Didier Drogba: Khi “đại ca” trở về, đám phản đồ quỳ mọp dưới chân - Bongdaplus.vn

Didier Drogba: Khi “đại ca” trở về, đám phản đồ quỳ mọp dưới chân

Trong hoàn cảnh bi đát đó, rất nhiều CĐV đã mong sự xuất hiện của thần tượng Drogba! Họ muốn triệu hồi “Voi Rừng” huyền thoại không phải để ghi bàn giành chiến thắng trước Man City trong trận chung kết cúp Liên đoàn, mà là để được nghe những bước chân thịnh nộ rung chuyển mặt đất, khiến những mầm mống phản loạn phải quỳ mọp, run rẩy nể sợ.

Có những người sinh ra để làm thi sĩ, sáng tác những vần thơ ca ngợi tình yêu. Lại có người sinh ra để làm cầu thủ bóng đá, lập nên những chiến công vang dội khiến cả cầu trường sôi sục. Nhưng cũng có người sinh ra là để đem lại sự bình an cuộc đời. Mỗi con người đều một định nghiệp của mình.

Vậy định nghiệp của Drogba là gì? Một cầu thủ nổi tiếng của châu Phi, đã tạo dựng được sự nghiệp lẫy lừng nơi trời Âu và gom được một mớ gia tài kha khá. Tầm thường quá, nếu vậy, anh cũng giống như rất nhiều ngôi sao Lục địa Đen mà thôi.

Định nghiệp của Drogba là tảng đá trấn trạch cho đất nước Bờ Biển Ngà và đội bóng ở tít xa ngoài eo biển Manche: Chelsea. Với đất nước, Drogba là một anh hùng dân tộc. Còn với Chelsea, anh là một huyền thoại khiến lớp lớp hậu bối phải cúi đầu.

Chưa bao giờ như lúc này, Chelsea thấy nhớ nhung Drogba đến thế. Cái thằng bé sinh 11/3/1978 tại thủ đô Abidjan phía nam vương quốc của ngà voi đầy mê hoặc tại châu Phi, chưa từng nghĩ mình sẽ đá bóng ấy lại chính là cặp ngà đem lại quyền uy và tôn ti trật tự cho phòng khách của Chelsea.

Nói như thế bởi vì thằng nhóc ấy không đam mê gì bóng đá như những đứa trẻ vừa chập chững biết đi khác. Và nếu không thành công trong nghiệp cầu thủ, có lẽ giờ đây đã có một... kế toán viên Didier Drogba mẫn cán, bởi anh theo học ngành kế toán cho đến tận năm 20 tuổi, lúc vẫn còn trong đội trẻ của Le Mans và chưa có một hợp đồng chuyên nghiệp nào.

Thế nhưng, định nghiệp của Drogba đã đưa anh đến với bóng đá và phải dùng bóng đá để hoàn thành những sứ mệnh của đời mình. Bắt đầu từ ông bác ruột Michael Goba, một cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu ở nước Pháp, chính ông đã đưa thằng bé Drogba 8 tuổi sang xứ Lục Lăng để rồi từ đó bén duyên với trái bóng.

Sau này, khi nhìn lại cuộc đời mình, chắc chắn Drogba sẽ nhìn thấy rõ định nghiệp, nhất là ở giai đoạn giữa thập niên 2000. Bởi đó là giai đoạn cuộc nội chiến ở Bờ Biển Ngà bùng phát, Drogba bắt đầu nổi như cồn cùng Olympic Marseille và Chelsea của nhà tài phiệt Nga Roman Abramovich.

Những sự kiện đó tưởng chừng rời rạc, nhưng lại được nối với nhau bởi mấu chốt Didier Drogba. Bởi rất nhanh thôi, Chelsea có được Drogba trong đội hình, bắt đầu thiết lập sự thống trị tại Premier League nhờ tài săn bàn khủng khiếp của tiền đạo này và uy tín ngày một lên trong phòng thay đồ Chelsea.

7 năm, từ 2005 đến 2012, một đế chế màu Xanh đã được gây dựng, sánh vai cùng những Man United, Arsenal, Liverpool, và sau này xuất hiện thêm Man City. Để rồi, sau khi Drogba nói lời chia tay, đế chế đó mặc dù vẫn tồn tại nhưng vô cùng dễ tổn thương bởi mầm nội loạn. Cho đến tận bây giờ!

Cao gần 1m9, nặng gần 90kg cùng thân hình lừng lững đen trùi trũi, quả không có cái biệt danh nào phù hợp với Drogba hơn hai tiếng Voi Rừng. Con voi ấy khiến đối phương kinh hồn bạt vía mỗi khi đến gần bởi hình dung cổ quái, khí chất bất phàm và sức mạnh phi thường. Và con voi ấy, dưới ánh mặt trời, như thể phủ bóng lên tất cả những kẻ đám đối diện.

