Từ De Toekomst đến La Masia: Suối nguồn tươi trẻ tẩy trần Champions League - Bongdaplus.vn

Từ De Toekomst đến La Masia: Suối nguồn tươi trẻ tẩy trần Champions League

Câu chuyện thành công của Ajax Amsterdam tại Champions League năm nay đã đem lại nguồn cảm hứng lớn cho người yêu bóng đá. Người ta lại nhớ đến thế hệ Ajax hào hùng năm 1995 với những Patrick Kluivert, Edgar Davids, Clarence Seedorf, anh em nhà De Boer, Marc Overmars, Kanu, Litmanen, Van der Sar…

Gần 25 năm sau, đến lượt Matthijs de Ligt, Donny van de Beek, David Neres, Frenkie de Jong, Hakim Ziyech… đánh bại những gã khổng lồ Real Madrid rồi Juventus. Họ khiến chúng ta phải nhớ rằng, đâu đó trên thế giới này vẫn còn nhiều CLB duy trì truyền thống đào tạo trẻ để tiếp nối lịch sử hào hùng.

Tại vòng bán kết Champions League 2018/19, tuyệt vời thay có sự hiện diện của 2 lò đào tạo lừng danh nhất thế giới. Đó là lò La Masia của Barcelona và lò De Toekomst của Ajax Amsterdam. Điều thú vị hơn, cả hai lò đào tạo này có mối liên quan chặt chẽ về mặt tinh thần, triết lý đào tạo và con người, thông qua thứ bóng đá đậm chất kỹ thuật, mang nhiều nét hào hoa nhưng cũng cực kỳ hiệu quả.

Ngày rời Camp Nou, Johan Cruyff nhắn nhủ Josep Nunez, chủ tịch Barcelona: “Barca cần một lò đào tạo trẻ giống Ajax”. Một năm sau (1979), La Masia khánh thành.

Một thập niên sau (1988), Cruyff trở lại Barca với cương vị HLV và xây dựng Dream Team lẫy lừng với 4 danh hiệu La Liga liên tiếp cùng chức vô địch châu Âu đầu tiên trong lịch sử đội bóng xứ Catalan. Trong Dream Team ấy, có những cầu thủ trưởng thành từ chính La Masia. Tiêu biểu là Pep Guardiola.

20 năm nữa trôi qua từ thời điểm Dream Team ra đời, Barca trình làng phiên bản tân kỳ và giàu bản sắc hơn nữa để chinh phục 3 danh hiệu La Liga và 2 chức vô địch Champions League chỉ trong 3 năm. Pep Guardiola tiếp nối Cruyff nắm giữ vai trò dẫn dắt, còn La Masia phát tiết tinh hoa thông qua việc cung cấp những sản phâm ưu tú như Xavi Hernandez, Andres Iniesta, Gerard Pique, Carles Puyol, Pedro Rodriguez và đặc biệt là Lionel Messi.

Trận chung kết Champions League 2010/11, việc Barca ra sân với 7 sản phẩm cây nhà lá vườn và đè bẹp Man United 3-1 có lẽ là đỉnh cao chói lọi mà mọi lò đào tạo đều phải ngả mũ thán phục hay ngước nhìn thèm khát… trừ De Toekomst, học viện bóng đá của Ajax. Bởi lẽ, như đã đề cập, La Masia hình thành dựa trên sự gợi ý của Cruyff về một lò đào tạo trẻ như Ajax.

Không chỉ vậy, công thức đào luyện sản phẩm của La Masia cũng phần nào dựa trên triết lý của De Toekomst. Đó là sự chú trọng vào khâu kiểm soát bóng, pressing ngay từ 1/3 phần sân đối phương và việc áp dụng sơ đồ 4-3-3 xuyên suốt ở mọi lứa U.

Và quan trọng hơn hết, những gì La Masia làm được, De Toekomst thậm chí còn làm tốt hơn. Những năm đầu thập niên 1970, Ajax thống trị tuyệt đối bóng đá châu Âu với 3 chức vô địch C1 liên tiếp. Biểu tượng của đế chế ấy không ai khác ngoài Johan Cruyff.

