Camp Nou, lần này Số Mệnh chọn Man United nữa không? - Bongdaplus.vn

Camp Nou, lần này Số Mệnh chọn Man United nữa không?

Hai mươi năm sau, có ai có thể hình dung những gì có thể diễn ra trong quãng thời gian đủ biến một trẻ sơ sinh thành một người trưởng thành như thế? Hai mươi năm sau, Man United lại hy vọng vào một sự lặp lại huyền diệu của lịch sử, rằng họ sẽ tạo nên một cú lội ngược dòng kinh điển trong lịch sử Champions League. Lịch sử có ký ức nên đôi khi nó lặp lại. Thế nhưng, như Karl Marx đã nói: “Lịch sử lặp lại, ban đầu là bi kịch và kết thúc là một trò hề”. Nếu những chàng ngự lâm quân Quỷ Đỏ của 20 năm sau thất bại, đó chính là điều bình thường. Nhưng nếu họ tái hiện lịch thành công, thì bi kịch sẽ thuộc về Barcelona. Và cả một trò hề dành cho Messi cùng những đồng đội.

Camp Nou ngày tái ngộ, một mình Solskjaer lang thang trên bãi khuya. Thảm cỏ này, cầu trường này, gã chỉ đến một lần nhưng quá đỗi thân thuộc. Gã đang đi tìm khoảnh khắc huy hoàng nhất sự nghiệp, đi tìm ký ức, đi tìm hoài niệm và gương mặt trẻ thơ của chính mình.

“Tạ ơn trên đã cho tôi buổi tối tuyệt diệu nhất cuộc đời tôi, một đêm đầy cảm xúc hơn cả đêm tân hôn”, Solsa chia sẻ. Cái đêm hôm đó, đêm gì? Đấy là đêm diễn ra trận chung kết Champions League 1998/99 giữa Bayern Munich và Man United trên thánh địa Camp Nou.

Toàn những cái tên huyền thoại, và đến ngay cả người điều khiển trận đấu cũng là một huyền thoại - Pierluigi Collina - để cấu thành một trận đấu huyền thoại. Trận đấu ấy huyền thoại tới mức người ta không nhớ 90 phút đã xảy ra chuyện gì, chỉ nhớ từng giây của 3 phút bù giờ.

Solskjaer chính là nét bút thần vẽ nên khoảnh khắc huyền diệu nhất của đêm huyền thoại ấy. Một cú ra chân hoàn toàn bản năng sau pha đánh đầu của Teddy Sheringham. Nóc lưới khung thành Oliver Kahn tung lên. Solsa trượt trên thảm cỏ ăn mừng.

Những người đồng đội của anh, kể cả những cầu thủ ngồi ngoài sân cũng chạy ào về phía ông ở góc sân. Tiếng hú hét, tiếng chửi thể vang lên không ngớt. Cầu trường như muốn nổ tung.

Đằng xa, Peter Schmeichel tung cả thân hình hộ pháp lên không trung để santo ăn mừng. Ngay cạnh, trung vệ Samuel Kuffour của Bayern Munich đập tay liên hồi xuống mặt cỏ phẫn uất.

Điên rồ! Thật điên rồ! Chẳng ai có thể tin nổi khi chỉ 3 phút trước, khi thời gian thi đấu chính thức kết thúc và trọng tài thứ tư giơ cao biển báo bù giờ 3 phút, M.U vẫn đang bị Bayern dẫn 1-0 và diễn biến chứng minh Quỷ Đỏ chẳng có lấy một mảy may cơ hội.

Bayern Munich, tức Hùm Xám xứ Bavaria và người Đức luôn vững vàng và lì lợm. Họ không lội ngược dòng trước đối thủ thì thôi chứ ngược dòng trước họ thật là điều viển vông. Hơn nữa, xét về tương quan lực lượng lẫn bản lĩnh trận mạc, Bayern đều được đánh giá cao hơn M.U.

Và không chỉ vậy, Quỷ Đỏ còn mất nguyên cặp sen đầm tại trung tuyến là Roy Keane và Paul Scholes vì án treo giò. Cặp tiền vệ trung tâm của M.U hôm ấy là Nicky Butt và… David Beckham.

