Tottenham Hotspur và lần đầu làm chuyện ấy - Bongdaplus.vn

Tottenham Hotspur và lần đầu làm chuyện ấy

Trận đấu tâm điểm của bóng đá thế giới trong mùa Hè này chính là trận chung kết Champions League với sự xuất hiện một gương mặt mới toanh: Tottenham Hotspur. Cho dù đã có lịch sử 136 năm, The Spurs mới chỉ 2 lần vang danh ở châu Âu với 2 danh hiệu UEFA Cup 1972 và 1984, còn ở Champions League thì đấy vẫn là một thiên đường hoang vu.

Cái cách Tottenham Hotspur hình thành tạo nên chính định kiến về đội bóng này, một tập thể tạm bợ, không mục đích rõ ràng và gồm toàn những đứa trẻ vắt mũi chưa sạch. Nếu không tin, hãy quay trở lại Bắc London vào hơn 100 năm trước.

Năm 1882, đội cricket Hotspur với thành phần là những cậu bé tuổi 13, 14 từ hai ngôi trường Saint John's và Tottenham Grammar đã quá chán nản việc không được thi đấu thể thao vào mùa Đông.

Vậy là đội trưởng Robert Buckle bàn với hai người bạn thân Sam Casey và John Anderson ý tưởng về một bộ môn khác để… giết thời gian kể cả khi trời mưa tuyết. Một CLB bóng đá thì sao? Nghe không tệ!

Vậy là vào một đêm định mệnh, các cậu bé của đội cricket Hotspur tụ tập đầy đủ dưới ngọn đèn đường sáng nhất khu phố, cách sân White Hart Lane hiện tại khoảng 100m, thống nhất xây dựng đội bóng có cùng tên Hotspur.

Vậy đấy, cái cách Tottenham mà chúng ta vẫn biết ra đời là như vậy, với người sáng lập nhiều tuổi nhất cũng chỉ mới 14 và vị chủ tịch đầu tiên cũng là thầy giáo dạy lớp tôn giáo của mấy đứa nhóc.

Đến trước năm 1913, vùng Bắc London hoàn toàn thuộc về Tottenham. Có đôi chút cạnh tranh đến từ Clapton Orient nhưng phần lớn người dân địa phương vẫn ủng hộ màu áo trắng của Spurs. Nhưng rồi Arsenal quyết định chuyển đến khu vực này, với trụ sở chỉ cách Tottenham khoảng 6 km.

Ban đầu, vị trí của Arsenal là ở phía Nam London chẳng hề gần gũi với Tottenham - đội bóng ra đời trước đó 4 năm. Phải đến khi thương nhân giàu có người Anh Henry Norris bước lên ghế chủ tịch của Arsenal thì nguồn cơn thù hận mới bùng phát.

Cả Tottenham lẫn Clapton đều một mực phản đối hành động này vì không thấy có bất cứ lý do gì Arsenal đáng được ở lại. Đến đây, Tottenham mới bộc lộ rõ mình là những đứa trẻ thật sự trong cuộc sống, khi bị cơ quan có thẩm quyền bác đơn.

Sau này mới rõ, ông chủ của Arsenal đã "đi đêm" để lấy được giấy phép cư trú. Tottenham buộc phải san sẻ Bắc London với kẻ sau này sẽ thành “oan gia ngõ hẹp” của mình.

Năm 1919, giới quản lý bóng đá Anh quyết định mở rộng giải hạng Nhất từ 20 lên 22 đội. Tottenham và Chelsea được trụ hạng dù đứng chót bảng. Arsenal chỉ đứng thứ 5 ở giải hạng Nhì, nhưng họ tuyên bố mình xứng đáng dự giải đấu cao nhất và yêu cầu xét lại quy định.

Cuối cùng, người ta thỏa thuận: Bỏ phiếu để xét một suất cuối cùng dự giải hạng Nhất cho đội đứng chót giải hạng Nhất (Tottenham) và 6 đội cao nhất ở giải hạng Nhì (có Arsenal).

Kết quả: Arsenal được nhiều phiếu nhất, hả hê thăng hạng và nhìn Tottenham đi theo chiều ngược lại. Có quá nhiều sự mờ ám ở đây và cách thức cũ lại được dùng tới, ông chủ Henry Norris của Arsenal đã “mua phiếu” và tạo ra bước ngoặt lịch sử với cả 2 CLB.

Đến cuối mùa 1927/28, Arsenal giành một vị trí vật vờ ở giữa BXH giải hạng Nhất trong khi Tottenham, sau bao nhiêu cố gắng để trở lại, lại đang ở khu vực nguy hiểm. Arsenal chẳng còn cơ hội vô địch, cùng với đó, không có thêm bất cứ lợi ích nào của việc giành thứ hạng cao hơn, vậy họ làm gì vào những ngày cuối?

