Đại gia không bao giờ tới Việt Nam du đấu - Bongdaplus.vn

Đại gia không bao giờ tới Việt Nam du đấu

Cứ đến mùa Hè, những chiếc máy bay mang logo của những CLB lớn như Man United, Real Madrid, Barcelona, Juventus… bay vun vút trên bầu trời để phục vụ các tour du đấu. CLB biến thành các “gánh xiếc rong” toàn cầu, còn cầu thủ thì vào vai diễn viên đại chúng. Thế nhưng không phải bạ chỗ nào gánh xiếc cũng đến. Tiêu chí chọn điểm du đấu phải là thị trường rộng lớn, giàu tiềm năng, NHM giàu có. Chứ còn những nước đói nghèo hay kinh tế chậm phát triển ở châu Phi, châu Á thì đừng có mơ.

Khi bạn rút ngắn kỳ nghỉ của mình, đương nhiên phải có mục đích. Giống như thời xưa, lũ trẻ quen với khái niệm “nghỉ 3 tháng Hè”, nhưng giờ thì 2 tháng, 1 tháng, thậm chí là 1 tuần cũng chẳng có. Chúng phải đi học Hè - mục đích rất chính đáng, chuẩn bị cho năm học mới.

Vấn đề là khi 1 đứa trẻ đi học, cả xã hội sẽ đi theo và dần dần mặc định nó như một phần tất yếu của mỗi mùa Hè. Không còn hiếm hoi nữa, là thường xuyên.

Tour du đấu Hè của các CLB châu Âu đáng ngạc nhiên cũng không khác gì mô hình “học Hè” này. Ngày trước, nhất là vào các năm lẻ, những giải đấu có sự tham gia của các đội bóng thuộc Lục địa Già được tổ chức vào mùa Hè là rất hạn chế. Mật độ không dày đã đành, quy mô tổ chức cũng rất… bình dân.

Nhưng giờ, nào là ICC, nào là Premier League Asia Trophy, nào là Audi Cup, nào là Emirates Cup… mọc lên nhan nhản. Có giải đấu cũ, có giải đấu mới nhưng mức độ bành trướng chỉ tăng chứ không hề giảm. Tại sao lại vậy?

Câu trả lời có thể nhìn ra từ cách UEFA nhào nặn nên Nations League. Thay vì để các đội tuyển châu Âu tham dự các trận đấu giao hữu mà được nhận xét là "vô bổ", UEFA sẽ quy hoạch lại thành một giải đấu có tổ chức, có khán giả, có giải thưởng, có phát trực tiếp. Mọi bên tham gia cùng vui, đặc biệt là lại có tiền cầm về.

Với các CLB bóng đá châu Âu, nếu không phải tham gia Champions League hay Europa League thì mùa giải thường sẽ kết thúc vào giữa tháng 5. Đến đầu tháng 7, các đội bóng này hội quân, tập luyện, tham gia một vài trận giao hữu ở loanh quanh đại bản doanh trước khi bước vào mùa giải mới.

Và từ đó nảy sinh câu hỏi: Đằng nào cũng phải thi đấu giao hữu làm nóng cơ thể hay xem giò cẳng tân binh, vậy sao không biến nó thành những trận đấu có thể đem lại lợi ích nhiều mặt? Lợi ích lớn nhất luôn là tiền.

Đương nhiên, một trận đấu được hệ thống và tổ chức cụ thể bao giờ cũng đem lại nguồn thu lớn hơn là 2 đội bóng tự thỏa thuận với nhau. Và khi đã trở thành một giải đấu, chúng ta cần nơi tiến hành. Đến đây, câu hỏi đặt ra là khán giả ở đâu sẽ chịu móc hầu bao nhất chỉ để xem các đội đá hữu nghị với nhau?

Ở châu Âu? Lựa chọn địa điểm này thật sự khó bởi nói không quá, các khán giả châu Âu đã "bội thực" các trận cầu vừa diễn ra liên tục suốt 10 tháng qua. Do đó, các giải đấu này cần được dịch chuyển ra ngoài biên giới châu Âu, đến những vùng đất mà sự háo hức của người hâm mộ còn vẹn nguyên như mới.

Châu Á và châu Mỹ được coi là hai mỏ vàng vô tận của các nhà tổ chức du đấu Hè. Hầu như tất cả các CLB trong Top 30 giàu có nhất thế giới đều phải đến du đấu tại hai châu lục này nếu như muốn mở rộng thị trường, muốn kiếm được tiền tươi hậu hĩnh ngay lập tức.

