnh cao nhất của bóng đá Lục địa Già lẫn tại xứ sở Sương mù. Nhưng, thành công của Liverpool bắt đầu từ đâu? Nhiều khúc cua lịch sử sẽ được khai quật sau câu hỏi này.

Trước hết, cần minh định một điều, những đội bóng giàu truyền thống là cái nôi của văn hóa bóng đá. Liverpool là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất. Không phải ngẫu nhiên khán đài Anfield luôn hừng hực lửa khiến mọi đối thủ kinh hoàng bạt vía. Đó là sự hun đúc của trăm năm lịch sử và các thế hệ đã tạo nên biết bao chiến công hiển hách.

Khi tình yêu bóng đá đã phát triển thành cả nền tảng văn hóa như vậy, Liverpool không thể chết yểu như một số trường hợp từng nổi lên sáng chói rồi bây giờ chìm nghỉm.

Vấn đề của Liverpool đầu tiên nằm ở thượng tầng. Trở lại với thập niên 2000, trước làn sóng đầu tư vào bóng đá của các nhà tài phiệt, Liverpool không thể nằm ngoài cuộc và rơi vào tay bộ đôi Tom Hicks - George Gillett vào năm 2007.

Tiếc thay, hai tỷ phú này là hai con quỷ hút máu, là những hôn quân thứ thiệt của thế giới bóng đá. Trong 3 năm hai tỷ phú này cầm quyền, Liverpool thoái hóa với tốc độ chóng mặt. Những ngôi sao sáng giá như Xabi Alonso, Fernando Torres hay Javier Mascherano lũ lượt ra đi mà không có phương án thay thế xứng đáng.

Kết quả, mùa giải cuối cùng bộ đôi này tại vị (mùa 2009/10), Liverpool kết thúc ở vị trí thứ 7 tại Premier League. Chưa hết, "di sản" Tom Hicks và George Gillett để lại là 3 mùa giải tiếp theo, The Kop tiếp tục nằm ngoài Top 4, lần lượt kết thúc ở các vị trí thứ 6, thứ 8 và thứ 7. Anfield vẫn hừng hừng khí thế nhưng hiếm tiếng hoan ca, còn The Kop trông rũ rượi như một đội bóng tầm trung.

Về mặt thành tích là vậy, về mặt tài chính cũng bi đát không kém. Khi Tom Hicks và George Gillett đến, Liverpool nợ 40 triệu bảng, khi Tom Hicks và George Gillett đi, Liverpool nợ 240 triệu bảng, gấp 6 lần. Điều đáng nói, Tom Hicks và George Gillett trước khi ra đi vẫn tham quyền cố vị và tham lam một cách vô độ.

Trước làn sóng phản ứng của các thành viên Liverpool, bộ đôi này đã sa thải cả giám đốc kỹ thuật Christian Purslow lẫn giám đốc tài chính Ian Ayre để bổ nhiệm con trai của Hicks vào vị trí quản lý. Trong đó, Ayre từng tiết lộ ông bị sốc vì sự nghèo nàn của đội bóng giàu truyền thống như Liverpool khi mới được bổ nhiệm.

Sau một thời gian, trước sức ép từ hội đồng quản trị, Tom Hicks và George Gillett buộc phải rao bán Liverpool. Tuy nhiên, bộ đôi này chỉ chấp nhận nhượng quyền với mức giá 800 triệu bảng trong khi các nhà đầu tư chỉ chấp nhận 600 triệu bảng. Đó là giai đoạn Liverpool rẻ rúng như thế.

Cuối cùng, ngày 6/10/2010 tại tòa án Slaughter, London, thẩm phán tuyên bố tập đoàn Fenway Sports Group (FSG) của tỷ phú Tom Henry được quyền mua lại Liverpool, bất chấp nỗ lực trì hoãn của bộ đôi Tom Hicks và George Gillett. Hôn quân bị tống khứ, minh quân được đón chào, lịch sử Liverpool sang trang từ đây.

Khác với tư duy con buôn của Tom Hicks và George Gillett, Tom Henry là một nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực thể thao. Trước khi mua lại Liverpool, FSG của ông đã sở hữu đội bóng chày Boston Red Sox. Vì vậy, triết lý của Tom Henry không phải "tiền là trên hết" mà sẵn sàng đầu tư mạnh tay để phát triển bền vững.