Câu trả lời là đẩy Tottenham xuống vực. Arsenal thua 2 trận đầy mùi tiêu cực để giúp Burnley cùng Portsmouth giành tổng số điểm cao hơn Spurs. Thêm một lần nữa, Gà trống lại xuống hạng. Và lần này, không quay trở lại đến tận 5 năm sau.

Trong thời gian này, Arsenal đã phát triển nhanh chóng và có được chức VĐQG đầu tiên vào mùa 1930/31. Đến bây giờ, Pháo thủ có thêm 12 lần lên đỉnh nước Anh, trong đó đặc biệt có 3 Cúp Bạc Ngoại hạng Anh. Trước khi Chelsea và Man City trỗi dậy, họ và M.U thay nhau thống trị Premier League.

Về phần Tottenham, phải đến tận 20 năm sau, tức mùa giải 1950/51, họ mới đăng quang ở giải đấu cao nhất xứ Sương mù. Spurs có thêm 1 chức vô địch nữa sau đó 10 năm và dừng thành tích ở đó cho đến tận thời điểm này.

Với những fan Tottenham lâu năm, mối thù với Arsenal làm sao mà nguôi được. Nếu không có những hành động "bẩn thỉu" phía sau hậu trường của đối thủ, lịch sử có thể đã khác. Nhưng lịch sử thì chẳng thể thay đổi, và đến tận bây giờ, Tottenham vẫn mãi là những cậu bé.

Chẳng thế mà kể từ kỷ nguyên mới, danh hiệu gần nhất của Tottenham cũng đã từ năm 2008 và đó chỉ là một chiếc cúp Liên đoàn tầm thường. Tại giải Ngoại hạng Anh, khi mà Arsenal đã 3 lần đăng quang, Tottenham cũng mới chỉ mon men đến vị trí Á quân ở mùa 2016/17, còn lại là 2 lần đứng thứ 3 và 3 lần đứng thứ 4.

Với lịch sử gần 30 năm của Champions League, Tottenham cũng mới chỉ được tham dự có 4 lần với lần đầu tiên tận mùa 2010/11. Nếu biết ở 3 lần trước đó, Tottenham cùng lắm chỉ vào đến tứ kết, không thì bị loại ở vòng 1/8 hay vòng bảng, mới thấy việc lọt đến trận chung kết mùa này thật sự là một kỳ tích. Một câu chuyện cổ tích giữa đời thực.

Có hai cách để giàu lên trông thấy, hoặc trúng số độc đắc hoặc mua rẻ bán đắt, chi tiêu tằn tiện. Đó là cách hình thành Big Six. Trước Big Six, Premier League có Big Four là Manchester United, Arsenal, Liverpool và Chelsea.

Hai thành viên mới là Man City, đội bóng bỗng một ngày đẹp trời được tỷ phú dầu mỏ chọn làm điểm đầu tư và Tottenham, một tấm gương điển hình tiên tiến về làm giàu.

Cần nói lại, Tottenham là một đội bóng lâu đời chứ không giàu truyền thống. Bởi như đã nói ở trên, dù The Spurs được thành lập vào năm 1882, nhưng sau 136 năm tồn tại, Tottenham mới chỉ vô địch giải VĐQG Anh 2 lần cùng một vài danh hiệu hạng hai khác như UEFA Cup hay Cúp Liên đoàn.

Nhưng đấy là trong bóng đá và ở trong kỷ nguyên tối tăm, nơi mà Tottenham luôn lép vế trước Arsenal, Chelsea, luôn bị Man United xoa đầu, búng tai. Còn bây giờ, nhờ một bậc thày về kinh doanh, cùng chiến lược dài hạn đúng đắn, Tottenham đã thể hiện một bộ mặt khác.

Bậc thày đàm phán và kiếm tiền đó chính là chủ tịch đầy mưu kế và rất cá tính Daniel Levy, người sở hữu Tottenham từ năm 2001. Với số vốn ban đầu bỏ ra thâu tóm đội bóng chỉ 22 triệu bảng, bằng tài thao lược của mình, doanh nhân Levy vừa xây dựng xong SVĐ mới cho Tottenham trị giá gần 1 tỷ bảng.

Vì ngôi nhà mới của mình, Levy đã bàn với HLV Mauricio Pochettino lập nên một kế hoạch không tưởng ở thời hiện đại: Không mua sắm trong 2 kỳ chuyển nhượng liên tiếp. Nếu Tottenham lụn bại ở Ngoại hạng Anh, đó sẽ là sai lầm dễ nhìn ra nhất trong đời kinh doanh của Levy.

