Sinisa Mihajlovic và cuộc chiến trụ hạng cuộc đời - Bongdaplus.vn

Sinisa Mihajlovic và cuộc chiến trụ hạng cuộc đời

Trung tuần tháng 7/2019, HLV Sinisa Mihajlovic của Bologna thông báo mình bị mắc chứng Leukaemia, tức chứng ung thư bạch cầu hay còn biết đến là ung thư máu. Với vẻ mặt bình thản, người đàn ông này đưa ra lời tuyên chiến với kẻ thù lớn nhất của đời mình.

Ung thư mà một danh từ chết chóc đối với con người. Đó là nguyên nhân khiến con người tử vong cao thứ hai, sau tai nạn giao thông. Nhận thông báo mắc bệnh ung thư, đối với đa số bệnh nhân, đều ngang với việc nhận án tử hình có thời hạn. Đa phần sẽ suy sụp và bị chết vì lo nghĩ trước khi ung thư phát tác.

Nhưng với Sinisa Mihajlovic, một gã đàn ông cứng như thép mang dòng máu Serbia, một hậu vệ bất khuất trên sân cỏ, một con người có tính cách nóng như nham thạch, sắc như đao kiếm, thì căn bệnh ung thư máu cũng bình thường thôi, như ngày xưa bị rách chân sau một cú tắc vậy.

Có thể, nhiều độc giả của Bongdaplus không biết đến Mihajlovic, chưa từng nghe cái tên Mihajlovic. Phải rồi, cái tên lừng lẫy của Serie A giai đoạn hoàng kim này đã giải nghệ cách đây 13 năm, vào đúng thời điểm vụ scandal Calciopoli 2006 diễn ra.

Đó là thời đại của những thánh thần sân cỏ với hằng hà sa số ngôi sao và Mihajlovic đứng sừng sững ở thời đại đó với cái chân sút phạt chết chóc. Cả cuộc đời oai hùng của mình, Mihajlovic cống hiến hết cho Serie A, thậm chí, ngay ở thời điểm bị “tuyên án tử hình”, ông vẫn gắn bó với Serie A, trên cương vị HLV của Bologna.

Không chỉ Mihajlovic choáng váng vì căn bệnh ung thư máu mà cả CLB này cũng thế. Bởi người đàn ông 50 tuổi này là chỗ dựa, là niềm tin duy nhất và lớn nhất của toàn đội bóng. Mùa trước, Bologna đã lao đao suýt xuống hạng, và chỉ khi Mihajlovic đến thay HLV Inzaghi, đội mới thi đấu khởi sắc và leo lên khu vực giữa giải đấu.

Tất cả đều nghĩ rằng, ở mùa giải 2019/20 này, Mihajlovic sẽ làm được nhiều hơn nữa cho Bologna, một suất dự cúp châu Âu là tham vọng hoàn toàn có thể vươn tới với phong độ ấn tượng ở nửa sau mùa trước (30 điểm/17 trận so với 14 điểm/19 trận của người tiền nhiệm Sinisa Mihajlovic). Thế nhưng, khi niềm mộng mơ bay cao thì tin dữ ập đến.

Mihajlovic cảm thấy thế nào? Ông vẫn điềm tĩnh chỉ đạo đội bóng tập luyện, họp đội… từ giường bệnh, thông qua ứng dụng Skype trên máy tính. Con người này khẳng khái nhận thêm nhiệm vụ: “Thế là từ nay, tôi có thêm một cuộc chiến đấu. Một trên sân cỏ và một trên giường bệnh. Tôi sẽ đánh bại ung thư máu để tiếp tục tận hưởng niềm vui sân cỏ”.

Mihajlovic là thế. Một thời thanh niên của ông chìm trong cuộc đấu tranh sắc tộc đẫm máu nhất châu Âu cuối thế kỷ 20 giữa người Serbia, người Croatia... Liên bang Nam Tư đã bị xé nát bởi những người từng có thời gọi nhau là đồng bào.

Những điều đó đã hun đúc lên một lớp cầu thủ Serbia tài hoa tuyệt phẩm nhưng cũng là những tay bản lĩnh, vô cùng ghê gớm trên sân cỏ. Họ đá bóng, đánh nhau như thể giành giật sinh mạng và danh dự chứ không phải là điểm số hay niềm vui chiến thắng nữa.

Thế nên, Mihajlovic mới điềm nhiên trước căn bệnh ung thư máu mà không suy sụp đến bạc trắng mái đầu chỉ sau một đêm. Ông đã có thể chết từ rất lâu, chết trên đường phố, chết bởi dùi cui hay súng đạn từ hồi trẻ trâu rồi. Bây giờ, khi đã qua quá nửa cuộc đời, ông còn sợ hãi gì nữa? Hãy nhớ, ung thư cũng chỉ là một căn bệnh, còn Mihajlovic là một gã điên.

