Mối thù trăm năm của bóng đá Brazil & Argentina - Bongdaplus.vn

Mối thù trăm năm của bóng đá Brazil & Argentina

Bán kết Copa America 2019 sẽ là màn đọ sức của 2 gã khổng lồ của bóng đá Nam Mỹ nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. Là "gã khổng lồ", họ đương nhiên thù địch lẫn nhau như một điều tất yếu và không thể tránh khỏi. Mâu thuẫn Brazil – Argentina đã vượt lên tầm mối mâu thuẫn bóng đá thuần túy, để trở thành mối thù nghịch mang tính dân tộc. Giữa họ, chỉ có cái sống và cái chết, nhục nhã và vinh quang, tồn tại và hủy diệt.

Hai gã khổng lồ bóng đá này chung đường biên giới, và rất nhiều điểm chung khác. Họ thay nhau thống trị bóng đá thế giới cũng như bóng đá khu vực và được coi là hai quyền lực lớn từng có thời xứng đáng với hai chữ "tuyệt đối" của lịch sử túc cầu.

Nhưng than ôi, giờ đây đó đều là 2 gã khổng lồ ở thời đại suy tàn, chỉ héo hắt những niềm vinh quang quá khứ. Song, không vì thế mà mối hận thù kéo dài hơn trăm năm của người Brazil và người Argentina phai nhạt. Họ sảng khoái khi đối thủ bị hạ nhục bởi tay kẻ khác và hừng hực khi có cơ hội đối đầu.

Đó là một câu chuyện dài…

Hơn 100 năm trước, vào năm 1909, Roque Saenz Pena, người mà một năm sau sẽ trở thành tổng thống Argentina, đã kết thúc một bài phát biểu gây xôn xao về mối quan hệ giữa hai quốc gia Nam Mỹ bằng một câu có vẻ đầy tích cực: Tất cả mọi thứ sẽ đoàn kết chúng ta. Không có gì ngăn cách chúng ta.

Tại thời điểm đó, câu nói này thực sự có ý nghĩa. Cuộc xung đột giành quyền kiểm soát tỉnh Cisplatina, dẫn đến nền độc lập của Uruguay, đã chấm dứt từ nhiều thập kỷ trước, và người Brazil và người Argentina thậm chí đã là đồng minh trong cuộc chiến tranh Paraguay năm 1864.

Đến năm 1895, sau nhiều nỗ lực ngoại giao, hai quốc gia này đã xác định được đường biên giới, chấm dứt được mối căng thẳng nóng nhất. Tất cả đều hướng tới một tương lai hòa bình. Nhưng đúng vào bối cảnh đó, bóng đá bỗng khơi mào những căng thẳng mới.

Thường thường, mối quan hệ thù địch trong bóng đá đa phần bắt nguồn từ những yếu tố ngoài sân cỏ như chính trị, tôn giáo, kinh tế… rồi lan vào bóng đá. Nhưng mối thù giữa hai nền bóng đá Nam Mỹ này lại bắt nguồn từ kết quả của các trận đấu.

Năm 1913, Copa America xuất hiện lần đầu tiên. Lúc này, người Argentina không có chút thù địch gì với người Brazil bởi bóng đá của họ ở đẳng cấp trên, các trận đấu diễn ra bình thường với kết quả thắng phần lớn thuộc về Argentina. Kẻ thù lớn nhất của Argentina khi đó là Uruguay, đối thủ cạnh tranh Copa America 1913, và từng đánh bại Argentina tại Thế vận hội 1928 cũng như World Cup 1930.

Nhưng khi người da đen xuất hiện trong nền bóng đá Brazil, cũng như thành phần Selecao tại Copa America hay World Cup với những huyền thoại như Pele hay Garrincha… thì bóng đá Brazil bay vọt lên khỏi lục địa Nam Mỹ với 3 chức vô địch World Cup.

Bị "đàn em" bứt lên và bỏ lại khá xa, mối căm giận của người Argentina được tích tụ và chuyển hóa thành mối thù hận kinh điển trong làng bóng đá thế giới. Từ nay, có Brazil thì sẽ không có Argentina, có Thánh Diego Maradona thì sẽ không có Vua bóng đá Pele.

Đặc biệt, khi Argentina tổ chức một kỳ World Cup 1978, với rất nhiều thủ đoạn để đảm bảo đất nước này phải vô địch, mối thù hận càng trở nên khốc liệt. Brazil cảm thấy khó chịu khi tầm ảnh hưởng của Argentina ngày càng lớn và vinh quang World Cup bị chia sẻ.