Nhưng không, trải qua chuỗi ngày "nằm gai nếm mật", cam chịu chỉ trích, nhẫn nại chờ thời, Tottenham hưởng quả ngọt. Đó là 4 năm liền nằm trong Top 4 Premier League với thành tích cao nhất là danh hiệu Á quân mùa 2016/17.

Đó là sân bóng mới khang trang, hiện đại và có sức chứa lớn bậc nhất Premier League (62.062 chỗ ngồi) thay cho sân bóng cũ kỹ đã tồn tại hơn 100 năm (White Hart Lane được khánh thành vào năm 1899) với sức chứa chỉ là 36.284 chỗ ngồi.

Và thành tựu lớn nhất là tấm vé dự chung kết Champions League 2018/19 với Liverpool trên sân Wanda Metropolitano của Atletico Madrid, một tấm gương điển hình tiên tiến về làm giàu khác. Tuy nhiên, hãy khoan bàn về cái thành tựu lớn nhất xưa nay của Tottenham mà hãy ngược dòng thời gian trở lại ngày 20/10/2010.

Đầu tiên, cần chú giải rằng 2010/11 là mùa giải đầu tiên trong lịch sử Tottenham được dự Champions League, dĩ nhiên cũng là nhờ sự đầu tư và phát triển đúng hướng của BLĐ mà đứng đầu là ông chủ Daniel Levy. Và cái ngày được đề cập ở trên là ngày Gareth Bale hai lần lao như tên bắn xé nát mành lưới Inter Milan.

Tài năng của Bale đã được chú ý từ trước nhưng từ khoảnh khắc ấy, tên tuổi của cầu thủ người Xứ Wales vươn tới một tầm vóc mới. Để rồi gần 3 năm sau, mùa Hè 2013, Bale gia nhập Real Madrid với mức phí chuyển nhượng mà sau này được truyền thông Anh tiết lộ là kỷ lục thế giới thời điểm đó (85,1 triệu bảng).

Bale cũng chính là thương vụ mang tính biểu tượng cho phong cách chuyển nhượng của Tottenham. Năm 2007, The Spurs chỉ mất 5 triệu bảng để có cầu thủ chạy cánh này từ Southampton để rồi 6 năm sau bán lại cho Real với cái giá gấp 17 lần sau nhiều cuộc đàm phán kỳ kèo căng thẳng không kém gì đấu trí trên bàn cờ của cả ba bên.

Ngoài Bale, sau này Tottenham cũng bán Luka Modric, Kyle Walker theo kiểu tương tự. Thời gian đó, Tottenham trở thành lò đào tạo và xuất khẩu ngôi sao hàng đầu châu Âu mà vẫn giữ được một năng lực theo đuổi tham vọng Top 4 ở giải quốc nội.

Trở lại với thương vụ Bale, nhờ số tiền không lồ thu về từ việc bán ngôi sao Xứ Wales, chi hơn 100 triệu bảng để tái tạo đội hình, với sự xuất hiện của một loạt hảo thủ và bắt đầu chuyển sang chiến lược chuyển nhượng bồi đắp. Cụ thể, từ mùa Hè 2013 đó, Tottenham không còn mua rẻ bán đắt để kiếm lời mà bắt đầu thực hiện những thương vụ hạng nặng để bồi đắp cho đội hình.

Tất nhiên, với phong cách con nhà nghèo, mùa giải tiêu hoang nhất Tottenham cũng chỉ chi ra 35,25 triệu bảng sau khi đã trừ đi số tiền thu về từ việc bán cầu thủ. Đó là mùa giải 2017/18, ngay trước thềm mùa giải họ không mất một xu nào cho TTCN. Vậy mà ở mùa giải này, họ vẫn giành được tấm vé dự chung kết Champions League.

3 năm qua, giới mộ điệu choáng váng trước thành công không lý giải nổi của Zinedine Zidane thì bây giờ không khỏi sốc nếu theo dõi hành trình đi đến trận chung kết của thầy trò HLV Pochettino.

Nếu Zizou chỉ cần 2,5 mùa dẫn dắt Real Madrid là giành được 3 chức vô địch Champions League với nhiều pha thoát hiểm ngoạn mục tới mức được ví như nghệ sỹ đi dây thì Tottenham cũng nhiều lần đi về giữa hai cõi sống chết.

Lần thứ nhất là tại vòng bảng. Sau 3 trận lượt đi, điểm số Tottenham giành được là… 1 và Pochettino thừa nhận đội bóng của ông xem như đã hết hy vọng ở Champions League. Vậy mà lượt về, Tottenham giành thêm 7 điểm để loại Inter và cùng Barca tiến vào vòng trong.