Nhưng ở Drogba, bỏ qua bề ngoài, người ta lại nhìn thấy những gì thật nhất về một con người: sự khát khao. Chúng ta luôn nhắc nhiều về khát khao nhưng có khi chẳng biết nó là gì. Ví dụ như khát khao hòa bình, với một người có cuộc sống no đủ, dư dả vật chất, sống cách biệt với bom đạn, bạn sẽ làm gì ngoài việc hô khẩu hiệu hay “share” một vài “status” trên mạng xã hội?

Drogba ra mắt ĐT Bờ Biển Ngà năm 2002, cùng năm quê hương anh xảy ra cuộc nội chiến giữa một bên là phe nổi loạn theo đạo Hồi chiếm giữ phương Bắc, phe còn lại của chính phủ thuộc Cơ Đốc giáo trấn giữ miền Nam. Những cuộc xung đột rải rác, leo thang đến tận tháng 10/2005.

Niềm vui vượt qua Vòng loại World Cup 2006 của ĐT Bờ Biển Ngà chẳng thể nào trọn vẹn. Và trong một luồng cảm xúc nhất đời, ngay trước ống kính máy quay trực tiếp của đài truyền hình quốc gia, Drogba quỳ xuống. Bất giác những đồng đội phía sau cũng làm theo người đội trưởng, biến phòng thay đồ thành một giáo đường đặc biệt và kỳ lạ.

“Hỡi những người đàn ông và phụ nữ của Bờ Biển Ngà, từ Nam ra Bắc, dù là miền Trung hay phía Tây. Ngày hôm nay, ĐT Bờ Biển Ngà đã chứng minh rằng tất cả mọi người trên đất nước này có thể chung sống cùng nhau và hướng trái tim tới mục tiêu cao cả là tham dự World Cup. Ngày hôm nay, tôi quỳ gối cầu xin mọi người. Hãy để chiến thắng này là niềm vui của toàn thể dân tộc”, Drogba nói trước ống kính.

Dứt lời, Drogba và toàn đội đồng loạt quỳ xuống sàn nhà, hướng ánh mắt vào camera: “Xin hãy thứ tha! Xin hãy thứ tha! Xin hãy thứ tha! Quốc gia giàu mạnh như chúng ta không thể bị tàn phá bởi chiến tranh được. Hãy buông vũ khí, hãy tổ chức tái bầu cử. Mọi chuyện sẽ tốt lên”.

Sau này, Drogba kể lại rằng, hành động ngày hôm đó hoàn toàn xuất phát từ bản năng, và anh không chuẩn bị trước bất cứ điều gì. Chỉ là bản thân Drogba cùng các đồng đội đều căm thù những gì đang chia rẽ quê hương mình.

Drogba là vậy, những gì chân thành nhất sẽ đều bộc lộ cho người đối diện, quy tụ tình đoàn kết bằng cảm xúc thiêng liêng. Và nó thật sự hiệu quả, dù chỉ trong nhất thời, khi hai bên đối địch chịu đối thoại một tuần sau đó.

Cuộc nội chiến chưa dừng lại và Drogba cũng sẽ không dừng lại. Năm 2007, đích thân Drogba đề xuất việc tổ chức trận đấu ở Vòng loại AFCON 2008 với Madagascar ở Bouake - thủ phủ của phe nổi dậy.

Và đó là tầm vóc của một thủ lĩnh, để hàng triệu người dân tin rằng, nếu Drogba có thể đến Bouake thì nghĩa là nơi đó an toàn. Lính chính phủ ngồi trên khán đài, bên cạnh những kẻ nổi loạn, một cảnh tượng không thể tin được đã diễn ra. Sức mạnh hàn gắn của bóng đá là có thật.

Bờ Biển Ngà đã vượt qua Madagascar 5-0, nhưng hòa bình còn chiến thắng tưng bừng hơn nữa. Ít nhất, chỉ trong một ngày, quốc gia châu Phi này thực sự là một đất nước thống nhất, hàng triệu người hiểu ra giá trị của tình đoàn kết.

Một sân vận động đầy ắp, bao gồm mọi thành phần, tôn giáo, sắc tộc là đại diện xuất sắc cho tư duy đổi mới của một quốc gia không chịu làm nô lệ cho chiến tranh. Nói đến đây, ai dám bảo rằng “voi” là loài động vật không biết suy nghĩ, khi mà “Voi đầu đàn” Drogba đã làm được những việc phi thường.