Không thể thế được, bóng đá Brazil phải đóng vai trò độc tôn ở Nam Mỹ. Và bàn thắng thứ 1.000 trong sự nghiệp của Vua bóng đá Pele được coi là một sự khoái trá của người Brazil trước người Argentina. Nó được Pele ghi dấu ấn vào mành lưới của một thủ môn người Argentina là Edgardo Andrada.

Và từ đây, không khoái cảm nào trong mối quan hệ giữa hai nền bóng đá này còn nữa, ngoài khoái cảm đánh bại Brazil với người Argentina và đánh bại người Argentina với người Brazil.

Đề cập tới sự kình địch giữa hai quốc gia Brazil và Argentina, không thể không nhắc tới Pele và Maradona, hai người hùng, hai biểu tượng của hai quốc gia. Hãy quên đi Messi và Ronaldo, cuộc tranh cãi xem ai trong hai cầu thủ này xuất sắc nhất thế giới vẫn chỉ giới hạn trong một thời đại. Cuộc tranh cãi xem ai xuất sắc nhất của mọi thời đại là giữa Pele và Maradona.

Pele với vẻ trịch thượng của một vị vua tuyên bố: "Muốn nói chuyện với Pele, trước hết Maradona phải xin phép Tostao, Rivelino, Garrincha, Johan Cruyff, Franz Beckenbauer rồi Di Stefano…". Nóng máu, Maradona bật lại đúng phong cách ngổ ngáo: "Tôi dĩ nhiên xuất sắc hơn Pele rồi. Thời của tôi, các hậu vệ đâu có cho tôi mét nào để thở đâu cơ chứ".

Những phát biểu như thế, không chỉ phản ánh tính cách đặc trưng của Pele và Maradona mà còn biểu đạt dân tộc tính của hai đất nước Brazil và Argentina.

Nói cách khác, người Brazil và Argentina nhìn thấy chính mình trong con người Pele và Maradona. Pele vị kỷ và tự tin, Maradona tinh quái và nhiệt tình. Thế cho nên họ mới trở thành biểu tượng quốc gia chứ tài năng có lẽ chưa đủ.

Tất nhiên, dẫu có tranh cãi thêm 100 năm nữa thì kết quả cũng chẳng thể ngã ngũ. Tốt nhất, như một lần thực hiện show truyền hình, Maradona kết luận một câu về chuyện giữa ông và Pele ai giỏi hơn mà có lẽ đến những chính trị gia cũng phải rợn tóc: "Với mẹ Maradona thì Maradona là người xuất sắc nhất. Với mẹ Pele thì Pele là người xuất sắc nhất".

Cuộc ganh đua giữa Brazil và Argentina cũng thế, dẫu 100 năm nữa cũng không bên nào chịu kém bên nào, không chỉ vì vấn đề văn hóa, địa chính trị mà còn bởi quan điểm nhân chủng học ngay từ đầu đã đối nghịch nhau, với chính Pele và Maradona là minh chứng điển hình.

Sự đối nghịch nhân chủng ấy nằm ở… màu da. Pele da đen, Maradona da trắng, rất dễ nhận ra. Và 50% dân số Brazil có gốc gác Phi châu, trong khi tại Argentina 97% dân số là người da trắng, là quốc gia "trắng" nhất khu vực Nam Mỹ.

Để hiểu hơn về sự khác biệt về màu da này, cần ngược dòng thời gian trở về thế kỷ 16. Cùng những người da trắng khai phá tân lục địa, khoảng 10 triệu người da đen ở châu Phi bị bắt làm nô lệ, phần đông sinh sống tại Brazil. Với ý chí mạnh mẽ, không ít người châu Phi bỏ trốn vào rừng sinh sống. Thứ họ mang theo là điệu nhảy Samba để giải trí và môn võ Capoeira, một môn võ chú trọng các động tác nhào lộn linh hoạt để tự vệ.

Và rồi chế độ nô lệ sụp đổ, người Brazil gốc châu Phi trở về với cuộc sống bình thường. Điệu nhảy Samba được họ lưu giữ cho đến tận ngày nay và được xem là biểu tượng của Brazil.

Trong khi đó, Capoeira, là môn võ thuật có thể gây sát thương, bị chính phủ cấm đoán và người da đen đã bảo tồn bằng cách chỉ lưu giữ lại các động tác di chuyển, gọi là Ginga. Một trong những môi trường lý tưởng nhất để Ginga bảo tồn và phát triển, chính là bóng đá.

