Lăng kính chuyên môn: ĐT Đức mạnh đến khôn lường

Kinh Thi
Từ 13:45 ngày 13-07-2014
Nhìn vào 4 giải đấu lớn gần đây, ai cũng cho rằng ĐT Đức đã thay đổi hoàn toàn so với những gì thế giới từng biết về bóng đá Đức suốt hàng chục năm trước đó.
Thay cho nguyên lý chậm mà chắc, truyền thống kỷ luật và sự già cỗi là tốc độ ào ạt, đường nét sáng tạo và vẻ đẹp của sự trẻ trung. Mannschaft tại World Cup 2014 có là như thế? Câu trả lời: đúng, nhưng... không hoàn toàn đúng!

ĐÁNG GỜM TRONG VỎ BỌC KIÊN NHẪN
Có thể xem World Cup 2010 là giải đấu tiêu biểu cho sự thay đổi triệt để của bóng đá Đức, và một trong những chi tiết chủ đạo trong sự thay đổi triệt để ấy là tốc độ tấn công nhanh đến chóng mặt. Bình quân, đội Đức chỉ thực hiện 54,1 đường chuyền để có 1 bàn thắng. Mà tại World Cup 2010, Đức ghi bàn đâu có ít: 16 bàn - nhiều nhất giải, với Thomas Mueller đoạt chức vua phá lưới ở độ tuổi trẻ đến mức thiên hạ phải so sánh anh với Pele ngày xưa! 

Bây giờ, Đức cũng đang là đội ghi bàn nhiều nhất tại World Cup 2014. Nhưng chỉ có 2 trong 17 bàn được ghi từ tình huống tấn công nhanh. Bây giờ, bình quân cho mỗi bàn thắng, Đức phải vận dụng đến 72,6 đường chuyền. Khác biệt 34% nói lên rất nhiều điều.Một mặt, đội Đức hiện thời vẫn giữ nguyên những nét mới tích cực từng giúp họ chiếm thiện cảm của khán giả trung lập suốt từ World Cup 2006 đến EURO 2012. Mặt khác, HLV Joachim Loew đã chắt lọc được những tinh hoa cũ của bóng đá Đức để bổ sung vào những đường nét mới mà ông gầy dựng cho Mannschaft trong suốt 8 năm cầm quân. Bây giờ, Mannschaft tuy vẫn trẻ trung nhưng lại già dặn kinh nghiệm; tuy có khả năng ghi bàn đáng sợ nhưng rất kiên nhẫn, lạnh lùng; tuy chơi thiên về tấn công nhưng lại chắc chắn trong phòng ngự.

Ở vòng bảng, bình quân mỗi lần giữ bóng của Đức kéo dài 22,9 giây - lâu hơn bất cứ đội bóng nào khác. Cũng vì kiên nhẫn giữ bóng lâu hơn, chuyền nhiều hơn, Đức tại giải này chỉ bị bắn phá cầu môn bình quân 11,6 lần/trận, giảm 25% so với 15,4 lần/trận tại World Cup 2010.



Đôi khi, người ta bị cảm giác đánh lừa, ngộ nhận ra sự khó khăn từ cách chơi kiên nhẫn và chắc chắn của Đức. Ở trận thắng Algeria 2-1, Đức phải đợi đến hiệp phụ mới mở được tỷ số. Kỳ thực, Algeria hầu như không có cơ hội đe dọa trong khi Đức tung đến 28 cú dứt điểm, trúng đích 14 lần và dẫn 2-0 trước khi Algeria gỡ bàn danh dự ở phút 120, bằng 1 trong vỏn vẹn 4 lần dứt điểm trúng đích. Rõ ràng, không chóng thì chầy, chiến thắng phải đến từ cách chơi mà thoạt trông người ta tưởng là khó khăn ấy.

LINH HOẠT Ở MỨC TỐI ĐA
Có thể nói gì khi Đức đè bẹp Brazil 7-1 ở vòng bán kết, thắng BĐN 4-0 ngay trận ra quân, nhưng lại chỉ thắng sát nút các đối thủ yếu như Mỹ (1-0) hoặc Algeria (2-1 sau 120 phút)? Đấy không phải sự bất ổn, mà là sự linh hoạt làm cho Mannschaft trở nên cực kỳ nguy hiểm trong mọi hoàn cảnh. 

Thứ nhất, đối phương hầu như không thể đoán trước điều gì mỗi khi gặp Đức. Thứ hai, bản thân các cầu thủ Đức đã có trải nghiệm thực tế qua những cách chơi khác nhau, trước những đối thủ khác nhau, nên càng đáng gờm.

Có lúc, HLV Loew gây ngạc nhiên khi ông bố trí hàng thủ gồm 4 trung vệ, đưa hậu vệ cánh vào loại hay nhất thế giới trong tay mình vào vị trí tiền vệ trụ, và tấn công bằng một đội hình không có tiền đạo thực thụ. Có lúc, ông lại trả thủ lĩnh Philipp Lahm về vị trí hậu vệ biên sở trường và dùng trung phong 36 tuổi Miroslav Klose ngay từ đầu trận. 

