Mauricio Pochettino cưỡi Gà Trống bay lên đỉnh châu Âu - Bongdaplus.vn

Mauricio Pochettino cưỡi Gà Trống bay lên đỉnh châu Âu

Với Tottenham và Mauricio Pochettino, việc được dự trận chung kết Champions League chính là một giấc mơ thiên đường. Trong 136 năm lịch sử, chưa bao giờ Gà Trống được ưỡn ngực cất cao tiếng gáy như thế này. Với Pochettino thì còn cảm xúc hơn bởi nên nhớ, hơn 10 năm trước ông vẫn đang mải mê với các cô gái đá bóng.

"Kiểm soát mọi thứ" luôn là cách một HLV đỉnh cao thực hiện ở đội bóng của mình. Một người có tư duy sắp xếp rành mạch mong muốn các kết nối làm đúng nhiệm vụ được giao. Càng ít sai số, độ thỏa mãn của HLV càng đạt ngưỡng cao nhất. Chỉ có cầu toàn như vậy họ mới nhận ra những thiếu xót, sai lầm trong cách vận hành hệ thống để cải thiện.

Vậy mới nói, HLV không thể là một nghề nghiệp bình thường mà cần những cảm quan đặc biệt, đôi khi là năng khiếu bẩm sinh. "Khi một cầu thủ ở đỉnh cao sự nghiệp, anh ta không nghĩ đến cái gọi triết lý, chỉ giống như một đứa trẻ chơi bóng. Anh ta chỉ thích sút, chuyền, ghi bàn, cứu thua và những việc bản năng khác", Pochettino nhớ lại thời điểm bước ngoặt trong cuộc đời mình.

"Nhưng đột nhiên đến một lúc bạn cảm thấy có sự thay đổi. Ít nhất là trong tâm trí. Tôi không biết mọi người có giống thế không nhưng khi tôi 27 hoặc 28 tuổi, tôi bắt đầu nhìn mọi thứ khác đi, dần hứng thú với cuộc sống của một HLV. Điều đó ảnh hưởng đến sự nghiệp cầu thủ bởi vì lúc đấy, tôi không còn cởi mở và ngây thơ như trước".

Năm 2006, Pochettino treo giầy và quyết tâm đi theo ân sư Marcelo Bielsa một lần nữa để tu luyện bộ môn huấn luyện bóng đá. Pochettino từng là học trò của Bielsa trong màu áo Newell’s Old Boys và ĐT Argentina, lần này ông gia nhập đội ngũ huấn luyện U21 Chile của thiên tài chiến thuật sân cỏ này.

Marcelo Bielsa, người vừa thất bại trong việc đưa Leeds United vươn lên Premier League từ giải Championship, được coi là một chiến lược gia có cá tính độc đáo bậc nhất thế giới. Ông là một kẻ say mê nghiên cứu phát minh ra những chiến thuật bóng đá mới, vừa là một gã điên (như biệt danh El Loco) vô cùng cực đoan.

Pochettino chịu ảnh hưởng lớn của ân sư Bielsa nhưng không phải giống như một bản sao công chứng. Ông có những phát triển độc lập của riêng mình, cụ thể ở vấn đề kiểm soát. Nó mềm mại theo nguyên tắc "lạt mềm buộc chặt" hơn là cứng rắn đến mức nguyên tắc.

Có sự khác biệt này bởi lẽ trước khi nắm Espanyol vào năm 2009, Pochettino đã có 1 năm làm trợ lý HLV đội bóng nữ của Espanyol vào năm 2008. Với các cô gái, bạn không thể nào quân phiệt, mà phải tinh tế, nhạy cảm để đưa vào quy củ. Đây là một khởi đầu quá dị với một HLV đỉnh cao, khiến ông khác biệt ngay từ trong nhận thức.

German Bona, phóng viên thể thao của một tờ báo địa phương Espanyol nhớ lại: "Nếu có một thứ nổi bật trong thời kỳ Pochettino ở Espanyol thì đó là cách ông ấy kiểm soát mọi thứ.

Pochettino thay đổi gần như mọi chi tiết nhỏ mà những HLV khác không bao giờ để ý, ví dụ như giờ ăn của cầu thủ. Pochettino muốn đội bóng vận hành như một cái đồng hồ, khi mọi chức năng đều hoàn hảo. Không chỉ là cầu thủ mà bao gồm cả nhân viên y tế, trợ lý và quan chức CLB".