Nếu như Samba phát triển thành giai điệu của dân tộc, Ginga phát triển trở thành văn hóa bóng đá của xứ sở, với biểu tượng không ai khác ngoài Pele. Lối chơi hoa mỹ vị nghệ thuật, thường xuyên biểu diễn các động tác lắc lư hay nhào lộn của ông được xưng tụng là Jogo Bonito được Vua bóng đá định danh và được lưu truyền như thứ biểu tượng cho đến ngày nay qua những Zico, Ronaldo hay Ronaldinho.

Tại Argentina, theo bước chân khai phá của người châu Âu tất nhiên có công sức của nô lệ châu Phi. Thế nhưng, người da đen tại Argentina không có những ngã rẽ may mắn như ở Brazil.

Theo nhà sử học Felipe Pigna, dân châu Phi tại Argentina bị xóa sổ phần lớn vì những người đàn ông bị dùng làm bia đỡ đạn cho cuộc chiến tranh giành độc lập của Argentina (1810-1818) và cuộc xung đột với Paraguay (1865-1871), cùng với dịch tả và bệnh sốt vàng da lần lượt vào năm 1861 và 1871.

Không chỉ vậy, sự kỳ thị chủng tộc tại Argentina sâu sắc hơn các quốc gia Mỹ La tinh khác. Ngay từ thời nô lệ, các ông chủ đã ngăn không cho người châu Phi kết hôn và sinh con vì điều này làm giảm năng suất lao động và người lao động cũng đối diện nguy cơ tử vong khi sinh sở.

Đến thời tổng thống Domingo Faustino Sarmiento (1868-1874) thì ông này tìm cách quét sạch người da đen khỏi đất nước bằng chính sách diệt chủng. Và cuối cùng, giai đoạn 1880 đến 1950, Argentina mở cửa đón chào làn sóng di cư từ châu Âu thông qua Hiến pháp 1883 nhằm tăng dân số.

Chuyện "trắng đen" tại Brazil và Argentina đã rõ, và đó chính là nguồn cơn của dân tộc tính nói chung và phong cách chơi bóng nói riêng ở hai xứ sở này. Tại Brazil, việc xã hội chấp nhận người châu Phi giúp phát triển thứ bóng đá ngẫu hứng.

Dĩ nhiên không phải lúc nào trong lịch sử ĐT Brazil cũng chơi đẹp. Đôi lúc Jogo Bonito cũng bị xét lại. Tiêu biểu là sau thảm họa Maracana năm 1950 và thế hệ thất bại Zico những năm 1980.

Tất nhiêu, đó là một khía cạnh khác. Trở lại với Jogo Bonito, để có một pha xử lý bóng đẹp và ngẫu hứng, các cầu thủ phải có sự tự tin và sự ích kỷ. Nếu không tự tin, một tình huống biểu diễn sẽ mất đi tính ngẫu hứng và nguy cơ bị đối phương triệt hạ cực cao.

Nếu không ích kỷ, Pele đã không ghi trên 1.000 bàn thắng trong suốt sự nghiệp, Ronaldo chẳng thể nào rê dắt xuyên qua hàng thủ đối phương như rẽ nước hay Ronaldinho không thể đứng yên một chỗ lắc hông.

Tại Argentina, di sản đặc sắc hiếm hoi của người da đen gốc châu Phi được xã hội chấp nhận và tồn tại cho đến ngày nay trớ trêu lại là điệu Tango, điệu nhảy biểu tượng của quốc gia này. Trong khi đó ở địa hạt bóng đá, người Argentina mang đậm bản sắc các quốc gia Nam Âu như Tây Ban Nha hay Italia. Đó là niềm kiêu hãnh đến mức khinh bạc và sự nhiệt tình thái quá.

Maradona, Batistuta, Mario Kempes hay Fernando Redondo đều toát lên vẻ ngạo nghễ không thể chối từ. Bên cạnh đó là những màn thể hiện cảm xúc rung cảm, điều hiếm thấy ở Pele. Tờ World Soccer trong một bài bình luận còn quả quyết rằng sau lần vô địch World Cup 1958 ở tuổi 17, Pele không bao giờ khóc, cũng chẳng hôn lên logo đội tuyển. Ngược lại, Maradona khóc ngon lành qua mỗi biến động cuộc đời.

Chính hai sắc thái đối nghịch ấy càng khiến sự kình địch giữa hai nền bóng đá Brazil và Argentina trở nên sâu sắc và thú vị. Khiến hai quốc gia này trở thành những bản thể không thể dung hòa trong cái riêng nhưng hòa hợp trong cái chung. Cái riêng là sự kình địch. Cái chung là thế giới túc cầu được chứng kiến một cuộc ganh không ngừng nghỉ, thấm đẫm lịch sử và văn hóa.

