Park Ji-sung: ‘Ộp pa’ Hàn Quốc khiến thế giới hết xem thường châu Á - Bongdaplus.vn

Park Ji-sung: ‘Ộp pa’ Hàn Quốc khiến thế giới hết xem thường châu Á

Nếu bạn đến thành phố Suwon (Hàn Quốc) vào một ngày đầu Xuân, hoa anh đào bung nở, biến đại lộ Park Ji-sung thành một con đường phơn phớt hồng. Một cơn gió nhẹ thoảng qua khiến những cánh hoa anh đào mong manh bay như mưa, đậu trên vai của một người đàn ông có khuôn mặt góc cạnh đang miệt mài chạy. Anh không để mắt tới những cánh hoa xinh đẹp, mà chỉ chăm chú vào từng bước chạy: Suwon, PSV, Man United, Luzhniki, Old Trafford, Old Trafford, Old Trafford… Người đàn ông đó là Park Ji-sung.

Bạn nghĩ gì khi bạn chạy bộ? Câu hỏi này có vẻ nhang nhác một tựa sách của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Hãy hỏi Park Ji-sung, huyền thoại bóng đá xứ Hàn Quốc, chắc chắn, bạn sẽ nhận được câu trả lời: “Chạy để tìm được giấc mơ của chính mình và thực hiện nó”.

Park Ji-sung là một cầu thủ Hàn Quốc nhưng anh không thuộc nhóm các “ộp pa” đẹp trai long lanh, cơ thể gợi cảm, nói tiếng Anh ngọt ngào như kẹo chocolate đang tung hoành khắp thế giới theo nhịp đập của Hallyu (Làn sóng Hàn Quốc), một thứ quyền lực mềm mà đất nước này truyền ra thế giới.

Park Ji-sung chỉ là một người đàn ông đơn giản, mộc mạc nhưng mạnh mẽ. Song anh còn vĩ đại hơn mọi “ộp pa” bởi anh xuất hiện trước thế giới, khẳng định được giá trị Hàn Quốc và châu Á khi mọi thứ vẫn còn hỗn mang, gai góc, đơn độc.

Chào đời vào thập niên 1980, Park Ji-sung chứng kiến một Hàn Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn hỗn loạn chính trị,xã hội đảo điên khiến cuộc sống trở nên khó khăn vô cùng. Nhưng may thay, thập niên đó cũng là giai đoạn hoàng kim của “Kỳ tích sông Hàn” với những bước đại nhảy vọt kinh tế.

Tất nhiên là thời đó chưa có màn hình LED của LG, ô tô hạng sạng của Hyundai hay điện thoại thông minh S10 của Samsung… những sản phẩm thời thượng của các Chaebol (các tập đoàn lớn của Hàn Quốc) thống trị đất nước này và mang giá trị Hàn Quốc phổ cập ra thế giới.

Vậy nên, chuyện Park Ji-sung và những cầu thủ đồng lứa có ra nước ngoài thi đấu cũng chẳng gợi nên một điều gì lớn lao, chẳng phải gánh những trọng trách như truyền giá trị hình ảnh Hàn Quốc tới châu Âu thông qua việc thi đấu… Park Ji-sung cứ thế lên đường theo cánh tay điều khiển của thị trường săn lùng tài năng bóng đá giá rẻ.

Và chàng trai trẻ mặt đầy mụn Park Ji-sung cũng chẳng cần nghĩ ngợi những điều to tát đâu đâu. Anh chỉ làm công việc mà mình giỏi nhất: xỏ giày và chạy ra sân cỏ thi đấu. Những lần này cỏ dưới chân anh không là cỏ Suwon hay K.League mà là cỏ xứ Eindhoven bên trời Âu và rồi cỏ của Nhà hát của những giấc mơ.

