Hành trình hơn 2 thập kỷ tham dự SEA Games của điền kinh Việt Nam: Bay qua mồ hôi, nước mắt để đạt tầm châu lục

Huy Quang
20:41 ngày 29-06-2015
Kình ngư Ánh Viên xứng danh tuyển thủ số 1 song điền kinh mới chính là môn thành công nhất của đoàn TTVN tại SEA Games 28 với 11 HCV, 2 chuẩn Olympic, 3 kỷ lục Đại hội. Kể từ tấm huy chương mở đường năm 1991, hay HCV đầu tiên năm 1995, qua 2 thập kỷ đầy mồ hôi, nước mắt, vượt cơn bão gian lận tuổi, môn này đã bay tới tầm cao châu lục.
Hành trình hơn 2 thập kỷ tham dự SEA Games của điền kinh Việt Nam: Bay qua mồ hôi, nước mắt để đạt tầm châu lục
CÚ NHẢY ÚP LƯNG LỊCH SỬ CỦA VŨ MỸ HẠNH
Xuất hiện từ ngay kỳ Đại hội tái hội nhập năm 1989, điền kinh cũng như nhiều môn khác đã phải trắng mắt trước sự thật phũ phàng bị tụt hậu quá xa so với mặt bằng chung khu vực. Không chỉ quá yếu kém về thành tích, các VĐV Việt Nam còn chẳng giống ai về trang thiết bị dụng cụ, phương pháp tập luyện, thi đấu. Một số tuyển thủ thậm chí còn khốn khổ khi lần đầu đeo giày, vì trước đó toàn chạy… chân đất. 

Tấm huy chương đầu tiên của điền kinh Việt Nam tại 1 kỳ SEA Games của VĐV nhảy cao Vũ Mỹ Hạnh năm 1991

Dự tranh SEA Games 2 năm sau đó, các nhà quản lý huấn luyện vẫn vô cùng bi quan, chưa dám gì đến việc giành nổi 1 tấm huy chương. Thế nhưng, tình thế đã thay đổi ngoạn mục với cô gái nhỏ bé đất Cảng Vũ Mỹ Hạnh với một cú nhảy úp lưng, vượt qua mức xà 1m81 để mang về tấm huy chương lịch sử, lại là màu bạc ở nội dung nhảy cao. 

Ngoài khát khao và nỗ lực cao độ, chiến tích quý hơn vàng ròng của Mỹ Hạnh còn có một điểm nhấn đặc biệt về chuyên môn khi chị là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật nhảy úp lưng, thay vì úp bụng, để tạo ra bước đột phá thực sự. Thành quả, nhất là cách thức thành công của Hạnh đã vực dậy niềm tin cho cả làng điền kinh vẫn đang buồn nản trong suy nghĩ mình đang ở cách khu vực tới vài thập kỷ. 

VŨ BÍCH HƯỜNG “VƯỢT RÀO” RA VÀNG 
Từ trường hợp của Mỹ Hạnh, cộng thêm tấm HCĐ 100m rào của Nguyễn Thu Hằng, điền kinh Việt Nam mới bắt đầu chuyển mình theo hướng tập trung cho một vài nội dung có hy vọng, như nhảy cao nữ, chạy rào. Có đầu tư có tiến bộ, chỉ có điều huy chương thì có thể còn Vàng vẫn là một mục tiêu gần như vô vọng. 

Vũ Bích Hường đem về tấm HCV đầu tiên của bộ môn “nữ hoàng” tại SEA Games 1995

Thế nên chỉ một tấm HCV của điền kinh đã đủ gây chấn động chẳng những cả môn điền kinh mà cả ngành thể thao cùng dư luận cả nước. Người đã lập nên kỳ tích ấy chính là người phụ nữ giờ đang khốn khổ Vũ Bích Hường tại SEA Games cách đây tròn 20 năm. 