Không ai sau này có thể thay thế Drogba ở ĐT Bờ Biển Ngà cũng như CLB Chelsea. Khi không còn sự phục vụ của Drogba, Chelsea cũng giống như khi Man United phải chia tay HLV Alex Ferguson. Những người thay thế họ không phải kém tài, nhưng lớp người mới không thể đem lại cảm xúc của người tiền nhiệm.

Một Chelsea không còn Drogba đã trở nên xa lạ. Từ bao giờ biệt hiệu “FC phản thầy” xuất hiện? Trước thời Drogba, đặc biệt là giai đoạn một, Chelsea chưa bao giờ như vậy. Nhưng giờ, không những hàng công của The Blues thiếu đi một tay săn bàn ổn định mà phòng thay đồ cũng không có một thủ lĩnh tinh thần đủ tầm để dẹp yên những thói hư tật xấu đang làm bẩn màu xanh dương.

John Terry, Eden Hazard, Diego Costa… và giờ là Kepa, những lứa hoặc kiêu binh hoặc phản đồ không bao giờ ngừng mọc trong khu rừng đã vắng đi tiếng gầm của Voi Rừng Drogba. Biết bao HLV đã bị bẻ ghế: Jose Mourinho, Antonio Conte, rồi rất có thể cả Maurizio Sarri nữa.

Hãy tưởng tượng việc Kepa công khai chống đối HLV Maurizio Sarri khi trên sân còn Drogba? Sẽ không chỉ là sự nóng giận trong bất lực của ông thầy người Italia hay án phạt một tuần lương như trò hề, Drogba sẽ chạy xuống, xách tay tên thủ môn láo xược ra khỏi sân cho bằng được.

Và đừng nghĩ sẽ có scandal, bởi trên khán đài, CĐV Chelsea sẽ vỗ tay không ngớt. Trong tim họ, Drogba là một ngưỡi lãnh đạo bẩm sinh và chỉ cần đó là anh, những người khác sẽ đều quy phục. Hơn thế nữa, trong mắt họ, Drogba có nhân cách lớn hơn cả tài năng bóng đá để có thể nghi ngờ. Đấy chính là biểu tưởng của một thời Chelsea đầy sục sôi, máu lửa mà đỗi vinh quang…

Ngay lần gặp đầu tiên, Mourinho đã thốt lên: “Gã khổng lồ mang áo số 11 ấy ghi bàn và biến cả cầu trường thành quả cầu lửa”. Tất nhiên, Mourinho cũng yêu Drogba ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Thế cho nên trong giờ nghỉ giữa hai hiệp, ông bất ngờ tiếp cận tiền đạo đối phương và tếu táo: “Nhà cậu có anh em gì không, giới thiệu để tôi mua chứ cậu thì đắt quá”. Drogba hào sảng trả lời: “Không phải giới thiệu gì sất, một ngày nào đó, ông sẽ đến đội bóng đủ lớn để mua tôi”. Rồi cả hai cùng bật cười thống khoái. Một cuộc nói chuyện ngạo nghễ của hai con người ngạo nghễ, đủ toát lên vẻ phi phàm dù vẫn đang trên đường lập thân và định danh của hai nhân vật không lâu sau làm điên đảo túc cầu.

Ngày ấy, Mourinho dẫn dắt Porto còn Drogba khoác áo Marseille. Và bởi phẩm chất phi phàm, cái hẹn tương phùng của tiền đạo người Bờ Biển Ngà đến nhanh bất ngờ. Sau cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, Mourinho dẫn Porto một mạch đến chức vô địch Champions League rồi được rải thảm sang Chelsea.

Trong khi đó, những pha làm bàn của Drogba vào lưới Porto, Real Madrid rồi cú hat-trick vào lưới Partizan Belgrade không đủ để giúp Marseille giành vé vào vòng trong. Tuy nhiên, khi cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác mở ra. Marseille xuống chơi ở UEFA Cup và tiến một mạch đến danh vị á quân, chỉ để thua Valencia, một trong những đội bóng hay nhất châu Âu thời điểm đó (đăng quang cả La Liga lẫn UEFA Cup) trong trận chung kết.

Drogba, dĩ nhiên vẫn là hổ tướng lĩnh ấn tiên phong với các pha lập công vào lưới Liverpool, Inter Milan hay Newcastle. Kết thúc mùa giải, Drogba ghi được 32 bàn thắng sau 55 lần ra sân cho Marseille trên mọi mặt trận, một thành tích quá đỗi ấn tượng.

