- Bongdaplus.vn

Chiến tranh không cướp được Asian Cup của người Iraq và Yemen

Bảng D VCK Asian Cup 2019 chứng kiến sự hội tụ của 2 số phận tương đồng là ĐT Iraq và ĐT Yemen. Hai nền bóng đá này đã bị hủy diệt bởi những cuộc chiến đẫm máu, kéo dài hàng năm. Thế nhưng, đạn bom không thể ngăn được bước chân của những tuyển thủ Iraq giành chức vô địch Asian Cup 2007. Và nó cũng bất lực trong việc ngăn bóng đá Yemen góp mặt ở giải đấu lớn nhất châu lục lần đầu tiên sau 43 năm.

Ngày nào cũng thế, những tin tức thảm kịch xuất hiện đều đặn tại Yemen, một đất nước đang bị tàn phá nặng nề bởi cuộc xung đột tàn khốc giữa lực lượng quân sự Houthi và một liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu được phương Tây ủng hộ.

Dịch tả giết chết hơn 2.000 người. Vụ đánh bom đám cưới: 30 người thiệt mạng. Số người chết trong các cuộc xung đột dần vượt qua mốc 10.000, 20.000, 50.000. Hơn 2 triệu người phải tị nạn. Báo chí ngày nào cũng có thảm họa rùng mình để giật tít.

Hàng ngày, liên minh quân sự đã ném bom xuống các địa điểm có sự hiện diện của lực lượng Houthi không thương tiếc và tùy tiện. Yemen, một quốc gia nghèo và kém may mắn, vẫn phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc. Ít ai nghĩ rằng đó từng là một một nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, dưới sự cai trị của nữ hoàng Sheba.

Thế nhưng, người dân Yemen vẫn cố sống bình thường giữa những vụ đánh bom cướp đi người thân yêu của họ, hàng xóm của họ, bạn bè của họ, nhà của họ, doanh nghiệp của họ, sinh kế của họ. Họ vẫn tiếp tục cuộc sống, vẫn lên mạng xã hội, và vẫn đá bóng - môn thể thao phổ biến nhất đất nước này.

Đội tuyển Yemen, bằng cách nào đó, vẫn tồn tại, tập luyện và tham dự vào các giải đấu quốc tế, ví dụ như VCK Asian Cup 2019 này. Ở mảnh đất Trung Đông, nơi khói lửa hiếm khi tắt, thì chiến tranh, khổ đau, mất mát đôi khi lại là động lực để một ĐTQG tồn tại, đoàn kết.

Hãy nghĩ về một ĐT Syria miệt mài theo đuổi mục tiêu dự World Cup bất chấp cuộc nội chiến tàn khốc vẫn đang xé toạc đất nước họ. Hãy nghĩ về người Iraq cổ vũ ĐTQG vô địch Asian Cup 2007. Họ đổ ra tràn ngập đường phố ăn mừng trong sự sung sướng dẫu cho các vụ đánh bom hàng ngày của một cuộc chiến thảm khốc vẫn kéo dài đến tận hôm nay...

ĐT Yemen cũng thế, họ vẫn tham gia thi đấu các vòng loại World Cup, Asian Cup cũng như các trận đấu quốc tế. Chỉ có điều, thành tựu của bóng đá Yemen không có nhiều. Đấy là điều dễ hiểu bởi các tuyển thủ không có cơ hội thi đấu, tập luyện hàng tuần do giải VĐQG Yemen đã bị hoãn 3 năm nay bởi bom đạn chiến tranh.

Chiến tranh đem đến không chỉ cái chết mà còn là sự đói kém. Các CLB bóng đá phải đóng cửa vì không có tài chính để hoạt động. Cầu thủ phải kiếm nghề khác để sinh nhai hoặc những ai may mắn thì ra nước ngoài thi đấu. Thiên đường của các tuyển thủ Yemen chính là giải Qatar Stars League. Thậm chí, nhiều người phải lang bạt xa hơn, tới Malaysia như Khairi Yousef hay Ai Cập như ngôi sao Husain Ghazi.