Khi Pochettino tiếp quản Espanyol, đội bóng đứng thứ 3 từ dưới lên tại La Liga. Sau 5 tháng, họ đứng thứ 10 vào cuối mùa, với cú nước rút thắng 8 trên 10 trận. Điên rồ nhất có lẽ là việc một Espanyol yếu ớt nằm trong tay một HLV “thiếu kinh nghiệm” như Pochettino lại đánh bại Barcelona hùng mạnh dưới thời Pep Guardiola đỉnh cao với tỷ số 2-1, chiến thắng đầu tiên của họ tại Camp Nou sau 27 năm.

Chính Guardiola cũng bị choáng ngợp bởi lối chơi của đối thủ: "Có những đội bóng đợi chờ bạn, có những đội bóng săn tìm bạn. Espanyol săn lùng bạn. Thú thực, tôi cảm thấy rất gần gũi với thứ bóng đá của họ".

Đến bây giờ, sau khi đã thay đổi 2 CLB, Pochettino vẫn là con người như vậy, thích mạo hiểm với những kiến thức của mình. Nó thể hiện qua cách ông truyền đạt: "Có hai cách để huấn luyện. Hoặc là bạn huấn luyện với sự sợ hãi, hoặc là bạn huấn luyện người ta cách để thử sức".

Ví dụ như khi bạn nói với một hậu vệ cánh rằng: "Cẩn thận đi, đừng thực hiện những đường chuyền kiểu như vậy, đừng bao giờ làm thế", thì anh ta sẽ cố gắng chọn lựa cỡ 3 phương án khác mà bạn chưa nói, và điều đó có thể còn đem lại những hệ quả nguy hiểm hơn.

Nhưng với Pochettino, ông sẽ nói: "Hãy tìm vị trí tốt nhất, góc tốt nhất rồi sau đó muốn làm gì thì tùy". Cách huấn luyện của Pochettino không bảo cầu thủ phải cẩn thận mà hãy học cách đọc tình huống. Bạn không thể bắt cầu thủ mạo hiểm bởi suy cho cùng, bóng đá là trò chơi đi tìm sự ưu việt. Nếu bạn không mạo hiểm, tỷ số sẽ luôn là 0-0.

Mạo hiểm cũng là cách Pochettino tìm ra Victor Ruiz và Javi Marquez ở Espanyol; Adam Lallana, Luke Shaw và Callum Chambers ở Southampton; Harry Kane, Dele Alli, Eric Dier và Harry Winks ở Tottenham. Ông mạo hiểm trao cơ hội cho những gương mặt trẻ măng đó và đã thu được thành quả tích cực.

Đó là kinh nghiệm mà Pochettino đúc kết khi ông được trao cơ hội ở Newell's Old Boys, lúc mới 16 tuổi. Ở tuổi đó, chúng ta chỉ cần một cơ hội nhưng không phải HLV nào cũng hiểu để mà trao cho bạn. Một cầu thủ trẻ bước ra sân rồi mắc sai lầm nhưng đó không phải vấn đề. Với Pochettino, sai lầm chưa bao giờ là vấn đề. Vấn đề nằm ở thái độ, nếu bạn không cố gắng để cải thiện mình thì đó mới là sai lầm.

Pochettino không đối xử với những học trò như một đám đông nhân bản mà chọn cách đối xử như thể mỗi người là một mẫu độc nhất và cần một giáo án hoàn toàn riêng biệt. Một người như Pochettino sẽ không bao giờ từ chối trả lời câu hỏi "Vì sao?" của cầu thủ.

Điều tâm đắc nhất của Pochettino chính là vậy: "Tôi không bao giờ hứa sẽ cho cầu thủ nào thi đấu. Khi bạn ký hợp đồng như một cầu thủ, bạn cần phải hiểu mình không ký để thi đấu, mà ký để tập luyện. Rồi CLB sẽ ký với một HLV để chọn người ra sân. Đó mới là bóng đá".

Khi Pochettino tiếp quản Tottenham, Big Six Ngoại hạng (6 CLB hàng đầu ở Ngoại hạng Anh) vẫn là khái niệm lờ mờ và Spurs có thể xem là đáy của Big Six. Spurs kết thúc mùa giải 2013/14 ở vị trí đứng thứ 6 tại Ngoại hạng Anh, dừng chân ở vòng 1/8 Europa League. Đó là mùa giải thứ ba trong bốn mùa liên tiếp Tottenham không có được tấm vé dự Champions League.

Ngoài ra, xét tổng quát thành tích của Tottenham trong kỷ nguyên Premier League và Champions League là kết thúc ở vị trí thứ tư và dừng chân ở vòng tứ kết. Về mặt kết quả là vậy, đánh giá tổng quan thì giới quan sát cũng chỉ xem Tottenham như trạm trung chuyển ngôi sao cho các đội bóng lớn, chẳng hạn như việc bán Michael Carrick cho Manchester United, Gareth Bale và Luka Modric cho Real Madrid.

