EURO 2016: Sự thắng thế của 3-5-2

TIẾN SĨ
19:13 ngày 08-07-2016
Sơ đồ 3-5-2 không mấy phổ biến ở cấp CLB châu Âu, mà thất bại của HLV Louis van Gaal tại Man Utd là điển hình. Nhưng tại VCK EURO 2016, 3-5-2 lại trở thành chìa khóa thành công, nhất là với trường hợp của Italia và Xứ Wales.

TỪ BILARDO ĐẾN XU HƯỚNG TẠI EURO 2016

HLV Carlos Bilardo đi vào huyền thoại với chức vô địch thế giới cùng Argentina vào năm 1986. Nhưng ít người biết rằng 2 năm trước ngày vinh quang, HLV Bilardo chỉ giữ được ghế nhờ vào phát kiến 3-5-2. 

Vào năm 1984, ĐT Argentina chỉ thắng 3/15 trận đầu của HLV Bilardo, cho đến khi toàn đội thực hiện chuyến du đấu châu Âu. Khi HLV Bilardo nói rằng Argentina sẽ đá 3-5-2, phóng viên còn hỏi lại xem ông có nhầm không, vì thời điểm đó châu Âu chưa có khái niệm gì về 3-5-2. Nhưng Argentina đã thắng liền 3 trận trên sân của Thụy Sĩ, Bỉ và CHLB Đức. Đó là những kết quả giúp HLV Bilardo giữ ghế, trước khi đưa Argentina đến vinh quang tại Mexico 1986. 

Trên thực tế, HLV Bilardo đã chơi 3-5-1-1, với Diego Maradona đá thấp hơn so với trung phong cắm Pedro Pasculli. Nhưng dĩ nhiên không phải đội bóng nào cũng có một tài năng lớn cỡ Maradona, đó là lý do nhiều HLV sau này đã biến thể sơ đồ của HLV Bilardo thành 3-5-2, với 2 tiền đạo ở phía trên. 

Italia dùng 3-5-2 hạ Tây Ban Nha ở vòng 1/8
Italia dùng 3-5-2 hạ Tây Ban Nha ở vòng 1/8

Nhưng sơ đồ 3-5-2 được xem là đã lỗi thời trong 2 thập kỷ qua. Vì thế thành công của Hà Lan tại World Cup 2014 (3-5-2 hoặc 5-3-2) được xem là hiện tượng thú vị về mặt chuyên môn. Tiếp bước Hà Lan, 2 đội Italia và Xứ Wales đều đã gây ấn tượng cực mạnh tại VCK EURO 2016. 

Italia chỉ chịu thua ứng viên hàng đầu Đức trên chấm 11m tại tứ kết, còn “ngựa ô” Xứ Wales chỉ dừng bước tại bán kết. Đây đều là những thành tích vượt quá sự trông đợi của NHM dành cho 2 đội bóng này. 

Trong sơ đồ 3-5-2, vị trí hậu vệ biên không còn thực sự cần thiết, họ được đẩy lên cao hơn, đá tiền vệ hoặc thậm chí tiền đạo cánh. 3 hậu vệ sẽ đối phó với 2 tiền đạo, trong đó 2 hậu vệ kèm người, 1 người chơi như libero để bọc lót. Khi chỉ có 1 tiền đạo đối phương dâng lên, hậu vệ ở trung tâm sẽ dâng cao để hỗ trợ hàng tiền vệ.

Có 5 điểm ưu việt của 3-5-2 mà các HLV Chris Coleman (Xứ Wales) và Antonio Conte (Italia) đã tận dụng: Đưa được nhiều cầu thủ xuất sắc vào sân; đẩy đội hình lên cao để tiện gây sức ép; tạo điều kiện tốt nhất cho 2 tiền đạo; áp đảo khu vực giữa sân; có thể tổ chức phản công nhanh. 

Xứ Wales dùng 3-5-2 đánh bại Bỉ để tiến vào bán kết
Xứ Wales dùng 3-5-2 đánh bại Bỉ để tiến vào bán kết

Một ví dụ điển hình về tính ưu việt của 3-5-2 chính là trận Italia - Tây Ban Nha ở vòng 1/8. Hôm đó Azzurri của HLV Conte đã đẩy đội hình lên rất cao, phá vỡ lối chơi tiqui-taca của Tây Ban Nha ngay từ hàng thủ. Lối chơi của Bò tót phá sản hoàn toàn, từ đó tạo điều kiện cho Italia áp đảo và thắng chung cuộc 2-0. 

Nhưng đến trận kế tiếp, người Italia lại là nạn nhân của chính 3-5-2. HLV Joachim Loew đã bất ngờ chuyển từ 4-2-3-1 sở trường của ĐT Đức sang 3-5-2, đẩy Azzurri vào thế bị động. Trong suốt 120 phút quần thảo, Italia chỉ tạo được 1 tình huống nguy hiểm từ “bóng sống” ở cuối hiệp 1, khi người Đức tỏ ra thiếu tập trung. Thời gian còn lại, Italia hầu như không thể tạo ra bất cứ uy hiếp nào đáng kể lên khung thành của thủ môn Manuel Neuer. 

