Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa

Yên Đan
20:53 ngày 02-02-2017
Những cái Tết bao cấp qua đi trong cơn khốn khó vất vả chật vật của các gia đình. Dần dần, đời sống có tiến bộ hơn, văn minh và no đủ hơn xưa nhưng sao những hương vị của ngày Tết xưa cũ vẫn ùa về.
Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Tết của tuổi thơ khốn khó, ăn miếng mứt Tết ế của bà cô mang tới, nó chảy nước và có cái còn mốc thẹo, thế mà lũ trẻ còn cố bới trong túi mứt ấy, xem còn miếng nào không mốc để ăn. Tết của thời tem phiếu xếp hàng từ tờ mờ sáng để mua hàng về ăn Tết. Tết nhọc nhằn, vất vả, nhưng sao Tết lại nhiều hương vị đến thế!

Mỗi Tết đến, bố mẹ tôi thường lo tới “méo mặt”. Tết chẳng bao giờ là vui, Tết là hàng tỷ nỗi lo âu, cuối năm, lo trả nợ trả nần, lo làm sao cho con cái ba ngày Tết được “no” cái bụng, lo biếu ông bà bên nội, bên ngoại… Lo là phải, bởi ngày thường còn lần hồi kiếm miếng ăn, nữa là ba ngày Tết…


Cứ tầm 26 Tết, mẹ tôi đong hơn chục cân gạo nếp. Hồi xưa, đói, khổ, ăn Tết chủ yếu là con gà và bánh chưng. Thế nên, lo xong nồi bánh chưng, nghĩa là lo xong Tết. Gạo nếp, dù ít tiền, không có tiền, nhưng cũng phải chọn gạo nếp cái hoa vàng loại ngon. Làm bánh, mà không chọn gạo ngon, thịt ngon, đỗ ngon, thì có ra bánh, cũng là thứ bánh dở. Thế nên, cũng như nhà nghèo cũng phải cho Tèo ăn Tết, nồi bánh chưng bao giờ cũng là thứ trở nên quan trọng nhất.

Đêm, mẹ tôi nằm vắt tay lên trán. Nhẩm tính: Mười lăm cân gạo, thì tầm bao nhiêu cân đỗ. Gạo, đỗ đó, để dành một ít nấu xôi cúng các cụ vào hôm 30, hôm mùng 1, rồi hôm hóa vàng. Còn đâu, để gói bánh. Thịt chắc phải ra cái nhà lão Vinh lác, chỉ có mỗi nhà lão là thịt tươi, ngon, mà lại bán tử tế. Đỗ thì phải gọi nhà cô Tâm, cái loại đỗ thơm bùi dễ tách vỏ, đỗ ta, chứ không phải đỗ tàu. Lá dong, có lẽ phải ra chợ Mơ chọn loại lá bánh tẻ, đắt tí, nhưng gói cho xanh bánh. Nan giải nhất, là đun ở đâu nhỉ…

Các bài toán ấy, trước Tết, tối nào mẹ tôi cũng lẩm nhà lẩm nhẩm. Tay vắt lên trán nhưng được cái, tính người lạc quan, chẳng mấy khi thở dài như chúng tôi bây giờ.


Cái không khí trước Tết, nó có mùi đặc trưng. Thời gian như nhanh hơn, se sắt, và bận rộn, dù chẳng ai hiểu vì sao cứ phải “quắn hết cả đít”, “vắt chân lên cổ”, “bạc cả mặt” chỉ vì cái Tết đang cận kề. 

Dưới kia, tiếng lợn kêu inh ỏi, thống thiết. Mấy đứa trẻ trong khu tập thể ngó đầu nhìn xuống. Thì ra, nhà thằng Cún Kiện đang mổ lợn. Con lợn bị “phanh thây”,  máu chảy ồng ộc và ai đó đang giơ cái chậu ra hứng tiết. Thấy bảo, uống tiết sống sẽ rất khỏe. Bọn trẻ khá sợ cảnh tượng đó, nhưng lại rất tò mò, nên thi thoảng vẫn ngó đầu xuống xem người ta mổ lợn thế nào. Mùi bốc nên nồng nặc. Người xẻ thịt, người giã giò ngay tại chỗ, thịt tươi ngon dành gói bánh chưng và cất đi nấu cỗ Tết, còn cỗ lòng của con lợn được xử lý ngay và đêm ấy, món cháo lòng nóng hổi thơm phưng phức nào lòng non, lòng già nhồi tiết, tràng, phèo làm sạch luộc lên, để nhắm với rượu. Còn đâu, cho vào nồi nấu cháo, thứ cháo được gọi là cháo lòng. Từng ấy thứ được bày ra trên lá chuối cộng với cút rượu nếp sẽ được đám đàn ông ngồi quây quần xuýt xoa trong cái rét tê lạnh với mưa phùn gió bấc nhưng chắc cũng bị đẩy lui bởi thứ rượu ngon đến tắc cả lưỡi. 

