- Bongdaplus.vn

Thực trạng xuất khẩu lao động của cầu thủ Việt

Cụm danh từ “Cầu thủ Việt Nam” đang tỏa sức nóng trong con mắt của các tuyển trạch viên bóng đá khu vực. Nhờ những thành tích và sự thăng tiến ấn tượng của bóng đá Việt Nam trong 1 năm trở lại đây, giá trị của cầu thủ Việt Nam đã được đẩy cao hơn và trở thành mục tiêu chiêu mộ của nhiều CLB bóng đá quốc tế. Chẳng thế mà thời gian gần đây, thị trường sân cỏ sôi động với các vụ chuyển nhượng Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng… Đó là một bước tiến đáng kể so với giai đoạn “xuất khẩu lao động” sơ khai trước đây.

Khái niệm “Xuất khẩu lao động” quá quen thuộc đối với chúng ta, bởi cho đến bây giờ, đây vẫn được coi là lối thoát đổi đời của rất nhiều người. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bóng đá, việc cầu thủ Việt Nam vượt khỏi biên giới để đầu quân cho một CLB nước ngoài vẫn có gì đó là lạ lẫm và xa xỉ.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đang diễn ra tại đời sống bóng đá thế giới, khi chuyện một cầu thủ châu Phi cống hiến cả sự nghiệp cho một đội bóng ở Pháp hay các lò đào tạo bóng đá Brazil chỉ mải miết xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu, Trung Quốc hay Trung Đông…

Cầu thủ Việt Nam xưa nay chỉ quanh quẩn trong phạm vi các giải đấu quốc nội, chỉ luân chuyển giữa các CLB trong nước chứ chẳng đời nào nghĩ đến việc mình sẽ thi đấu cho các đội bóng nước ngoài có cùng cấp độ.

Thế nên, câu chuyện tiền đạo Lê Công Vinh được sang thi đấu cho Leixoes SC của giải VĐQG Bồ Đào Nha cách đây đúng 10 năm đã trở thành sự kiện làm điên đảo báo chí và bóng đá Việt Nam, như kiểu nhà thám hiểm Colombo tìm ra châu Mỹ vậy, mặc dù cái châu Mỹ của Công Vinh rất nhỏ bé và nhạt nhòa.

Tuy nhiên, Công Vinh không phải là cầu thủ Việt Nam đầu tiên đi lao động nước ngoài. Nhân vật khai sơn phá thạch cho lĩnh vực này chính là cựu tiền đạo Lê Huỳnh Đức, người đã được CLB Chongqing Lifan (Trung Quốc) chiêu mộ từ CLB Công An TP.HCM năm 2001.

Sau Huỳnh Đức là một vài vụ lẻ tẻ xuất dương như tiền đạo Việt Thắng (Đồng Tâm Long An) đá cho Porto B, Lương Trung Tuấn (Bình Định) khoác áo Cảng Thái Lan. Và rồi đến thời của những Lê Công Vinh và lứa cầu thủ trẻ của lò Hoàng Anh Gia Lai như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh…

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, tính từ năm 2018 trở về trước, rất hiếm bản hợp đồng xuất khẩu lao động sân cỏ nào của bóng đá Việt Nam xuất phát từ yếu tố chuyên môn. Chúng hầu hết mang tính quảng cáo, hay hợp tác làm hình ảnh, do mối quan hệ của các đối tác…

Nhìn lại vụ chuyển nhượng đình đám Lê Huỳnh Đức từ CA.TPHCM sang Chingqong Lifan, chúng ta sẽ nhận thấy rằng đó là thời điểm xe gắn máy và ô tô giá rẻ của Trung Quốc đang ồ ạt đổ vào Việt Nam, tạo nên trào lưu “wave Tàu” nổi tiếng khiến các nhãn hiệu như Honda, Yamaha phải lao đao. Lifan, một nhãn xe mô tô và xe tải giá rẻ của Trung Quốc, chắc chắn đã nhìn thấy lợi ích từ việc chiêu mộ cầu thủ lừng danh nhất Việt Nam khi đó là Huỳnh Đức. Chắc chắn, thương hiệu Lifan sẽ nhanh đi vào lòng người hâm mộ Việt Nam để còn cạnh tranh với những nhãn hiệu đang tung hoành như Loncin…