Thực ra, sơ đồ 3-5-2 chỉ được sử dụng với những cầu thủ thích hợp. Khi còn làm việc ở Premier League, HLV Coleman chỉ dùng 3-5-2 đúng 1 lần. Còn HLV Conte chỉ sử dụng 3-5-2 tại Juventus và ĐT Italia, khi ông có những hậu vệ thích hợp (Andrea Barzagli, Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini). Nghĩa là sơ đồ 3-5-2 hoàn toàn không phải lựa chọn duy nhất của 2 HLV Coleman và Conte, chứ chưa nói đến HLV Loew. 

PHẢI ĐA DẠNG ĐỂ CHIẾN THẮNG

Tại VCK EURO hay Champions League, mặt bằng chung về trình độ của các đội khá cao. Bất kể 3-5-2 hay sơ đồ nào khác, cũng không thể là đáp án duy nhất cho các đội bóng có tham vọng vươn cao. Bởi nếu trận nào cũng đá với 1 sơ đồ, 1 chiến thuật, đối phương có quá nhiều thời gian để chuẩn bị các phương án đối phó. 


Thể thức 24 đội ở VCK EURO đã tăng số trận đấu tại vòng knock-out, khiến các đội nhiều khả năng bị “lộ bài” hơn trước kia. Bắt buộc ban huấn luyện phải chuẩn bị thật nhiều phương án chiến thuật, nhân sự để thích ứng với từng đối thủ khác nhau. Những đội vào sâu như Bồ Đào Nha, Đức hay Pháp đều đáp ứng được yêu cầu đó, trong khi Tây Ban Nha hay Croatia tuy mạnh nhưng thi đấu quá đơn điệu, dễ bị bắt bài đều đã sớm bị loại. 

Qua những gì Bồ Đào Nha đã thể hiện ở giải đấu này thì bất kể họ gặp Đức hay Pháp ở chung kết, có thể tin trận đấu cuối cùng của VCK EURO 2016 cũng sẽ là màn đấu trí quyết liệt giữa 2 HLV về chiến thuật. Không loại trừ khả năng sẽ có đội đá 3-5-2, như xu thế của giải đấu này. 

Cầu thủ chạy cánh quan trọng nhất

Trong sơ đồ 3-5-2 thì vai trò của 2 cầu thủ chạy cánh là quan trọng bậc nhất. Họ vừa phải dâng lên cao để hỗ trợ tấn công, vừa phải lùi về phòng ngự như một hậu vệ cánh. Điều này đòi hỏi các cầu thủ chạy cánh trong sơ đồ 3-5-2 phải cực mạnh về thể lực và đa năng. Ví dụ như ở Italia, cầu thủ chạy cánh là De Sciglio và Candreva.

Coleman thành công nhờ 3-5-2


Trong sự nghiệp cầm quân ở cấp CLB, HLV Chris Coleman mới một lần duy nhất áp dụng sơ đồ 3 hậu vệ, trong trận đấu cuối cùng của mùa 2005/06, khi Fulham của ông đánh bại Middlesbrough 1-0. 

Tuy nhiên ở EURO này, 3-5-2 lại là sơ đồ sở trường của Xứ Wales, giúp thầy trò Coleman tiến vào bán kết. 3 hậu vệ thường xuyên đá chính là Ben Davies, Ashley Williams và James Chester. Gareth Bale đá tự do ngay phía sau chân sút Robson-Kanu.

Cầm bóng nhiều không có nghĩa là chiến thắng

Tây Ban Nha từng thành công với triết lý cầm bóng càng nhiều càng tốt. Nhưng ở VCK EURO 2016, họ đã thất bại trước một Italia cầm bóng ít hơn hẳn (tỷ lệ là 59% - 41%). Điển hình là CH Ireland với thời gian cầm bóng trung bình trong các trận ở vòng bảng là 34% và Iceland trung bình là 35% đều đã giành vé vào vòng knock-out.

Bóng dài ít hơn so với EURO 2012 

Ở VCK EURO 2012, dù Tây Ban Nha thống trị nhờ lối chơi bóng ngắn, ban bật nhỏ, nhưng những đường bóng dài cũng lên ngôi với tỷ lệ là 14,39%. Tại VCK EURO năm nay, tỷ lệ sử dụng bóng dài ít hơn, giảm xuống còn 12,1%. 

Tuy nhiên, nó vẫn là vũ khí lợi hại của các đội “cửa dưới” như Iceland hay CH Ireland... Với việc nhiều đội “cửa dưới” chọn lối đá phòng ngự phản công, bóng dài vừa là cách phòng ngự an toàn, vừa là sự khởi đầu cho những pha phản công.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x