Sự vượt trội của người Đức nhanh chóng được thể hiện sau tiếng còi khai cuộc. Phút thứ 6, Ronny Johnsen đốn ngã Carsten Jancker ngay rìa vòng cấm. Quái kiệt Mario Basler bước lên và tung ra cú đá phạt cũng hết sức quái kiệt đánh lừa Schmeichel mở tỷ số cho Bayern. Một khởi đầu quá thuận lợi để Hùm Xám triển khai lối đá thực dụng quen thuộc.

Mạnh mẽ và được tổ chức tốt, phòng tuyến của Bayern bịt mọi ngã đường vào khung thành Oliver Kahn cũng như phong tỏa hoàn toàn cặp bài trùng Andy Cole – Dwright Yorke.

Và nếu cú lốp bóng của Scholl hay pha ngả người móc bóng của Janker không tìm đến khung gỗ, số phận trận đấu có lẽ đã được định đoạt. Tất nhiên, nếu như thế thì còn đâu trận cầu lãng mãn, kịch tính và ẩn mật bậc nhất lịch sử túc cầu.

Phút bù giờ thứ nhất, từ một quả phạt góc, bóng nhảy tứ tung trong vòng cấm địa Bayern trước khi văng ra rìa vòng cấm và đến chân Ryan Giggs. Trong một tư thế không thuận lợi, cầu thủ Xứ Wales tung chân phải, chân không thuận để dứt điểm. Dĩ nhiên, đó là cú dứt điểm cực tồi, vừa thiếu lực vừa thiếu độ chuẩn xác. Cơ may thành bàn gần như bằng không.

Tuy nhiên, nó lại vô tình trở thành đường chuyền sắc như dao cạo cho Sheringham đang đứng đón lõng trong vòng 5m50. Một pha xoay người đá nối, bóng nằm gọn trong lưới Bayern. 1-1. Tất cả chạy về phía tiền đạo người Anh ăn mừng, trừ người vào sân từ băng ghế dự bị cùng Sheringham: Ole Gunnar Solskjaer. Solsa lầm lũi ôm lấy trái bóng về đặt vào điểm giao bóng.

Lý giải về hành động này, Solsa tiết lộ: “Tôi đang tập trung để chuẩn bị cho 30 phút hiệp phụ. Tôi nghĩ sẽ có điều gì đó kỳ diệu xảy ra và tôi sẽ được tận hưởng cảm giác ngọt ngào nhất". Ý nghĩ ấy của “Sát thủ có gương mặt trẻ thơ” đúng một nửa. Ông được tận hưởng khoảnh khắc diệu kỳ nhất sự nghiệp nhưng không cần đến hiệp phụ.

90 giây sau khi Sheringham ghi bàn, vẫn là một quả phạt góc mà người thực hiện là Beckham, vẫn Sheringham tham gia vào pha bóng với một pha bật cao đánh đầu lái bóng về góc xa, vẫn là một pha dứt điểm không có nhiều cơ hội thành bàn và vẫn vô tình trở thành một đường chuyền trác tuyệt. Solskjaer dơ chân theo bản năng. 2-1. M.U vô địch Champions League, hoàn tất cú ăn ba lịch sử.

2-1 cũng là tỷ số Solskjaer cần cho lần trở lại Camp Nouvào đêm thứ Ba này này, để có một kịch bản ngược dòng kịch tính nhất. Tuy nhiên, lần này Solsa không còn là “Sát thủ có gương mặt trẻ thơ” mà Sir Alex Ferguson cứ tung vào sân là M.U có bàn thắng.

Bây giờ, Solsa đang ngồi đúng ở vị trí của ông thày Ferguson đáng kính. Cường địch cũng không còn là Bayern mà chính là chủ nhà Barcelona, đội bóng cũng phần nào “Bayern” hóa với sự hiện diện của HLV Valverde.

Dù vậy, hồn cốt Barca, triết lý Cruyff vẫn hiện hữu tại Nou Camp, đặc biệt qua thiên tài Lionel Messi. Chính Messi, ngót nghét 10 năm trước, đã hai lần kết liễu mộng bá chủ châu Âu của M.U.

