Giọt nước mắt Payet

Dũng Phan
14:10 ngày 15-06-2016
Với nhiều người thì điều ấn tượng nhất sau ngày khai mạc EURO 2016 là những giọt nước mắt của Dimitri Payet, sau khi anh ghi bàn quyết định vào phút 89 giúp Pháp thắng Romania 2-1.
Một HLV đã nói: “Bóng đá là trò chơi của những người đàn ông”, nhưng không ai nói rằng đàn ông thì không được khóc. Bóng đá, đặc biệt là ở các kỳ EURO hay World Cup, nơi mà các cầu thủ chiến đấu không chỉ cho bản thân mình, mà còn cho kỳ vọng của tổ quốc, cảm xúc vì thế dễ bột phát hơn bình thường. Người hâm mộ đột nhiên nhận ra, họ không chỉ yêu các pha bóng đẹp, những bàn thắng mà còn yêu cả nước mắt của cầu thủ, và những thất bại trái ngang của đội tuyển đôi khi khiến họ yêu hơn bình thường.

Gà Tài dự đoán trận đấu Pháp - Albania


Người hâm mộ khó có thể quên được giọt nước mắt của Pirlo ở EURO 2012, khi anh lên bục trao giải huy chương bạc. Cũng không quên được nước mắt của Gascoigne tại EURO 1996, Di Maria ở World Cup 2014, ánh mắt hoe đỏ của Totti ở trận chung kết EURO 2000, của Ballack tại EURO 2008... Đấy là những giọt nước mắt đã lấy trọn tình cảm của các cổ động viên trung lập.

Vậy giọt nước mắt của những Pirlo, Totti, Ballack… khác gì với giọt nước mắt của Payet trong trận khai mạc? Câu trả lời chính là thời điểm. Cả Pirlo và Totti đều khóc khi họ phải gánh chịu nỗi đau quá lớn trong một giải đấu mà họ chơi tuyệt hay, họ đã dẫn đường đội bóng đi đến trận chung kết EURO, nhưng rồi thất bại trước ngưỡng cửa thiên đàng. Trước khi rơi nước mắt, họ đã cười, đã chiến thắng cho đến trước trận đấu cuối cùng. Còn Payet thì hơi sớm, nước mắt ấy là một điều đáng trọng nhưng cũng đáng lo.


Hậu vệ Maicon, 6 năm trước trên đất Nam Phi, đã rơi nước mắt khi ăn mừng một bàn thắng không tưởng ở góc cực hẹp. Lúc ấy Brazil vẫn đang đá vòng bảng, và bạn biết Maicon khóc khi ghi bàn vào lưới đội nào không? Đó là… CHDCND Triều Tiên. Vẫn là Brazil nhưng là Neymar, khi đang xếp hàng hát quốc ca trước trận đấu với Mexico, Neymar bật khóc vì xúc động. 

Brazil trong giải ấy còn một “thảm họa” khác, đó là trước trận gặp Đức, David Luiz và thủ môn Cesar căng chiếc áo có tên Neymar Jr. lúc làm lễ chào cờ trước trận bán kết. Hôm đó, Brazil thua Đức 1-7. Cũng tại kỳ World Cup 2014, anh chàng tiền vệ có mái tóc ấn tượng và khuôn mặt rắn rỏi Serey Die khóc tu tu khi quốc ca của Bờ Biển Ngà cất lên. Kết quả, Bờ Biển Ngà bị Colombia đánh bại. 

Điều làm nên cầu thủ đẳng cấp, là chỗ dựa của đội bóng không phải là một trận đấu hay tức thời, rồi khóc vì bất ngờ với những gì bản thân đã làm được. Mà đấy phải là sự kiểm soát trận đấu. Siêu sao biết họ sẽ làm nên điều đặc biệt, chứ không phải họ bất ngờ trước điều đặc biệt mình vừa làm ra. 

Hãy nhìn hai cầu thủ dẫn đường cho Italia vào hai trận chung kết Euro gần nhất, Pirlo và Totti đều hiểu rõ chiến thắng hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của họ, sẵn sàng lạnh lùng thực hiện cú đá panenka trong loạt đấu súng. Người ta gọi đó là bản lĩnh thép.

Giải đấu vẫn còn rất dài với Pháp. Một chiến thắng trước Albania sẽ đưa Pháp vào vòng knock-out, rồi những đối thủ mạnh sẽ xuất hiện. 

Và lúc ấy, người Pháp cần đi tìm cái lạnh lùng để kiểm soát trận đấu. Còn nước mắt ư? Hãy như hai câu thơ sau: “Thú tội con xin cha đừng giận / Giọt nước mắt này là giọt nước mắt mưa...”.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x