Có trùng lặp hay không khi mà Lê Công Vinh sang khoác áo CLB hạng hai Nhật Bản Consadole Sapporo cũng vào thời điểm nhãn hiệu đồ uống này bắt đầu thâm nhập vào thị trường béo bở bậc nhất thế giới tại dải đất chữ S. Việc Công Vinh khoác áo Sapporo, dù ít dù nhiều, cũng đã đẩy nhanh sự nhận diện thương hiệu của nhãn hàng này đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Sự xuất hiện của Công Vinh, Việt Thắng bên trời Âu (cùng là Bồ Đào Nha) đều xuất phát nhờ mối quan hệ của của cựu HLV Henrique Calisto. Chính ông đã tạo điều kiện cho cậu học trò cưng Công Vinh sang Leixoes sau chiến tích vô địch AFF Cup 2008; cũng như giúp Việt Thắng đến Porto B để có đất tập luyện trong thời gian bị treo giò.

Hay đình đám hơn là thời điểm lò Hoàng Anh Gia Lai xuất khẩu những viên ngọc quý như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng ta dễ nhận thấy rằng, dường như những thương vụ mua bán cầu thủ này mang tính gửi quân rèn luyện hoặc làm hình ảnh là chính.

Bởi, tính từ Lê Huỳnh Đức đến lứa Nguyễn Công Phượng, các cầu thủ Việt Nam hầu như chẳng đóng góp được gì nhiều về mặt chuyên môn cho đội bóng chiêu mộ họ. Thậm chí, số lần được thi đấu chính thức cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Còn nhớ, hồi Công Vinh ở Bồ Đào Nha, cánh phóng viên thể thao đã chầu chực trên Youtube hàng tiếng đồng hồ vì thông tin tiền đạo này sẽ đá chính, nhưng rồi cuối cùng lại thất vọng tràn trề, dù đó chỉ là trận đấu của Leixoes ở giải Cúp Quốc gia BĐN.

Có thể khẳng định, trong những bản hợp đồng xuất ngoại tính từ năm 2018 trở về trước của bóng đá Việt Nam, dường như chỉ có Lương Xuân Trường là thu hoạch lớn nhất về mặt chuyên môn và hình ảnh. Còn lại, đều dừng ở mức độ quảng cáo, đôi bên cùng có lợi.

Hãy chú đến thời sự chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam gần đây. Ngày 2/1/2019, Muangthong United chi ra 500.000 USD giải phóng hợp đồng của Văn Lâm với Hải Phòng và ký hợp đồng 3 năm với thủ thành sinh năm 1993 này. Văn Lâm sẽ nhận mức lương 10.000 USD/tháng chưa kể các đãi ngộ khác như nhà riêng, xe riêng… Một bản hợp đồng chiêu mộ đúng nghĩa với đầy đủ thông tin.

Hơn 1 tháng sau, chiều ngày 10/2, Xuân Trường ra mắt tại Buriram United, một đội bóng Thái Lan khác. Giống Văn Lâm, Xuân Trường được hưởng mức lương 10.000 USD/tháng chưa kể phụ cấp nhưng khác Văn Lâm, Xuân Trường khoác áo Buriram United theo dạng cho mượn từ HAGL.

Và mới nhất, sáng ngày 14/2, Công Phượng ra mắt tại Incheon United, đội bóng cũ của Xuân Trường, cũng theo dạng cho mượn từ HAGL và nhận mức lương thậm chí còn cao gấp rưỡi hai người đồng đội, 15.000 USD/tháng. 3 thương vụ này như ba tiếng vang tiếp nối những tiếng vang các cấp đội tuyển Việt Nam tạo ra trên đấu trường khu vực và châu lục.

Khác với những khoản tiền mập mờ hay rẻ như như shot quảng cáo (Công Vinh được cho Sapporo mượn với mức phí 500 triệu đồng và mức lương 7.000 USD/tháng), những vụ xuất khẩu lao động mới đây của bóng đá Việt Nam đều mang tính “bom tấn”.

Giá trị kinh tế có lẽ không cần bàn cãi. CLB Hải Phòng đút túi nửa triệu đô từ việc Muangthong United mua lại hợp đồng của Văn Lâm, đâu đó hơn 11 tỷ đồng, bằng doanh thu bán vé cả mùa giải của đội bóng này.

