Lăng kính chuyên môn: ĐT Argentina phòng thủ tuyệt hay

Kinh Thi
Từ 13:44 ngày 13-07-2014
Argentina có hàng công mạnh bao nhiêu thì hàng thủ lại yếu bấy nhiêu? Đấy không chỉ là nhận định chung của giới chuyên môn trước thềm World Cup 2014, mà còn là một trong những đặc điểm dễ thấy nhất nơi ĐT Argentina suốt những kỳ World Cup gần đây.
* Nhận định và bình luận trước trận CK Đức - Argentina

Lạ thay, tất cả đã đảo ngược, hay nói cách khác thì cái nhìn trước giải về đặc điểm chuyên môn của Argentina hóa ra sai lầm hoàn toàn.

ROMERO LÀ AI?
Một trong những vị trí đã bị giới quan sát “chỉ mặt đặt tên” như một điểm yếu rõ nhất trong đội hình Argentina trước ngày khai cuộc World Cup là Sergio Romero. Dĩ nhiên, chẳng ai tin cậy một thủ môn chỉ được gia nhập Sampdoria khi CLB này còn chơi ở giải Serie B. 

Mùa bóng vừa qua, Romero khoác áo Monaco dưới hình thức cho mượn, được thi đấu... 3 trận (mãi đến tháng 4 anh mới được bắt chính lần đầu tiên). Với một thủ môn như thế trong khung thành, hàng thủ Argentina bị đánh giá thấp là chuyện bình thường.

Nhưng khi thiên hạ mải lo ca ngợi Manuel Neuer của đội tuyển Đức, như một thủ môn vừa có lối chơi xuất sắc (thường xuyên tham gia vào khâu chuyền bóng), vừa chắc chắn trong việc bắt bóng, thì thật ra Neuer chỉ đứng thứ 5 tại giải xét về tỷ lệ cứu nguy thành công (ngăn được 84,2% số lần dứt điểm của đối phương. Romero mới là thủ môn số 1 trong khía cạnh này, với tỷ lệ cứu nguy thành công lên đến 88,2%!



Với tỷ lệ cứu nguy cao như vậy, không thể cho rằng việc Romero đỡ được 2/4 cú sút 11m luân lưu để đưa Argentina vào tranh chung kết World Cup là may mắn, như phát biểu của... chính anh. Đấy thật sự là một người hùng bước ra từ bóng tối tại World Cup này.

Điều đáng nói là ở chỗ, chính vì có một Romero luôn tỏ ra chắc chắn sau lưng mà các hậu vệ Argentina trở nên tự tin, để rồi chính họ cũng đều thành công. Thông thường, các trung vệ như Ezequiel Garay hoặc Martin Demichelis không được đánh giá cao về đẳng cấp cá nhân, càng khó gây được niềm tin xét trong lối chơi đồng đội. Bây giờ, họ đều tỏ ra chắc chắn. Riêng hậu vệ cánh Marcos Rojo thì đang trở thành một ngôi sao, xuất sắc trong cả phòng ngự lẫn tấn công.

PHÒNG NGỰ LÀ NỀN TẢNG THÀNH CÔNG
Người ta thường nói: khả năng tấn công đem lại chiến thắng trong từng trận đấu cụ thể, nhưng muốn đoạt chức vô địch ở một giải đấu thì phải có hẳn một hàng thủ chắc chắn. Nếu quả như vậy, giới hâm mộ Argentina còn gì để lo khi phía sau Lionel Messi là cả một hàng thủ vững chắc, chưa hề thủng lưới ở giai đoạn knock-out?

Ở trận tứ kết gặp Bỉ, Argentina bất ngờ mở được tỷ số ngay phút thứ 8. Thế là đội bóng của Sabella chuyển sang “kế hoạch B” - điều mà họ hiếm khi làm trong suốt giải này: chơi thiên về thủ. Người ta thường chỉ thấy Argentina tấn công trong suốt trận và nhọc nhằn tìm cách ghi bàn trước những đối thủ co cụm phòng ngự để chống Lionel Messi, chứ rất hiếm khi “được” xem Argentina phòng ngự.



Vả lại, cũng vì đặc điểm công mạnh hơn thủ suốt nhiều năm qua, Argentina khi nào cũng có dụng ý chơi thiên về công để che đi nhược điểm về phòng ngự. Bây giờ, khi Argentina chủ trương phòng ngự, đương nhiên ai cũng muốn xem hiệu quả ra sao.

Suốt 90 phút, Bỉ chỉ xoay sở được đúng 1 lần dứt điểm trúng mục tiêu. Argentina - vì cố ý chơi phòng thủ - cũng chỉ có 2 lần dứt điểm đúng hướng khu thành (gồm cả bàn mở tỷ số ở phút thứ 8 của Gonzalo Higuain). Và đấy là trận đấu có số lần dứt điểm đúng hướng khung thành ít nhất trong 24 năm trên trận địa World Cup! 

Bỉ - “chú ngựa ô” đáng xem nhất tại Brazil 2014 bế tắc đến nỗi gần như chỉ biết câu bóng bổng như một cách cầu may vào vùng cấm địa đối phương. Người ta còn được xem cảnh Lionel Messi lùi về sân nhà tham gia phòng ngự và... phạm lỗi để sớm cắt đứt một pha tấn công của đối phương.