Đến chức vô địch Champions League 1995, Ajax lên ngôi với đội hình gần như toàn cầu thủ Hà Lan. Bao gồm Edwin van der Sar trong khung gỗ; Michael Reiziger, Frank de Boer và Danny Blind ở hàng hậu vệ; Ronald de Boer, Edgar Davids và Clarence Seedorf ở hàng tiền vệ hay Patrick Kluivert, Marc Overmars trên hàng công.

Rồi dẫn chứng mới nhất, Ajax vừa hạ Juventus tại tứ kết Champions League 2018/19 với đội hình gồm 5 cầu thủ cây nhà lá vườn.

Thế nên, nói về truyền thống, tầm vóc hay giá trị lịch sử, De Toekomst còn vượt trội La Masia và De Toekomst cũng rất biết cách lưu giữ truyền thống. Edwin Van der Sar hiện giữ vị trí Giám đốc điều hành, Marc Overmars là Giám đốc kỹ thuật, Dennis Bergkamp là trợ lý HLV còn Wim Jonk là Giám đốc Học viện.

Cũng tại De Toekomst, các sân bóng được bố trí theo hình cánh hoa. Sân tập của các đội tuyển U châu đầu vào “nhụy hoa” là sân tập của đội một, nơi những cầu thủ trẻ mơ ước.

Hà Lan tọa lạc trên một vùng đất trũng chỉ có khoảng 50% diện tích đất nằm cao hơn 1m so với mực nước biển, diện tích toàn quốc chỉ trên 40 ngàn cây số vuông và tổng dân số trên 17 triệu người. Thế nên, có hai vấn đề người Hà Lan luôn phải đối mặt là lũ lụt và nguồn lực nhân sự hữu hạn.

Về chuyện lũ lụt, thay vì đương đầu với thiên nhiên, người Hà Lan chấp nhận sống chung với lũ. Bằng chứng là những công trình lưỡng dụng, vừa để phục vụ đời sống vừa để… chứa nước lũ. Đơn cử là khu liên hợp thể thao dưới nước quốc gia.

Về mặt con người, Hà Lan hướng tới sự sáng tạo và khai phóng. Không sáng tạo, người Hà Lan đã không thể tồn tại dưới mực nước biển. Trong khi đó, sự khai phóng gắn liền với bề dày lịch sử khoan dung và khuyến khích tự do của xứ sở hoa Tulip. Cụ thể, đây là vùng đất hiếm hoi người ta có thể công khai hút cần sa và năm 2001 trở thành quốc gia đầu tiên hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới.

Ajax Amsterdam, biểu tượng của bóng đá Hà Lan và lò đào tạo De Toekomst, cốt lõi của đội bóng này cũng hướng tới những giá trị nêu trên. Tại Học viện bóng đá Ajax, điều đầu tiên các học viên được dạy là câu châm ngôn: "Nếu bạn nhút nhát, đây là nơi phức tạp dành cho bạn".

Dễ hiểu hơn, để tồn tại ở De Toekomst, đầu tiên các chàng trai phải có sự hãnh tiến và khinh bạc, thay vì cầu tiến và khiêm tốn. Điều tiếp theo được dạy là một dạng Slogan của CLB: Chúng tôi là Ajax và đây là phong cách của chúng tôi.

Hãy để ý cái cách Ajax đương đầu với Real Madrid rồi Juventus. Đó không phải cái cách một đội bóng dưới cơ thi đấu với một đội bóng trên cơ bởi Ajax sẵn sàng cầm bóng, liên tục tấn công và bóp nghẹt đối phương bằng những tình huống bật nhả nhuần nhuyễn và được định hướng xuyên suốt.

Những màn trình diễn thần kỳ ấy phản ánh giá trị của Ajax, đồng thời tái khẳng định sức mạnh của Total Football, lối chơi sinh ra từ lũ lụt, từ những con người tận dụng triệt để không gian.

Và nếu như người Hà Lan phải đối diện những cơn lũ cuốn trôi mùa màng hàng năm thì De Toekomst cũng phải đương đầu với cơn lũ chuyển nhượng và sự hữu hạn nhân sự.

