- Bongdaplus.vn

Trái bóng Niềm Vui lăn tròn đêm Giáng SinhTrái bóng Niềm Vui lăn tròn đêm Giáng Sinh

Người Anh là cha đẻ của bóng đá và họ cũng khai sinh văn hóa ra sân thi đấu vào những ngày lễ lớn như Giáng Sinh và Năm Mới. Với tính cách thủ cựu, người Anh vẫn mặc nhiên giữ gìn truyền thống này, bất chấp cả thế giới chê bai, phản đối. Thế nhưng, từ đâu ra truyền thống văn hóa khiến khán giả sung sướng còn HLV, cầu thủ càu nhàu khó chịu này? Đó là cả một câu chuyện dài.

Ở dịp Giáng Sinh – Năm Mới 2018 - 2019, chúng ta sẽ được xem 40 trận đấu của Premier League diễn ra liên tục từ ngày 21/12/2018 đến ngày 03/01/2019. Đó là chưa kể hàng trăm trận thuộc các cấp độ giải đấu khác của bóng đá Anh. Truyền thống phục vụ các trận đấu bóng đá tới công chúng trong dịp lễ cuối năm đã có ngót 100 năm lịch sử tại Anh.

Giai đoạn lễ hội Giáng Sinh – Năm Mới, hầu như các giải vô địch quốc gia lớn ở châu Âu đều nghỉ để cầu thủ và HLV sum vầy bên gia đình trong thời khắc quan trọng nhất trong năm. Chỉ có những đội bóng Anh, những giải đấu Anh lại tích cực lăn vào tập luyện và thi đấu.

Người Anh cho rằng, cầu thủ bóng đá là một nghề đặc biệt, được hưởng đãi ngộ cao nên có trách nhiệm phục vụ xã hội một cách nhiệt tình. Kỳ nghỉ lễ dài từ trước Giáng Sinh đến Năm Mới là đợt nghỉ ngơi của dân Anh và chẳng gì tuyệt vời bằng cách đưa cả gia đình đến sân xem đội bóng thân yêu thi đấu.

Và như thế, cầu thủ bắt buộc phải ra sân để phục vụ niềm vui của người hâm mộ, những người đã bỏ rất nhiều tiền để đem lại mức thu nhập béo bở cho chính họ. Trong thời buổi toàn cầu hóa, nhu cầu được xem bóng đá càng lớn hơn, bởi những khán giả trên khắp hành tinh cũng háo hức được theo dõi các trận cầu hấp dẫn vào thời điểm trên, dù rằng qua... màn hình ti vi.

Chính bởi thế, trong lúc các đồng nghiệp ở Bundesliga, La Liga, Serie A, Ligue 1… được nghỉ ngơi, đưa vợ con đi đón Giáng Sinh ở những vùng biển nhiệt đới ấm áp hay cuốn mình vào cơn lốc tiệc tùng thì những cầu thủ ở Premier League vẫn phải vắt sức cho các cuộc đấu khốc liệt.

Rất nhiều cầu thủ và HLV nước ngoài đến Premier League đã phải kêu than vì truyền thống này. Điển hình như cựu HLV Arsene Wenger của Arsenal. Trong suốt hơn 20 năm gắn bó với đội bóng thành London, ông đều chỉ trích đợt Tourmalet này, kêu gọi bãi bỏ bởi nó là nguyên nhân dẫn đến chấn thương và suy giảm phong độ của cầu thủ.

Nhưng chẳng có gì thay đổi, Giáng Sinh cứ đến, tuyết cứ rơi và bóng vẫn cứ lăn. Trong lịch sử 100 năm truyền thống này, chỉ có một sự thay đổi khác biệt: Ngày Giáng Sinh và Năm Mới, cầu thủ sẽ được nghỉ, nhưng trước đó và sau đó họ vẫn phải thi đấu với mật độ 3-4 trận trong 10 ngày.

Đấy đã là sự nhân nhượng đổi mới mạnh mẽ của người Anh, nhưng cũng chỉ bởi lý do thời tiết chứ không phải vì nguyên nhân nào khác. Câu chuyện này xảy ra vào những năm 1950 của thế kỷ trước.