Thời ấy, sau chiến tranh, đã được ở nhà tập thể, cao những 5 tầng, nhưng người ta vẫn phải chăm chỉ chăn nuôi trồng trọt ngay cả ở trên nóc nhà nhau. Nuôi gà, nuôi lợn, thành phố vẫn còn nhiều ao hồ, nhiều bèo tấm, và mỗi lần lũ lụt, vẫn có thuyền để đi giữa các khu nhà tập thể ấy.

Ấy là sau này, cũng kha khá rồi các gia đình mới tự lo cái nồi bánh chưng chứa đầy “lo toan, tính toán”. Chứ trước thời này, muốn gói bánh chưng cũng chẳng phải đơn giản bởi phải lệ thuộc vào tem phiếu mua hàng của nhà nước phát cho. Hồi đó, có lẽ quyền lực nhất, là các cô mậu dịch viên. Nhà nào cũng phải cử người xếp hàng từ tờ mờ sáng, có lẽ cũng phải 4 - 5 giờ sáng. Mặc kệ thiên hạ cứ nhâu nhâu xếp hàng ngoài kia, các cô mặt vẫn lạnh hơn tiền, cắt tem phiếu, ghi sổ, thu tiền rồi trịnh thượng ném hàng cho người mua. Túi hàng Tết sẽ có ít thịt, ít măng khô, miến, bóng bì, mộc nhĩ, nấm hương, mì chính, hộp mứt Tết, gói chè mạn, bao thuốc lá, một chai rượu…”. Nói chung, là những thứ thiết yếu để các bà nội trợ làm mâm cỗ Tết và bày biện thắp hương, tiếp khách tới chơi đầu năm mới.


Nhà đông con, cái túi Tết kia đâu có thấm vào đâu. Tiền cuối năm chẳng có, khó khăn, vét ở nhà xem còn ít vải nào không (chẳng là mẹ tôi làm công nhân may, nên cuối năm, lại hay được thưởng vải mới, mà vải thì chẳng nấu lên ăn được, thôi vét xem còn bao nhiêu khúc vải, mang ra chợ bán tống bán tháo. Chưa đủ tiền mua con gà cúng. Ông già tôi đành tháo nốt đôi dép nhựa mồi mới mua hồi bán được hàng. Làm thế nào thì làm, kiểu gì cũng phải xoay đủ tiền mua con gà cho mấy cái tàu há mồm ở nhà. 

Sao cái câu “Đói quanh năm, no ba ngày Tết” dường như nó trở thành nỗi ám ảnh. Tết là phải được ăn các món ngon, mà cứ Tết mới làm, Tết mới nấu, Tết mới có. Thế nên, với trẻ con, Tết trở thành niềm vui, sung sướng, hạnh phúc vì được ăn ngon, mặc đẹp. Còn của người lớn, là một cuộc chạy đua nỗ lực sao cho Tết có cái mà ăn, mà mặc. 

Chiều 29 Tết, nhà mới xong nồi bánh chưng. Ông bố - gia chủ của một gia đình - ngồi cặm cụi gói từ tờ mờ sáng để cho vào nồi đun cho kịp Tết. Cái nồi đun to như cái thùng phi, khói củi mịt mờ toét cả mắt, nhưng khi than hồng, lại thích mê. cho mấy củ khoai tây, bắp ngô vào nướng, là nhấm nháp được hết buổi chiều. Lúc dỡ bánh, bố bảo chú nhóc: “Này, cái bánh cua của Tít đây nhé”. Nhà đông con, những anh chị lớn thường hay phải giúp bố mẹ việc nhà, việc hàng, còn thằng cu Tít bé nhất là tôi đây được ưu tiên. Chỉ loanh quanh bên mâm gạo, mâm đỗ với lá dong để nghịch ngợm, nên khi được bố gói cho cái bánh sơ-cua, thằng cu Tít là tôi sung sướng lắm. Cái bánh bé so với bánh thường, gói dành riêng cho mình, ai mà chẳng thích. Thế nên, từ lúc gói cho tới lúc luộc, lúc vớt ra, tới khi ép bánh xong, sang tới 30 Tết, tôi vẫn giữ khư khư cái bánh chưng, không ăn mà cũng chẳng cho ai động vào.