Để dễ so sánh, dưới thời Tom Hicks và George Gillett, Liverpool lần lượt chia tay những ngôi sao sáng giá nhất mà không có sự đắp bù tương xứng. Ngược lại, Tom Henry đã tái sinh Liverpool từ chính đống đổ nát mà hai vị chủ cũ của đội bóng vùng Merseyside để lại.

Triết lý của ông rất đơn giản, dễ hiểu nhưng hiệu quả vô cùng, đó là sẵn sàng chi tiền để chiêu mộ những cầu thủ mà HLV cần. Nếu không chiêu mộ được sẽ chiêu mộ cầu thủ có giá trị tương đương.

Tuy nhiên, Tom Henry không đầu tư một cách vô tội vạ hay vung vãi tiền bạc theo kiểu trọc phú. Chiến lược của ông có thể tóm gọn theo phong cách Florentino Perez là từ Andrew Robertson đến Van Dijk.

Để dễ hiểu, khi mới mua lại Liverpool, Tom Henry không chi đậm để chiêu mộ ngôi sao. Thứ nhất, vì thương hiệu Liverpool thời điểm đó không đủ hấp dẫn. Thứ hai, vì lực lượng lúc đó rất yếu, cần cải tạo dần dần để tạo nền tảng vững chãi rồi mới nổ bom tấn.

Nói cách khác, Liverpool như kẻ bị bạo bệnh. Đầu tiên phải tẩm bổ để thể trạng phục hồi rồi mới dùng biệt dược trị bệnh. Robertson chính là dạng cầu thủ được chiêu mộ theo kiểu xây dựng nền tảng, với tiêu chí trẻ, tiềm năng và rẻ tiền. Ngoài ra, kể cả bộ ba Salah, Mane và Firmino cũng không ai có giá quá 40 triệu bảng.

Sau khi đã có một đội hình khá vững vàng, Liverpool mới bắt đầu chơi bom tấn. Van Dijk 70 triệu bảng, trung vệ đắt nhất lịch sử. Alisson 55,5 triệu bảng, thủ môn đắt nhất lịch sử. Giá trị của bộ đôi đắt giá này như thế nào sẽ đề cập sau, chỉ có điều không thể phủ nhận là từ đó, Liverpool có một bộ khung vững vàng.

Tất nhiên, Tom Henry chỉ đóng vai trò quản lý, dấu ấn chuyên môn công lớn nhất phải thuộc về HLV Juergen Klopp. Với sự xuất hiện của vị chiến lược gia người Đức, Liverpool có một hoạch định nhân sự lẫn lối chơi rõ ràng và lâu dài. Các cầu thủ lần lượt được chiêu mộ theo đề nghị của Klopp và kết quả là Liverpool có một đội hình hùng mạnh như hiện tại.

Ngoài 3 lần vào chung kết cúp châu Âu liên tiếp (1 Europa League và 2 Champions League) mà đỉnh cao là chức vô địch Champions League mùa này, giá trị đội hình Liverpool đã tăng gần gấp ba, từ 400 triệu bảng lên 1,1 tỷ bảng theo định giá của Transfermarkt, tính ở thời điểm Klopp vừa đến và hiện tại.

1,1 tỷ bảng, cũng là số tiền gần gấp đôi khoản tiền Tom Henry đã chi ra để mua cả Liverpool cách đây 10 năm. Đó là thành công chung của cả Henry lẫn Klopp. Trong đó, Henry thành công là nhờ tài quản lý và dùng người, với bước ngoặt là quyết định bổ nhiệm Klopp vào tháng 10/2016. Nói minh quân chọn ra tướng tài là vì vậy.

Liverpool bổ nhiệm Klopp là bước ngoặt cho cả đôi bên. Với Klopp, Liverpool sở hữu một trong những nhà cầm quân tài ba nhất trong thế giới bóng đá. Với Liverpool, Klopp có một môi trường thích hợp để thỏa chí tung hoành, khác hẳn Dortmund luôn phải thắt lưng buộc bụng và sống dưới cái bóng khổng lồ của Bayern Munich.

Sự tương thích của The Kop và Klopp như một định mệnh, bắt đầu từ chính ngữ âm tương đồng khi phát ra biệt danh của Liverpool và tên gọi của nhà cầm quân người Đức.