Đầu tiên, Tottenham thắng Inter 1-0 nhờ bàn duy nhất của Christian Eriksen ở phút 80 và thắng ngược PSV 2-1 bằng bàn quyết định của Harry Kane ở phút 89. Bàn gỡ 1-1 của Kane trong trận ấy cũng chỉ được ghi ở phút 78.

Tiếp đến, bước đi quan trọng nhất của Tottenham chính là trận đấu cuối cùng gặp Barca. Làm khách tại Nou Camp, giành điểm có lẽ là điều không tưởng nhưng cái may cho thầy trò HLV Pochettino là Barca đã có vé, thế nên khó có thể cho rằng đấy là một trận đấu đúng nghĩa với Barca.

Thực tế HLV Ernesto Valverde đã thay đến 8 vị trí so với đội hình chính ở trận đấu trước đó tại La Liga, trong đó có Messi. Mặc dù chỉ phải đương đầu với đội hình hai của Barca tuy nhiêu Tottenham vẫn hút chết. Bởi lẽ bàn gỡ hòa 1-1 vô giá của Lucas Moura được ghi ở phút 85.

Trước đó, 2 lần The Spurs lượn lờ trước cửa tử với những pha dứt điểm dội cột dọc của Coutinho. Nếu bóng đi chệch vào trong vài centimet và tỷ số có thể đã là 2-0, thậm chí 3-0, Tottenham đã xuống chung sân chơi Europa League với Chelsea và Arsenal.

Lần vượt cửa tử tiếp theo của Tottenham là tại tứ kết với Man City. Cuộc chạm trán lượt về giữa hai đội trên sân Etihad là màn rượt đuổi ngoạn mục bậc nhất lịch sử giải đấu danh giá nhất châu Âu, với sự phụ trợ của VAR.

Sterling mở tỷ số ở phút thứ 4 cho Man City, Son Heung-min ghi liền 2 bàn trong 3 phút cho Tottenham, Bernardo Silva quân bình tỷ số 2-2, Sterling tái lập lợi thế dẫn bàn rồi Aguero nhân đôi cách biệt cho Man City. Tỷ số trận đấu lúc này là 4-2 và tổng tỷ số là 4-3, tấm vé bán kết nằm trong tay Man City.

Tuy nhiên, kịch hay nằm ở cuối trận. Phút 73, VAR công nhận bàn thắng của Llorente dù bóng đã chạm tay tiền đạo người Tây Ban Nha. 20 phút sau, tức phút 90+3, VAR từ chối bàn thắng của Sterling vì trước đó Aguero đã việt vị. Tấm vé nhảy múa liên hồi cuối cùng nằm gọn trong túi Tottenham.

Cuộc đào thoát vĩ đại tiếp theo của Tottenham là chuyến hành quân đến Amsterdam. Lucas Moura một lần nữa sắm vai người hùng với cú hat-trick trong hiệp 2. Trận lượt đi, Ajax hạ Tottenham ngay tại SVĐ mới của đội bóng này với tỷ số 1-0. Trận lượt về, sau hiệp 1 Ajax đã dẫn 2-0. Tức tính đến 3/4 thời gian vòng bán kết, Ajax Amsterdam dẫn Tottenham 3 bàn không gỡ.

Hy vọng được nhen nhóm với cú đúp chớp nhoáng trong 4 phút đầu hiệp 2 của Moura. Tuy nhiên, theo thời gian, hy vọng tàn lụi dần cho đến những giây cuối cùng, phút 90+6. Moura với pha lẻn xuống rất nhanh và dứt điểm hiểm hóc bằng chân trái, tương tự 2 pha dứt điểm trước dù anh thuận chân… phải.

Và bóng lăn vào lưới trong sự chết lặng của cầu trường và vỡ òa của thầy trò HLV Pochettino. Chung cuộc, hai đội hòa nhau 3-3 và Tottenham giành vé vào chung kết nhờ luật bàn thắng trên sân khách. Cùng với Liverpool, Tottenham đã tạo nên một vòng bán kết Champions League điên rồ nhất.

Và họ sẽ gặp Liverpool trong trận chung kết Champions League toàn Anh lần thứ 2 diễn ra vào đêm ngày 2/6 tới đây. Dù kết quả có như thế nào, với Tottenham đó là một giấc mộng đẹp nhất, một câu chuyện kỳ diệu nhất mà họ dành tặng cho các CĐV trung thành. Sau 136 năm!

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: Hải An - Ngọc Trung- Trần Lộc
Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh
Kỹ thuật: Đỗ Trần Linh
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x