Hồi ấy, được quyền đốt pháo. Chưa đến Tết, bọn trẻ con đã ra nhà bà Biểu đầu xóm, mua ít pháo tép, dùng que hương châm, rồi vứt vào người nhau, rồi cười như nắc nẻ. Chính cái lũ trẻ con xóm nghèo, lại nghĩ ra lắm trò chơi. Nào chơi nhảy ngựa, mà có thằng trai nhảy hăng quá, húc đầu vào tường, biêu cả đầu. Nào đánh khăng, đánh đáo, nào chơi pháo nổ pháo nang cả làng chịu chưa. Hàng trăm thứ trò mà tuổi tinh nghịch nghĩ ra chẳng chịu để chân tay nguôi chút nào. Có vài hào xin bu, bu dặn: “đừng có mà mua pháo đấy nhé, chơi rồi nguy hiểm lắm đấy”. Nhưng mắt trước mắt sau, là lại lén mua pháo đốt rồi vứt vào người nhau. Cũng nguy hiểm thật ấy chứ. Chỉ cần mấy quả pháo bé như que tăm, đã là một trò chơi chẳng thể nào quên. Rồi sau này, cái tiếng pháo chỉ còn là ký ức đẹp, khi cả một vùng trời rộ lên, râm ran tiếng pháo, rồi cha mẹ sau khi thắp hương ngoài sân, vào thì thào với đứa con đang nằm ấm êm trong chăn: “Con ơi, giao thừa rồi đấy, có dậy đón giao thừa, đón năm mới không”…

Ngoài trời lạnh tê tái. Và giao thừa hình như thường hay mưa phùn lây rây… Dậy làm gì đâu, chú nhỏ còn đang lơ mơ ngủ. Đôi má hây hất hồng vì nẻ làm cho chú nom lại càng xinh. Chú có phải lo mâm cơm cúng tất bật như mẹ chú đâu, lo sửa sang ban thờ như cha chú đâu! Thế nên, nhiệm vụ của chú là ngủ. Tới giao thừa, mẹ chú sẽ gọi chú dậy, mà tiếng pháo râm ran như thế, chú làm sao ngủ được. Lơ mơ một lúc rồi chú nhỏ tỉnh hẳn, chú chạy ra ngoài khi nghe tiếng pháo, a, tiếng pháo nhà mình! Ròn quá, lạch tạch tạch đùng… Chú biết phân biệt đâu là pháo tép, đâu là pháo đùng qua sự lắng nghe, rồi đôi mắt sáng bừng, cái miệng reo hò mỗi khi nghe thấy tiếng của một quả pháo cối mà chẳng hề sợ hãi. Rồi hình như sự phấn kích cho tiếng pháo cũng bớt đi, khi bố chú gọi:”Ra đây, bố mừng tuổi cho con nào”. 

Mẹ mặc cho tôi cái áo len mới, rồi ngồi nghiêm chỉnh bên bàn uống nước. Ở trên bàn, đã có sẵn một lọ hoa violet màu tím, hoa thược dược, và hoa lay-ơn. Thấy mẹ tôi loay hoay cả chiều để cắm lọ hoa, cho dù nó cũng không nhiều lắm, mỗi thứ một tí, nhưng đầy đủ cả. Sau này tôi biết, đó là sự nỗ lực hết sức của mẹ (cái sở thích Tết phải có lọ hoa) của người Hà Nội là vậy. Bố mừng tuổi cho mấy anh em, cho thằng út tờ đỏ chót trong cái phong bao lì xì cũng màu đỏ, làm thằng nhỏ sướng rơn. Con xin bố, rồi thơm bố liên tục. 



Ăn một chút cơm sau giao thừa, lúc ấy cũng phải hơn 1 giờ sáng. Cả nhà mới đi ngủ, để chuẩn bị ngày mai, mùng 1 Tết, mặc thật đẹp, cả nhà đi xe điện lên bờ Hồ qua hiệu ảnh Quốc Tế chụp kiểu ảnh rồi đi lễ chùa, xong xuôi mới đi thăm ông bà nội. Phố phường lúc ấy quang vắng, cảnh vật khác ngày thường bởi sự yên tĩnh, trầm mặc.

Những cái Tết bao cấp qua đi trong cơn khốn khó vất vả chật vật của các gia đình. Dần dần, đời sống có tiến bộ hơn, văn minh và no đủ hơn xưa. Nhưng làm sao, những hương vị của ngày Tết xưa cũ vẫn ùa về. Tết của tuổi thơ khốn khó, ăn miếng mứt Tết ế của bà cô mang tới, nó chảy nước và có cái còn mốc thẹo, thế mà còn cố bới trong túi mứt ấy, xem còn miếng nào không mốc để ăn. Tết, còn được ăn bánh chưng rán, mà sao tới tận bây giờ, có ăn hàng trăm lần bánh chưng rán, cũng không thể nào thấy ngon bằng hồi nghèo khổ ấy. Bát canh bóng, canh măng của mẹ, ngon thấm tới định kiến rằng, chẳng ai nấu ngon bằng mẹ.