Quay lại 100 năm trước, khi cầu thủ Anh vẫn phải xách giày ra sân vào đúng ngày Giáng Sinh. Với tinh thần phục vụ và hưởng thụ, những trận đấu Giáng Sinh luôn ghi nhận kỷ lục khán giả đến sân cao ngất ngưởng. Mỗi năm lại một kỷ lục chờ bị phá.

Mùa giải 1948/49, đã có hơn 1 triệu khán giả đến sân theo dõi các trận đấu. Điển hình là trận Hull City tiếp Rotherham, đã có 5 vạn khán giả vào sân Boothferry Park, con số còn lớn hơn lượng khán giả vào sân Mỹ Đình xem trận chung kết AFF Cup 2018 vừa qua.

Xin nhắc lại, hơn 1.000.000 khán giả đến sân trong thời buổi bóng đá vẫn còn rất sơ khai và chưa có sức ảnh hưởng lớn như bây giờ. Nhưng kỷ lục đó vẫn chưa là gì so với mùa giải 1949/50.

Các cầu thủ đã phải thi đấu 3 trận đấu trong 3 ngày: Giáng Sinh (25/12), Boxing Day (26/12) và ngày 27/12 để phục vụ hơn 3 triệu khán giả đến sân, với con số đỉnh điểm là 1.272.185 khán giả ngồi trên khán xem các trận đấu trong ngày 27/12/1949.

Thế nhưng, thời tiết đã khiến những trận đấu Giáng Sinh bị hủy bỏ, chuyển sang thi đấu vào những ngày trước hoặc sau thời điểm đó. Giáng Sinh năm 1956, tuyết rơi dày phủ kín tất cả các sân bóng, khiến 15 trận phải hủy bỏ.

Các cầu thủ của đội Torquay đã phải xúc tuyết để mở đường cho xe bus chở họ đến làm khách của Brendford. Thậm chí, khi đã thi đấu rồi, do tuyết rơi dày, trận đấu phải tạm hoãn. Sau 3 giờ ngủ nghê, đội Torquay trở lại thi đấu nốt quãng thời gian còn lại và giành thắng lợi 2-0.

Mặc tuyết rơi dày, mặc thời tiết khắc nghiệt tột độ bởi mùa Đông ở nước Anh lạnh hơn rất nhiều các nước châu Âu khác do nằm giữa biển, tinh thần bóng đá ngày Giáng Sinh – Năm Mới vẫn cứ lăn. Gian khó thế đã là gì so với trận cầu có thể được coi là khai sinh ra truyền thống này vào ngày Giáng Sinh năm 1914.

Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra từ ngày 28/7/1914 đến ngày 11/11/1918, là một trong những cuộc chiến tranh ác liệt, quy mô to lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Nó được ví như một con quái vật phàm ăn, nuốt chửng mọi sinh linh và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mọi thủ lãnh quân sự, chính trị hay quốc gia. Tất cả những gì kinh hoàng nhất trên hành tinh đều chứa trong con quái vật ấy.

Tuy nhiên, trong vòng lửa đạn, giữa tăm tối chiến tranh và cơn cuồng sát lại là lúc tia sáng ấm áp của tình người lóe lên lung linh nhất. Và thiêng liêng hơn, tia sáng ấy tỏa ra đúng vào dịp Giáng Sinh.

Câu chuyện diệu kỳ ấy xảy ra cách đây hơn 100 năm, vào Giáng Sinh 1914 và được biết đến với cái tên Christmas Truce. Thời điểm đó, lúc mà hai chữ Hòa Bình là ảo mộng xa xăm của toàn nhân loại, 100.000 binh sĩ Anh và Đức giao chiến kịch liệt trên mặt trận phía Tây. Bộ tư lệnh Quân đội Hoàng gia Anh hiểu rõ sự khốc liệt và phản trắc của chiến tranh, thế nên đã ban hành quân lệnh nghiêm khắc cảnh báo binh sĩ phải nêu cao tinh thần chiến đấu, đồng nghĩa dập tắt mọi sự bi lụy tình người.