Và y lời hẹn, vừa sang Chelsea, với hầu bao rủng rỉnh của nhà tài phiệt Roman Abramovich, Mourinho lập tức rước Drogba về Stamford Bridge. 24 triệu bảng là số tiền The Blues phải chi ra, kỷ lục CLB thời điểm đó và điều không thể tránh khỏi là sự dè bỉu, hoài nghi. Dẫu sao đi nữa, Drogba lúc đó mới chỉ là tên tuổi đang lên, chưa thuộc hàng sao số. Và không chỉ vậy, những năm đầu thập niên 2000, tư tưởng phân biệt chủng tộc vẫn ăn sâu trong nếp nghĩ của dân Ăng-lê gốc.

Tuy nhiên, Mourinho ở thời đỉnh cao của sự nghiệp lẫn ngôn ngữ học ấy dập tắt mọi ì xèo chỉ bằng một câu nói: “Đừng hoài nghi khi cậu ấy đến, hãy phán xét khi cậu ấy đi!”. Và thật vậy, ngày Drogba ra đi, anh đi vào lịch sử Chelsea, lịch sử bóng đá Anh như một trong những tay săn bàn vĩ đại nhất.

Đó là 164 bàn thắng sau 381 lần ra sân trên mọi đấu trường. Đó là 10 danh hiệu lớn nhỏ. Đó là 10 bàn thắng trong 10 lần tham dự các trận chung kết mà đáng nhớ nhất là cú đánh đầu như búa bổ vào lưới Manuel Neuer ở trận chung kết Champions League 2011/12 lịch sử. Và đó là nỗi nhớ ngút ngàn từ khoảng trống sâu hun hút Chelsea không thể lấp đầy từ ngày vắng bóng Voi Rừng.

24 triệu bảng? Con số đó quá nhỏ nhoi cho một chân sút chơi bóng đỉnh cao gần 10 năm, một trung phong xuất sắc nhất châu Âu khi sở hữu gần như phẩm chất ưu tú cần có của một tiền đạo thời đại độc lập tác chiến (1 trung phong). Đó là thể hình lý tưởng, thể lực sung mãn, tốc độ lý tưởng, biệt tài không chiến, sức càn lướt vượt trội, những pha dứt điểm căng như búa bổ và cả khả năng giữ bóng làm tường.

Hãy nghĩ đi, để thay thế Drogba, Chelsea đã tiêu tốn bao nhiêu tiền. Torres 50 triệu bảng, Diego Costa 35 triệu bảng, Morata 58 triệu bảng… chưa kể các thương vụ khác và trong đó chỉ có Diego Costa là tạm được.

Torres, Morata, Diego Costa hay cùng thời Drogba có Shevchenko, Mutu, Hernan Crespo đều là những chân sút cự phách. Tuy nhiên, đa phần thất bại và không ai trụ lại được quá lâu tại Stamford Bridge.

Phẩm chất là một phần nguyên do, bởi không phải ai cũng phù hợp với đội hình một trung phong hay lối đá của Chelsea. Tuy nhiên, phẩm chất thể thao ưu việt có thể làm nên một cầu thủ lớn nhưng chưa thể làm nên một tượng đài.

Yếu tố quan trọng không kém là nhân cách, và như Drogba tự nhận, anh tận tụy trung thành với Mourinho cũng như sống và chết vì Chelsea. Mourinho tin tưởng Drogba vô điều kiện, "sẵn sàng lao vào bất cứ cuộc chiến nào miễn là có tôi ở bên" như tiền đạo người Bờ Biển Ngà đã viết trong tự truyện.

Dĩ nhiên, như đã đề cập, Drogba cũng đáp lại trọn vẹn thứ tình cảm chân thật thiêng liêng hiếm thấy ấy. Sau Drogba, không ai ứng xử với Mourinho như vậy. Thế nên sự nghiệp ông lao đao bởi những kẻ phản thầy.

Và sau Mourinho-Drogba, tình cảm thầy trò cũng trở thành thứ xa xỉ tại Stamford Bridge. Phòng thay đồ nơi đây trở thành chốn phức tạp bậc nhất thế giới bóng đá, đồng nghĩa, Chelsea cũng không còn là tập thể của xúc cảm thăng hoa, của chiến tích vĩ đại, của những câu chuyện cảm động về tình đồng đội hay tình thầy trò.

Ôi! Viết về Drogba mà nhớ về Mourinho và Chelsea đã có một thời oanh liệt như thế. Bây giờ, Chelsea chỉ còn những phòng thay đồ ngột ngạt, những chiếc chân ghế gãy nham nhở, và một niềm đau đáu tưởng tiếc về một người vừa sang tuổi 41 hôm nay!

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: HẢI AN - TRẦN LỘC - NGỌC TRUNG
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x