Đời em, nữ cầu thủ! - Bongdaplus.vn

Đời em, nữ cầu thủ!

H ọ lao động, hy sinh, đánh đổi cả tuổi thanh xuân cho vinh quang Tổ quốc, thế mà tại sao sau ánh hào quang là biết mấy đắng cay. Ngày mùng 8 tháng 3, ngày Quốc Tế Phụ Nữ, cả thế giới cùng tôn vinh nửa mềm của con người, E- Magazine này của Bongdaplus cũng xin nghiêng mình tôn vinh những cầu thủ nữ của bóng đá Việt Nam, để xin chia sẻ những giọt mồ hôi mặn đắng chảy trên lưng những bóng hồng đá bóng.

S inh ra là phận đàn bà, biết bao truân truyên nghiệt ngã. Khổng tử nói “Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vị nan dưỡng dã”, nghĩa là “Phụ nữ và tiểu nhân khó dưỡng dục”. Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “ Này các Tỳ Kheo, ta không thấy một hình sắc nào làm say đắm tâm trí của đàn ông như hình sắc của đàn bà”. Còn con người thế tục của bao nghìn năm qua lại khinh khỉnh: “Nữ nhi thường tình”.

Và trong thể thao nói chung, trong bóng đá nói riêng, vì lề thói xã hội, tín ngưỡng như thế, những cống hiến và đóng góp của phụ nữ luôn luôn có phần thiệt thòi. Ở bóng đá Việt Nam, bóng đá nữ mới là mỏ vàng dồi dào, đem lại vinh quang đầu tiên cho Tổ quốc. Thế nhưng, mỏ vàng ấy không được trân trọng đúng mực.

Đã có biết bao cảnh đời Huy Chương Vàng SEA Games, HCV Đông Nam Á phải lăn lộn với sự ruồng rẫy của người đời, phải nhọc nhằn đẩy xe bánh mỳ, gánh rau tươi, làm những công việc tầm thường để lo cuộc mưu sinh. World Cup, giấc mơ lớn lao của bóng đá Việt Nam, chỉ có đội tuyển nữ tiệm cận giấc mơ ấy, vậy nhưng để đổi lại họ nhận được những gì?

Những sân bóng của giải VĐQG nữ đìu hìu, các nữ cầu thủ cứ mặc sức tung hoành trên sân trong sự chứng kiến của những con bò thong dong gặm cỏ trên sân cỏ Phong Phú Hà Nam. Các em, các chị cầu thủ vẫn cứ miệt mài nuốt nước mắt, chảy mồ hôi để cháy hết mình trên sân cỏ chỉ để đổi lại những mức lương thảm hại nếu so với cầu thủ ở V.League.

Họ chỉ được tung hô khi tiến vào trận chung kết, đặc biệt là thi đấu với Thái Lan hay ở những giải đấu mà các cầu thủ nam có mơ cũng chưa thể đạt được cảnh giới. Sau những tiếng cổ vũ, hoan hô lại là sự lạnh tanh. Không nhà tài trợ, không mức đãi ngộ thỏa đáng, không sự trân trọng đúng mực.

Những cầu thủ nữ của chúng ta nghĩ gì về những đoàn người đi đón đội tuyển nườm nượp hàng chục cây số? Họ nghĩ gì về những vinh quang chói lọi khi được hàng trăm trang thông tin mạng tung hô? Họ nghĩ gì về những tiếp xúc với nhân vật lãnh đạo? Như các cầu thủ nam đã được hưởng.

Ừ thôi mình phận đàn bà. Ừ thôi mình là cầu thủ nữ. Biết thế thôi và chấp nhận thế thôi. Miễn được chơi bóng và yên tâm chơi bóng đã là may mắn lắm rồi. Còn may mắn bởi có những nhà tài trợ như Thái Sơn Bắc vẫn đau đáu với sự nghiệp bóng đá nữ nước nhà mà giữ gìn giải đấu.

Câu chuyện của bóng đá nữ Việt Nam không xa lạ bởi trên thế giới cũng thế cả. Đã mấy những fan nhiệt thành của Arsenal, Chelsea, Man City, Real Madrid… biết đến sự tồn tại và thành công của các đội bóng nữ, mặc dù họ vẫn là Arsenal hay Man City?