Trên đường chạy 100m rào, thực ra bản thân Hường cũng chỉ nhắm có huy chương, và không thể ngờ mình lại có một sự hội tụ đỉnh cao đến thế. Mãnh hổ ẩn mình với một kỹ thuật đánh rào hoàn hảo cùng tốc độ như tên bắn để cán đích đầu tiên, đánh bại cả tượng đài sừng sững Elma Murros (Philippines). Cú “vượt rào” ra Vàng của bà mẹ 1 con này đã mang đến một bước ngoặt mới trong cách nghĩ cách làm của ngành thể thao.

ĐẾM TỪNG TẤM HUY CHƯƠNG & GIAN TUỔI TRÀN LAN 
Từ Mỹ Hạnh tới Bích Hường, điền kinh Việt Nam đã tiến bộ nhiều song đến cả chục năm sau vẫn chưa thoát cảnh ăn đong từng tấm huy chương SEA Games. Riêng HCV đạt được đều nhờ cả vào nỗ lực tự thân của VĐV cùng may mắn, kiểu như Phan Văn Hóa (HCV 800m nam năm 1999) hay Phạm Đình Khánh Đoan (HCV 800m nữ năm 1999, 800m nữ và 1.500m nữ năm 2001). 

Ngoài điều kiện khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực, môn này còn bế tắc bởi cơn bão gian lận tuổi đã trở thành một căn bệnh kinh niên. Trong thời gian dài ấy, tỷ lệ VĐV điền kinh sai lệch vượt quá 50%, phổ biến 2 tuổi, nhiều trường hợp 3-5 tuổi. 

Ngay cả tuyển thủ quốc gia hàng đầu cũng có người ăn gian. Cá biệt người ta còn tráo người đổi tên chỉ vì những tấm huy chương trước mắt, như “hiện tượng” nhảy cao một thời Trần Ngọc Thịnh. Cả một nền điền kinh đáng ra phải phát triển rất nhanh đã chìm nghỉm ngay từ gốc khi kết quả đào tạo, thành tích đa phần không đúng thực chất. 

CỘT MỐC 8 HCV 2003 & ĐỈNH CAO 11 HCV 2015 
Thảm cảnh của điền kinh Việt Nam chỉ có lối thoát  khi ngành thể thao triển khai một chương trình quốc gia nhằm chuẩn bị đăng cai SEA Games 2003, mà ở đó “nữ hoàng” được đặt vào vị thế của mình. 

Quan trọng không kém, lãnh đạo bộ môn điền kinh đã quyết tâm tuyên chiến với vấn nạn gian tuổi. Hàng loạt đơn vị, VĐV đã bị chỉ mặt điểm tên, rất nhiều biện pháp phòng chống được áp dụng hiệu quả. 

Bên cạnh việc ưu tiên các nội dung truyền thống, điển hình cự ly chạy trung bình hay nhảy cao, các nhà quản lý huấn luyện cũng tích cực “đón đầu” các nội dung khó và mới như chạy ngắn, phối hợp, nhảy sào, dưới sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia quốc tế. 

Những sự thay đổi từ nền tảng ấy đã cho ra “điểm rơi” rực rỡ tại chính kỳ SEA Games 22 khi đoạt tới 8 HCV vượt cả thành tích của 7 kỳ Đại hội trước cộng lại. Ngoài ngôi sao Nguyễn Thị Tĩnh đoạt 3 HCV, phá 1 kỷ lục, Việt Nam còn lần đầu bước lên ngôi cao nhất ở nhiều nội dung siêu khó như 7 môn phối hợp nữ, 10.000m nữ, hay tiếp sức 4x400m nữ. 

Kể từ đó, môn cơ bản số 1 đã liên tục đột phá, được hiện thân rõ nhất ở những kỷ lục gia làm nghiêng ngả khu vực, vươn tới tầm châu lục trong nhiều năm, như Vũ Thị Hương (100m v 200m nữ), Trương Thanh Hằng (800m và 1.500m nữ), Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp), Bùi Thị Nhung (nhảy cao nữ). 