Châu Mỹ với trung tâm là nước Mỹ giàu có, dân chúng ham chuộng thể thao - tất cả các môn thể thao chứ không riêng gì bóng đá - lại chịu chi tiền được coi là Thánh địa Mecca của các tín đồ du đấu hành hương mỗi mùa Hè. Ngoài việc kiếm tiền, mở rộng thị trường, du đấu ở Mỹ còn là cơ hội nghỉ ngơi, khám phá cho các cầu thủ.

Còn châu Á lại hấp dẫn về mức độ giàu có và cuồng nhiệt. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia và các nước Trung Đông đích thực là những kho báu chờ khai phá. Giới thượng đế châu Á chưa biết tiếc tiền mua vé, mua áo đấu, mua bất cứ thứ gì mà các CLB chào bán, kể cả là bản quyền truyền hình của giải đấu mà họ tham gia.

Chương trình du đấu hoành tráng nhất là ICC, được thành lập bởi một công ty sự kiện thể thao có trụ sở ở New Jersey (Mỹ). Các phiên bản ICC đầu tiên được tổ chức ở Mỹ và Canada, 2 thị trường cực giàu tiềm năng, có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, khán giả đông đảo và cơ sở vật chất thì hoàn hảo.

Theo đà phát triển, ICC không chỉ bó hẹp ở Bắc Mỹ mà mở rộng ra Bắc Á, Trung Quốc, Australia, Mexico một số quốc gia Đông Nam Á. Khán giả ở đây không những đông nhất, có nhiều tiền nhất mà cũng "khát" các trận đấu đỉnh cao nhất. Đến đây, lợi ích thứ hai hiện ra, đó là quảng bá thương hiệu.

Sự giàu có bền vững của các nước Trung Đông và sự phát triển chóng mặt của các nền kinh tế Bắc Á, Đông Nam Á mới nổi càng ngày càng khiến các CLB châu Âu tranh giành thị trường này. Người châu Á giàu có, chịu chơi lại hâm mộ bóng đá phát cuồng… đấy là những điều kiện để trở thành thị trường béo bở của các CLB, các giải đấu như Premier League, La Liga, Serie A…

Thế nên, dễ hiểu tại sao hiện tượng chuyển dịch mức độ đầu tư sang châu Á là xu thế của toàn thế giới, trong mọi lĩnh vực chứ không đơn thuần là thể thao. Và rồi các đội bóng châu Âu nhao nhao bay sang đây khuếch trương danh tiếng chính là để chiếm lĩnh thị trường vô cùng tiềm năng này.

Đã từng có thời người hâm mộ bóng đá Việt Nam mong ngóng các đội bóng lớn của thế giới sang đây du đấu. Kể ra cũng có một số những trận “du đấu” đình đám ví dụ như ĐT Olympic Brazil sang du đấu trước khi tham dự Thế vận hội Bắc Kinh 2018, hay sự xuất hiện cả Arsenal, Man City.

Tuy nhiên, bản chất của những chuyến du đấu này hoàn toàn khác với những mục tiêu đã nói trở nên: Kiếm tiền, mở rộng thị trường kinh doanh, quảng bá hình ảnh… Vấn đề này sẽ nói sau, còn có thể khẳng định ngay rằng Việt Nam chưa bao giờ là điểm du đấu yêu thích và cần phải đến của các CLB.

Vì một lý do rất đơn giản, các tay tổ chức cá mập không nhìn thấy lợi ích kinh tế của một thị trường nhan nhản áo đấu CLB giả, được bày bán công khai từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến nông thôn. 98% số lượng áo đấu của các CLB trên giới có mặt ở Việt Nam là hàng giả.

Cần biết, áo đấu cùng những sản phẩm thương mại như khăn, đồ vải vóc, đồ lưu niệm… là nguồn thu quan trọng của các CLB bóng đá, bên cạnh bản quyền truyền hình, tiền bán vé hàng năm, nguồn tài trợ quảng cáo… Một CLB không cần nhà tài trợ, nhưng nếu bán được áo đấu, vé và có tiền chia từ BQTH là sống khỏe. Thế nhưng, NHM Việt Nam thích mặc áo đấu fake thì hy vọng gì vào việc bán áo?

Vấn đề này lý giải rất rõ ràng, hiếm khi thấy có chuyến du đấu hay giải giao hữu đẳng cấp được tổ chức tại Việt Nam, Campuchia, Banglades hay các nước ở châu Phi. Có quá nhiều vấn đề khiến những CLB lớn chấp nhận đến, nếu không vì quá nghèo thì bất ổn an ninh, chính trị.