Cái ngày mà Man City đoạt Carabao Cup (tức Cúp Liên đoàn Anh), mấy người biết được rằng, đội nữ Man City cũng đoạt danh hiệu đó. Thậm chí, đội nữ còn vô địch trước đội nam. Nhưng vinh quang chỉ xung quanh những Pep Guardiola và học trò mà nào ai biết đến những Lucy Bronze, Izzy Christiansen, Carli Lloyd hay Jill Scott.

Ừ mình phận cầu thủ nữ. Còn những Văn Thị Thanh, Kiều Trinh, Kim Hồng, Trần Thị Duyên, Nguyễn Thị Muôn… có những ai mà các độc giả của bài E- Magazine này biết tới để thông thuộc thông tin cá nhân làu làu như Huỳnh Đức, Công Vinh, Tuấn Anh, Công Phượng…

Vâng, họ chẳng cần biết kỹ đến như thế đâu? Họ chỉ cần thế gian xung quanh này đừng chê họ là “đám giặc trời” hay ngỏ một lời cầu hôn là hạnh phúc lắm rồi. Bởi vì họ là cầu thủ nữ. Mà nào, “Đã ôm lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa”.

M ẹ sinh em ra, với bao mong ước em trở thành một người phụ nữ điệu đà thướt tha như bao cô gái khác. Thế nên mẹ đặt cho em cái tên thật nhẹ nhàng tình tứ: Liễu. Thế nhưng, số phận chọn cho em cái nghề của nam giới: nghề cầu thủ bóng đá.

Ngày mẹ mất, em nước mắt lưng tròng tất tả từ Trung tâm đào tạo của VFF về quê chịu tang. 3 ngày sau, em gạt lệ lên đường cùng các đồng đội tại ĐT Việt Nam sang Tây Á tham dự vòng loại Asian Cup 2014. Giải đấu đó, ĐT Việt Nam chơi tuyệt hay với thành tích toàn thắng và ghi được 24 bàn.

Liễu cũng có những bàn thắng cho riêng mình, để dành tặng mẹ. Đặc biệt là bàn thắng ở phút 45 trong trận đấu đầu tiên với Bahrain. Sau khi ghi bàn, em quỳ xuống thảm cỏ ngước mặt nhìn bầu trời xanh, nhìn mẹ mà nước mắt cứ tuôn rơi.

“Đó là bàn thắng vô cùng đặc biệt với Liễu. Điều đầu tiên Liễu nghĩ tới sau khi ghi bàn là nụ cười thân thương của mẹ. Liễu tin trên trời cao mẹ Liễu luôn dõi ánh mắt hiền hậu theo Liễu và Liễu muốn tặng bàn thắng ấy cho mẹ", Liễu tâm sự.

Một năm sau, ai nhận ra em qua chiếc áo khoác đội tuyển, với nụ cười dung dị trên một vỉa hè với gánh rau mưu sinh? Câu chuyện của Liễu trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội, từ sự bất công cho đến nỗi cơ cực. Hẳn Liễu cũng không quan tâm. Em vẫn chinh chiến cùng CLB và đội tuyển rồi trở về với gánh rau bên vỉa hè cùng nụ dười dung dị. Như bao đồng đội khác. Bất giác, Đã bao giờ chúng ta tự hỏi, các cô gái đi đá bóng để làm gì?

Để kiếm cơm?

Câu chuyện của Liễu đủ để chứng minh đá bóng không hoặc chưa đem đến cho những cô gái cơ hội kiếm tiền. Được biệt, Hà Nội, TP.HCM hay Than KSVN là 3 đội bóng đá nữ có mức đãi ngộ cao nhất tại Việt Nam, tức là bến đỗ mơ ước của mọi cầu thủ. Mức lương trung bình mỗi cầu thủ ở các đội bóng này là 3 đến 4 triệu đồng/tháng.

Những đội bóng “kém sang” hơn như Thái Nguyên hay Phong Phú Hà Nam thì chỉ đủ sức trang trải cho các thành viên mức lương 2 đến 3 triệu. Theo công bố của Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hồi tháng 7/2018 thì mức thu nhập trung bình của người lao động đạt 5,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức thu nhập của các cầu thủ nữ là dưới cả trung bình.

Vì vậy, đừng bất ngờ khi một tuyển thủ vẫn ngồi vỉa hè bán rau, một nhà vô địch SEA Games đã khóc hết nước mắt vì không có nổi 100 triệu đưa mẹ đi phẫu thuật hay một thành viên ĐT U19 từng nghĩ đến cái chết vì không có tiền chữa bệnh.