“Năng lượng sống của một chàng trai 20 tuổi nhưng trải nghiệm thì của một lão già 150. Tuổi trẻ ở Serbia, sự nghiệp ở Italia. 6 đứa con, nghèo đói, thành công, giàu có. Trải qua 2 cuộc chiến tranh, nỗi đau, vết thương, nước mắt… Đôi khi nhìn lại mình trong gương, tôi luôn tự hỏi: Sinisa, mày đã sống bao nhiêu rồi?".

Ai có thể trả lời cho Mihajlovic câu hỏi này? Có lẽ là Mark Twain: "Mỗi người là một mặt trăng, với phần tối không bao giờ cho người khác nhìn thấy". Mihajlovic không phải một mặt trăng thông thường, mà là mặt trăng đen - con người với đầy xung đột trong tính cách và hành động.

Khi nhắc đến cái tên Mihajlovic, kẻ tiêu cực nghĩ ngay đến một tên tiểu nhân, sẵn sàng làm mọi thứ để chiến thắng, từ nhổ nước bọt vào mặt đối thủ, kì thị sắc tộc đến những pha đạp bóng rợn người. Nhưng không ai có thể phủ nhận Mihajlovic là một tài năng bóng đá độc nhất, với kỹ năng sút phạt thượng thừa và khả năng không chiến tuyệt vời.

Sự phân cực những nhận xét về Mihajlovic mở rộng hệt như sự tương phản trong tính cách của ông. Có mấy đứa trẻ được giáo viên khen ngợi là "học sinh xuất sắc" lại có thể dễ dàng lao vào những cuộc chiến trên sân bóng? Mihajlovic của vùng Borovo Naselje, Vukovar (Croatia) là vậy.

Trước khi có chiến tranh, vùng đất xinh đẹp này có đến 22 chủng tộc khác nhau cùng sinh sống. Một cộng đồng đa dạng như vậy là tuổi thơ của Mihajlovic.

Sinh ra trong một gia đình công nhân với bố là tài xế xe tải người Serbia và bà mẹ Croatia làm trong phân xưởng giày, cậu bé Mihajlovic đã sớm bộc lộ sự khác biệt khi liên tục sút bóng và làm hỏng cánh cửa garage hết lần này đến lần khác.

"Quả bóng không muốn tôi rê nó, vì thế tôi phải đá nó", nhận thức sớm khả năng của mình khiến Mihajlovic thực sự nổi bật. Cậu bạn thân ngày nhỏ Sinisa Lazic nhớ lại: "Điều khiến anh ấy thực sự khác với chúng tôi là những cú sút. Mihajlovic luôn luôn làm điều đó, kể từ khi còn bé, và tập luyện điên cuồng mỗi ngày. Có lần cả đám nhỏ rủ nhau đi bơi và xuyên qua khe cửa sổ, chúng tôi thấy Mihajlovic đang tập sút một mình".

Nhưng vấn đề là Mihajlovic cũng học thực sự giỏi. Giỏi đến nỗi được nhận vào trường công nghệ trong vùng. Nhưng lớp học lại diễn ra vào buổi chiều và trùng với lịch tập của đội bóng. Và thế là, ở tuổi nứt mắt, Mihajlovic bỏ trường chuyên và theo học ngôi trường tệ nhất khu vực, chuyên dành để học nghề làm giày.

Điều đó thực sự mạo hiểm bởi không ai dám chắc cậu bé có thể trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp sau này. Ở những nhà khác, đứa trẻ sẽ bị cấm đoán bởi bố mẹ nhưng Mihajlovic có sự cương quyết nằm trong máu. Trời không phụ người có tâm, năm 17 tuổi, Mihajlovic đã ra mắt đội một Borovo. Luôn luôn "mất kiểm soát" là từ được HLV Zvonko Popovic nhắc nhiều lần về cậu học trò có đôi mắt sắc sảo Mihajlovic.

"Bảo vệ bản thân, bảo vệ đồng đội là những điều cậu ta làm trong vô thức. Có lần, đội chúng tôi đối đầu với một đối thủ cao lớn. Đôi bên va chạm và Sinisa tiến lại chửi thẳng vào mặt một gã cao hơn 2m. Tất cả đều nghĩ xong đời Sinisa rồi thì đội nhiên gã kia lùi lại. Đó là Sinisa, người sẵn sàng nhổ nước bọt, chửi bới để giành chiến thắng. Đó là văn hóa ở đây".

Nhưng để biến Mihajlovic thành một cầu thủ hoàn hảo, Popovic cùng các đồng sự thống nhất chỉ còn cách gán thêm trách nhiệm. Chiếc băng đội trưởng được giao cho Mihajlovic với mong muốn cháy bỏng là để anh ta tránh xa rắc rối.