Sự hâm mộ của người dân Việt Nam hay châu Phi dành cho Man United, Real Madrid hay các ngôi sao châu Âu là điều không phải bàn cãi, nhưng cơ sở vật chất không đảm bảo, ví tiền người hâm mộ địa phương mỏng, cùng sự bất an thường trực là rào cản lớn nhất khi đưa các nền bóng đá này vào bản đồ ICC.

Đến đây, sẽ có nhiều người phản bác, chắc do khâu mời mọc, tổ chức có vấn đề nên mới chẳng đại gia nào đến Việt Nam du đấu, chứ chúng ta từng đón Arsenal (năm 2013) và Man City (2015) sang đây còn gì? Đúng thế, nhưng như đã nói ở trên, đây là 2 chuyến du đấu mang tính chất rất khác.

Trước Tết 2013, Arsenal và Hoàng Anh Gia Lai đã có cuộc trao đổi về việc mời Pháo Thủ sang Việt Nam thi đấu trong tour du đấu Hè 2013. Cần nhớ rằng, HAGL là đối tác lâu năm của Arsenal (tính đến lúc đó là 6 năm) với “đứa con chung” là Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG, cũng như các giao kèo quảng cáo, kinh tế khác.

Trong cuộc hội đàm, đôi bên đều đánh giá đây là thời điểm phù hợp để đưa Arsenal sang Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thương thảo vẫn bị ngưng trệ bởi vấn đề kinh phí. Lý do chính là cả bầu Đức lẫn ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQG Eximbank khi đó và là đơn vị tài trợ, đều chưa có thời gian thảo luận về hợp đồng.

Đến sau Tết, bầu Đức và ông Dũng mới sắp xếp được một cuộc hội đàm tại TP.HCM. Tại đây, đôi bên nhanh chóng đi đến thống nhất về kinh phí. Trong đó nặng nhất là khoản phí ra sân 1,5 triệu USD, tương đương hơn 30 tỷ mỗi bên chịu một nửa.

Bởi sự quyết đoán của hai doanh nhân này, phía Arsenal cũng hợp tác để nhanh chóng đạt được thỏa thuận. Cuộc họp diễn ra chỉ trong 1 giờ đồng hồ giữa ông Dũng, ông Đức và Tom Fox, Giám đốc thương mại và Angus Kinner, giám đốc marketing của Arsenal.

Vào 4h20 sáng ngày 15/7/2013, phi cơ của Arsenal hạ cánh tại sân bay nội bài trong sự chào đón của khoảng 1.000 người hâm mộ đội bóng. Lần đầu tiên những CĐV Việt Nam được chứng kiến HLV Arsene Wenger cùng những ngôi sao tung hoành tại giải Ngoại hạng Anh như Mikael Arteta, Olivier Giroud hay Theo Walcott bằng xương bằng thịt.

Trong khi đó, công lớn đưa Man City sang Việt Nam thuộc về bầu Hiển. Cầu nối của thương vụ này là ông chủ tập đoàn T&T chọn Man City làm đối tác cho Ngân hàng SHB trong dịch vụ thẻ. Ngày 17/6, bầu Hiển ghé thăm đại bản doanh của đối tác, bất ngờ ông được lãnh đạo CLB chia sẻ việc đang tính hủy chuyến sang Indonesia du đấu mùa Hè bởi ĐTQG nước này mới bị FIFA cấm thi đấu.

Gần như ngay lập tức bầu Hiển quyết định ngỏ lời mời Man City chọn Việt Nam làm điểm đến thay cho Indonesia. Tất nhiên, ông chủ CLB Hà Nội T&T không mời suông mà kèm vào đó là khoản phí ra sân lên tới hơn 1 triệu bảng, cũng tương đương 30 tỷ đồng. Chỉ sau 15 phút, thương vụ được thông qua, nhiệm vụ còn lại đơn giản là kiểm tra các điều kiện sân bãi, an ninh và ký hợp đồng.

Đến ngày 26/7/2015, 2 năm sau Arsenal, đến lượt Man City đặt chân sang Việt Nam với giàn cầu thủ trị giá tỷ bảng, dẫn đầu là HLV Manuel Pellegrini, theo sau là những ngôi sao lẫy lừng như David Silva, Raheem Sterling.v.v…

Có nghĩa, phải nhờ quan hệ đối tác mà Arsenal với Man City mới chấp nhận sang Việt Nam du đấu. Thậm chí, đối với Man City lại là một “sự cố” buộc phải thay thế Indonesia bằng Việt Nam. Chứ thực sự, sức hấp dẫn của Việt Nam đối với những CLB lớn châu Âu hay giới tổ chức du đấu là rất thấp trong tương quan so sánh với các nước láng giềng như Singapore, Thái Lan, Malaysia vốn đón tiếp 3-4 đại gia mỗi mùa Hè. Âu đấy cũng là một điều dễ hiểu.

