Từ Paris: Mất trắng mấy tạ thóc vì tiền giả hoành hành tại EURO

Chúng tôi, nhóm phóng viên báo Bóng đá từng được cảnh báo về nạn tiền giả khi sang châu Âu nhưng không nghĩ rằng lại được chứng kiến người thật việc thật sớm đến vậy.
Sau hơn 1 tuần làm việc ở Paris, chúng tôi có đến Lille để theo dõi bầu không khí EURO ở đây có khác gì so với thủ đô của nước Pháp hay không. Có khá nhiều chuyện hay ho diễn ra nhưng một trong những biến cố khiến tôi nhớ nhất chính là nạn tiền giả hoành hành ở đây. 

Đêm sau khi trận đấu giữa Đức và Ukraine kết thúc, anh bạn tôi khi về khách sạn có nhờ đổi cho 200 euro (2 tờ 100 euro) sang tiền lẻ để tiện tiêu trên đường. Tôi cầm hai tờ tiền chẵn xuống gặp lễ tân và họ vui vẻ đồng ý với đề nghị khá đơn giản này. Mọi chuyện thì vỡ lở khi chiếc máy soi tiền giả của khách sạn phát ra tín hiệu cảnh báo. Nhân viên lễ tân quay sang hỏi thì tôi cũng lắp bắp chẳng biết trả lời như thế nào. 


Sau một hồi giải thích thấu đáo, người bạn đi cùng tôi đành phải ngậm ngùi cầm lại tờ 100 euro về làm kỷ niệm vì sự hớ hênh của mình. Anh kể rằng từng cầm kha khá tiền lẻ khi sang Paris nhưng trong một lần giao dịch ở quầy mua vé tàu điện ngầm, một người phụ nữ trông khá thân thiện đã đề nghị đổi số tiền lẻ của anh lấy tờ 100 euro chẵn vì không tìm được điểm giao dịch nào. Anh vui vẻ nhận lời mà không biết đó là chiêu lừa đảo rất phổ biến.

Nhân viên lễ tân của khách sạn ở Lille là một người đàn ông đáng kính nói rằng tiền giấy euro giả đang xuất hiện nhan nhản, thậm chí cả người bản xứ cũng có thể bị đánh lừa vì độ làm giả tinh vi. Ông tiết lộ rằng chỉ mất 10 euro để mua được tờ 100 euro giả và Napoli là thủ phủ của tiền giả, cũng là nỗi nhức nhối của các cơ quan an ninh châu Âu.

Độ tinh vi trong khâu sản xuất tiền giả ngày càng được nâng cao và mặc dù đã áp dụng rất nhiều biện pháp ngăn chặn, lượng tiền giả bị tịch thu chỉ là "muỗi" so với số lượng đang lưu hành. Tiền giả không chỉ lộng hành ở châu Âu, nó còn được đem tiêu thụ ở nhiều ở các nước Trung Đông, Bắc Phi và vài nước châu Mỹ. 


Đối với những tên mafia làm tiền giả, chúng luôn săn lùng những kẻ nắm rõ các yếu tố an ninh của đồng tiền chung châu Âu. Chúng coi những gã am hiểu công nghệ này là những cục vàng ròng biết đi, biết nói. Những ai chót lỡ bắt tay với mafia sẽ không bao giờ thoát được vòng xoáy luẩn quẩn này kể cả muốn hoàn lương hoặc vô tù cũng có kẻ báo cáo chi tiết mọi hoạt động. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một chiếc máy in tiền giả cao cấp có giá 500.000 euro hoặc đắt hơn thế. Ở thời điểm này, đám làm tiền giả có thể nhái mọi chi tiết của đồng tiền thật, chỉ đầu hàng trước một vài chi tiết mà các chuyên gia sử dụng để phân biệt bằng thiết bị chuyên dụng. 

Theo thống kê, đồng tiền giấy được làm giả nhiều nhất là 20 và 50 euro, tiền xu bị làm giả nhiều nhất là đồng 2 euro. Pháp được xem là nước đứng thứ 2 sau Italia về trình độ làm tiền giả ở châu Âu và hiện đang sử dụng công nghệ cao cấp in laser kết hợp với các chuyên gia đồ họa trong hoạt động phi pháp này. 

Những sự kiện tầm vóc như EURO 2016 là cơ hội thích hợp để những kẻ lừa đảo lợi dụng kiếm chác. Theo ước tính sẽ có khoảng 8 triệu lượt CĐV sang Pháp theo dõi ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu và chắc chắn không ít trong số này cũng đang lâm vào cảnh dở khóc dở cười như chúng tôi ngày hôm nay. 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x