Man United đang tiến về... quá khứ

Việt Cường
09:09 ngày 23-04-2019
Hàng công bế tắc. Hàng tiền vệ thiếu sức sống, không kiểm soát được thế trận. Hàng thủ rối bời. Đó vốn là những gì từng được dùng để miêu tả về Man United của HLV Jose Mourinho. Bây giờ, chúng hoàn toàn đúng với đội bóng của Ole Gunnar Solskjaer. Và những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ấy cũng không khác là bao.
Man United đang tiến về... quá khứ

Cầu thủ lười chạy

Có một câu nói nghe thì phi chính thống, nhưng rất chuẩn: Chạy nhiều thì ra chiến thuật. Chiến thuật có ưu việt tới mấy thì cũng bất lực khi các cầu thủ không chịu chạy, không chịu thực hiện những cú nước rút thường xuyên. Một trong những lý do M.U dưới thời Mourinho thi đấu tệ hại là họ chạy quá ít. 

Quỷ đỏ luôn đứng trong nhóm những đội bét bảng ở Premier League về số quãng đường di chuyển trong trận, cũng như số pha bứt tốc mỗi trận. Việc đầu tiên Solskjaer làm là thay đổi điều này. 

Trong giai đoạn trăng mật của vị HLV người Na Uy, M.U thường là đội chạy nhiều hơn, chạy quyết liệt hơn đối thủ.

Pogba lùi về tận gần trung vệ xin bóng, hai tiền vệ khác (Fred và Matic) cũng chơi ngang hàng với anh
Pogba lùi về tận gần trung vệ xin bóng, hai tiền vệ khác (Fred và Matic) cũng chơi ngang hàng với anh

Chạy nhiều kết hợp với chạy ở tốc độ cao có rất nhiều tác dụng tích cực. Khi phòng ngự, sự cơ động ấy giúp các cầu thủ thu hẹp khoảng cách với đối thủ nhanh hơn, thu hẹp các khoảng trống tốt hơn, nhờ đó hạn chế được không gian và thời gian chơi bóng của đối thủ. 

Chạy nhiều có thể không đồng nghĩa với pressing tốt, nhưng muốn pressing tốt thì không thể không chạy nhiều. Khi triển khai bóng, nếu các cầu thủ chịu khó di chuyển không bóng, người cầm bóng sẽ có nhiều lựa chọn tốt hơn. Và khi tấn công cũng tương tự. Để tới được một khoảng trống tốt, nhất thiết phải chạy nhiều và chạy nhanh hơn cầu thủ phòng ngự của đối thủ.

Trước Everton, cầu thủ M.U gần như không chịu chạy. Tổng quãng đường di chuyển của họ kém đối thủ tới hơn 8km. Ở mùa giải này, chỉ duy nhất một lần họ chạy ít hơn đối phương nhiều đến thế. Đó là trong trận gặp Tottenham ở Old Trafford. Trận ấy, Quỷ đỏ thua 0-3. HLV là Jose Mourinho.

Lối chơi thiếu chiều rộng

“Truyền thống của M.U gắn liền với những pha tấn công biên”, Solskjaer từng nói thế sau những trận đầu tiên thăng hoa. Nói là làm. Trong thời gian M.U bay cao, họ tấn công biên rất tốt (cũng có thể nói ngược lại là nhờ tấn công biên tốt nên họ bay cao). 

Khi đó, hai hậu vệ biên của họ thường được đẩy lên rất cao, nhiều khi không kém gì các tiền đạo. Việc đẩy các hậu vệ biên lên cao có hai tác dụng. 

Thứ nhất, các tiền vệ của M.U có thêm một lựa chọn chuyền bóng. Và thứ hai, bề rộng trong những pha tấn công của M.U được duy trì ở mức cao.

Các đội bóng khi tấn công cần tận dụng được hết chiều ngang sân. Đó là nguyên tắc. Phải như vậy thì mới kéo căng được hệ thống phòng ngự của đối phương và từ đó những khoảng trống ở trung lộ mới xuất hiện. 

Những đội bóng đang đua vô địch là Liverpool và Man City đều rất chú trọng tới những pha tấn công biên. Hai hậu vệ biên của Liverpool còn là những cầu thủ kiến tạo hàng đầu. 

Nhiệm vụ của các tiền vệ, do vậy, không còn là hỗ trợ tấn công nữa, mà là bọc lót cho các hậu vệ biên, sẵn sàng lấp vào những khoảng trống mà họ bỏ lại khi dâng cao.

Vị trí chạm bóng trung bình của các cầu thủ M.U ở trận gặp Everton. Hai hậu vệ biên (số 20 và số 2) chơi quá thấp
Vị trí chạm bóng trung bình của các cầu thủ M.U ở trận gặp Everton. Hai hậu vệ biên (số 20 và số 2) chơi quá thấp

Trong trường hợp của M.U, khi các hậu vệ biên như Young và Shaw, có thể dâng cao thường xuyên, các tiền đạo biên như Martial hay Rashford (Lukaku) có thể di chuyển vào trung lộ thường xuyên hơn và ở trung lộ, họ sẽ có nhiều khoảng trống hơn. 