Nói đến chuyện “kiếm cơm” bằng nghề của các cô gái nữ hẳn nhiều người sẽ nhắc đến các đồng nghiệp nam của họ. Tại V.League, những cầu thủ tầm trung cũng dư sức kiếm 20-30 triệu/tháng, chưa kể các khoản thưởng có thể lên tới cả trăm triệu.

Tuy nhiên, đó là thực trạng hơn là bất công. Ngay cả trên thế giới, sự chênh lệch đãi ngộ giữa cầu thủ nữ và cầu thủ nam vẫn thế. Đơn cử, ngôi sao bóng đá nữ số một bóng đá thế giới vài năm trở lại đây Marta Vieira từng tạo ra kỷ lục vô tiền khoác hậu khi nhận mức lương 500.000 USD/năm. Số tiền đó chưa đủ trả lương tuần cho Messi.

Vậy chắc hẳn vì danh vọng?

Điều này lại càng sai. Những chiến tích của thầy trò ông Park Hang Seo trong năm 2018 khiến cả đất nước trào dâng cảm xúc. Thế nhưng, so về thành tích, cái câu “Ví đây đổi phận làm trai được” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương quá đúng để dành cho các tuyển thủ nữ.

Thuở bóng đá còn sơ khai, vào năm 1932, đội bóng đá nữ đầu tiên của nước ta đã xuất hiện. Đó là đội Cái Vồn ở Cần Thơ. Vài năm sau, có thêm đội Bà Trưng ở Rạch Giá - Long Xuyên. Năm 1933, đội nữ Cái Vồn thi đấu với đội nam Paul Bert tại sân Mayer và hòa 2-2, một kỳ tích trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Trở lại với thời hiện đại, đội tuyển nữ Việt Nam bắt đầu tham dự các giải đấu khu vực kể từ Sea Games 19 ở Indonesia năm 1997. Kể từ đó đội đã 5 lần vô địch Sea Games (các năm 2001, 2003, 2005, 2011 và 2017), 2 lần vô địch Giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á (các năm 2006 và 2012) và thành tích tốt nhất là lọt vào bán kết Asian Games 2014.

Bởi thế, dù tần suất xuất hiện trước truyền thông không nhiều, nhưng những Võ Ngọc Mai, Nguyễn Thị Kim Chi, Văn Thị Thanh hay Nguyễn Thị Tuyết Dung vẫn được người hâm mộ nhớ mặt biết tên.

Đ
ịnh kiến là hệ quả của quá trình tiếp nhận kiến thức theo thời gian dài. Phần nào đó, nó giống một thói quen bảo vệ con người trước những thứ khác thường. Nhưng đồng thời, định kiến không khác gì những biên giới trong tư tưởng, ngăn cách thế giới hội nhập và bình đẳng.

Bóng đá nữ chịu định kiến ngay từ trong chính cái tên. Khi nhắc đến bóng đá, người ta chỉ nghĩ đến bóng đá nam. Khi nhắc tới World Cup, thì là giải đấu cấp độ thế giới dành cho nam. Muốn định danh giải đấu dành cho giới tính còn lại, lại phải thêm từ “nữ” vào.

Nhưng như câu nói của HLV trưởng ĐT bóng đá nữ Việt Nam, Mai Đức Chung: “Chúng tôi đã quen rồi”. Quen ở đây nghe thật ám ảnh, giống như thể ông Chung và các học trò đã chấp nhận việc ăn mì gói, thi đấu trên sân không khán giả và vẫn… giành “Vàng”.

Thật khó tin là trong điều kiện cực kỳ khó khăn, việc giành “Vàng” với bóng đá nữ của chúng ta lại quen thuộc đến vậy. Khởi đi từ giải bóng đá nữ vô địch quốc gia đầu tiên được tổ chức vào năm 1998, sau hơn 20 năm, vẫn chỉ có 7 đội tham dự.

Ngay đến trận ra quân trước ĐT Philippines ở SEA Games 29, thầy trò Mai Đức Chung chỉ được cổ vũ bởi... 4 khán giả tại UM Arena. Lý do ư? ĐT U22 Việt Nam thi đấu cùng giờ gặp U22 Campuchia nên truyền thông, người hâm mộ và cả lá đại kỳ cũng đã hướng về cả SVĐ Shah Alam.