Ghazi hay Yousef vẫn may mắn vì còn được chơi bóng trong khi nhiều đồng đội của họ đã phải dẹp giấc mơ sân cỏ để làm những nghề khác như lái xe bus, chạy xe ôm, bán hàng rong hoặc đi làm thuê. Suleiman Hazam, đồng đội của Ghazi, giờ suốt ngày cắm đầu vào chảo dầu rán khoai tây bán trên hè phố.

Nhìn chung, toàn bộ cầu thủ và HLV Yemen đều bị ảnh hưởng nặng nề khi bóng đá bị lấn át bởi chiến tranh. Họ không có nghề nghiệp nào khác để thay thế, ngoài những công việc tay chân hay buôn bán vặt. Đấy cũng là số phận chung của những VĐV thể thao nước này.

Osama Abdul-Jabbar, một tài năng bóng đá Yemen đã cùng ĐT U19 đoạt vé dự VCK U19 châu Á năm 2016, buồn bã nói: “Tất cả đã biến mất, môi trường bóng đá cũng như ước mơ sân cỏ. Lứa chúng tôi có nhiều cầu thủ giỏi nhưng bây giờ chẳng còn cơ hội phát triển nữa vì không có giải VĐQG. Thật cay đắng!”.

Thần Chết cũng cướp đi nhiều cầu thủ bóng đá của Yemen. Hai ngôi sao là Ali Gharaba và Abdullah Aref bị các tay súng của lực lượng Houthi sát hại năm 2015. Abdullah Al Bezaz, một tiền đạo có số má cũng chịu số phận tương tự với 3 viên đạn găm vào ngực ở ngay trước hiên nhà tại Al Hadida.

Chiến tranh cũng phá hủy không thương tiếc những sân bóng. Đây thường được coi là mục tiêu oanh tạc ưa thích của các phe phái vũ trang. Sân vận động 22 tháng Năm với 3 vạn chỗ ngồi ở Aden, một trong những sân bóng đẹp nhất Yemen và từng đăng cai Cúp Vùng Vịnh 2010, đã bị san phẳng hoàn toàn sau vài đợt ném bom.

Những sân bóng chưa bị phá hủy như sân Haqat, sân Al Meraissi và Al Saqr cũng không thể thi đấu khi bị lực lượng Houthi chiếm đóng. Tất cả các hoạt động thể thao đều bị cấm, không ai được phép bén mảng tới gần đó và đấy là lý do tại sao lực lượng liên quân lại thường oanh tạc.

Tuy nhiên, bằng cách nào đó bóng đá vẫn còn tồn tại ở Yemen. Đội tuyển quốc gia, dưới sự dẫn dắt của HLV Abraham Mebratu người Ethiopia, đã đoạt được vé dự VCK Asian Cup 2019 sau khi có chiến thắng quan trọng trước ĐT Nepal hồi tháng 3/2018. Đây chính là thành tích động trời của bóng đá Yemen, bởi lần tham dự giải đấu này gần nhất của họ đã từ 1976.

Sau đó, HLV Mebratu chia tay ĐT Yemen nhưng đội bóng này vẫn giữ được những cầu thủ trụ cột. Để chuẩn bị cho VCK Asian Cup 2019, các tuyển thủ Yemen hầu như không có đợt tập trung huấn luyện nào mà mạnh ai người ấy tập bằng cách thi đấu cho những đội bóng nước ngoài.

Rất may, ở thời điểm nước rút, nước láng giềng Qatar – nơi tập trung phần lớn tuyển thủ Yemen tại giải Qatar Stars League – đã đồng ý cho LĐBĐ Yemen lập đại bản doanh trong lãnh thổ của mình, cùng các trung tâm huấn luyện. Hơn thế nữa, họ còn ra chính sách nhập cư dễ dàng đối với các tuyển thủ Yemen.

LĐBĐ Yemen đã chọn cách “đi giữa hai làn đạn”, giữ thái độ trung lập với cả hai lực lượng quân sự để tìm sự tồn tại. Một quan chức của LĐBĐ Yemen đã chia sẻ với truyền thông thế giới rằng: “Bất chấp khó khăn vô cùng, nhưng Đấng Allah đã phù hộ chúng tôi, cho chúng tôi một đội tuyển bóng đá và cơ hội thi đấu ở giải đấu lớn nhất châu lục”.