Tiếp đến là… âm nhạc. Klopp là một rocker thứ thiệt. Còn Anfield, đó là nơi xuất hiện những bài hát cổ động hay nhất trong thế giới bóng đá. Từ "You’ll Never Walk Alone" du dương và da diết đến "Allez Allez Allez" sôi động và phấn khích.

"You’ll Never Walk Alone" đại diện cho thời đại hoàng kim của Bill Shankly còn "Allez Allez Allez", một bài hát được cải lời L'Estate Sta Finendo chính là biểu trưng của đế chế Klopp đã và đang tạo dựng. Cuối cùng, quan trọng nhất, là sự đồng điệu về phong cách. Klopp luôn thèm khát sự cuồng nhiệt từ sân bóng đến cầu trường, một mô thức cuồng phong bão tố.

Bởi vậy, thậm chí ngay cả Nou Camp, nơi bậc thềm vẫn vọng lên tiếng rên xiết của người Catalan bị chèn ép dưới chế độ độc tài Franco, vẫn không khiến ông đủ "phê". Anfield chính là nơi để Klopp "phê", với tiếng hát đồng thanh hùng hồn của hàng vạn CĐV trên khán đài.

Hãy thử tưởng tượng hoặc trực diện hơn là tìm kiếm một clip về cầu trường Anfield trên internet, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rợn tóc gáy.

Đi sâu hơn vào vấn đề chuyên môn, Klopp và thứ bóng đá gegenpressing ông phát triển chính là lối chơi khắc chế tiqui-taca lẫy lừng của Barcelona. Đó là câu chuyện về dòng chảy chiến thuật. Còn tại Liverpool, Klopp có cơ hội để đưa gegenpressing lên một tầm cao mới.

Gegenpressing là một lối chơi bạo liệt như thể rock metal và nhược điểm là nhanh hao mòn thể lực lẫn thể chất cầu thủ. Tại Dortmund, rất nhiều học trò của Klopp đi xuống rất nhanh vì chấn thương, hệ quả của việc chạy không biết mệt mỏi để pressing. Chuyển sang Liverpool, gegenpressing vẫn là nền tảng nhưng Klopp hoàn thiện bằng cách gia giảm các lối chơi khác.

Đơn cử là trận chung kết Champions League năm nay, chả mấy khi Liverpool pressing quyết liệt như thường lệ. Thay vào đó, The Kop chú trọng khâu phòng ngự. Ngoài ra, suốt mùa giải 2018/19 có không ít trận đấu Liverpool chơi phòng ngự, thế nên suốt 38 vòng đấu tại Premier League họ mới chỉ lọt lưới 22 bàn và có 21 trận giữ sạch lưới.

Nền tảng để The Kop chơi phòng ngự dĩ nhiên là Van Dijk và Alisson. Đó chính là sự khác biệt giữa Liverpool qua hai mùa gần nhất và cho thấy sự đúng đắn trong chiến lược chuyển nhượng để có được một đội hình gần như hoàn hảo. Hẳn có người sẽ nhìn vào hai chữ hoàn hảo mà thắc mắc rằng tuyến giữa Liverpool thiếu đi một tiền vệ cầm bóng và sáng tạo.

Xin thưa, gegenpressing đã làm việc đó, như Klopp từng phát biểu: "Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới là áp lực (pressing) sau khi mất bóng". Diễn giải rõ hơn, khi một đội bóng vừa đoạt lại bóng, họ sẽ chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, tức giãn rộng và đẩy cao đội hình.

Thời điểm chuyển trạng thái này chính là lúc hàng thủ lỏng lẻo nhất. Gegenpressing đánh vào tử huyệt ấy, với mục tiêu pressing đoạt bóng ngay sau khi mất bóng bên phần sân đối phương. Và, hàng tiền vệ của Liverpool được sử dụng để làm công việc ấy chứ không phải cầm bóng bật nhả.

2018/19 là thời điểm chín muồi để Liverpool vô địch Champions League. Để thấy rõ yếu tố này, cần xét qua các đối thủ tiềm tàng. Real Madrid, đương kim vô địch sụp đổ hoàn toàn sau 3 mùa giải đứng trên đỉnh cao. Barcelona, đại kình địch của Real không có được bước phát triển về chiến thuật và ngày càng trở nên phụ thuộc Messi. Cuộc đụng độ Liverpool đã chứng minh cho điều đó.