Trong khi đó, HAGL dĩ nhiên không thể cho mượn miễn phí Công Phượng và Xuân Trường, khi hai cầu thủ này không còn đi theo dạng du học hay tiếp thị mà rõ ràng xuất phát từ nhu cầu tăng cường lực lượng từ các CLB nước ngoài.

Về mặt cá nhân, mức lương dao động từ 10.000 đến 15.000 USD/tháng là con số Văn Lâm, Công Phượng hay Xuân Trường khó lòng mơ tới nếu chơi bóng trong nước. Mức lương ấy các CLB V.League chỉ dám chi ra cho những ngôi sao hàng đầu là ngoại binh. Đơn cử, cầu thủ đang nhận mức lương cao nhất V.League là Pape Omar Faye của Hà Nội FC, đâu đó 17.000 USD.

Và khi đã được đảm bảo về mặt tài chính, Văn Lâm, Công Phượng hay Xuân Trường có đủ điều kiện để toàn tâm toàn ý tập trung vào thi đấu. Rõ ràng là như vậy. Tất nhiên, đó mới chỉ là điều kiện đủ, điều kiện cần chính là khả năng của từng cầu thủ đã được chứng minh trong năm 2018 vừa qua.

Văn Lâm là chốt chặn vững vàng trong khung thành ĐT Việt Nam. Thể hình lý tưởng, sự chắc chắn và những pha cứu thua xuất sắc của Văn Lâm tại AFF Cup 2018 đã khiến Muangthong United chấp nhận bỏ ra số tiền gấp ba số tiền đội bóng này dự tính chi ra cho thủ thành này.

Trong khi đó, Xuân Trường là ngôi sao sáng của bóng đá Việt Nam từ khi còn khoác áo đội U19 Việt Nam, từ lâu đã gây ấn tượng với sự điềm tĩnh, nhãn quan chiến thuật nhạy bén và khả năng tung ra những đường chuyền dài có độ chính xác cao.

Cuối cùng là Công Phượng. Tiền đạo gốc xứ Nghệ đã có những bước trưởng thành vượt bậc dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo.Từ một cầu thủ ham rê dắt và khiến các pha lên bóng trở nên lắt nhắt, chậm nhịp, Công Phượng biến hình trở thành mũi nhọn có khả năng tạo đột biến cao nhờ biết cách xử lý bóng gọn gàng và ra quyết định hợp lý hơn.

Nếu chưa đủ thuyết phục, hãy nghe người trong cuộc đánh giá. “Công Phượng được ký hợp đồng để lấp đầy nguồn nhân lực đang khan hiếm trên hàng công của Incheon. Khi theo dõi chiến dịch Asian Cup, HLV của Incheon là Yon Anderson và cựu danh thủ quyền lực của bóng đá Hàn Quốc là Lee Chun Soo đã trao đổi với nhau để xúc tiến đàm phán chiêu mộ Công Phượng…

…Incheon lựa chọn Công Phượng là mảnh ghép phù hợp sau khi kết thúc trận tứ kết Asian Cup 2019. Không có nhiều cầu thủ có thể ghi 2 bàn trong 5 trận ở giải đấu châu lục này”, ông Lee Dong Jun, người đại diện của Xuân Trường tiết lộ trên tờ Daily Sports Hankook.

Trong khi đó, HLV Park Hang Seo phát biểu trong buổi ra mắt của Công Phượng tại Incheon United: “Công Phượng được đánh giá là tiền đạo hay nhất Việt Nam nhưng ở Hàn Quốc, cậu ấy cần phải chứng minh thực lực của mình. Tất cả ở điểm xuất phát, cho một khởi đầu mới. Tôi hơi lo lắng về sự thích nghi của Phượng với K-League, nhưng tôi tin cậu ấy sẽ vượt qua được vì Công Phượng là người mạnh mẽ”.

Và ngoài sự mạnh mẽ mà thầy phù thủy người Hàn Quốc nhắc đến, hành trang để Công Phượng cũng như Xuân Trường hay Văn Lâm xuất ngoại cũng được trang bị một cách đầy đủ và tân tiến hơn nhiều các tiền bối. Thứ nhất là sự đào tạo bài bản cả về chuyên môn lẫn trình độ văn hóa, đặc biệt là ngoại ngữ. Cần nhấn mạnh, kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ là điều kiện tuyệt vời để những cầu thủ này tiếp thu các chỉ đạo chiến thuật từ HLV và hòa đồng với các đồng đội mới.