Nhiều người ngạc nhiên vì sao trong một vài trận đấu, Popovic lại kéo một tiền vệ có khả năng sút xa và tung ra những đường chuyền hiểm hóc như Mihajlovic xuống làm trung vệ. Ngoài chuyện Mihajlovic chơi đầu rất giỏi, HLV còn muốn chàng đội trưởng học được cách bao quát mọi thứ bằng một cái nhìn trọn vẹn, trở nên điềm đạm và bình tĩnh hơn.

Đến năm 1987, Mihajlovic từ chối cơ hội đến với đội bóng khổng lồ thời bấy giờ là Dinamo Zagreb theo cách không thể điên rồ hơn. Mirko Jozic - HLV của đội U20 Nam Tư ép Mihajlovic phải gia nhập Dinamo thì mới cho anh vào danh sách tham dự World Cup trẻ ở Chile.

Một năm sau, ở tuổi 19, Mihajlovic chuyển tới… Vojvodina Novi Sad sau đó tới Belgrade để chơi cho Crvena Zvezda (Red Star) - đại kình địch của Dinamo Zagreb. Một chàng thiếu niên thà ở nhà xem TV, bỏ lỡ thời cơ trăm năm có một, chỉ để không phải nghe theo lời kẻ mình không ưa là điều rất hiếm. Nhưng Mihajlovic đã quyết định, không một chút hối tiếc.

Nhưng cuộc chiến tranh Nam Tư mới là thứ định hình tính cách của Mihajlovic rõ ràng nhất. Cách đây 2 năm, tức là sau 25 năm, Mihajlovic mới quay lại Vukovar lần đầu tiên kể từ cuộc chiến khủng khiếp. Khung cảnh tan hoang khi mọi thứ bị san bằng với mặt đất. Một người con địa phương như Mihajlovic cũng không thể định hướng, lê bước buồn thảm nhặt lại từng mảnh kí ức xưa.

"Mọi cuộc chiến tranh đều tồi tệ, nhưng ở Nam Tư cũ là thứ tồi tệ nhất từng diễn ra. Bạn bè bắn vào nhau, gia đình tan nát. Tôi đã thấy người ta ngã xuống ngay trước mặt mình, từng thành phố biến mất. Sẽ phải mất từ 2 đến 3 thế hệ mới có thể hiểu chuyện gì đã diễn ra. Những gì tôi có thể nói là chúng tôi đã trải qua sự điên rồ nhất của lịch sử", Mihajlovic nói trong uất hận.

Giả dụ lập một danh sách những nhân vật phản diện trên sân cỏ, nếu Mihajlovic đứng ở vị trí thứ hai thì bất kỳ ai cũng phải rụt rè không dám đứng nhất. Dù là Goicoechea, gã đồ tể xứ Basque từng đạp vỡ mắt cá Maradona, dù là Roy Keane, thủ lĩnh khát máu của Quỷ đỏ một thời hay Edmundo, tay săn bàn khùng điên từng 7 lần ăn thẻ đỏ và tông chết 3 người của ĐT Brazil.

Thật vậy, Mihajlovic dường như có một niềm đam mê bất tận với những xung đột man dại. Năm 2004, màn nhổ nước bọt thẳng vào mặt Adrian Mutu khi Lazio thua tan tác 0-4 ngay trên sân nhà trước Chelsea được xem là vết nhơ khó gột rửa của người đàn ông gốc Serbia này. Tuy nhiên, bất cứ ai từng theo dõi sự nghiệp của Mihajlovic đều không ngạc nhiên với cách hành xử ấy.

Từ năm 1998, tại sân chơi lớn nhất là World Cup, Mihajlovic đã phun mưa vào mặt Jens Jeremies, tiền vệ của ĐT Đức. Năm 2000, cảnh sát Italia từng mở một cuộc điều tra khiến Mihajlovic đối mặt án tù 3 năm vì chửi đối thủ là “con khỉ đen chết tiệt”.

Nạn nhân của màn phỉ báng phân biệt chủng tộc này là… Patrick Vieira của Arsenal, một thứ dữ của Ngoại hạng Anh thời đó và chưa bao giờ ngán Roy Keane. Thậm chí những pha xung đột nảy lửa giữa Vieira và Keane được xem là đặc sản của cuộc đụng độ Arsenal vs M.U. Vậy mà Vieira chỉ biết làm thinh khi Mihajlovic chửi.