Quay lại câu chuyện, nếu như ngày trước châu Á và Bắc Mỹ là những miếng bánh béo bở bị các gã khổng lồ Man United, Real Madrid và Barcelona chia nhau thì nhờ có các giải đấu như ICC, cơ hội cho các đội bóng yếu tiềm lực kinh tế hơn đã xuất hiện. Họ thi nhau quảng bá và khiến các khán giả bản địa tin vào một thế giới phẳng, nơi mọi người khắp Trái Đất đều có thể kết nối với nhau.

Từ một trận giao hữu bình thường, tính chất được nâng lên nhiều lần như vậy thì tội gì không tham gia. Nhưng cũng từ đây, hệ lụy của các tour du đấu cũng manh nha. Đương nhiên rồi, cái gì chẳng có giá của nó, nhất là khi việc trả cái giá đó đem về nhiều lợi ích kinh tế và thương mại.

Cái giá về mặt chuyên môn là cầu thủ phải trải qua những cuộc hành xác di chuyển từ lục địa này tới lục địa khác. Họ mệt mỏi về tinh thần, sức khỏe và không phục vụ được ý đồ chiến thuật của HLV. Mục đích chuẩn bị nhân sự, chiến thuật cho mùa giải mới coi như là mang tính hình thức.

Với những hành trình ngắn ngày đến các thị trường tiềm năng, các đội bóng phần lớn chỉ tập trung quảng bá tên tuổi và thu về càng nhiều tiền càng tốt.

Man City mới đây đã gặp họa tại Trung Quốc vì thái độ "kiêu ngạo". Nguyên nhân là bởi thầy trò HLV Pep Guardiola bị trễ 2 lần máy bay từ Anh, dẫn đến mọi hoạt động sau đó đều dồn dập. Dàn sao Man City bị ép gặp fan Trung Quốc cho đủ thủ tục, yêu cầu của hợp đồng trong tình trạng mệt mỏi, thế nên không thân thiện với fan cho lắm.

Tờ Tân Hoa Xã đăng tải một bài viết chỉ trích nhà ĐKVĐ Ngoại hạng Anh, trong đó có đoạn: "Man City chỉ tập trung mở rộng thị phần thương mại ở Trung Quốc và nhìn vào khán giả Trung Quốc như lũ gà béo để vặt lông. Vì nhiều lý do như mệt mỏi sau hành trình dài, chúng ta có thể bỏ qua cho họ một lần.

Nhưng không may cho fan Trung Quốc và truyền thông bản địa, tất cả chỉ chứng minh sự vô lễ không thể tha thứ của Man City với nước chủ nhà Trung Quốc. Với nhà ĐKVĐ Ngoại hạng Anh, sự xuất hiện của họ ở Trung Quốc không gì hơn một nghĩa vụ thương mại. Sự thiếu nhiệt tình và cách đối xử thờ ơ của họ với khán giả chủ nhà đối lập hoàn toàn với các đội bóng khác.

Trong khi những đội bóng khác cố gắng chinh phục trái tim của người hâm mộ Trung Quốc, thì mục đích duy nhất của Man City chỉ là bòn rút tiền từ NHM. Họ lại tỏ thái độ kiêu ngạo và niềm tin rằng họ là điểm thu hút chính tại giải đấu này. Hoàn toàn sai lầm. Ngày hôm nay, những đội bóng khác rời Trung Quốc với sự tôn trọng mới hình thành cùng người hâm mộ, còn Man City chỉ về tay trắng".

Hãy nhớ, Man City là đội bóng đã bán 13% cổ phần cho tập đoàn China Media Capital với giá 265 triệu bảng nhờ sự giúp đỡ của chuyến viếng thăm sân Etihad của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình vào tháng 12/2015. Đồng thời, tập đoàn "mẹ" của Man City - City Football Group cũng đã bổ sung CLB hạng Hai Trung Quốc là Sichuan Jiuniu vào danh quản lý của mình.

Một đội bóng "thân thiết" với Trung Quốc như Man City còn chỉ coi người dân và truyền thông bản địa như những túi tiền, vậy các CLB khác thì sao, với mối liên hệ không gì khác ngoài những hợp đồng?

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: Hải An - Ngọc Trung- Trần Lộc
Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh
Kỹ thuật: Đỗ Trần Linh
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x