Sức hút từ các đội bóng lớn là một chuyện, chuyện còn lại là luật Bosman, khi mọi cầu thủ đều tự do ra đi khi đã hết hạn hợp đồng, đồng nghĩa Ajax đối diện nguy cơ bỏ công cả chục năm đào luyện nhưng chỉ có thể thu về rất ít tiền. Bởi vậy Ajax phải tìm ra cách sống chung với lũ.

Ngoài tiêu chuẩn TIPS đã trở thành chuẩn mực trong đào tạo, viết tắt của 4 chữ cái Technique (Kỹ thuật), Insight (Tầm nhìn), Personality (Nhân cách) và Speed (Tốc độ), Ajax còn hình thành công thức khác cho việc đào tạo. Đó là phát hiện, ươm mầm, đào tạo, bán lấy lời và tái đầu tư, một vòng tuần hoàn vĩnh viễn. Và để đảm bảo nguồn nhân lực, Ajax nuôi một bộ máy tuyển trạch gần 90 người trên khắp thế giới để tìm kiếm tài năng.

Tuy nhiên, sự thú vị của lò De Toekomst không dừng lại ở đó. sức hút của Ajax đối với các cầu thủ trẻ chính là tương lai, theo đúng nghĩa đen. Đến Ajax học chơi bóng, bọn trẻ sẽ được bảo đảm tương lai nhưng không nhất thiết là tương lai chơi bóng, dù thống kê chỉ ra 87% sản phẩm của lò đào tạo này trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Cụ thể, De Toekomst đã được nâng cấp thành một trường học chứ không còn là lò đào tạo bóng đá đơn thuân nữa.

Tại đây, các ngành nghề như tiếp thị, thuế và tài chính, khoa học thể thao, kinh tế, luật cũng được giảng dạy để chuẩn bị cho các học viên một hành trang khi không còn đồng hành cùng trái bóng. Nên nhớ, để có một Messi hay đơn giản là De Ligt, hàng chục thậm chí hàng trăm mầm non khác sẽ bị thải loại. Vậy mới thấy hết giá trị của lò Ajax!

Ngay trước trận Tứ kết Champions League lượt về với Man United, Barcelona đã tung một đội hình xuất phát chỉ gồm 3 cầu thủ chính, còn toàn bộ là cầu thủ trẻ, những người được đào tạo từ lò La Masia, trong một trận đấu tại La Liga. Có thể nhìn vấn đề này theo hai cách. Một, Barca tính toán. Hai, họ quá tự tin rằng lớp trẻ của mình cũng đủ sức đá La Liga.

Đó là thành quả tâm huyết một đời của người đã từng được đào tạo tại lò De Toekomst – Johan Cruyff – dành cho đội bóng thân thuộc thứ hai của ông là Barcelona. Song, giữa một thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, liệu La Masia còn giữ được tinh thần nguyên ủy. Để biết được điều đó, xin hãy bước qua cánh cửa ghi dòng chữ La Masia de Can Plannes.

Trong khuôn viên của La Masia, Arnau Tenas - thủ môn của đội U19 - đang mải mê với chiếc smartphone của mình. Không phải cậu chơi game mà là tương tác với mạng xã hội Instagram. Điều đó cũng bình thường như bao chàng trai 17 tuổi khác, nhưng không phải vậy.

Khi Tenas không phải đến trường học thì cậu được tập luyện cùng với những ngôi sao của đội một Barcelona như Lionel Messi chẳng hạn. Việc của cậu là phải ngăn chặn ngôi sao này ghi bàn, hay chiến thắng trong những pha tranh chấp trên sân cỏ trung tâm huấn luyện mang tên vị HLV huyền thoại Joan Gamper.

Tenas thuộc đội trẻ A, nhưng năng lực chơi bóng của cậu được các HLV đánh giá khá tốt và phần thưởng là được tập luyện cùng các ngôi sao ở đội một, những người đàn anh cũng đang tập luyện ở sân bóng ngay cạnh đó. Tenas là một trong 607 cầu thủ trẻ đang được đào tạo tại La Masia. Trong đó, 89 học viên ăn tập ngay tại đây.