Brazil và Argentina luôn tự hào là 2 đại gia ở Nam Mỹ, nhưng những con số thực tế sẽ tát vào mặt họ. Lần gần nhất Brazil vô địch Copa America đã từ năm 2007, Argentina thậm chí còn tệ hơn, từ 1993. Nếu ít ra Brazil còn có Confed Cup 2013 để gợi nhắc chút nào về danh hiệu thì 26 năm qua thực sự là một niềm đau với Argentina. Vậy từ đâu mà ra cơ sự này?

Hãy bắt đầu với Brazil. Người ta thường nói Brazil là "cường quốc bóng đá", nhưng có cường quốc nào lại không coi trọng chính vũ khí mạnh nhất của mình? Thống kê chỉ ra số lượng khán giả trung bình đến xem một trận đấu ở giải VĐQG Brazil chỉ là 12.983 người, và mỗi năm lại giảm tới 13%.

Giải Brazil chỉ đứng thứ 13 trên thế giới về tỷ suất khán giả, đứng sau cả những quốc gia không có truyền thống bằng như Mỹ, Áo, Nhật Bản và Trung Quốc, và đương nhiên cũng không thể so sánh với các giải hạng Hai của Anh và Đức.

Nếu như trước đây, những trận đấu quy tụ tới hơn 100.000 khán giả là điều quá bình thường trong thập niên 1960 và 1970 thì bây giờ nó sẽ là một sự kiện chấn động.

LĐBĐ Brazil tự tin nói rằng cả đất nước có đến 145 triệu NHM bóng đá, trong tổng số hơn 210 triệu dân. Nhưng có vẻ như số lượng không song hành cùng chất lượng, mà nhiều khi cũng không phải là lỗi của khán giả.

Một trận đấu bình thường giữa Santos và Flamengo có giá vé lên tới 160 reais (khoảng 75 USD) tương đương với vé vào thưởng thức một buổi hòa nhạc của một dàn nhạc thính phòng nổi tiếng 5 năm mới quay lại Brazil 1 lần thì thật quá sức với người hâm mộ mà đa phần là lao động phổ thông.

Giá vé cao, fan không đến sân, vòng tròn bế tắc lặp đi lặp lại nhưng người ta vẫn buộc phải làm, chung quy cũng vì chữ tiền. Kể từ khi luật Bosman ra đời năm 1996 quy định các cầu thủ thuộc EU không còn bị coi là người nước ngoài thì làn sóng nhập cư lập nghiệp mạnh mẽ từ Nam Mỹ đổ bộ xuống Lục địa Già.

Nhưng cũng giống như việc xuất khẩu khoáng sản thô, các CLB Brazil quá vội vàng bán đi "lúa non" của mình mà không chờ đến khi họ thực sự thành danh. Lợi nhuận nhãn tiền là rất lớn nhưng xét trên đoạn đường dài, họ lỗ hơn là lãi.

Điểm đến phần lớn là châu Âu, cá biệt trong giai đoạn từ 2014-2015, có đến 31 cầu thủ Brazil chuyển sang Trung Quốc.

Các ngôi sao đáng xem đều rủ nhau rời đi, giá vé thì đắt, vậy người ta còn đến sân để làm gì? Mối liên kết giữa người hâm mộ với cầu thủ, CLB, thậm chí cả ĐTQG lỏng lẻo đến không ngờ.

Hậu quả là một số cầu thủ không bao giờ trở lại màu áo quê hương, như trường hợp của Deco, Eder, Thiago Motta, Thiago Alcantara, Pepe, Diego Costa… Những người trở lại thì chẳng khác nào "người nước ngoài" bởi vì đã thoát ly từ quá sớm, quá xa lạ với bản sắc Selecao.

Tại Copa năm nay, chỉ có 3 cầu thủ Brazil được triệu tập từ CLB bản địa, còn lại đều ở châu Âu. Dễ hiểu vì sao mà nhiều người Brazil phàn nàn rằng Selecao hào hùng ngày nào giờ không còn bản sắc, mất định danh vì bị hòa tan vào với bóng đá châu Âu.

Neymar có tài nhưng chẳng bao giờ đủ chững chạc để vực dậy cả một nền bóng đá. Đấy là chưa kể anh liên tục vắng mặt vì chấn thương và Brazil trong tay HLV Tite thì chơi thực dụng đến chán nản.

