Từ Paris: Cánh đồng "cò" ở Stade de France

Vẻ mặt nhăn nhó, bộ dạng buông xuôi, tôi đã nhập vai đầy xuất thần trong vai trò của một CĐV khát vé cần đến sự giúp đỡ của đám "cò".
Trước khi đến Paris, tôi có tham gia diễn đàn của nhóm sinh viên đang sinh sống và học tập tại Pháp với mục đích kiếm 1 cặp vé vào sân theo dõi một trận đấu có mặt một ông lớn ở EURO 2016. Cũng có một vài bạn vì không có điều kiện ra sân nên đành rao bán (với giá gốc) nhưng số này là rất ít và thường thì vé cũng qua tay chủ mới chỉ sau 5 phút status được đăng lên. 

Sang đến Paris tôi mới biết ngay cả người bản địa cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc sở hữu tấm vé vào sân theo dõi ĐT Pháp thi đấu. Trong hành trình tới sân Stade de France lùng vé, tình cờ tôi làm quen được với anh Châu, một doanh nhân trẻ đã sống ở Pháp ngót ngét 10 năm và được anh tiết lộ rất nhiều thông tin hữu ích. 

Anh Châu, một người Việt không may khi không thể sở hữu tấm vé xem trận khai mạc giữa Pháp và Romania

Đầu tiên, đó là việc đăng ký mua vé qua mạng là tương đối khó. Thứ hai, đừng vội vui mừng khi mua lại được tấm vé với giá đẹp trên mạng, bởi nó hoàn toàn có thể làm giả. Rất nhiều người bạn của anh Châu là nạn nhân và đó là lý do anh phải trực tiếp đến sân lùng vé xem đội nhà thi đấu. Tôi may mắn có mặt trên hành trình săn vé với anh Châu và thậm chí còn có cơ hội hóa thân thành một kẻ khát vé với hy vọng hiểu sâu hơn về nghề "cò vé" nơi xứ người.

Đến Stade de France, hình ảnh đầu tiên lọt vào mắt tôi là rất nhiều CĐV nhăn nhó vì không tìm được vé. Tôi có dò hỏi và biết được rằng giá của một tấm vé xem trận Pháp-Romania, xin lỗi có thể nói là hạng bét, kiểu vác ống nhòm đi xem bóng đá giờ cũng có giá tới 300 euro (tương đương 4tr5 VNĐ). Riêng điều này đã khiến lửa hy vọng trong tôi tắt ngóm. Nhưng đi nãy giờ tôi đâu có thấy ai chào mời mình. Hay tôi phải giơ tấm biển "I need ticket" (tôi cần vé) như truyền thống mới thu hút được đám "cò"?

Rất nhiều CĐV không mua được vé trận khai mạc
Rất nhiều CĐV không mua được vé trận khai mạc

Chợt nhớ ra rằng bản thân nãy giờ toe toét nhiều quá, không giống kẻ đói vé, nay chuyển sang trạng thái "mất sổ gạo" lập tức được gặp đám con buôn. Người đầu tiên tiếp cận tôi là một gã hói cao to, đứng trầm ngâm với ánh mắt đăm chiêu mà tỗi ngỡ tưởng là CĐV không có vé. Gã hỏi tôi cần vé không, sau câu trả lời có, 1 cặp vé thơm mùi mực rất nhanh chóng xuất hiện. Giá gốc 195 euro, đẩy nhanh cho chú em 395 euro. Lãi 200 euro (5 triệu đồng) 1 tấm vé! Người Pháp khác người Việt, nhưng "cò" Pháp với "cò" Việt chắc chắn là chung một lò sản xuất.

Tôi giả vờ nhăn nhó đòi gọi điện về cho người thân viện cớ xin viện trợ thì gã xùy xùy rồi nói nguyên văn: "Đúng 295 anh bán cho chú". Giá có vẻ thơm hơn nhưng người bạn tôi kiểm tra kỹ thì chỗ ngồi không hề đẹp, chếch góc khán đài và khuyến cáo đem ống nhòm đi xem. 

Gã thứ hai trong vở kịch tôi diễn bất ngờ lại là một CĐV Romania nhưng có vẻ là người Pháp đúng hơn vì chất giọng cũng như khả năng mời chào bằng tiếng bản địa điêu luyện. Gã đi cùng dường như có nhiệm vụ cảnh giới, trong khi kẻ còn lại ra sức mời tôi mua vé. Gã này cũng sở hữu vé mệnh giá 195 euro và mau mắn xin ăn chênh 100 euro sẽ tiễn em nó sang chủ mới. Đương nhiên tôi tiếp tục từ chối và đi tìm một đối tượng nào đó mới mẻ hơn.

Sau một vài lời chào mời từ những tay "cò" trong những trang phục hết sức đa dạng từ complet, đồ thể thao hay đơn giản là quần bò áo phông, tôi vô tình tiếp cận được một gã "cò" khá đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là gã bán vé giả nhưng tính tình rất ngô nghê. 



Chân dung "đàn cò" xứ Paris

Gã có đưa chúng tôi sấp vé có mệnh giá 595 euro nhưng không có tên người mua và giải thích là vé mời ở hàng ghế VIP !? Các bạn đừng quên tất cả vé xem EURO 2016 đều có in tên người sở hữu, bạn có thể phải thông qua thủ tục chuyển đổi nếu muốn có nó. 

Nhưng cũng có người nói rằng lực lượng an ninh cũng chẳng buồn nhìn tên bạn trên vé khi giờ thi đấu đã cận kề (điều này tôi nghe lại từ những người đã vào sân theo dõi trận khai mạc). Buồn cười hơn cả là gã sẵn sàng nhượng lại tấm vé VIP với giá 100 euro sau khi tốn kha khá nước miếng để trình bày trước những câu hỏi vặn vẹo của chúng tôi. Vé giả là đây chứ đâu!

Những tấm vé giả cũng không hề thiếu
Những tấm vé giả cũng không hề thiếu

UEFA quyết bài trừ nạn cò vé nhưng không hiểu sao những kẻ mà tôi tiếp xúc đều sở hữu rất nhiều cặp vé, cá biệt có những trường hợp còn có hơn 5 cặp trong phong bì để người dùng có thể lựa chọn mệnh giá, chỗ ngồi theo nhu cầu. Ở Pháp, "cò" vé hoạt động khá công khai và không vướng phải rào cản là các nhân viên an ninh. Họ có thể mời mọc khách chỉ cách chỗ cảnh sát đứng khoảng hơn chục mét. Có thể người Pháp phân định rạch ròi về bộ phận an ninh nào có quyền hạn xử lý đám "cò", nhưng trong tư cách của một CĐV, tôi cho rằng đây thực sự là một lỗ hổng khá lớn.

Quyền lợi của NHM chân chính đang bị đe dọa bởi những kẻ vụ lợi, lấy EURO 2016 làm cái cớ để kinh doanh phi pháp. "Cò" vốn dĩ là một phần trong bóng đá cũng như nhiều lĩnh vực khác, nhưng để đám "cò" biến xung quanh sân Stade de France trở thành cánh đồng riêng thỏa thích kiếm ăn thì phải xem lại.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x