Sau giờ tập, họ tỏa về 78 phòng ngủ được phân bố ở ba tầng trên cùng của tòa nhà năm tầng. Một số phòng có hai hoặc bốn giường, nhưng cũng có phòng chỉ dành cho một học viên. Tuy nhiên, đa số các học viên đều thích ngủ với bộ chăn ga gối in hình của thần tượng Lionel Messi. Đấy chính là giấc mơ trưởng thành của họ.

Tại La Masia thường xuyên duy trì sự hoạt động của 16 đội trẻ nam, 8 đội trẻ nữ và một đội futsal. Chưa hết, ngoài bóng đá, La Masia cũng đào tạo các đội khúc côn cầu, bóng ném và bóng rổ. Một tổ hợp đào tạo thể thao đa dạng như logo truyền thống của CLB.

Ở tầng trệt của tòa nhà là một thư viện, một phòng giải trí với bàn khúc côn cầu, bàn đánh bi-a, bàn bóng bàn và một màn hình TV nằm trước một khu vực chỗ ngồi có đệm khổng lồ.

Phía góc nhà là phòng ăn, được bố trí khoảng 50 ghế nhựa màu cam xếp xung quanh một bàn inox. Nơi đây phục vụ việc ăn uống của các cầu thủ trẻ 4 lần một ngày, với thực đơn đa dạng nhưng không thể thiếu món tráng miệng là sữa chua hoặc hoa quả tươi.

“La Masia là một viên ngọc. Chúng tôi có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất dành cho việc phát triển thể chất và tài năng bóng đá của các học viên”, ông Jose Mari Bakero tự hào giới thiệu. Người đàn ông đang quản lý đội Barca B và đội U19 này chính là tiền vệ thuộc Dream Team của cố HLV huyền thoại Johan Cruyff.

Những lò đào tạo truyền thống kiểu La Masia giờ đang là khủng long của thế kỷ 21, rất hiếm và đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi những học viện bóng đá sang trọng và sặc mùi tiền bạc mở ra như nấm sau mưa trên toàn thế giới. Thậm chí, để thu hút nhân tài, các học viện còn sẵn sàng trả tiền lương cho học viên.

Khuôn mặt của Bakero ngỡ ngàng đến tội nghiệp khi biết một học viên sắp thành tài ở một học viện bóng đá bên Anh quốc có thể kiếm tới 52.000 bảng mỗi tuần. Bakero dùng tính năng máy tính trên smartphone để nhân số tiền đó với 54 tuần của năm. Một con số khiến ông phải choáng váng: 2,7 triệu bảng.

Nhưng nếu tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở đây, chúng ta sẽ có một cái nhìn khác. 9 sân tập ở đây được bố trí 54 họng tưới nước để liên tục giúp mặt sân ướt nhằm giúp bóng lăn nhanh hơn. “Hóa đơn nước ngày càng cao, nhưng chúng tôi buộc phải duy trì việc này, để học viên quen với xử lý bóng nhanh”, giám đốc Xavi Martin tiết lộ.

Việc đào tạo diễn ra rất khắc nghiệt, không kém gì mức độ cạnh tranh để lên đội một. Trong 607 học viên hiện tại, những người có thể mơ đến việc khoác áo Barcelona chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại phải gia nhập các CLB khác. Thậm chí, có nhiều người không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Các học viên phải đối mặt với sức ép kinh khủng như ở kỳ thi tốt nghiệp. Nếu buông lỏng sẽ bị tụt hậu, nếu lơ là sẽ bị chiếm mất vị trí. Họ còn phải tham dự các lớp học văn hóa tùy theo độ tuổi được bố trí ngay trong học viện. Tất cả vì một giấc mơ trở thành ngôi sao sân cỏ trong tương lai.

Tại đây, tất cả mọi người đều phải thuộc lòng tư tưởng của “Thánh” Johan Cruyff. Ông là người đưa ra ý tưởng thành lập học viện bóng đá cho lớp trẻ, cũng như ý tưởng mọi nhóm tuổi phải được huấn luyện cùng một thứ bóng đá dựa trên nghệ thuật kiểm soát bóng. Đó chính là tinh thần Tiqui-taca.