Neymar không đủ chững chạc thì ít ra, người dân Brazil vẫn còn yêu quý anh. Không như Lionel Messi, đến cả đồng hương còn chực chờ ngoảnh mặt. Đương nhiên, việc Argentina trắng tay trong hơn 20 năm qua không phải chỉ là lỗi của mình Messi.

Với tư cách đội trưởng, ngay từ trước khi Copa 2019 khởi tranh, Messi đã nói rằng tập thể đội hình Argentina lần này không đủ sức vô địch. Đó là một phát biểu không nên có của El Pulga và nó chỉ ra trong nội bộ Albiceleste có quá nhiều vấn đề.

Căn nguyên đến từ thượng tầng. LĐBĐ Argentina (AFA) trở thành một trong những tổ chức kỳ lạ nhất thế giới khi có vị chủ tịch nắm quyền tới 35 năm. Julio Grondona giữ chức vị cao nhất AFA từ năm 1979 cho đến tận khi… qua đời vào năm 2014.

Trong 35 năm đó của Grondona thì có đến 21 năm Argentina trắng tay ở mọi giải đấu tham dự. Một đội tuyển giàu truyền thống bậc nhất thế giới như vậy mà lại chịu trì trệ với thực trạng như vậy thì đó không phải điều ngẫu nhiên.

Ngay từ lúc tại vị, Grondona đã để lộ ra mình là kẻ tham nhũng và thao túng quyền lực bậc nhất tại Argentina. Nhưng chẳng một ai làm gì được gã. Nực cười ở chỗ sau khi Grondona qua đời vào năm 2014, AFA còn thấy… nhớ gã khi tự mình điều hành và bối rối trong mọi quyết định được đưa ra.

Những hành động của Grondona gần 40 năm nhậm chức làm vấy bẩn ĐT Argentina, kéo lùi cả một nền bóng đá vinh quang xuống bùn lầy. Cứ nhìn vào số lượng HLV tại ĐT Argentina thì sẽ hiểu phần nào. Lấy mốc từ 1993 - năm Argentina giành danh hiệu gần nhất, đã có đến 11 đời HLV cho đến nay. Tức là trung bình, một HLV dẫn dắt Albiceleste chỉ trong hơn 2,3 năm.

Cá biệt từ thời điểm Grondona qua đời, ĐT Argentina đã thay tới 4 HLV chỉ trong 5 năm. Câu hỏi đặt ra là có hay không một kế hoạch phát triển dài hơi và đồng bộ - điều tiên quyết ở mọi ĐTQG phát triển?

Argentina chưa bao giờ thiếu tài năng bóng đá. Họ vô địch U20 World Cup trong các năm 2001, 2005 và 2007 và 7 người trong số này góp mặt tại World Cup 2018. Vậy nhưng chỉ có 2 cầu thủ trong các lứa tham dự U20 World Cup 2011, 2015 và 2017 đến được nước Nga vào năm ngoái. Sự tụt hậu là đáng kể.

Để chuẩn bị cho World Cup 2018, HLV Jorge Sampaoli đã dùng tới 48 cầu thủ trong 10 trận. Chắc chắn là không có một sự định hướng nào ở đây, tất cả đều là thử nghiệm và thử nghiệm, với bất biến số duy nhất là Messi. AFA giúp được gì nào?

Họ tổ chức được trận giao hữu với Haiti (xếp hạng 104 thế giới vào thời điểm đó), sau khi đã thất bại trong việc đàm phán với một CLB thuộc La Liga và không thể bắt các cầu thủ đến Jerusalem để kiếm tiền. Hệ quả đến tức khắc khi vào giải, Albiceleste chật vật vượt qua vòng bảng trước khi bị ĐT Pháp đập tan ở vòng loại trực tiếp đầu tiên.

Người kế nhiệm Sampaoli là HLV tạm quyền Lionel Scaloni có hơn được gì không? Hơn thì chưa chắc nhưng kém thì rất nhiều, đặc biệt là danh tiếng và kinh nghiệm. Trước khi ngồi vào ghế nóng tại ĐT Argentina, Scaloni chỉ mới làm… trợ lý tại Sevilla và chính ĐT Argentina.

Việc giao vận mệnh quốc gia vào một con người như thế này thì đủ hiểu sự tâm huyết của những người đứng đầu AFA. Do đó, đừng trách Messi nếu anh buộc phải có lần thứ… 3 nói lời giã từ màu áo sọc trắng xanh.

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: Hải An - Ngọc Trung- Trần Lộc
Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh
Kỹ thuật: Đỗ Trần Linh
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x