Khi anh xuất hiện tại Old Trafford, sào huyệt của đội bóng vĩ đại nhất kỷ nguyên Premier League, Park Ji-sung đã kéo theo vô vàn dấu chấm hỏi. Cái thằng cha châu Á nhỏ như cái kẹo kia có mặt ở đây làm gì? Hay là để kiếm quảng cáo áo đấu từ những đế chế tài chính Samsung, LG… chăng?

Việc mua Park Ji-sung của Man United cũng có thể phần nào dựa vào những tính toán về thị phần châu Á béo bở, nhưng trên hết, nó xuất phát từ việc năng lực thi đấu của Park Ji-sung được đánh giá cao.

Sự miệt mài, nghiêm túc trong tập luyện và thi đấu đã khiến BHL Man United phải tôn trọng. Sự hiệu quả trên sân cỏ mà Park Ji-sung trình diễn mỗi cuối tuần lại chinh phục được tình yêu của người hâm mộ, dần dần biến anh thành một thần tượng tại Old Trafford.

Và rồi đến một ngày kia, khi Park Ji-sung đột nhiên dừng chạy và nhìn lại, anh thấy mình đã vượt qua rất nhiều chặng đường, để lại những di sản khiến cả thế giới phải thay đổi cái nhìn về năng lực chơi bóng của cầu thủ Hàn Quốc nói riêng và cầu thủ châu Á nói chung.

Có thể khẳng định, chính tấm gương của Park Ji-sung đơn thương độc mã giữa trời châu Âu, không ầm ĩ ồn ào mà cực kỳ âm thầm lặng lẽ nhào nặn lên giá trị của cầu thủ châu Á, đã khiến đất nước Hàn Quốc giật mình. Một cầu thủ đơn lẻ lại có thể khuếch tán hình ảnh của một đất nước hiệu quả hơn bất cứ hợp đồng quảng bá nào.

Và từ đó, Hallyu dần khởi sinh với sự hỗ trợ đắc lực của chính phủ Hàn Quốc, của những tập đoàn hùng mạnh. Nhưng nó luôn luôn phải nhớ đến một con người bình dị đã kiến tạo nên những điều phi thường: Park Ji-sung, chàng trai của tháng Hai.

Ngày 25/2/1981, Park Ji-sungcất tiếng khóc chào đời. Anh sinh ra tại Goheung rồi lớn lên tại Suwon trong một gia đình cần lao với mức thu nhập thấp so với mặt bằng xã hội Hàn Quốc. Cha anh, ông Park Sung-jong vốn là một công nhân nhà máy thép.

Công việc này không đảm bảo cho gia đình, đặc biệt là cậu con trai còi cọc ốm yếubị mắc chứng còi xương những bữa ăn đủ chất tươi để theo đuổi niềm đam mê cháy bỏngtrở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

Vì vậy, ông quyết định chuyển sang nghề… mổ heo, một công việc vốn bị xem thường.Tất nhiên, vài miếng thịt chưa thể giải quyết vấn đề thể chất cho bộ môn thể thao đòi hỏi gần như mọi phẩm chất vận động từ chạy, nhảy đến tranh chấp như bóng đá.

Thế nên, để giải quyết vấn đề thể trạng cho cậu con trai, ông Park Sung-jong đã phải cậy nhờ tới một thứ biệt dược, gồm máu hươu, thảo dược và nước ninh ếch. Vâng, thịt lợn và thứ “cock tail ếch”mà sau này Park Ji-sung tiết lộ là mùi vị hết sức kinh khủng, chính là bước khởi đầu cho một huyền thoại, một biểu tượng mang tính định danh.

Ngày 14/5/2014, Park Ji-sungtuyên bố giải nghệ. Suy ngẫm về quãng đời quần đùi áo số trong phút chia ly, anh bộc bạch: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, tôi rất yêu bóng đá. Tôi đã đạt được nhiều hơn tôi nghĩ”. Cái khoảng cách “nhiều hơn tôi nghĩ” mà Park Ji-sungnói đến ấy, khiến cả thế giới ngước nhìn và thán phục.