Ngoài ra, việc đào tạo bài bản giúp các cầu thủ trở nên chuyên nghiệp hơn cả trong tập luyện lẫn thi đấu. Nên nhớ, các giải đấu vừa qua, ĐT Việt Nam thi đấu bằng sự chuyên nghiệp, tài năng, ý thức và sự tuân thủ tuyệt đối chiến thuật chứ không hề theo kiểu “đá chết bỏ”.

Thứ hai là bản lĩnh và kinh nghiệm. Bản lĩnh được trui rèn từ những trận đấu khốc liệt với những ngôi sao tầm cỡ tại các giải đấu châu lục. Còn kinh nghiệm chính là thất bại ở các lần xuất ngoại trước. Với hai phẩm chất ấy, Công Phượng, Xuân Trường hay Văn Lâm sẽ biết cách đương đầu với thử thách và áp lực, qua đó lần thứ hai định danh thương hiệu cầu thủ Việt trên tầm châu lục.

Lần thứ nhất chính là những chiến công vang dội ở cấp đội tuyển, còn lần thứ hai này là ở cấp độ CLB. Và bóng đá Việt Nam hiện nay, không thiếu những tài năng như Trường, Phượng hay Lâm.

Cần khẳng định một lần nữa, việc các cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu trong thời điểm này không thể phù hợp hơn.Bởi lẽ chỉ khi hội tụ đủ lượng mới có thể biến đổi chất. Chúng ta từng có nhiều lần “xuất khẩu” thất bại trong quá khứ, nhưng đó là tiền đề để có ngày hôm nay.

Những Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng vượt ra khỏi biên giới là để khẳng định mình, khẳng định những đôi chân Việt Nam có thể chơi bóng đá sòng phẳng với chúng bạn khu vực. Xét về từng trường hợp cụ thể, câu chuyện càng trở nên rõ ràng.

Ở đây, Văn Lâm có thể có đôi chút khác biệt với 2 người còn lại. Thứ nhất, vị trí thủ môn có đặc thù của riêng nó. Một thủ môn không phải dựa dẫm quá nhiều vào cả một hệ thống, thế nên việc hòa nhập, theo lý thuyết, là dễ dàng hơn các vị trí còn lại.

Thứ hai, Văn Lâm trưởng thành trong môi trường châu Âu, đồng thời quá quen với việc phải thích nghi môi trường mới nên đây là trường hợp có sự chắc chắn cao nhất.

Đương nhiên, Muangthong United là một đội bóng mạnh, tập hợp nhiều thủ môn xuất sắc và Văn Lâm không được mặc định cho vị trí bắt chính. Nhưng khi đã bỏ tới nửa triệu USD để thuyết phục Hải Phòng nhả người, đội bóng Thái Lan đương nhiên phải tạo điều kiện cho Văn Lâm thi đấu. Chỉ cần tận dụng được những cơ hội đó - như cách Văn Lâm đã làm ở Hải Phòng và ĐT Việt Nam, anh chắc chắn sẽ gây tiếng vang nơi đất bạn.

Thực lực là thứ mà Văn Lâm đã khẳng định được, anh chỉ cần cải thiện tâm lý và làm gì có chỗ nào tốt hơn một môi trường khắc nghiệt với nhiều thử thách để làm điều đó.

Có thể nói, Văn Lâm và bóng đá Việt Nam không mất gì trong thương vụ này. Đặc biệt, nếu Văn Lâm thành công, bóng đá nước nhà tiếp tục đạt thêm một thành tựu mới khi xuất khẩu được một vị trí vô cùng nhạy cảm như thủ môn - vị trí mà chúng ta chưa bao giờ có thể tự tin.

Với Công Phượng và Xuân Trường, câu chuyện khác đi đôi chút. Việc cầu thủ Việt Nam “xuất ngoại” đã hiếm, chuyện cầu thủ Việt Nam thất bại trong lần đầu ra nước ngoài rồi được trao cơ hội thứ hai lại càng hiếm hơn. Như vậy là đủ hiểu các chuyên gia bóng đá trong châu lục vẫn tin vào tiềm năng phát triển của bộ đôi trưởng thành từ Hoàng Anh Gia Lai.