Giống như cái cách Solsa kết liễu Bayern và Lothar Matthaus. Giống như cái cách Matthaus kết liễu Maradona, tiền bối của Messi tại chung kết World Cup 1990. Giống như cái cách Maradona phủ bóng lên World Cup 1986 rồi hạ gục những hậu duệ của Beckenbauer. Giống như cái cách Beckenbauer biến Cruyff và đồng đội trở thành kẻ về nhì vĩ đại…

Có lẽ, nhiều người không tin nhưng từng có thời điểm trong thời kỳ thịnh trị của mình, Sir Alex Ferguson cũng giống như HLV Jose Mourinho ở những ngày tháng cuối cùng tại Old Trafford: Thất vọng, quẫn bách, giận dữ và cạn sạch niềm tin.

Mùa Hè 1998 chứng kiến sự bức bối chưa từng có ở Manchester. Sir Alex không đi nghỉ, giam mình nhiều ngày liền trong phòng làm việc. Những tiếng chửi bởi đôi khi bùng phát, rồi đồ đạc bị xô đổ. Không một ai dám có ý kiến, tất cả đều hiểu “Bố già” của M.U đang tìm cách giải tỏa cơn giận còn chẹn ngang cuống họng.

Quỷ Đỏ vừa trải qua một mùa bóng trắng tay đáng xấu hổ. Chỉ vào đến tứ kết Champions League, dừng chân ngay vòng 5 FA Cup, không qua nổi vòng 3 Cúp Liên đoàn và điên rồ nhất, về nhì sau Arsenal tại Ngoại hạng Anh. Mà Arsenal là gì? “Tập hợp của những kẻ thua cuộc” - theo cách nói của Gary Neville, lại chơi bùng nổ cùng một gã HLV lạ hoắc mang tên Arsene Wenger.

Wenger đến Ngoại hạng Anh cùng một cuộc cách mạng văn hóa bóng đá và vấn đề lớn nhất của M.U và Sir Alex là nhận ra mình sắp lỗi thời. Trước mùa 1997/98, M.U thống trị giải đấu non trẻ Ngoại hạng Anh với 4 chức vô địch (1992/93, 1993/94, 1995/96, 1996/97). Không ai dám nói họ lỗi thời ngoài chính họ, vậy mà Wenger đã làm, theo cách đau đớn nhất.

Dễ hiểu vì sao Mourinho lại tìm đến ông bạn già Sir Alex đầu mùa 2018/19, một là thăm bệnh, hai là tìm sự cảm thông. Không chỉ có ánh hào quang, phủ quanh người đàn ông vĩ đại xứ Scotland cũng đầy thất bại. Sir Alex hiểu thế nào là thân phận bị thời cuộc bỏ rơi, Mourinho muốn tìm lời khuyên, bởi ông biết có đấu thế nào cũng không lại Man City (và giờ có thêm Liverpool) trong mùa này.

Sir Alex không thể có câu trả lời thích đáng cho Mourinho, nhưng vào 20 năm trước, ông đã nhìn ra vấn đề. Ba bản hợp đồng đắt giá nhất của M.U trong mùa Hè đó nhắm đúng vào ba vị trí trên sân: Trung vệ Jaap Stam, tiền vệ cánh Jesper Blomqvist và tiền đạo Dwight Yorke. Gần 30 triệu bảng đã được bỏ ra, so với thời giá bây giờ, là cả một gia tài cỡ giá tiền mua Neymar hay Mbappe.

Sir Alex đã chơi một vố thật lớn để xem công chúng có trầm trồ. Sơ đồ 4-4-2 của M.U khi đó đặc sệt ngôi sao, với Peter Schmeichel; Gary Neville, Jaap Stam, Ronny Johnsen, Denis Irwin; David Beckham, Roy Keane, Paul Scholes, Ryan Giggs; Andy Cole và Dwight Yorke. Hàng dự bị cũng siêu khủng với Nicky Butt, Phil Neville, Jesper Blomqvist, Teddy Sheringham và chắc chắn rồi, Ole Gunnar Solskjaer.

Đây chắc chắn là sự khác biệt lớn nhất sau 20 năm. Sir Alex muốn bật lại, và ông có lực để bật lại. Với “thế hệ 92” là cái lõi nhiệt hạch, Sir Alex còn có sự bổ sung vô cùng chất lượng ở mọi vị trí khác. Cách xây dựng đội bóng của “Máy sấy tóc” cũng khiến tập thể đi theo một chiều vạch sẵn, nơi kể cả những “con ngựa chứng” như Roy Keane cũng răm rắp làm theo.