15 năm chơi bóng, 7 năm khoác áo Manchester United, Park Ji-sung đã vươn tới đỉnh cao chói lọi mà trước anh, không ai nghĩ một cầu thủ châu Á châu đạt được. Theo dòng thời gian, Park mở đường sang châu Âu khi tỏa sáng để cùng ĐT Hàn Quốc giành ngôi vị đệ tứ anh hào thế giới tại giải đấu World Cup được tổ chức trên sân nhà năm 2002.

Sau đó, Park gia nhập PSV Eindhoven, gã khổng lồ của bóng đá Hà Lan và cùng đội bóng này 2 lần đăng quang giải VĐQG, 1 lần giành Cúp Quốc gia. Với một cầu thủ châu Á, thành tích ấy quả đã là trong mơ nhưng với Park, tất cả mới chỉ bắt đầu.

Ngày 12/7/2005, cả thế giới rúng động khi Man United công bố hoàn tất việc chiêu mộ Park Ji-sung với mức phí chuyển nhượng 4 triệu bảng. Một Đổng Phương Trác (Dong Fangzhuo – cầu thủ người Trung Quốc được Man United mua về chủ yếu tạo thiện cảm để xâm nhập vào thị trường tỉ dân) phiên bản Hàn Quốc? Hẳn sẽ có người nghĩ thế khi thương vụ này hoàn tất bởi Premier League không phải mảnh đất phù hợp với tạng cầu thủ châu Á.

Tuy nhiên, 7 năm gắn bó, 205 lần ra sân, 27 bàn thắng cùng hàng tá danh hiệu cao quý, trong đó có 4 danh hiệu Premier League và đỉnh cao chói lọi Champions League 2008 là minh chứng Man United chiêu mộ Park Ji-sung bởi chuyên môn là chính, thương mại chỉ là phụ, dù cái phụ ấy cũng giúp Quỷ đỏ vớ bẫm tại thị trường Đông Á màu mỡ.

Hãy nghe chính Sir Alex Ferguson nói để thấy giá trị của Park Ji-sung: “Cậu ấy là một trong những cầu thủ chuyên nghiệp nhất tôi từng dẫn dắt. Cậu ấy thực sự tuyệt vời, đặc biệt trong các trận cầu đinh. Màn trình diễn của Park Ji-sung ở trận đấu với Arsenal là minh chứng điển hình”.

Ai còn nhớ màn trình diễn của Park ở trận gặp Arsenal ấy? Hẳn rất nhiều người còn nhớ. Đó là cuộc thư hùng giữa hai thế lực lớn của bóng đá Anh tại bán kết Champions League, giải đấu danh giá nhất hành tinh. Park Ji-sung là tác giả bàn thắng mở tỷ số, một bàn thắng đáng nhớ.

Tuy nhiên, giá trị của Park được thể hiện rõ hơn ở bàn thắng thứ ba, bàn thắng của Ronaldo với Rooney là người kiến tạo. Trong pha bóng đó, Park Ji-sung cướp bóng từ sân nhà, chạy một mạch sang phần sân đối phương, mở bóng cho Rooney bên cánh trái rồi Rooney căng ngang cho Ronaldo ghi bàn. Một pha phản công 9 giây mẫu mực.

Giá trị ấy là sự cống hiến thầm lặng, sức bền từ nền tảng thể lực sung mãn, tốc độ và khả năng ra quyết định. Vậy nên Rio Ferdinand mới ca ngợi: “Park Ji-sung là cầu thủ chuyển động hay nhất hành tinh, với sự thông minh và cách tác động trực tiếp vào trái bóng”.

Tại M.U, vị trí quen thuộc của Park Ji-sung là tiền vệ cánh, chi tiết hơn là cầu thủ chạy cánh phòng ngự. Nghĩa là Park Ji-sung vừa tham gia xuyên pha ở hành lang khi đội nhà có bóng, rồi lập tức trở thành máy quét khi đội nhà mất bóng. Một khối lượng công việc khổng lồ.

