Nhớ CH Czech, nhớ kỳ EURO năm ấy

Trần Minh Trần Minh
06:05 ngày 13-06-2016
Đêm nay, ĐKVĐ Tây Ban Nha sẽ đá trận ra quân với CH Czech. Nếu nghe cái tên CH Czech mà bạn nhớ ngay đến EURO 1996 thì chúng ta nên ôm nhau một cái. Vì cả tôi và bạn đều đã... già mất rồi.
Đó là giải đấu lớn đầu tiên tôi theo dõi một cách chủ động. Sau này, khi đã... già đi, xem thêm nhiều kỳ EURO, World Cup, chợt nhận ra rằng mãi mãi không bao giờ mình có được cái cảm xúc của “lần đầu tiên” ấy.  Huống chi, đấy còn là “lần đầu tiên tuyệt diệu”. Bởi vì có biết bao nhiêu nhà chuyên môn uy tín đã xác nhận đấy là kỳ EURO hay nhất lịch sử. 

Ở đó, Anh chơi giải đấu hay nhất của mình trước khi... lụn bại. Đức thể hiện thứ bản lĩnh tuyệt vời dù lối chơi không được lòng khán giả yêu bóng đá đẹp. Đấy là kỳ EURO đầu tiên áp dụng luật “Bàn thắng vàng”. Và không một ai hưởng lợi từ điều này tốt hơn người Đức.

Bạn có biết “Bàn thắng vàng” là một phát kiến của... Phát xít? Thật vậy. Tờ Independent của Anh và 2 cuốn sách nổi tiếng (“Tor!: Câu chuyện bóng đá Đức” và “Euro 96: Khi bóng đá về nhà”) đều xác nhận “Quả bóng vàng” được đăng ký bản quyền bởi người Đức trong thời kỳ Phát xít với thời gian chính xác là năm 1935. 

Từ 1935 đến 1944, có 460 trận được áp dụng luật này. Nếu hòa, lập tức vào hiệp phụ. Trong hiệp phụ, ai ghi bàn trước là thắng. Vì bàn thắng có thể đến bất kỳ lúc nào nên họ gọi nó là “cái chết bất ngờ”. 

FIFA đã từng nhầm lẫn “cha đẻ” của “cái chết bất ngờ” là người Tây Ban Nha. Trang web của họ từng xác nhận lần đầu tiên “bàn thắng vàng” được áp dụng là năm 1950. Nhưng sau đó, chính Liên đoàn Thống kê và Lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) đã xác nhận nó là của người Đức. Năm 1996, “cái chết bất ngờ” được áp dụng trở lại cho EURO với cái tên mỹ miều “Bàn thắng vàng”. 

Chủ tịch IFFHS Alfredo Poege ngày ấy đã nói trên tờ Independent như sau: “Thật mỉa mai khi người ta dùng mỹ từ bàn thắng vàng cho một phát kiến của Phát xít. Chúng ta không bao giờ được vinh danh điều đó. Thật là xấu hổ”. 


Sau này, vì luật “Bàn thắng vàng” quá... dã man, khiến các cầu thủ ai cũng tim đập chân run khi đá, người ta mới chuyển sang luật “Bàn thắng bạc” rồi sau đó là khai tử hoàn toàn luật này. Nhưng vì đã có thâm căn từ trước, lại thêm bản lĩnh kinh khủng của những người Đức nên chỉ có đối phương là sợ hãi khi phải đá hiệp phụ với Đức ở EURO 1996 mà thôi.

Bán kết Anh - Đức ở giải đấu cách đây 20 năm là một trong những trận cầu hay nhất mà tôi từng được xem. Anh tràn đầy khí thế, Đức lạnh lùng bình tĩnh. Đến khi vào hiệp phụ, trong khi Anh ngày càng nao núng thì Đức càng đá càng lạnh. Rốt cục Anh thua trong thi sút luân lưu. Vào chung kết, Đức gặp hiện tượng của giải đấu là CH Czech, đội bóng đã chơi thứ bóng đá tưng bừng suốt giải. Khi CH Czech sớm mở tỷ số, bố của tôi đã nói: “Ghi bàn sớm chi vậy? Kiểu gì cũng bị gỡ cho coi”.

Quả nhiên Đức... gỡ thật. “Vua lội ngược dòng” đâu chỉ có hư danh. HLV Berti Votgs của Đức tung chân sút Olivier Bierhoff vào. Anh gỡ trong hiệp chính rồi ghi “Bàn thắng vàng” trong hiệp phụ. Cả giải anh ghi hai bàn, chính là hai bàn trong trận tranh cúp. Một câu chuyện tuyệt vời để khép lại một giải đấu tuyệt vời.

Sau giải ấy, Đức chẳng vô địch EURO nữa, CH  Czech thì có thêm kỳ EURO 2004 ấn tượng nhưng rồi cũng lãng quên. Đêm nay CH Czech đá với Tây Ban Nha, nhưng ấn tượng về họ của 20 năm trước ngỡ như đã ở tận kiếp nào...
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x