Điều này Mourinho không có, và ông thất bại trong việc yêu càu cầu thủ làm theo ý mình. Đến ngay cả người kế nhiệm Solskjaer cũng đang chới với rất nhiều trong công tác quản lý phòng thay đồ. Sau giai đoạn đầu khá yên bình, những mầm mống phản loạn lại nổi dậy, như Paul Pogba và David De Gea. Ban đầu chỉ đơn giản là việc không chấp nhận gia hạn hợp đồng, ai mà biết bước kế tiếp là gì?

Solskjaer có lẽ hiểu nhất, M.U đang không có cốt lõi tâm phúc của mình. Lấy ai làm hạt nhân của đội bóng bây giờ, tinh thần Manchester nằm ở đâu, người nắm giữ truyền thống đang lạc phương nào? Lớp kế cận bây giờ thiếu cả tâm lẫn tầm.

Cầu thủ được kỳ vọng nhất như Pogba vẫn là một đứa trẻ hư như ngày nào đứng trước mặt Sir Alex. Đặt niềm tin nơi anh ta? Thôi, bỏ đi.

M.U của mùa 1998/99 đặt mục tiêu vô địch mọi đấu trường, M.U của mùa 2018/19 chỉ mong đừng trắng tay. Đương nhiên, có thể thông cảm cho Mourinho và Solskjaer, Sir Alex ngày xưa chỉ phải quan tâm tới một mình Arsenal hoặc phần nào là Chelsea ở giải quốc nội. Còn bây giờ, trước mặt M.U là 5 đối thủ trực tiếp, trong đó có 2 kẻ mạnh vượt trội.

Tâm lý của phần còn lại thuộc Ngoại hạng Anh cũng khác xưa rất nhiều. Ngày trước, mỗi khi đối đầu M.U là các đối thủ yếu bóng vía tự động co rúm. Quyền lực của Sir Alex phủ kín, hét một tiếng là FA lẫn trọng tài nghiêng ngả. Nhưng giờ, với những gì đã qua suốt 5 mùa vừa rồi, gặp M.U là đối tượng dễ kiếm điểm nhất trong số các đại gia.

Đến Premier League, M.U còn không đứng vững trong tầng lớp cao thủ nhất lưu, huống gì Champions League. M.U của bây giờ thực tế chỉ là một bóng ma, mỗi trận đấu đều khó khăn như mỗi trận chung kết cho dù đối thủ thuộc hạng lìu tìu. Thế mà, họ vẫn mơ một giấc mơ đẹp tại Camp Nou.

Camp Nou. Camp Nou. Camp Nou. Vết gạch ngang giữa 2 thập kỷ của Man United; giữa một HLV huyền thoại Alex Ferguson và HLV tay non Ole Gunnar Solskjaer; giữa một người hùng chạy vào vũ đài khốc liệt từ băng ghế dự bị với một niềm hy vọng vừa ổn định chỗ ngồi trên ghế nóng.

Sau đêm Camp Nou kỳ diệu, chiếc Cúp Bạc C1 châu Âu/Champions League đã trở lại nước Anh sau 15 năm vắng bóng kể từ thảm họa Heysel năm 1985. Kẻ đem về chiến quả danh giá bậc nhất ấy không phải Liverpool, đội bóng Anh vĩ đại nhất châu Âu trong thế kỷ 20, mà là Man United vốn bị coi thường bởi chính Liverpool vì lúc đó The Kop vẫn nổi trội về danh hiệu VĐQG cũng như Cúp C1/Champions League.

Man United đang thống trị Premier League trong thời điểm đó, nhưng tại châu Âu, họ vẫn chỉ là một viên đá lót đường hạng sang. Nhưng sau đêm Camp Nou, Man United đã mở ra một chu kỳ thành công mới cho bóng đá Anh bên ngoài biên giới. Những danh hiệu Champions League đã đến với nước Anh thường xuyên hơn, xóa bỏ những thập kỷ trắng danh hiệu châu Âu.

Sau đêm Camp Nou 1999, Quỷ Đỏ trở thành ông lớn châu Âu, quen thuộc với những trận chung kết Champions League. Đế chế Quỷ Đỏ phát triển hùng mạnh rực rỡ, lấn át Arsenal, Chelsea, Liverpool ở Premier League, trở thành lá cờ đầu của Hồng Mao trong Lục địa. Ngôi sao, danh tiếng, tiền bạc, sự mến mộ toàn cầu cứ thế kéo ùn ùn về phủ kín Old Trafford.