Thế nên, cũng chính Rio Ferdinand đã đánh giá: “Khối lượng công việc cậu ấy thực hiện thật không thể tin nổi, không ai đóng góp cho đội bóng nhiều như vậy. Park đã bị đánh giá thấp, cậu ấy là một cầu thủ hàng đầu thực sự”.

Phân tích sâu hơn, Park Ji-sung thành công giữa hằng hà sa số ngôi sao sáng chói của Man United nhờ phẩm chất của một công nhân, điều những ngôi sao không có. Park Ji-sung cần mẫn trên sân, mực thước ngoài sân. Anh tuân thủ mọi chỉ đạo của HLV, bằng ý chí của một chàng trai châu Á và những bước chạy không biết mệt mỏi.

Những phẩm chất ấy được bao quát qua nhận định của Paul Scholes: “Park Ji-sung có thể chạy cả ngày. Tôi đã từng nghĩ cậu ấy là người cận vệ trung thành nhất của Sir Alex. Ông ấy đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho Park Ji- sung và cậu ấy thực hiện chính xác đến từng chi tiết”.

Park Ji-sung chạy khủng khiếp đến nỗi đồng đội gọi anh là “Người Ba Phổi” – cách chơi chữ biến tên anh từ Park Ji-sung thành Park Three-lungs, tạo cho đối thủ cảm giác anh có một nguồn năng lượng vô tận hoặc như thể đeo bình oxy bên người.

Và trong cuối tự truyện “Tôi tư duy, tôi chơi bóng”, Andrea Pirlo miêu tả về sự chạy khủng khiếp của Park Ji-sung: “Park Ji Sung là cầu thủ đầu tiên trên thế giới chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo nghĩa cậu ấy bao sân với tốc độ của một hạt electron”.

Để trở thành cột mốc mà người khác muốn so sánh, Park Ji-sung tự thân đã là một biểu tượng rồi. Thời kỳ đỉnh cao, Park Ji-sung chính là niềm tự hào không chỉ của bóng đá Hàn Quốc mà còn của cả châu Á. Anh đã lập quá nhiều chiến tích trong màu áo ĐTQG lẫn cấp CLB.

Trước Park Ji-sung, cầu thủ châu Á leo được đến tầm Ali Daei hay Hidetoshi Nakata là cùng. Nhưng sau Park Ji-sung là khoảng không mênh mông chẳng hẹn người bắt kịp. Nói thế nào nhỉ, một siêu sao đã vô địch Premier League, Champions Legue, FIFA Club World Cup và là đệ tứ anh hào World Cup thì chắc trăm năm Hàn Quốc cũng chỉ có một người mà thôi. Nhưng rồi Son Heung-min xuất hiện…

Từ ngày cậu Son này hoành hành ở Bundesliga, người ta đã cảm nhận được một cái gì đó rất lớn đang ập đến. Và đến lúc này, khi Heung-min khẳng định được tên tuổi ở Tottenham, đồng thời là yếu nhân số 1 không phải bàn cãi của ĐT Hàn Quốc, phép so sánh xuất hiện.

Sau màn thể hiện quá sức thuyết phục của Son cho The Spurs thời gian gần đây, tờ Chosun giật tít: “Liệu Son Heung-min đã vượt qua được Park Ji-sung chưa?”. Cuộc thăm dò thu hút hàng vạn độc giả tham gia, với phần thắng sát nút nghiêng về cựu tiền đạo của Bayer Leverkusen.

Thật vậy, thời gian có sức mạnh của riêng nó. Giá trị của thời đại hiện tại khiến Son Heung-min hơn đứt Park Ji-sung - một tượng đài nhưng là của quá khứ.