Bây giờ đủ đầy, bánh chưng không còn phải vất vả gói ghém, bao nhiêu năm toàn đi mua sẵn, hoặc thuê. Rồi gói bây giờ không phải mang tính chất lo cho cái Tết đủ đầy, mà là gói, với tâm lý mang lại kỷ niệm cho lũ trẻ con biết thế nào là gói bánh chưng, để tạo cho chúng những ký ức, những kỷ niệm mà Tết hiện đại nếu “lười”, sẽ chẳng đọng lại trong tâm trí lũ trẻ những phong vị của Tết xưa thế nào. Mâm cỗ Tết với bát măng, bát bóng, ít giò thủ xào, đĩa bánh chưng xanh, gà luộc thơm phưng phức… Cả năm đúng là chỉ có Tết mới được ăn tưng ấy thứ một lúc. Tết xưa ơi, sao nhọc nhằn, vất vả, nhưng sao Tết lại nhiều hương vị đến thế, như trong bài thơ của cụ Bàng Bá Lân:
“Tết về, nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà
Nhớ cành đào thắm đầy hoa
Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang
Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam
Nhớ tam cúc dẹt: Nhớ… mình!
Nhớ cân mứt lạc, nhớ khoanh giò bì!”

Sáng mùng Một, nhìn cành đào Tết mua chiều 30 của bố chúm chím nở, cây quất con bé tí nhưng đủ cả “tứ quý”: hoa, quả, chồi, lộc… Giờ, người đã khuất xa, nhưng cái sở thích của người, lũ con cháu bao giờ cũng ghi nhớ trong tâm tưởng, để mỗi lần mua quất, mua hoa, lại tự nhủ: “Thế này, chắc bố thích lắm đây”. Tết nay, Tết xưa, Tết trong ký ức, trong tâm tưởng, nó cũng giống như làn khói mờ, tưởng rằng đã tan biến nhưng lại vẫn còn lưu hương, phảng phất khó quên!
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
28
+46
64
2
28
+39
64
3
27
+34
60
4
29
+18
56
5
28
+17
53
6
28
0
47
7
29
-4
44
8
28
+6
42
9
28
-2
41
10
28
+11
40
11
27
+2
39
12
29
-1
38
13
28
-11
35
14
28
-16
27
15
28
-12
26
16
29
-18
22
17
28
-10
21
18
29
-16
21
19
29
-34
17
20
28
-49
15
  • Nhận định bóng đá Marseille vs PSG, 01h45 ngày 1/4: Velodrome lại rộn ràng 01h45 ngày 1/4: Marseille vs PSG 

    Nhận định bóng đá trận Marseille vs PSG diễn ra vào lúc 01h45 ngày 1/4 ở vòng 27 Ligue 1 2023/24. Bongdaplus phân tích thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, soi kèo nhà cái, dự đoán tỉ số.

  • Góc check VAR: Man City là ổ mê tín dị đoan Man City - ổ mê tín dị đoan

    Không ít lần Man City của Pep Guardiola tạo ra những chuỗi trận thắng liên tiếp kéo dài nhiều tháng trời để bứt tốc trong cuộc đua vô địch. Để duy trì được thành tích đó thì City không chỉ dùng hết trí lực mà còn phải nhờ đến cả… tâm linh.

  • Cho dù vô địch, Leverkusen vẫn phải ngước nhìn Der Klassiker! Leverkusen vẫn phải ngước nhìn Der Klassiker!

    Đó là sự thật mà Leverkusen không thể không thừa nhận. Der Klassiker, trận derby nước Đức, diễn ra vào thứ Bảy giữa Bayern và Dortmund không còn là cuộc tranh tài của hai ứng viên vô địch, bởi họ đang cách xa ngôi số một của Leverkusen trên BXH Bundesliga 2023/24.

  • Trước vòng 13 giải hạng Nhất 2023/24: Ai cản được Đà Nẵng? Trước vòng 13 giải hạng Nhất 2023/24: Ai cản được Đà Nẵng?

    Đứng đầu bảng và hơn đội nhì bảng tới 8 điểm, Đà Nẵng gần như không có đối thủ xứng tầm. Liệu chủ nhà Đồng Nai có cản được Đà Nẵng ở vòng 13 giải hạng Nhất 2023/24?

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x