Không có đêm kỳ diệu tại Camp Nou, có lẽ, Man United đã chẳng huy hoàng đến thế. Và kỳ lạ thay, nó đến như một phép màu của Tạo Hóa bởi không một người hâm mộ nào có thể tin rằng, trên thế giới này thực sự có “3 phút thần thánh” làm chao đảo cả thế giới.

Như đã phân tích ở trên, Man United hoàn toàn lép vế trước Bayern Munich, từ kinh nghiệm Champions League, yếu tố con người, bản lĩnh, sự lì lợm, hệ thống chiến thuật. Thế nhưng, không một HLV lão luyện trăm trận trăm thắng, sở hữu những thiên tài bóng đá trong đội hình lại có thể khuất phục được Số Mệnh.

Man United tại Camp Nou 1999 như đám nạn dân Do Thái của Moses hoảng loạn, tuyệt vọng vì trước mặt là biển dữ, phía sau quân đội hung tàn của Ai Cập đang truy đuổi. Thế nhưng Số Mệnh nói Moses hãy cầm quyền trượng giương lên, lập tức đại dương tách ra làm đôi để nạn dân chạy qua, sau đó liền lại như cũ đề nhấn chìm cả đội cường binh.

Quyền trượng của nhà tiên tri Moses cũng chính cú ra chân của Solskjaer trong trận chung kết. Đó là pha chạm bóng đầu tiên và duy nhất của một sát thủ được tung vào sân và thi đấu đúng 13 phút trong trận đấu quan trọng bậc nhất này. Phép màu, điều kỳ diệu, thành quả của ý chí, may mắn… gì cũng được, Man United bước sang một thế giới hoàn toàn khác.

Camp Nou của năm 2019, Man United lại lâm vào hoàn cảnh tứ bề thọ địch. Kẻ thù nằm trong chính con người họ. Chúng là sự sợ hãi, thiếu tự tin, hoài nghi bản thân và vọng tưởng. Chúng khiến Man United không còn là một khối thống nhất như Man United của năm 1999.

Họ đã thua trên sân, trao lợi thế bàn thắng sân khách cho đối thủ, và đang hứa hẹn trở thành miếng mồi ngon cho những Messi, Suarez, Coutinho, Vidal, Rakitic… Đến đứa bé nhặt bóng ở Camp Nou có lẽ cũng có kỹ thuật và kỹ năng dứt điểm tốt hơn đội trưởng Ashley Young của Man United. Đó là sự thật.

Nhưng, như đã nói, không một hệ thống chiến thuật nào, không một tập thể thiên tài nào có thể thắng được Số Mệnh. Barcelona hùng mạnh đã thất bại trước Inter Milan năm 2010, trước Chelsea năm 2012 ngay tại Camp Nou bởi vì đây đều là những đội có chân mạng Thiên Tử khi cùng vô địch theo cách nằm ngoài mọi sự dự đoán hay phân tích chuyên môn.

Man United của Camp Nou năm 2019 có thể yếu kém, rệu rã và tầm thường thế nhưng những dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Số Mệnh đã xuất hiện khá nhiều. Tại sao lại là Solskjaer thay Mourinho, tạm thời rồi chính thức? Tại sao Quỷ Đỏ lại đánh bại một PSG vô cùng hùng mạnh dù đã bị thua 2-0 ở trận lượt đi?

Hãy thử tượng tượng kịch bản, vì một lẽ gì đó mà Barcelona không thể ghi bàn, dù Messi, Suarez hay dàn ngôi sao chủ nhà sút liên tục. Hãy thử tượng tượng lợi thế dẫn 1-0 của Barcelona được duy trì đến phút thứ 90. Hãy thử tượng tượng, Man United bất ngờ có bàn thắng đầy may mắn ở phút bù giờ. Lúc đấy, trên sân Camp Nou, máu của ai mới đông cứng vì sợ hãi?

Hãy chờ Camp Nou lên tiếng để quyết định xem liệu Man United có đúng là đứa con yêu của Số Mệnh trên mảnh đất Camp Nou hay không?

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: HẢI AN - TRẦN LỘC - NGỌC TRUNG
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x