Đó là điều mà M.U không làm được trước Everton cuối tuần qua. Hãy nhìn vào biểu đồ vị trí bình quân của họ. Hai hậu vệ biên (số 20 và số 2) bị đẩy xuống quá sâu. M.U không có một cầu thủ nào treo biên thực sự. 

Không có gì lạ khi họ tấn công như đâm đầu vào đá, mãi tới nửa sau của hiệp 2 mới có được cú sút trúng đích đầu tiên. 

Tại sao điều này lại xảy ra? Vì các hậu vệ biên không còn đủ nhiệt tình và sức lực để dâng cao nữa? Hay vì họ ngại khi dâng cao sẽ không còn có người bọc lót, do các tiền vệ mà họ biết đã hết nhiệt tình hoặc sức lực? Đó sẽ là những câu hỏi mà Solskjaer phải trả lời được. Càng sớm càng tốt.

Pogba (lại) bị tù túng

Một trong những “thành tựu” đáng kể nhất của Solskjaer là giải phóng cho Paul Pogba. Và ông được hưởng lợi rất nhiều từ thành tựu đó. Pogba chính là cầu thủ nổi bật nhất trong giai đoạn M.U bay cao. 

Thay vì chăm chăm đánh giá Pogba qua thái độ phòng ngự của anh như Mourinho, Solskjaer giải thoát hoàn toàn cầu thủ người Pháp khỏi nhiệm vụ phòng ngự, khuyến khích anh thể hiện những phẩm chất tấn công của mình. Và cố gắng khai thác tối đa những phẩm chất đó bằng cách đẩy anh lên gần với vòng cấm của đối phương hơn.

Ngoài ra, một điều chỉnh quan trọng nữa của Solskjaer là tạo ra một hệ thống tốt để Pogba phát huy hết khả năng của mình. Thời Mourinho, khi Pogba có bóng, thường phía trước anh không có nhiều lựa chọn, do các cầu thủ khác được yêu cầu không dâng lên quá cao. Tới Solskjaer thì đã có sự thay đổi. 

Ngoài hai hậu vệ biên, các tiền vệ còn lại cũng chịu khó dâng cao và tìm kiếm những khoảng trống tốt để có thể nhận bóng từ Pogba. Cầu thủ người Pháp hiếm khi rơi vào tình trạng không biết chuyền cho ai, phải giữ bóng và bị cướp mất như trước.

Pogba chiếm được khoảng trống tốt nhưng Fred không quan sát được
Pogba chiếm được khoảng trống tốt nhưng Fred không quan sát được

Nhưng thời gian gần đây, Pogba đã trở lại với hình ảnh bất lực và nhợt nhạt như cũ. Trong thời gian đầu trận, HLV Solskjaer bố trí Pogba chơi ngay phía sau Lukaku, với ý đồ khai thác khả năng sáng tạo của anh. Tuy nhiên, đó là quãng thời gian mà Pogba gần như không được chạm bóng. 

Có một hình ảnh rất đáng chú ý ở phút 19 trận gặp Everton. Pogba đã chạy hẳn về trước mặt Smalling và đòi bóng một cách giận dữ. Ngay sau đó là một đường chuyền gần hết chiều dài sân để đưa bóng tới vị trí của Rashford. Một tình huống khác, ở phút 27, Pogba đã tìm được vị trí rất thuận lợi ở trung lộ, nhưng Fred lại không quan sát thấy. Pogba một lần nữa phản ứng rất mạnh.

Khó có thể nói là Pogba đã chơi không cố gắng. Trước Everton, anh vẫn là cầu thủ M.U chơi tốt nhất. Một mình anh đã tạo ra cả bốn cơ hội ăn bàn đáng chú ý của M.U. Nhưng rõ ràng là các đồng đội của anh không còn “đập chung nhịp” với cầu thủ người Pháp. Đấy có thể là vấn đề mang tính hệ thống. 

Cũng có thể là chuyện của các cá nhân. Hoặc cả hai. Và đấy cũng là vấn đề mà Solskjaer phải giải quyết sớm. M.U, ít nhất là lúc này, khó có thể chơi hay nếu Pogba không có cơ hội thể hiện hết khả năng của mình.

Vấn đề Pogba và cả những vấn đề đã nói ở trên, rất tiếc không hề mới. M.U ngỡ đã đi được một quãng đường dài với Solskjaer, hóa ra lại đang quay về vạch xuất phát.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
28
+46
64
2
28
+39
64
3
27
+34
60
4
29
+18
56
5
28
+17
53
6
28
0
47
7
29
-4
44
8
28
+6
42
9
28
-2
41
10
28
+11
40
11
27
+2
39
12
29
-1
38
13
28
-11
35
14
28
-16
27
15
28
-12
26
16
29
-18
22
17
28
-10
21
18
29
-16
21
19
29
-34
17
20
28
-49
15
<

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x