Giờ đây, giấc mơ không tưởng của bóng đá Yemen đã trở thành hiện thực. Họ đã tham dự VCK Asian Cup 2019 bất chấp biết bao hiểm nguy và gian khó. ĐT Yemen đã thua đậm Iran 0-5 trong trận ra quân, nhưng điều đó có hề gì, bởi được đá bóng mà không nơm nớp lo bị ném bom hay bắn tỉa đã là một hạnh phúc tột cùng.

Giữa cái chết, sự hủy diệt, sự chia rẽ đã và đang làm rung chuyển đất nước Yemen, bóng đá đã vượt lên tất cả và nhắc với cả thế giới rằng: Yemen không chỉ có đạn bom, mà còn có cả một đội tuyển bóng đá đã băng qua khói lửa đạn bom để đến với VCK Asian Cup 2019.

Chiến tranh là kẻ thù của nhân loại, nhưng đáng buồn thay, kẻ thù luôn có chúng ta để phản chiếu sự tồn tại của chúng. Mọi cuộc chiến đều vô nghĩa, khi mà người dân, những người tay không tấc sắt, không có sức phản kháng, lại là thành phần tổn thương nhiều nhất.

Chiến tranh, nghe giống một cái gì đó chỉ tồn tại trong quá khứ, vẫn hiện lên khi thế giới chuyển mình sang thiên niên kỷ mới. Cuộc chiến tranh ở Iraq năm 2003 là một chương đen tối của lịch sử loài người.

Mỹ và đồng minh khởi xướng cuộc chiến này, với kẻ địch là nhóm khủng bố trú ngụ trong lãnh thổ Iraq. Hàng loạt chế tài vũ khí tối tân nhất được sử dụng, Iraq - theo một cách châm biếm đau đớn, biến thành sân khấu của ánh sáng và âm thanh, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Một sân khấu chết chóc, khi những diễn viên nằm xuống chẳng bao giờ đứng lên lần nữa.

Như bao cuộc chiến khác, dân thường, những người vô tội bị nhồi xuống dưới hàng triệu tấn bom đạn. Đến tận bây giờ, vẫn chưa có một tổ chức nào dám khẳng định đã thống kê chính xác số dân thường vĩnh viễn ra đi vì chiến tranh Iraq.

Theo ước tính của Ủy ban chăm sóc sức khỏe gia đình thuộc chính phủ Iraq thì đến tháng 6/2006, có hơn 151.000 người tử nạn. Con số này tăng lên thành 461.000 người theo khảo sát tháng 6/2011. Nhưng con số thực tế thậm chí còn lớn hơn nhiều. Nghiên cứu của đại học Lancet làm nhân loại lạnh người. Đến năm 2006, có hơn 655.000 người đã bỏ mạng vì chiến tranh ở Iraq. Chỉ sau đó 1 năm, tức là 2007, con số này đã là 1,2 triệu người.

Hơn 1,2 triệu người phải chết vô nghĩa, mà dân số tận thời điểm này của Iraq chỉ hơn 37 triệu người. Làm một phép tính vội vàng, có hơn 3,2% (con số thực tế lớn hơn nhiều) dân số Iraq đã không được nhìn thấy đội tuyển quốc gia nước này đăng quang lần đầu tiên ở đấu trường Asian Cup vào năm 2007. Một mốc son chói lọi của thể thao nhưng lại mang trong mình tiếng khóc than của cả dân tộc.

Cái ngày đội trưởng Younis Mahmoud lập cú đúp giúp Iraq đánh bại Việt Nam ở trận tứ kết diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), niềm vui hóa thành thảm kịch. Ở quê nhà, hai vụ đánh bom khủng bố liên tiếp nhắm vào đoàn người đang ăn mừng chiến thắng đã cướp đi sinh mạng của 50 trái tim chỉ vài phút trước còn đập theo nhịp lăn của trái bóng.