Nhưng người Đức thì khác. Họ nỗ lực đem Giáng Sinh đến với mọi chiến hào. Khắp nơi là nến và những cây thông Noel, tạo nên hình ảnh lung linh huyền ảo và an lành, nhưng xa xỉ trong thời chiến. Những binh sĩ Đức hát vang bài ca truyền thống “Stille Nacht” và gửi tới những người bên kia chiến tuyến thông điệp: “Ngày mai là Giáng Sinh, nếu các bạn không chiến đấu, chúng tôi cũng vậy”.

Giáng Sinh, chỉ hai chữ đó thôi nhưng giữa cơn biến loạn làm rung động tất thảy. Và điều kỳ diệu xảy ra. Sáng sớm hôm sau, thay vì những tiếng súng chát chúa, tràng đạn pháo inh tai nhức óc, tiếng la hét thất thanh man rợ, mặt trận phía Tây hoàn toàn yên tĩnh.

Trên khoảng đất trống giữa hai chiến hào, lác đác những người Đức tiến lên và mời gọi những người Anh ra gặp mặt. Trong tay những binh sĩ ấy chẳng phải súng cũng không lựu đạn. Họ cầm trên tay những lon bia trứ danh của quê nhà để dành tặng đối phương.

Sự thành tâm ấy khiến mối nghi ngại của binh sĩ Anh nhanh chóng bị xua tan. Và rồi, những cái bắt tay thân mật, những người hôm qua còn cầm súng nhắm thẳng vào nhau nay trò chuyện, hát hò và trao nhau những món quà. Bánh pudding truyền thống của người Anh được dùng với bia Đức trở thành hình tượng tuyệt đẹp.

Tuy nhiên, thứ đẹp đẽ nhất và trở thành biểu tượng của ngày Giáng Sinh diệu kỳ ấy là bóng đá, thứ ngôn ngữ chung của mọi chủng tộc và màu da. Một trận đấu bóng đá được tổ chức giữa binh sĩ hai bên. Kết quả trận đấu vô tiền khoáng hậu này đến nay vẫn còn là tranh cãi, nhưng thực ra chẳng ai quan tâm lắm đến kết quả.

Bởi một lẽ đơn giản, bóng đá đã làm nên một điều diệu kỳ và cao quý. Nó khẳng định tính nhân văn luôn tồn tại trong mọi cuộc tàn sát đẫm máu và đưa mọi người xích lại gần nhau. 8h30 sáng hôm sau, ba phát đạn pháo được người Đức bắn sang chiến tuyến của người Anh kèm lá cờ "Giáng Sinh vui vẻ". Chiến tranh trở lại, hai bên lại lao vào đoạt mạng nhau theo cách man rợ nhất.

Ngày 7/11/2006, tại nhà đấu giá Bonhams, ca sĩ Chris de Burgh bán một bức thư dài 10 trang của một người lính vô danh người Anh kể lại những sự việc xảy ra trong đêm hưu chiến:

“Đó là lễ Giáng Sinh đáng nhớ nhất trong suốt đời tôi. Kể từ giờ uống trà chiều hôm qua, tôi biết rằng không có phát súng nào bắn ra từ hai bên chiến tuyến. Đêm qua trăng sáng và không có sương mù, ngay khi trời chập tối, chúng tôi nhóm lửa và cùng hát những bài ca Giáng Sinh.

Lính Đức bắt đầu thắp nến sáng dọc theo rìa chiến hào kéo dài đến chỗ chúng tôi – và chúc mừng Giáng Sinh. Họ cũng tặng chúng tôi một vài bài hát. Vài người trong số họ nói tiếng Anh thông thạo, và chúng tôi trò chuyện với nhau.

Sáng 25/12, trời đầy sương mù. Chúng tôi đứng co ro lâu hơn thường lệ. Vài người may mắn có cơ hội dự lễ Tiệc Thánh hồi sáng sớm. Buổi lễ được cử hành trong một trang trại đổ nát khoảng gần 500m sau lưng chúng tôi. Tôi không đến dự lễ được...