Dựa trên thực lực để đánh giá, Gà Trống cần thêm hàng chục năm tích lũy và phát triển nữa để tiến vào hàng ngũ tinh hoa của bóng đá Anh chứ chưa nói đến tầm vóc châu lục. Hoặc cách khác nữa là tự nhiên bị hàng tỷ bảng đầu tư rơi vào đầu như cái cách Chelsea và Man City may mắn có được.

Tuy nhiên, Tottenham không có được cái may mắn ấy mà vẫn là một đội bóng thắt lưng buộc bụng về chi tiêu. 5 mùa dưới triều đại Pochettino, Spurs chỉ chi ra 261,7 triệu bảng, ít nhất trong Big Six và thấp hơn cả số tiền Man City chi ra chỉ trong hai mùa hè 2016 và 2017. Mặc dù vậy, Tottenham đã có được cái mà Man City chưa từng có: Tấm vé dự chung kết Champions League.

Và nên nhớ, 2 kỳ chuyển nhượng gần nhất Tottenham không chi đồng nào vì phải dồn tiền xây sân vận động mới. Nhưng Spurs đã trải qua mùa thứ tư liên tiếp nằm trong Top 4 Premier League, đồng nghĩa với một chiếc vé dự giải đấu danh giá nhất châu Âu.

Có nghĩa là, đội bóng thường bị xem như lót đường cho các ông lớn Pemier League này không còn nằm dưới đáy Big Six nữa. Chơi một trận sòng phẳng hay chạy đua đường trường, Tottenham đều đủ sức thách thức từ Man City, Liverpool, Arsenal, Chelsea cho đến Man United.

Trong công cuộc biến "Gà Thiến thành Gà Chiến" kéo dài 5 năm qua và tạo ra bước tiến bằng hàng chục năm, công lao của Pochettino không thể không tán tụng.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, vị chiến lược gia người Argentina đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, từ việc tổ chức nhân sự đến xây dựng lối chơi và ở tầm cao hơn nữa là định hình triết lý với điều kiện tài chính cực kỳ eo hẹp. Trong bóng đá đương đại, phi Pochettino chỉ có Diego Simeone của Atletico Madrid làm được điều tương tự.

Sự tương đồng giữa Pochettino và Simeone cũng là sự tương đồng giữa Tottenham và Atletico. Hãy nhìn vào những con người trong tay Pochettino, không ai thuộc tầm vóc sao số, thậm chí khả năng thành công của những trụ cột Spurs tại một môi trường khác rất đáng bị đặt dấu hỏi lớn.

Nhưng tại Tottenham, tất cả tạo thành một khối thống nhất, với tư duy tương đồng và sự ăn ý tuyệt hảo. Bí quyết là gì? Câu trả lời thỏa đáng là nhờ khả năng tùy biến của HLV Pochettino, người đã nắm rất vững triết lý "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Cần nhấn mạnh, bóng đá là môn thể thao tập thể, thế nên yếu tố quan trọng nhất là sự đồng bộ và tư duy nhất quán. Với tiềm lực tài chính của Man City, Pep Guardiola có thể chiêu mộ những ngôi sao sáng chói trị giá cả trăm triệu.

Tuy nhiên, trên thực tế thì Pep chỉ chiêu mộ những tân binh với mức phí chuyển nhượng trần là 60 triệu bảng vì những cầu thủ như thế phù hợp với triết lý kiểm soát bóng của ông và có thể hòa nhập với đội hình Man City.

Trong khi đó, Jose Mourinho thất bại tại M.U không phải vì ông kém tài mà do CĐV và những ngôi sao của đội bóng này, tiêu biểu là Pogba, muốn chơi tấn công thay vì phòng ngự. Sự bất đồng quan điểm giữa HLV và phần còn lại của đội bóng là lý do khiến Man United sa sút không phanh.

Tương tự, Sarri khủng hoảng tại Chelsea vì đa phần cầu thủ không ưa lối đá cầm bóng triệt để với nhạc trường Jorginho. Ngược lại, tại Liverpool, Juergen Klopp xây dựng một hàng tiền vệ không cần Jorginho bởi lối chơi Gegenpressing cần những cầu thủ mạnh về va đập và di chuyển.

Giữa số phận khác nhau của những vị chiến lược gia hàng đầu này của Premier League, sự biến hóa ảo diệu của Pochettino càng nổi trội. Nhắc tới Klopp là nhắc tới pressing, nói đến Pep hay Sarri là nói đến kiểm soát bóng còn đề cập về Simeone hay Mourinho là nghĩ ngay tới chủ đề phòng ngự phá lối chơi.