Mọi thứ diễn ra quá bàng hoàng, tận Bangkok xa xôi, những đôi mắt nhắm lại, cố ngăn dòng lệ trực đổ xuống. Đó có lẽ là cảm giác độc nhất và cũng độc ác nhất trên đời, khi niềm vui phải nuốt vào trong còn tang thương thì hiện hữu ở nơi cảnh vật thanh bình nhưng tâm hồn thì đã chết.

Nhưng Iraq không thể dừng lại, họ đang đứng trước một cơ hội quá lớn để có lần đầu tiên tham dự một trận chung kết Asian Cup. Các cầu thủ biết mình còn hơn một đội bóng thông thường. Họ không chỉ đại diện cho một quốc gia bình thường mà là một dân tộc đau thương.

Họ là những cầu thủ không có tổ quốc khi phần lớn rất lâu rồi chưa được thấy bóng hình quê hương. Những lần di tản, những cuộc trốn chạy, làm mọi cách để thoát khỏi địa ngục trần gian đã tạo nên một lứa cầu thủ tài năng và đầy trắc ẩn. Phải xa nơi chôn rau cắt rốn, tê tái lắm chứ, nhưng đâu còn cách nào khác.

Thêm một lần này nữa, dù không biết đã là lần thứ bao nhiêu, Younis Mahmoud cùng các đồng đội phải cất quê hương vào một góc thiêng liêng trong tâm trí để tập trung tối đa cho hành trình trước mắt. Cảm giác như kỳ tích là một sự bù trừ và nó đang đến thật rồi. Iraq hạ Hàn Quốc sau loạt luân lưu định mệnh ở trận bán kết để tiến vào trận đấu cuối cùng, nơi Saudi Arabia đã đợi sẵn.

Gelora Bung Karno (Indonesia) một ngày tháng 7 oi ả, 60.000 người đã đến lấp kín các khán đài để được chứng kiến một trong những đội bóng kiên cường nhất, dũng cảm nhất, xúc động nhất chơi trận đấu quan trọng nhất của cả đời người.

Saudi Arabia thật mạnh, Yasser Al-Qahtani thật xuất sắc nhưng vẫn chỉ làm nền cho bản anh hùng ca mang tên Iraq. Lại là Younis Mahmoud, chàng trai mang khuôn mặt khắc khổ đại diện cho cả dân tộc, ghi bàn thắng quyết định để mang về cúp bạc vinh quang cho mảnh đất đã chịu muôn vàn tổn thương.

Hôm đấy, pháo hoa ngập Jakarta, còn bom vẫn nổ ở Baghdad!

Bất chấp bão lửa chiến tranh và sự hỗn loạn hậu chiến, bóng đá Iraq, đúng hơn là ĐTQG Iraq vẫn duy trì được vị thế tại châu lục. Bằng chứng là sau câu chuyện cổ tích 10 năm trước tại Asian Cup 2007, Iraq vẫn đều đặn góp mặt ở vòng loại cuối cùng các kỳ World Cup và thêm một lần lọt vào bán kết Asian Cup 2015.

Về mặt con người, sự lụi tàn theo thời gian của huyền thoại Younis Mahmoud không khiến Iraq yếu đi. Bởi lẽ đội bóng này đã tìm ra được những gương mặt kế thừa. Ở hàng tiền vệ, cầu thủ cầm trịch của ĐT Iraq là Osama Rashid, người đang khoác áo Santa Clara tại Bồ Đào Nha.

Trên hàng công, Iraq đang sở hữu một tài năng trẻ đây hứa hẹn là Mohanad Ali. Chân sút năm nay mới chỉ 18 tuổi đã có 12 lần khoác áo ĐTQG và đóng góp 7 pha lập công. Trong đó, bàn thắng mới nhất là pha dứt điểm quyết đoán đánh bại thủ thành Đặng Văn Lâm trong chiến thắng 3-2 trước Việt Nam tại lượt trận mở màn Asian Cup 2019.