Vieira ứng xử như vậy là khôn ngoan. Muốn bật lại Mihajlovic chẳng phải dễ, ông là người Serbia dân tộc chủ nghĩa đến độ cực đoan. Ông chẳng những có mối quan hệ mật thiết với thủ lĩnh phiến quân, mafia và tội phạm chiến tranh tại Nam Tư mà còn cuồng tín Slobodan Milosevic, cựu tổng thống Serbia và liên bang Nam Tư.

Đặc biệt hơn, một trong những người bạn thân của Zeljko Raznatovic, hay còn gọi là Arkan. Hai người kết thân khi Mihajlovic gia nhập Sao đỏ Belgrade. Arkan là CĐV nhiệt thành của đội bóng đồng thời là thủ lĩnh phiến quân nổi tiếng tại Serbia. Arkan sở hữu một đội đặc nhiệm cuồng tín và khát máu được biết đến với cái tên Những con Hổ của Arkan (Linh vật là con Hổ).

Năm 2000, Arkan bị ám sát tại khách sạn ở Belgrade trong lúc bị truy tố tội ác chiết tranh về việc giết người ở Bosnia và Croatia. Để tưởng niệm Arkan, Mihajlovic cùng các CĐV cực hữu Lazio chăng băng-rôn trên sân bóng.

Lazio là chính là môi trường lý tưởng để Mihajlovic vẫy vùng, bởi đó là cái nôi dung dưỡng tư tưởng phát xít mới (neo-fascist). Hẳn nhiều người từng xem màn ăn mừng kiểu phát xít của Paolo Di Canio, một kẻ ngổ ngáo khác ở Lazio.

Sự phức tạp trong tính cách và mối quan hệ của Mihajlovic xuất phát từ gốc gác của ông. Chân sút phạt lừng lẫy một thời này sinh ra và lớn lên trong lửa đạn chiến tranh Nam Tư, với những cuộc thanh trừng sắc tộc đẫm máu. Trớ trêu hơn, bố ông là người Serbia, mẹ ông là người Croatia. Trong cuộc chiến tranh giành độc lập của người Croatia, căn nhà của gia đình Mihajlovic bị người Croatia phá hủy.

Sau đó, người cậu của Mihajlovic suýt chút nữa người bị người Serbia giết chết khi tiếp quản thành phố Borovo. Màn thoát chết trong gang tấc ấy là nhờ quân Serbia lục soát nhà cậu Mihajlovic và tìm thấy ảnh và số điện thoại của ông, lúc này đã là một cầu thủ nổi tiếng. Họ lập tức điện cho Mihajlovic để xác minh và ông cứu sống ông cậu người Croatia của mình.

Bởi sống giữa lằn ranh sống chết như thế, Mihajlovic luôn hành xử như một con thú hoang trong cuộc tranh sống, bột phát và cuồng nộ. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ là kẻ đánh mất lương tri. Ngược lại, Mihaj là người đàn ông chính trực và khí phách.

Khi mới 16 tuổi, Mihajlovic được “căn dặn” nếu gia nhập Dinamo Zagreb thì ông sẽ được dự giải U20 thế giới cùng U20 Croatia. Nhưng Mihaj chọn đến Vojvodina và sau đó là Red Star Belgrade, vì ông chọn là người Serbia. Chính trực và khí phách như thế, xưa nay được mấy người?

Không chỉ chính trực, Mihajlovic còn rất thẳng thắn, đúng nhận đúng, sai nhận sai và không bao giờ chấp nhặt. Ông chửi bới Vieira vì trước đó tiền vệ này đã sỉ nhục nguồn gốc của ông. Tất nhiên, vì phản ứng quá khích, Mihajlovic đã mở lời xin lỗi Vieira trước. Sau này, cả hai là đồng đội tại Inter.

Tương tự là vụ Mutu. Thậm chí còn thú vị hơn vì cựu tiền đạo người Romania này còn là học trò của Mihajlovic khi ông dẫn dắt Fiorentina vào năm 2011. Trả lời phỏng vấn về vụ tái ngộ tréo ngoe này, Mihajlovic tỉnh bơ: “Vụ đó tôi sai, tôi sẽ không tái phạm”.

Một cá tính mạnh mẽ như Mihajlovic giờ đây được đặt vào cuộc chiến mới: trụ hạng với cuộc đời. Vũ khí mạnh mẽ nhất để chống lại ung thư là tinh thần lạc quan và cứng rắn. Không bẻ gãy được tinh thần, ung thư sẽ không bẻ gãy được con người.

Tinh thần mạnh mẽ đó thì Mihajlovic có thừa. Chúng ta, những người đã từng say mê với những pha sút phạt của cựu hậu vệ này, hãy tiếp tục cổ vũ cho Mihajlovic trong một cuộc chiến đấu mới.

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: Hải An - Ngọc Trung - Trần Lộc
Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh
Kỹ thuật: Đỗ Trần Linh
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x