Sau khi ăn sáng, chúng tôi chơi bóng đá. Có vài người lính Đức xem chúng tôi chơi bóng. Họ cũng đưa người đến chôn cất một tay súng mà chúng tôi bắn chết trong tuần qua, cách chiến hào của chúng tôi khoảng gần 100m. Vài người lính Anh đến giúp chôn cất người chết...

Đã xong bữa ăn tối! Chúng tôi thưởng thức tận tình với các món thịt nướng, bánh mì và bánh pudding. Kế đến là nho, hạnh nhân, cam, chuối, chocolate, có cả cacao và thuốc lá. Có thể nói giống như bữa ăn tối tại nhà. Trước khi nhập tiệc, tôi được niềm vui bắt tay vài người lính Đức.

Khó có thể tưởng tượng rằng chúng tôi đã bắn nhau trước đó trong tuần, thật lạ lùng. Bây giờ trời lạnh buốt, băng giá bao trùm mọi nơi...”.

Trận bóng Giáng Sinh kinh điển đã diễn ra như thế đó, do đó, người Anh sẽ thấy lạ lùng nếu như cầu thủ từ chối đá bóng chỉ vì trời lạnh và nhu cầu hưởng thụ tiệc tùng.

Dù có biến đổi chút ít, nhưng vào dịp Giáng Sinh – Năm Mới, bóng vẫn phải lăn để phục vụ con người, để tưởng nhớ những cầu thủ - người lính đã hy sinh trong bom đạn nhưng vẫn ngời nét nhân văn dẫu chỉ qua trận bóng đá. Bóng vẫn phải lăn để lan tỏa niềm vui đó đến muôn đời, như những bông hoa poppy luôn được cài trang trọng trên ngực trái người Anh.

Như đã nói ở trên, kể từ cuối thập niên 1950, những trận bóng không còn diễn ra vào đúng ngày Giáng Sinh và Năm Mới nữa. Tuy nhiên, cầu thủ Anh không được xả trại hoàn toàn mà vẫn phải trực chiến để thi đấu vào ngày hôm sau. Quãng thời gian trực chiến đó đã xảy ra biết bao bi hài kịch, khiến các HLV phải đau đầu vì cầu thủ.

Năm 2009, HLV của Tottenham lúc đó là Harry Redknapp đã cấm cả đội tiệc tùng nhân dịp Giáng Sinh. Redknapp nhắc đi nhắc lại rằng sẽ không có "dân chủ" trong việc này và bất kỳ người nào trái lệnh ông sẽ lên đoạn đầu đài.

Redknapp là người nói là làm và chắc mẩm đám học trò đã sợ xanh mặt sau quyết định của ông. Nhưng Redknapp có nằm mơ cũng không nghĩ rằng không chỉ một hay một vài mà có đến... 16 cầu thủ, cầm đầu bởi đội trưởng Robbie Keane, đã góp tiền (2.000 bảng/người) để thuê máy bay riêng đến Dublin (CH Ireland) đập phá thâu đêm suốt sáng.

Dẫu vậy, chuyến đi bí mật này bị bại lộ bởi một kẻ trong nhóm đã chụp ảnh và vô tình tấm ảnh đó đến tay Redknapp. Chiến lược gia người Anh giận điên người nhưng phải nín nhịn vì có quá nhiều trụ cột trong đám người đó và trước mắt là trận đấu với Wolves.

Nhưng 3 hôm sau, Spurs thua Wolves ngay tại White Hart Lane. Robbie Keane phải trả giá bằng 2 tuần lương, những đàn em cũng có 1 tuần làm việc không công và mọi bữa tiệc trong năm đó bị hủy toàn bộ. Toàn bộ số tiền phạt đều được quyên góp cho tổ chức từ thiện và chính những cầu thủ này phải đến trung tâm cộng đồng giao tận tay những người kém may mắn.