Tính chiến đấu của cặp tiền vệ Lucas Biglia - Javier Mascherano ở khu giữa sân, sự xuất sắc bất ngờ của Romero trong khung thành, cùng các hậu vệ đang ngày càng tỏ ra tự tin đã đem lại cho Argentina cả một hệ thống phòng thủ chắc chắn. Ở trận bán kết gặp Hà Lan, hệ thống phòng thủ của Argentina chơi hiệu quả đến nỗi ngôi sao Arjen Robben bên phía đối phương chỉ thực hiện được đúng 1 đường chuyền trong suốt hiệp đầu!

Đấy mới là nét mới đáng chú ý nhất khi bàn về sức mạnh của Argentina trước trận chung kết. Chứ về khả năng tấn công của Lionel Messi và đồng đội thì... đâu ai cần giới thiệu nữa!

Thiên về thủ, nhưng phạm lỗi ít nhất
Có một chi tiết hiển nhiên đến mức độ không cần bàn cãi, đó là các đội châu Mỹ chơi thô bạo hơn hẳn so với các đội châu Âu. Tại World Cup này, 4 đội phạm lỗi nhiều nhất lần lượt là Costa Rica (phạm lỗi bình quân 18,8 lần/trận), Uruguay (18,3 lần/trận), Colombia (18 lần/trận) và Brazil (17,8 lần/trận).

Ngược lại, với một lối chơi hiền đến mức độ có thể cho là thiếu sự quyết liệt cần thiết, Đức đứng thứ 30/32 đội về số lần phạm lỗi bình quân (11,8 lần/trận). Nhưng, có một chi tiết bất ngờ: Argentina còn đứng dưới cả Đức trong bảng xếp hạng này. Họ phạm lỗi bình quân 10,2 lần/trận - chỉ nhiều hơn mỗi TBN (9,3 lần/trận).


Mọi người đều biết, TBN với lối chơi Tiqui-Taca quen thuộc luôn giữ và chuyền bóng nhiều, dẫn đến hệ quả tất yếu là họ thường bị đối phương phạm lỗi, chứ cầu thủ TBN rất ít khi rơi vào hoàn cảnh phải tranh chấp quyết liệt và phạm lỗi với đối phương. 

Mặt khác, TBN bị loại ngay sau vòng bảng nên việc so sánh cũng hơi khập khiễng (Argentina có đến 2 trận phải thi đấu đủ 120 phút trên đường tiến vào chung kết trong khi số lần phạm lỗi bình quân của TBN chỉ tính trên 90 phút). Ở một mức độ nào đó, có thể cho rằng Argentina chính là đội phạm lỗi ít nhất trên sân cỏ Brazil!

Số lần phạm lỗi bình quân là một chi tiết thuộc về lĩnh vực phòng ngự. So sánh các chi tiết khác, chúng ta cũng thấy ngay rằng chỉ số phòng ngự của Argentina tại World Cup này tốt hơn Đức. 

Argentina thủng lưới 3 bàn (Đức 4 bàn), riêng trong giai đoạn knock-out thì Argentina là đội duy nhất không hề thủng lưới. Số lần bị sút cầu môn của Argentina là 11,3 lần/trận (Đức 12,7 lần/trận). Số lần tắc bóng của Argentina là 21,7 lần/trận (Đức là 18,8 lần/trận). Số lần đánh chặn của Argentina là 14,2 lần/trận (Đức là 7,7 lần/trận).

Romero chính là sản phẩm của... Van Gaal!
HLV Louis Van Gaal nổi đình nổi đám với việc thay thủ môn ở phút 120, để rồi đội tuyển của ông lọt vào bán kết World Cup nhờ thắng trong loạt sút 11m luân lưu. Nhưng đến khi phải sút luân lưu lần nữa, gặp Argentina ở vòng bán kết, thì Van Gaal đã hết quyền thay người. Mặt khác, bên phía Argentina lại có Sergio Romero bảo vệ cầu môn. Thế là Argentina đi tiếp, nhờ Romero xuất sắc đỡ được 2 quả 11m.


Chi tiết thú vị: tuy Romero gần như “thất nghiệp” trong suốt mùa bóng vừa qua nhưng anh lại được trọng dụng trong khung thành AZ Alkmaar, ở giai đoạn Van Gaal dẫn dắt đội này. Chính Van Gaal phát hiện ra khả năng của Romero, đưa anh từ Buenos Aires sang Hà Lan khoác áo AZ. Tại đấy, họ cùng nhau lên ngôi vô địch giải Eredivisie, trước mũi các “ông lớn” như Ajax, PSV, Feyenoord. 

Bây giờ, Van Gaal nói sau trận bán kết thua Argentina: “Người ta có thể tỏ ra bất ngờ, riêng tôi chẳng bao giờ lạ khi thấy Romero trổ tài. Tôi biết anh xuất sắc từ lâu rồi”. Romero cũng tiết lộ: anh đã cám ơn Van Gaal trong phòng thay đồ!
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x