Trước đó nữa, ngay khi đặt chân đến Malaysia, những cô gái của chúng ta còn gặp cảnh dở khóc dở cười thông qua lời kể của thầy Chung: “Chúng tôi đến Malaysia khá vất vả khi phải chờ đợi làm thủ tục, thất lạc đồ đạc và phải đến 22h30 mới về đến khách sạn. Tuy nhiên, khách sạn không còn phục vụ đồ ăn khiến chúng tôi rất đói. Một số phải ăn tạm mì gói, một số thì ra ngoài ăn. Cho đến buổi tập hôm sau, người chúng tôi vẫn rất lơ mơ, ăn không đủ và giờ giấc cũng trễ nên rất oải”.

Đó là năm 2017, và các cô gái của ĐT Việt Nam vẫn... đói. Nhưng có hề gì, SEA Games năm ấy, chúng ta - ở đây chỉ nói về bóng đá nữ, vẫn giành Vàng. Đây đã là chức vô địch thứ 5 của bóng đá nữ Việt Nam tại Đại hội thể thao Đông Nam Á. Chưa dừng lại ở đó, tại AFF Cup dành cho nữ, Việt Nam cũng từng có 2 lần đăng quang vào các năm 2006 và 2012.

Ở ASIAD 2014, Việt Nam gây chấn động mạnh cho châu lục khi vào đến tận trận bán kết và chỉ chịu dừng bước trước Nhật Bản. Hiện tại, ĐT Việt Nam xếp thứ 35 trên BXH FIFA và không hề quá khi nói rằng đẳng cấp của chúng ta đang dần tiếp cận thế giới.

Năm 2014, trên sân Thống Nhất, các cô gái vàng của Việt Nam cay đắng nhìn người Thái giành mất tấm vé dự cúp thế giới. World Cup chưa bao giờ gần với bóng đá Việt Nam hơn thế.

So với các đồng nghiệp nam, thành tích của ĐT nữ là xuất sắc hơn hẳn, xứng đáng là lá cờ đầu của bóng đá nước nhà. Nhưng vinh quang đấy thì mấy người chung vui, còn tủi cực thì chị em phải chia nhau ngậm ngùi.

Lấy một ví dụ cụ thể, ĐT nữ Việt Nam chỉ được thưởng 1 tỷ đồng cho vị trí á quân tại AFF Cup 2016. Đó là số tiền lớn với những cô gái nhưng chẳng thấm vào đâu so với 3 tỷ được thưởng của U23 Việt Nam cho chiếc huy chương Đồng ở SEA Games 2015.

Tiền bạc ở đây đại diện chung cho sự phân biệt đối xử mà bóng đá nữ, không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới, phải chịu đựng. Định kiến không chỉ tồn tại ở Việt Nam, mà ở cả một quốc gia tưởng như có nền bóng đá phát triển hàng đầu thế giới như Brazil.

Thật khó tin, nhưng bóng đá nữ ở Brazil bị xem là một điều cấm kỵ. Thậm chí trong một thời gian dài của thế kỷ trước, việc tổ chức bóng đá cho nữ giới bị xem là quốc cấm. Một siêu sao như Marta – người từng 5 lần giành Quả bóng vàng liên tiếp (2006-2010) được tôn thờ không chỉ vì phẩm chất trên sân cỏ mà còn bởi cô là người dám đứng lên, bằng tất cả lòng tự tôn của mình, đòi hỏi sự công bằng cho bóng đá nữ.

Marta từng bị chính mẹ ruột quát vào mặt: “Mày là con gái, có hiểu không?” khi đòi mua một quả bóng lúc mới 5 tuổi. Đừng trách người phụ nữ kia, không chỉ cái nghèo, sự thiếu hiểu biết buộc bà nói lên những lời đó mà còn bởi bà là một sản phẩm của xã hội trọng nam khinh nữ điển hình – nơi có thể tôn thờ 5 chức vô địch World Cup của bóng đá nam như một tôn giáo nhưng bàng quan trước việc ĐT nữ chưa bao giờ đăng quang.

Mẹ của Marta suýt chút nữa đã dập tắt đi một tài năng kinh điển của bóng đá thế giới. Nhưng hàng triệu người như bà vẫn ngày ngày chôn vùi bao đôi chân kỳ diệu bằng chính những kỳ thị, trì trệ trong nhận thức.

“Tôi hoàn toàn đủ khả năng chơi bóng với những người đàn ông”, đó là tuyên ngôn của Marta dành cho chị em đồng nghiệp trên Trái Đất này. Tất cả họ xứng đáng nhận sự tôn trọng nhiều hơn thay vì những lời chúc sáo rỗng trong ngày 8/3.

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: HẢI AN - TRẦN LỘC - NGỌC TRUNG
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x