EURO 1988: Hà Lan thăng hoa, Anh tệ nhất

Kinh Thi Kinh Thi
13:47 ngày 03-06-2016
Có một quan niệm không hẳn là đúng, về Johan Cruyff và bóng đá Hà Lan, rằng bóng đá Hà Lan chia hẳn thành hai thời kỳ, trước và sau khi có Cruyff. Trước khi Cruyff xuất hiện, Hà Lan thậm chí bị Luxembourg loại khỏi EURO. Còn sau khi có Cruyff, Hà Lan mãi mãi là một cường quốc bóng đá châu Âu.
Không đúng ở chỗ: ĐT Hà Lan thật ra cũng đã im hơi lặng tiếng sau thế hệ Cruyff. Họ liên tục bị loại khỏi World Cup 1982, EURO 1984, World Cup 1986. 

Bỗng nhiên Hà Lan trở lại sau gần chục năm vắng bóng và đoạt luôn danh hiệu vô địch EURO 1988 - chức vô địch lớn duy nhất của bóng đá xứ hoa Tuy-líp cho đến tận bây giờ. Chẳng có chỗ nào kết nối kỳ công vô địch EURO 1988 của Hà Lan với thế hệ Cruyff. Mặt khác, bóng đá Hà Lan chỉ mãi mãi được tôn trọng kể từ EURO 1988.

Đấy là giá trị lớn nhất của Marco van Basten và đồng đội. Nhưng, đâu là khác biệt quan trọng dẫn đến cái giá trị ấy - giá trị mà ngay cả trong thời Cruyff, bóng đá Hà Lan vẫn không có được?

Đó là chất “thép”, là tính chiến đấu, là sự bền bỉ, ngoan cường - tùy bạn. Nói chung, đó là sự xuất hiện của “những chàng trai Paramaribo”. Tại EURO 1988, giá trị ấy được thể hiện qua hình hài của Ruud Gullit, Aron Winter hoặc Frank Rijkaard. Bóng đá Hà Lan chỉ thật sự khác hẳn từ khi có họ.

Surinam, thuộc địa cũ của Hà Lan, tuyên bố độc lập vào năm 1975, kích hoạt hẳn một trào lưu di dân. “Những chàng trai Paramaribo” là biệt danh của các cầu thủ Hà Lan nảy sinh từ dòng di dân ấy. Và điều đó giải thích vì sao chỉ từ EURO 1988, đội tuyển Hà Lan mới thật sự “cất cánh”.


Nhìn lại EURO 1988, chẳng ai có thể phủ nhận cú sút thiên tài của Van Basten trong trận chung kết. Nhưng nếu không có những ngôi sao như Gullit, Winter, Rijkaard trong đội, thì Van Basten nói riêng hoặc đội tuyển Hà Lan nói chung sẽ tiến đến đâu? Cỡ như Cruyff là cùng!

Có hai vấn đề quan trọng, về mặt chuyên môn. Thứ nhất, bản thân Van Basten vốn chẳng có chỗ trong đội hình chính, khi EURO 1988 khởi tranh. Hà Lan thua Liên Xô 0-1. Sau đó, HLV tài danh Rinus Michels mới thay đổi đội hình, và Van Basten khẳng định chỗ đứng. Thứ hai, vì sao Hà Lan thắng dễ 2-0 khi gặp lại Liên Xô trong trận chung kết? Tài năng của Rijkaard, Gullit, Van Basten là điều hiển nhiên, không ai phủ nhận. Nhưng ít người lưu ý: Liên Xô khi ấy đã mất hậu vệ Oleg Kuznetsov (bị treo giò).

EURO 1988 không chỉ có Hà Lan của HLV Michels. Còn có ấn tượng đặc sắc từ đội tuyển Liên Xô của HLV Valery Lobanovsky. Gọi đấy là “Dynamo Kiev mở rộng” cũng được! Họ chơi theo một hệ thống đấu pháp tuyệt vời. Và khi mất đi mắt xích quan trọng Kuznetsov ở hàng hậu vệ thì cả hệ thống sụp đổ.

Nhìn chung, đấy là một trong những kỳ EURO hay nhất trong lịch sử. Liên Xô và Hà Lan xứng đáng vượt qua Italia và Đức để tranh ngôi vô địch trong cuộc quyết đấu cuối cùng. Ban đầu, ai cũng cho rằng cú sút ghi bàn kỳ lạ của Van Basten trong trận chung kết (ấn định tỷ số 2-0) chỉ có thể là một khoảnh khắc thiên tài. 

Sau này, giới nghiên cứu mới thấy rõ: kiểu chuyền chéo sân, dài và bổng, đưa bóng vượt qua mọi đối thủ để tiền đạo nhận và xử lý bóng bất ngờ như thế mới là “bài bản Hà Lan chính hiệu”. Frank de Boer cũng chuyền như thế cho Dennis Bergkamp tại World Cup 1998. Ngoài ra là những pha bóng tượng tự tại World Cup 2014.

Năm 1988 là lần duy nhất trong lịch sử, một quốc gia sở hữu cả hai danh hiệu vô địch châu Âu, ở cấp đội tuyển và CLB. Đúng 1 tháng trước khi Hà Lan thắng Liên Xô 2-0 trong trận chung kết EURO, đại diện Hà Lan là PSV đã thắng Benfica ở loạt sút luân lưu 11m trong trận chung kết Cúp C1 châu Âu.
ĐT Anh có giải đấu tệ nhất
ĐT Anh đã chia tay EURO 1988 với kết quả toàn thua. Đây là lần duy nhất tính đến thời điểm này, Tam sư kết thúc vòng bảng một kỳ EURO mà không có nổi điểm nào. Không chỉ bại trận trước Hà Lan và Liên Xô, ĐT Anh còn trắng tay trước đội tuyển hàng xóm Ireland. Thất bại này đã khiến HLV Bobby Robson (ảnh) bị chỉ trích nặng nề.


Altobelli ghi bàn nhanh nhất từ ghế dự bị
Alessandro Altobelli đã đi vào lịch sử các VCK EURO với tư cách là cầu thủ ghi bàn thắng nhanh nhất sau khi vào sân thay người. Kỷ lục đó được tiền vệ người Italia này lập trong chiến thắng 2-0 trước Đan Mạch, tại vòng bảng EURO 1988. Chỉ 60 giây sau khi vào thay Roberto Mancini, Altobelli đã mở tỷ số. Sau đó ĐT Italia còn có thêm bàn thắng nữa nhờ công Luigi De Agostini, một cầu thủ khác cũng vào sân từ ghế dự bị.

Kỳ EURO kỳ lạ
EURO 1988 có thể xem là một VCK đặc biệt và xứng đáng được xem là giải đấu tôn vinh bóng đá đẹp. Trong 15 trận đấu của giải không có trận đấu nào kết thúc với tỷ số hòa 0-0, cũng không có thẻ đỏ trực tiếp nào được rút ra. Kể từ khi bước sang giai đoạn knock-out, không có trận đấu nào cần đá thêm giờ hay phải phân định thắng thua bằng sút luân lưu.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x