Và cả hành trình dài gian khổ của điền kinh VN đã kết đọng đỉnh cao chính ở SEA Games 2015 không chỉ ở con số 11 HCV trải khắp các nội dung, mà còn ở bước nhảy vọt về chất. ĐTVN đã lần đầu giành được 2 chuẩn Olympic ngay tại đấu trường khu vực (Nguyễn Thị Huyền, 400m và 400m rào), phá được 3 kỷ lục đều tồn tại sừng sững 2 thập kỷ (5.000m nam, 400m rào nữ, tiếp sức 4x400m nữ), có hàng chục thông số vượt qua mức huy chương ASIAD, kể cả Vàng. Chân chạy trẻ Lê Trọng Hinh cũng đoạt tấm HCV lịch sử trên đường chạy ngắn nam, ở cự ly 200m. 

Hành trình 14 kỳ SEA Games của điền kinh Việt Nam 
SEA Games 1989: không giành được huy chương 
SEA Games  1991: 2 huy chương đầu tiên, 1 HCB (Vũ Mỹ Hạnh nhảy cao), 1 HCĐ (Nguyễn Thu Hằng 100m rào nữ) 
SEA Games 1995: lần đầu giành HCV (Vũ Bích Hường, 100m rào) 
SEA Games  1999: lần đầu có 2 HCV (Phan Văn Hóa 800m nam, Phạm Đình Khánh Đoan 800m nữ) 
SEA Games  2003: tạo cột mốc 8 HCV cùng 1 kỷ lục đầu tiên (Nguyễn Thị Tĩnh, 400m nữ)
SEA Games  2013: lần đầu số HCV vọt lên 2 con số (11)  
SEA Games  2015: 11 HCV, phá 3 kỷ lục, giành 2 chuẩn Olympic

3 lần tới đỉnh châu Á 
Nếu như các môn thế mạnh hàng đầu khác như bắn súng, bơi hay thể dục dụng cụ chưa từng giành được tấm HCV nào tại giải vô địch châu Á, điền kinh Việt Nam đã thành công tới 3 lần. Ngay từ 2003, nữ hoàng nhảy cao Bùi Thị Nhung (ảnh) đã mang về tấm HCV được đánh giá vượt trước dự báo hàng thập kỷ khi vượt qua mức xà 1m88. Năm 2008, đến lượt Vũ Thị Hương đăng quang cự ly 200m, và sau đó 3 năm là Trương Thanh Hằng với chiến thắng ở  cự ly 800m. 

Chiếm 15% số HCV, 19% tổng thành tích của TTVN 
Xu hướng phát triển theo hướng Olympic của TTVN được minh chứng rõ nét nhất với sự lạc quan cao qua chính thành tích ở môn điền kinh tại SEA Games 28. Với 11 lần bước lên ngôi cao nhất - nhiều nhất trong số 27 ĐTQG tranh tài trên đất Singapore, môn này đã chiếm tới trên 15% số HCV của đoàn (73 HCV). Với 34 huy chương các loại, các tuyển thủ điền kinh cũng đã đóng góp gần 19% tổng thành tích của đoàn (186  huy chương). Đây là một tỷ trọng lý tưởng đối với mọi nền thể thao, mà ở ĐNÁ chỉ duy nhất Thái Lan đạt mức tương tự. 


Điền kinh cùng với bơi cũng là 2 môn có hiệu suất thành công cao nhất, khi cử đi một lực lượng gồm 48 tuyển thủ đã mang về tới 34 huy chương. Nếu xét trên phương diện chuyên môn thuần túy, lấy tầm mức châu lục làm chuẩn, chân chạy Nguyễn Thị Huyền (ảnh) mới là gương mặt xuất sắc nhất, chứ không phải kình ngư Ánh Viên. Huyền đã đoạt tới 3 HCV, trong đó có 2 kỷ lục, 2 chuẩn Olympic, và có 2 thông số ngang ngửa HCV ASIAD. 