Còn Mauricio Pochettino lại là tổng hòa các yếu tố vừa nêu. Bằng chứng là Tottenham vẫn đầy cuốn hút với thứ bóng đá tốc độ và rực lửa nhưng lúc cần vẫn phòng ngự hết sức cực đoan.

Tất nhiên, mỗi đội bóng đều có đặc điểm riêng và Tottenham của Pochettino không phải ngoại lệ. Sự biến hóa mà đội bóng này có được là dựa trên sơ đồ 5-3-2 hoặc 4-4-2 kim cương. Hai sơ đồ này như cái rương Biệt ly của anh hùng Vô lệ trong cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp cùng tên của Cổ Long.

Trong hai sơ đồ này, các tiền vệ trung tâm đều bó chặt vào trung lộ để dễ dàng kiểm soát bóng hoặc tổ chức phòng ngự. Hàng tiền vệ này tạo điều kiện cho sự cơ động của hai hậu vệ biên quán xuyến cả hai hành lang. Mỗi khi lên công kết hợp với cặp trung phong tạo ra những đợt xung kích mãnh liệt như sóng vỗ bờ, còn khi về thủ liên kết với các trung vệ hình thành bức tường vững chãi.

Đáng nói hơn nữa, Pochettino không chỉ xuất sắc trong việc bố trí đội hình mà còn rất giỏi đọc trận đấu, xoay chuyển thế trận. Màn ngược dòng khó tin trước Ajax không nhờ may mắn mà chính nhờ việc Pochettino tung Fernando Llorente vào sân đúng lúc.

Với sự xuất hiện của tiền đạo to cao người Tây Ban Nha, hai trung vệ đối phương bị ghìm sâu ở phần sân nhà, không thể hỗ trợ kiểm soát bóng cũng như tạo không gian cho mẫu cầu thủ cây kim như Lucas Moura tung hoành. Một chiến lược gia biến hóa như thế, thật không dễ để đối phó.

Trước trận chung kết Champions League 2018/19, có thể nhiều người vẫn đánh giá thấp Mauricio Pochettino. Không một danh hiệu vắt vai trong sự nghiệp huấn luyện, Pochettino có thể là một trong những HLV chỉ đạo trận chung kết Champions League nghèo nàn thành tích cá nhân nhất.

Nhưng người đàn ông 47 tuổi này chính là đối thủ khiến HLV Juergen Klopp của Liverpool phải e ngại. Mọi chuyện có thể dễ dàng hơn nếu đối thủ trong trận chung kết là Ajax. Nhưng đây lại là Tottenham của Pochettino, đội bóng quá am hiểu Liverpool và không bị sức ép thành tích bằng.

Pochettino có cái mạo hiểm của người đã thắng lớn dù kết quả trận chung kết có như thế nào. Từ trận đấu này, tầm vóc của chiến lược gia người Argentina đã hóa thân sang một dạng sống khác. Nói một cách hình ảnh, trận chung kết là màn lột xác cuối cùng của Pochettino để từ sâu biến thành bướm.

Thế nên, những nước cờ của Pochettino sẽ khoáng đạt, ào ạt khí thế bức người. Trận thua mới nhất của Tottenham trước Liverpool tại Premier League sẽ là ví dụ tham chiếu cho trận chung kết tới đây. Họ đã khiến Liverpool run sợ và chỉ có thể có điểm ở những tình huống cuối cùng, nhờ một sai lầm đáng tiếc của cầu thủ Tottenham.

Ai dám chắc thế trận như thế không tái diễn, khi mà sức ép dành cho Liverpool càng lớn hơn bởi đây là danh hiệu cuối cùng mà The Kop phải có để cứu vãn một mùa giải bi tráng. Đó chính là một trận địa cực kỳ phù hợp với Pochettino, một chiến lược gia Nam Mỹ lạnh lùng, cơ mưu và không ngại chơi những đòn mạo hiểm.

Không bao giờ thôi mạo hiểm mới là bóng đá, không bao giờ ngừng hoàn thiện mới là bóng đá. Pochettino đã mạo hiểm xây dựng một Tottenham “nói không với chuyển nhượng” để dồn tiền xây sân bóng nhưng vẫn thành công. Pochettino đã mạo hiểm với phương án đôi công với Man City, và đã thành công.

Và tới đây, Pochettino không có lý do gì để thôi mạo hiểm trong trận chung kết với Liverpool. Banco trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Tất Tay. Đó là một sự mạo hiểm cần thiết và xứng đáng. Có mất, Pochettino và Tottenham mất rất ít, còn nếu được, họ sẽ có cả châu Âu dưới chân mình.

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: Hải An - Ngọc Trung- Trần Lộc
Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh
Kỹ thuật: Đỗ Trần Linh
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x