Ngay từ lúc non nớt, các cầu thủ đã được dạy rằng cần phải biết ứng xử tốt trong tập luyện và thi đấu cũng như phải hoạt động theo nhóm. Mặc dù kỹ năng của Neymar là siêu đẳng nhưng nhiều người ở Barca không thích anh ta, bởi vì tính ích kỷ quá lớn của ngôi sao này.

Họ còn chê trách Neymar ở mặt làm hàng. Trước mỗi pha đá phạt, Neymar thường cúi xuống buộc dây giày nhằm thu hút các máy quay vào nhãn hiệu Nike trên giày của anh ta. Đây không phải mẫu cầu thủ Barca muốn. Đó phải là một người không ích kỷ.

Với người Barcelona, chuẩn mực phải là Messi, người đến sân tập vào thứ Hai hàng tuần với chiếc Audi do CLB cấp. Messi cũng như các cầu thủ trẻ đều được giáo dục: Ở đây không có siêu xe Ferrari. Và nếu cãi trọng tài hay phát ngôn linh tinh trên mạng, thì sẽ bị trừng phạt.

Chưa hết, mỗi khi ghi bàn, các học viên của La Masia không được bày tỏ thái độ ăn mừng quá khích, không tôn trọng đối phương và phải cảm ơn người đã cùng phối hợp với mình. Mọi người gặp nhau phải chào hỏi thân mật và phải duy trì một bầu không khí hòa nhã, tự tin ở mọi lúc, mọi nơi.

Những học viên cũng được khuyến khích từ chối nhận các giải thưởng cá nhân ở mọi giải đấu bởi đội ngũ huấn luyện muốn học trò phải tâm niệm: bóng đá là môn thể thao tập thể. Một cầu thủ bóng đá tốt phải là người biết tuân thủ kỷ luật và biết hành xử chuẩn mực với mọi người.

Phụ huynh cũng phải tuân thủ quy tắc của học viện. Trong khi cổ vũ con cái thi đấu, nếu phụ huynh có hành dộng không đúng mực, cầu thủ đó sẽ bị trục xuất khỏi La Masia. Đây thực sự là những quy định hà khắc nhưng rất tốt cho những tài năng trẻ đang định hình nhân cách.

Tuy phương châm của Johan Cruyff và La Masia là muốn các học viên ăn tập tập trung, nhưng cũng có nhiều người vẫn sống cùng gia đình. Thách thức với những hoàn cảnh này là khá lớn. Miki Juanola, 16 tuổi, là một ngôi sao của lò La Masia, nhưng lại đang sống ở Lloret de Mar, cách đó vài chục km.

Hàng ngày, cậu phải mất 4 tiếng ngồi trên 1 trong 40 chiếc taxi mà Barcelona thuê tháng cho học viên để di chuyển từ nhà đến học viện. Cậu phải ăn tối, làm bài tập trên xe và hiếm khi có mặt tại nhà trước 22h30. Nhưng cậu vẫn cảm thấy hài lòng với những gì đang có.

“Được tập luyện ở đây chẳng khác gì lên thiên đường. Chúng tôi khác bọn trẻ ngoài kia. Các học viên là anh em còn các thày như bố mẹ của chúng tôi vậy”, Miki tự hào nói và nhìn về tấm ảnh Messi nhận QBV 2010 treo dưới dòng chữ “ADN BARCA” với ánh mắt đầy khao khát.

Một lò đào tạo đã có 120 tuổi đời, được quy hoạch phát triển thống nhất theo triết lý của Johan Cruyff từ thập niên 1970 đến nay đã tạo nên mã gene của riêng mình. Mã ADN nó vẫn cứ lưu truyền trong từng học viên của lò La Masia hay từng cầu thủ của Barcelona.

Có thể, sắp tới mã gene này sẽ được phối trộn với mã gene của lò Ajax như Frenkie de Jong hay Matthijs de Ligt, nhưng điều này sẽ không gây nên hiện tượng đột biến nguy hại vì họ cùng chảy trong người một tinh thần do “Thánh Johan” đã khởi xướng hơn 50 năm qua.

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: HẢI AN - NGỌC TRUNG
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x