Ngay đến Nguyễn Công Phượng, trong lần đầu tiên đến Hàn Quốc thi đấu cho màu áo Incheon United, cũng chọn Heung-min là thần tượng chứ không phải Park Ji-sung. Vị thế “tuyển thủ quốc dân” mà Park Ji-sung nắm giữ cả thập kỷ qua đang bị lung lay dữ dội.

Heung-min có thể kém Park Ji Sung về danh hiệu, nhưng anh trẻ hơn, ghi nhiều bàn thắng cho CLB và ĐTQG hơn. Quan trọng nhất, anh vẫn còn tương lai để phấn đấu. Người Hàn Quốc và châu Á đương đại cần một đầu tầu mới và làm gì có ai xuất sắc hơn Heung-min lúc này.

Nhưng cho rằng Heung-min đã vượt ra khỏi cái bóng của Park Ji-sung thì chẳng khác nào bảo David de Gea xuất sắc hơn Gordon Banks. Cách đây ít ngày, nước Anh đau lòng thông báo cho thế giới biết thủ môn đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này giúp Tam Sư vô địch World Cup (1966) đã qua đời ở tuổi 81.

Gordon Banks là một huyền thoại, nhưng với thế hệ trẻ, cái tên của ông nghe thật mơ hồ. Nếu họ có tra Wiki thì những thông tin trả về cũng chỉ là CúpVàng World Cup 1966 và “pha cứu thua thế kỷ” ở World Cup 1970. Tiếp tục ấn vào video, pha đổ người của Gordon Banks trước cú đánh đầu của “Vua bóng đá” Pele thật sự xuất sắc, nhưng hãy cùng thừa nhận, De Gea còn có đầy pha cứu thua không tưởng kiểu này… mỗi tuần.

Nhưng De Gea không làm được trước Pele, trong một trận đấu thuộc World Cup, với tư cách là nhà đương kim vô địch. Và điều quan trọng nhất, thời của De Gea, người ta có thể xem băng hình của Gordon Banks, còn thời của Banks, những pha cứu thua như vậy chỉ đến trong trí tưởng tượng. Vai trò của một người phá băng tư duy chính là nét vĩ đại để thế giới tôn vinh cố thủ môn thiên tài người Anh.

Son Heung-min và Park Ji-sung không cách nhau xa như De Gea và Banks, thậm chí họ còn từng có thời điểm kề vai sát cánh. Nhưng dù chỉ là vài năm sớm hơn, ở thời của Park Ji-sung, khán giả châu Âu vẫn chưa tin được một người châu Á lại có thể khỏe đến thế, lại có thể đa năng đến thế, lại có thể thành công mỹ mãn ở Man United đến thế.

Với sự nhiệt huyết của mình, Park Ji-sung đã khỏa lấp mọi hạn chế của bản thân, đồng thời gạt phăng định kiến ngăn cản bóng đá thế giới hội nhập. Son Heung-min rất xuất sắc, anh thi đấu không khác gì một tiền đạo châu Âu thực thụ, nhưng mới là người đi theo con đường được vạch sẵn mà thôi.

Khi Son Heung-min hay thế hệ đồng tuế của mình tại châu Á bước ra thế giới của Premier League, La Liga, Bundesliga… thì con đường dưới chân họ đã bằng phẳng lắm rồi. Nhưng để có được sự bằng phẳng đó, phải nhờ những bước chạy khai sơn phá thạch, chặt cây mở đường của thế hệ Nakata và Park Ji-sung.

Đặc biệt là người đàn ông nhỏ bé người Đại Hàn Dân Quốc sẽ tròn 38 tuổi vào ngày hôm nay, người đã nhắm mắt nhắm mũi uống hàng chục lít “cocktail ếch” để cải thiện thể lực, để chạm vào ước mơ bóng đá của mình. Để rồi anh chạy thẳng vào lịch sử châu Á với những thành tích vang dội bên trời Âu.

Anh chính là Park Ji-sung!

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: HẢI AN - TRẦN LỘC - NGỌC TRUNG
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x