Nhưng với lần thứ hai này, mọi thứ phải “nghiêm túc” hơn, chắc chắn hơn. Sẽ không còn những yếu tố như thử sức, cọ sát hay “làm thương hiệu” nữa. Lee Dong Jun - người đại diện của Xuân Trường, khẳng định tiền vệ gốc Tuyên Quang được Incheon chiêu mộ vào năm 2016 là vì mục đích tiếp thị hơn là chuyên môn.

Với một cầu thủ có tự trọng, đó là một thông tin không hay. Xuân Trường là người như vậy và anh cần cơ hội Buriram United trao cho để khẳng định mình đủ chuyên môn chứ không phải một cái “thùng rỗng kêu to”.Đặc biệt là khi trong hơn một năm qua, Xuân Trường đã có phong độ không tốt, như chính bản thân anh thừa nhận điều đó.

Nhưng Buriram không ngại tiểu tiết trên, việc gì Xuân Trường cần lo lắng. Đương nhiên thất bại trong lần xuất ngoại trước ở Hàn Quốc là một vết hằn đau nhói, đôi khi có thể gây ám ảnh mỗi lúc nơi đất khách quê người. Xuân Trường đã 24 tuổi, nói già thì không già nhưng trẻ thì cũng không còn trẻ nữa. Sẽ không có nhiều cơ hội như này dành cho anh nếu tiếp tục bước hụt trên nấc thang sự nghiệp.

Còn tệ hơn Xuân Trường, những ngày tháng ở Nhật Bản của Công Phượng thậm chí chẳng được dính líu nhiều đến quả bóng. Mito Hollyhock chỉ nhắc cho anh biết trình độ của mình đến đâu vào thời điểm đó. Nhưng trong lần trở lại Đông Á này, với điểm đến là Incheon United, Công Phượng cực kỳ tự tin sẽ tạo nên khác biệt.

Đó chính là phẩm chất cần có của một người tiên phong, một người “phá băng” những định kiến ngăn cản hàng chục năm nay. Làm được hay không làm được, khác nhau chỉ nằm ở cái đầu mà thôi. Để đạt đến trình độ tiền đạo xuất sắc nhất Việt Nam như hiện nay, Công Phượng đã luôn tự tin. Anh cần mang tự tin trong hành lý nhập cảnh Hàn Quốc.

Tựu chung lại, nếu trường hợp của Văn Lâm là đặc thù và có thể là ngoại lệ, thì người hâm mộ và giới chuyên môn Việt Nam chắc hẳn không khỏi lo lắng khi nhìn theo bóng Xuân Trường và Công Phượng. Một chuyến đi đến nơi có trình độ cao hơn là tốt, nhưng nếu không được đào tạo đúng phương pháp, thì mặt hại sẽ nhiều hơn.

Chúng ta sợ Xuân Trường và Công Phượng sẽ bị thui chột tài năng khi không được các đội bóng chủ quản chăm sóc. Khi đó, chuyến xuất ngoại này sẽ chỉ là khổ ải, mang đến những tổn thương tâm lý nhiều hơn là sự linh hoạt cho đôi chân. Chính bóng đá Việt Nam hay cụ thể là ĐT Việt Nam sẽ chịu tổn thất khi đón về những chàng trai đánh rơi tự tin nơi xứ lạ.

Nhưng nói đi thì cũng phải xét lại, chính chúng ta - những người hâm mộ cũng phải nâng tầm bản thân. Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng đại diện cho thế hệ cầu thủ xuất sắc nhất mà Việt Nam sở hữu. Nếu họ còn chưa thử sức ở phương trời bao la mà chúng ta đã sợ thất bại thì quả thật tâm lý nhược tiểu nằm ở chính chúng ta.

Vượt qua khó khăn, đột phá giới hạn, trưởng thành trong từng suy nghĩ, đó chính là lợi ích của việc du học. Chúng ta cần những cầu thủ đi để trở về, trở về thật dày dạn, mạnh mẽ, bản lĩnh chứ không phải về chui lại vào cái vỏ bọc an toàn ở quê nhà.

Ra nước ngoài là điều phải đến và đã đến. Chỉ như vậy, bóng đá các quốc gia khiêm tốn về chuyên môn như Việt Nam mới có thể dần dần san bằng cách biệt với các khu vực cao hơn. Chỉ khi đó, khái niệm toàn cầu hóa bóng đá mới thực sự có nghĩa.

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: HẢI AN - NGỌC TRUNG - XUÂN LỘC
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x