Có lúc, Đức dẫn đầu World Cup cả về tỷ lệ giữ bóng, số lần chuyền bóng lẫn tỷ lệ chuyền chính xác. Nhưng khi gặp Pháp, Đức lại phòng thủ rất thấp và chỉ hoàn tất 307 đường chuyền so với con số bình quân 590 trước đó (giảm đến 48%).



Đây là thật sự là thời điểm đẹp nhất, chín muồi nhất, thành công nhất cho đội tuyển Đức kể từ khi Mannschaft “thay gia đổi thịt” dưới thời Loew (và thời Loew cầm quân cũng tương đồng với gian đoạn mà cả nền bóng đá Đức đã cải tổ một cách đồng bộ). 

Nhưng đây lại không phải là ĐT Đức mạnh nhất mà Loew có thể giới thiệu. Marco Reus - ngôi sao số 1 nước Đức cách đây chưa tới 2 năm - không dự World Cup 2014 vì chấn thương. Nói chung, Đức là một trong những đội chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tình trạng chấn thương trước thềm World Cup.

Chính vì thế mà dù muốn hay không, Loew buộc phải hướng đến sự linh hoạt cả trong lối chơi lẫn việc dùng người, để rồi Mannschaft trở thành một đội vừa mạnh, vừa thật khó đoán?

Ngôi sao chính là tập thể
Người ta vẫn xem Philipp Lahm là một thủ lĩnh đích thực trong khi Thomas Mueller, Mario Goetze, Mats Hummels và Toni Kroos lại lần lượt lĩnh giải Cầu thủ hay nhất trận đấu. Miroslav Klose thì đã đi vào huyền thoại với một kỷ lục cực kỳ danh giá - cầu thủ ghi bàn nhiều nhất World Cup qua mọi thời đại, chưa kể anh còn bắt kịp kỷ lục của Pele và Uwe Seeler, ghi bàn tại 4 kỳ World Cup khác nhau. 

Tại World Cup này, người  ta còn nói rất nhiều về thủ môn Manuel Neuer, không phải bởi việc trấn giữ khung thành mà là việc anh thi đấu thành công như một “số 5 giả” (có trận, Neuer chạm bóng đến 20 lần... bên ngoài vùng cấm địa).


Qua 6 trận đấu, đã có đến 8 cầu thủ khác nhau ghi bàn và 6 cầu thủ khác nhau có đường chuyền thành bàn cho ĐT Đức. Ngoài 2 thủ môn dự bị, chỉ có 3 cầu thủ khác trong danh sách đội Đức chưa được ra sân. Tất cả cho thấy, Đức không hề phụ thuộc vào bất cứ ngôi sao nào. Mannschaft không có ngôi sao vượt trội, hay gần như mọi thành viên trong đội hình chính đều là ngôi sao?

Đấy là thực lực. Còn về lối chơi, cần lưu ý khả năng dứt điểm rất hiệu quả của đội tuyển Đức. Tuy chỉ có bình quân 14,8 lần sút cầu môn mỗi trận, đứng thứ 12 trong toàn giải, nhưng Đức lại đứng đầu về số lần dứt điểm đúng hướng khung thành (bình quân 7,2 lần/trận). Đấy là do hiệu quả của cách tấn công. 
Đức tấn công từ biên khá nhiều (34% bên trái, 37% bên phải - chỉ thua 9 đội khác về tỷ lệ tấn công ở biên), nhưng tuyệt đại đa số các pha tấn công lại kết thúc bằng cú dứt điểm ở khu trung lộ. Có đến 73% tình huống dứt điểm của Đức được thực hiện ở khu giữa (chỉ thua 3 đội khác: Hy Lạp, Úc, Colombia). Mặt khác, có đến 68% tình huống dứt điểm của Đức diễn ra ngay trong vùng cấm địa (chỉ thua Algeria và Croatia).

Trừ Colombia vào tứ kết, các đội Australia, Hy Lạp, Algeria, Croatia đều tiến được quá xa, nên số liệu thống kê cũng không nói lên nhiều điều. So với các đội mạnh khác, Đức hơn hẳn về hiệu quả tấn công.

Đá đẹp hay thiếu quyết liệt?
Việc chỉ nhận 4 thẻ vàng trong 6 trận đấu (tỷ lệ thấp nhất giải) là chi tiết đáng khen về mặt hình ảnh. Tuy nhiên, con số này cũng nói lên lối chơi khá hiền của ĐT Đức. Có vẻ như họ đã không thật sự tranh chấp quyết liệt. Bình quân mỗi trận, Đức chỉ có 7,7 pha đánh chặn - đây cũng là tỷ lệ thấp nhất giải. Số lần phạm lỗi của Đức (bình quân 11,8 lần/trận) chỉ cao hơn TBN (9,3 lần/trận). Trong số 8 đội lọt vào tứ kết, số lần tắc bóng bình quân của Đức (7,7 lần/trận) chỉ cao hơn Pháp (16 lần/trận).
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x