Tiệc Giáng sinh năm 2001 là một phi vụ nhớ đời với những cầu thủ của Leeds United của HLV David O’Leary. Hộp đêm bài trí theo phong cách miền Tây hoang dã ở trung tâm thành phố chứng kiến 10 giờ tiệc tùng liên tục của dàn sao Leeds. Ai cũng hiểu với những cái đầu chứa đầy cồn như vậy, chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Chính vì thế, David O'Leary đã cắt cử 5 nhân viên an ninh theo kèm đám học trò ra về với mệnh lệnh "cấm làm bừa". Nhưng ngôi sao mới chuyển đến từ Liverpool là Robbie Fowler có vẻ như vẫn chưa quen với việc phải sống trong khuôn khổ. Thế là Fowler đã đập nát máy ảnh của tay paparazzi Ben Lack trong một nhà kho cũ kỹ trước khi bị cảnh sát tống giam.

Bằng quyền lực của mình, David O'Leary đã bảo lãnh cho cậu học trò rời đồn ngay trong đêm nhưng không quên tống vào mặt anh một bài học về đạo đức. Dẫu vậy, Fowler vẫn chẳng biết gì và cứ thể ngủ luôn trên xe của ông thầy.

Man United dưới thời Sir Alex Ferguson muốn vô địch mọi giải đấu tham dự, bao gồm cả giải... tiệc tùng. Chẳng thế mà Rio Ferdinand đã tổ chức một trong những bữa tiệc Giáng Sinh lớn nhất trong giới bóng đá vào năm 2007. Sau 15 tiếng nốc rượu liên tục ở khách sạn sang chảnh Great John Street, Ferdinand mời tới... 80 cô đào được tuyển chọn kỹ càng vào tiếp rượu các ngôi sao như Ryan Giggs, Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney, Michael Carrick, Gary Neville...

Rooney còn cao hứng cầm đàn guitar hát ông ổng và bắt đồng đội gọi anh là Justin Timberlake, bên cạnh 2 chân dài đã thoát y toàn bộ. Nhưng như vậy còn đỡ hơn cảnh tượng sau đó rất nhiều khi nhân chứng tiết lộ đám đàn ông đã hét lên "như linh cẩu" trong một căn phòng kín.

Ít phút sau, cảnh sát ập tới vì nhận được cáo buộc hiếp dâm. Trung vệ 19 tuổi, Jonny Evans bị bắt ngay lập tức và ngồi nguyên một đêm trong tù. Evans chối bỏ mọi cáo buộc nhắm vào mình và sau đó được tuyên bố vô tội.

Nhưng như vậy là quá đủ để "Máy sấy tóc" Alex Ferguson nổi điên và ra lệnh hủy toàn bộ sự kiện Giáng Sinh đi kèm sau đó, bao gồm cả một buổi gặp mặt toàn bộ đội bóng và BLĐ vào tối thứ Hai tuần sau. Ferdinand phải lên giải trình với người quản lý của mình hơn 2 tiếng đồng hồ và nhận án phạt 30.000 bảng. Sự nghiệp của trung vệ trẻ Evans thì lận đà lận đận tới mãi 2 năm sau mới ổn định được một suất trong đội hình chính.

Nếu ví Cây Đời là một cây thông Noel vĩ đại thì trái bóng chính là những quả cầu tuyết lăn không ngừng để đem đến niềm vui bất tận của Thiên Chúa đến muôn nơi. Trong đêm Thánh vô cùng, trái bóng Niềm Vui vẫn cứ thể hiện tinh thần Merry Go Round – xoay tròn liên tục, xuyên qua bom đạn chiến tranh, xuyên qua cái lạnh nghiệt ngã để sưởi ấm những trái tim say mê bóng đá.

Có thể đối với ai đó, việc phải xỏ giày ra sân vào thời điểm này chẳng khác gì đày đọa, nhưng việc được chơi bóng để phục vụ người hâm mộ trong dịp lễ hội Giáng Sinh – Năm Mới này cũng chính là một ân sủng của đức Chúa Bóng Đá nhiệm màu ban cho chúng ta.

Thế nên, hãy quay quần bên nhau, cùng hưởng thụ những niềm vui giản đơn như xem một trận bóng trong bầu không khí ấm cúng, đoàn viên. Và hãy biết trân quý giá trị cuả thời khắc huyền diệu đó.

Xin chúc độc giả của báo Bóng đá và Bongdaplus.vn một mùa Giáng Sinh an lành và ngập tràn niềm vui!

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: HẢI AN - XUÂN LỘC - NGỌC TRUNG
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x