Manchester United, kình địch của Liverpool thì như HLV Solskjaer đã thừa nhận, phải mất nhiều năm nữa mới đuổi kịp Barca chứ đừng nói Liverpool. Juventus chỉ có Ronaldo là có tư cách nhà vô địch Champions League. PSG, Bayern chỉ là hổ giấy. Tottenham non kinh nghiệm và thực tế đã cho thấy sự non nớt trong trận chung kết. Ajax Amsterdam thì chỉ là hiện tượng nhất thời.

Suy cho cùng, chỉ có Man City là đủ khả năng quật ngã Liverpool nếu so về tài bài binh bố trận của HLV lẫn chất lượng đội hình, khả năng kết dính. Nhưng, Man City cũng không đủ tư cách để đăng quang như Guardiola ngao ngán chỉ ra các học trò của ông chỉ như những đứa trẻ con tại đấu trường danh giá nhất châu Âu. Trong khi đó, 2 lần vào đến chung kết cúp châu Âu liên tiếp trước đó là nền tảng quá vững vàng để Liverpool hiện thực mộng bá vương.

Tất nhiên, mọi nhà vô địch đều cần đến may mắn để đăng quang. Liverpool không phải ngoại lệ. Tại vòng bảng, thầy trò Klopp lách qua khe cửa cực hẹp để tiến vào vòng đấu loại trực tiếp nhờ hơn Napoli về chỉ số phụ.

Chi tiết hơn, nếu thiếu một trong ba tình huống bàn thắng phút 90+2 của Firmino ở trận đấu với PSG, pha dứt điểm xuất thần của Salah hay pha cứu thua của Alisson ở phút bù giờ trận gặp Napoli ở vòng cuối, Liverpool đều đã bị loại.

Và tại bán kết, dù ấn tượng hơn hẳn Barca về kỷ luật chiến thuật, sự đồng độ hay bản lĩnh thi đấu nhưng Liverpool cũng đã đặt một chân ra khỏi Champions League sau trận lượt đi. Nếu các cầu thủ Barca chắt chiu hơn ở những phút cuối trận lượt đi hoặc những phút đầu trận lượt về, mọi chuyện có thể đã khác. Dù vậy, thần may mắn đã luôn ở bên The Kop.

Tiqui-taca và Barca đã không vĩ đại như ngày hôm nay nếu không có cú ra chân kinh điển phút bù giờ của Iniesta. Nói cách khác, chức vô địch Champions League luôn là nền tảng vững vàng để phát triển một đế chế. Liverpool cùng Klopp cũng đang đi trên hành trình vĩ đại ấy với sự may mắn đang có, danh hiệu đang có và lực lượng đang có.

Hãy nhìn vào đội hình Liverpool, hầu hết đều đang ở độ tuổi rất đẹp từ 24 đến 28. Alexander-Arnold thậm chí mới 19 và cùng Robertson tạo thành bộ đôi hậu vệ biên hay nhất châu Âu hiện nay. Alisson chắc chắn như thế nào trong khung gỗ cũng không cần giới thiệu nhiều. Van Dijk nhận là trung vệ số hai thế giới dám chắc không ai dám đứng nhất.

MSN hay BBC đã là dĩ vãng, MSF (Mane-Salah-Firmino) mới là bộ ba tấn công hay nhất thế giới hiện nay. Naby Keita, Fabinho, Georginio Wijnaldum, Milner hay Henderson, mỗi tiền vệ đều có một giá trị riêng, người mạnh về pressing, người giỏi tranh chấp, kẻ biết chuyền bóng, kẻ giàu kinh nghiệm, v.v…

Vì vậy, Liverpool đang sở hữu một lực lượng hùng hậu, với các cầu thủ còn có thể chơi bóng đỉnh cao và gắn bó với nhau thêm nhiều năm nữa. Tất nhiên, sức mạnh tiềm tàng của The Kop còn nằm ở Klopp, một nhà cầm quân dũng cảm và đại tài. Tiêu hủy một tập thể có thể mất một năm nhưng hủy diệt một triết lý thì mất rất nhiều năm.

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: Ngọc Trung
Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh
Kỹ thuật: Đỗ Trần Linh
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x