Ở hai biên, vị trí mạnh nhất của ĐT Iraq hiện nay là sự hiện diện của những cầu thủ vừa khỏe vừa khéo như Ahmed Yasin hay Humam Tariq. Và cũng đừng quên, hậu vệ cánh trái của ĐT Iraq là Ali Adnan, một chuyên gia sút phạt trứ danh đang chinh chiến tại giải Serie A trong màu áo Atalanta.

Tất nhiên, ngoài những gương mặt nổi bật kể trên, Iraq là một tập thể tương đồng về trình độ, với những cầu thủ đang chơi bóng tại các giải VĐQG hàng đầu Trung Đông. Ngoài ra, một điểm đáng sợ nữa của ĐT Iraq là sự đồng đều về tuổi tác khi đa phần đang ở độ tuổi sung mãn từ 22 đến 26.

Bằng chứng là danh sách 23 cầu thủ đăng ký thi đấu Asian Cup của ĐT Iraq thì chỉ duy nhất một cầu thủ trên 28. Đó là thủ thành 32 tuổi Mohammed Gassid. Và dàn hảo thủ của ĐT Iraq được dẫn dắt bởi HLV Srecko Katanec, một nhà cầm quân lão luyện với nhiều năm chinh chiến từ Âu sang Á.

Về mặt con người là vậy, về mặt lối chơi, tương tự như láng giếng Iran, đại diện ưu tú của châu Á, Iraq đã thoát ra khỏi lối đá tự phát, dựa nhiều vào cảm xúc thường thấy ở các ĐTQG Tây Á để đem đến một thứ bóng đá lì lợm và giàu toan tính của người châu Âu. Thậm chí, giới quan sát đánh giá tiềm lực của Iraq hiện nay không thua kém Iran bao xa.

Phân tích chi tiết hơn, lối chơi của ĐT Iraq chủ yếu dựa trên bài đánh biên, với sự cơ động của Yarsin và Tariq, cùng khả năng hỗ trợ tấn công cực tốt của Adnan, cầu thủ vẫn được ví là Gareth Bale châu Á. Tuy nhiên, Iraq không chơi thứ bóng đá lật cánh đánh đầu cơ học, thứ bóng đá đội bóng này sử dụng kết hợp hài hòa giữa xuyên phá vào biên và khả năng pressing quyết liệt ngay bên phần sân đối phương.

Thực tế, trong 3 bàn thắng của Iraq vào lưới ĐT Việt Nam thì 1 xuất phát từ tình huống đoạt bóng ở trung lộ, 1 tạt cánh đánh đấu và 1 đến từ quân bài giấu trong tay áo của đội bóng này, đó là sút phạt hàng rào. Thế nên, nhìn chung Iraq là một đội bóng có sự kết hợp hài hòa từ con người cho đến những mảng miếng chiến thuật. Một đội bóng như vậy, dĩ nhiên thừa sức tiến xa tại Asian Cup 2019.

Nếu Iraq là một ứng cử viên sáng giá thì Yemen lại là gương mặt đầy thú vị tại Asian Cup 2019. Sự thú vị ấy phần nào đã đề cập ở trên, đó là một đội bóng vượt lên trên nghịch cảnh chiến tranh để hiện diện tại giải đấu hàng đầu châu lục như một hiện tượng kỳ vĩ.

Lẽ dĩ nhiên, với vị thế ấy, khó lòng hy vọng Yemen có thể tiến xa. Bằng chứng là thất bại 0-5 trước gã khổng lồ Iran ở trận mở màn. Phân tích sâu hơn thì lực lượng của ĐT Yemen chắp vá tới mức có những cầu thủ thuộc dạng bán chuyên nghiệp như Ahmed Nabil Hazaea hay Wahid Al Khyat.

Chung quy lại, Iraq và Yemen đều là biểu tượng cho khát vọng vươn lên mãnh liệt của con người trong bão lửa chiến tranh, qua đó vẽ nên những bức tranh diệu vợi với các tông màu đặc sắc và khác biệt cho Asian Cup 2019. Thú vị hơn nữa, hai đội lại nằm chung một bảng đấu có sự hiện diện của ĐT Việt Nam.

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: HẢI AN - XUÂN LỘC - NGỌC TRUNG
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x