Người Thái đã phải nể sợ Việt Nam 
Hai kỳ SEA Games trở lại đây, đặc biệt tại SEA Games 28, điền kinh Thái Lan vốn luôn áp đảo hoàn toàn đã bắt đầu sợ bị Việt Nam qua mặt. Tuy vẫn dẫn đầu ở môn cơ bản số 1 này song người Thái đã để Việt Nam bám rất sát. Thái Lan còn hơn 6 HCV (17 so với 11) nhưng chỉ hơn 5 tổng số huy chương (39 và 34), và kém Việt Nam về số HCB (13 và 15).  Điều quan trọng nhất để khẳng định khả năng cạnh tranh sòng phẳng ngôi đầu của Việt Nam trong 1, 2 kỳ Đại hội chính là việc sở hữu một đội ngũ tài năng trẻ vượt trội Thái Lan, nổi bật ở các cự ly 400m, 400m rào nam và nữ, 100 và 200m nam, marathon nam và nữ. 


Thực tế, người Thái đã thua trực tiếp Việt Nam trong một số cuộc đấu tranh ngôi đầu mà trước đó họ chiếm thế thượng phong như 200m nam, 400m rào nữ, hay tiếp sức 4x400m nữ. Đặc biệt, 4 gương mặt nữ trẻ tài năng Huyền - Lan - Oanh - Thúy (ảnh) đã mang đến nỗi đau lớn cho đối thủ khi đoạt mất tấm HCV tiếp sức 4x400m nữ mà họ từng giữ suốt 5 kỳ SEA Games, từng giành cả HCV ASIAD và dự Olympic. 

Môn của nữ hoàng và hotgirl  
Chiến lược lấy nữ làm chủ công của TTVN cũng không thể hiện ở đâu rõ nét hơn điền kinh thực sự là môn của những “nữ hoàng”. Mọi chiến tích mang tính cột mốc và tầm cao nhất của môn này đều gắn với các nữ tuyển thủ, từ tấm huy chương mở đường hay tấm HCV đầu tiên tại SEA Games, tấm huy chương châu Á và ASIAD đầu tiên, đến suất dự tranh Olympic thứ nhất. 


Trong đó, rất kỳ thú vì cả hành trình dài tiến bước, nền tảng và diện mạo của điền kinh Việt Nam với 5 gương mặt được mệnh danh là các “nữ hoàng” gồm Bùi Thị Nhung, Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Thị Thanh Phúc (ảnh) và Phạm Thị Bình. Tất cả đều vô đối ở ĐNÁ, từng đoạt huy chương châu lục, kể cả HCV. 

Ngay thời điểm này, niềm hy vọng chinh phục các tầm cao châu lục, thế giới cũng được đặt cả vào các nữ tuyển thủ trẻ tài năng, xinh đẹp, đặc biệt với 3 hotgirl tuổi đôi mươi Nguyễn Thị Huyền - Quách Thị Lan - Nguyễn Thị Oanh. Lan đang là đương kim Á quân ASIAD, Huyền vừa lập hat-trick HCV cùng 2 chuẩn Olympic, còn Oanh có phần kém 2 người đồng đội song lại có ưu thế nổi bật ở sự đa năng. 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
32
+44
73
2
32
+49
71
3
32
+41
71
4
33
+19
63
5
32
+16
60
6
32
+17
50
7
32
-1
50
8
33
-6
48
9
31
+9
47
10
32
+2
44
11
32
-5
43
12
33
-2
42
13
32
-10
42
14
33
-11
32
15
32
-18
31
16
33
-16
26
17
33
-24
25
18
32
-16
23
19
33
-35
20
20
32
-53
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x