Nhìn lại lịch sử - 18 mốc son không thể quên

Kinh Thi
Từ 09:15 ngày 13-07-2014
Đêm mai, World Cup 2014 sẽ kết lại với nút thắt là trận chung kết trên sân Maracana. Đêm mai, hàng tỉ người trên hành tinh sẽ cùng xem trận đấu cuối cùng của một kỳ World Cup đẹp đẽ, kỳ diệu, đầy mê say và đủ cung bậc cảm xúc. Trước trận đấu diệu kỳ, hãy cũng điểm lại 18 trận chung kết World Cup trước đó, những mốc son trong lịch sử đầy thăng trầm.

URUGUAY  1930 
Uruguay - Argentina: 4-2
Dorado 12’, Cea 57’, Iriarte 68’, Castro 89’ cho Uruguay - Peucelle 20’, Stabile 37’ cho Argentina


Tại trận chung kết World Cup đầu tiên trong lịch sử, ban tổ chức quy định mỗi hiệp dùng 1 quả bóng (của mỗi đội). Đôi bên thay nhau dẫn điểm và tỷ số chỉ dừng lại ở phút 89. Người ghi bàn ấn định chiến thắng 4-2 cho Uruguay là cầu thủ... cụt tay Hector Castro. 

Juan và Mario Evaristo (Argentina) là cặp anh em ruột đầu tiên cùng thi đấu trong một trận chung kết World Cup. Không ai có thể nghi ngờ khả năng phát triển rực rỡ của World Cup sau khi giải lần đầu tiên khép lại một cách tuyệt vời, đặc biệt là trận chung kết vô cùng hấp dẫn.

Italia 1934 
Italia - Tiệp Khắc: 2-1 sau 120 phút
Orsi 81’, Schiavio 95’ cho Italia - Puc 71’ cho Tiệp Khắc


Sau khi Antonin Puc mở tỷ số ở phút 71, Tiệp Khắc còn bỏ lỡ nhiều cơ hội rất tốt. Italia tưởng đã sụp đổ đến nơi. Phút 81, Raimundo Orsi (Italia) đi bóng qua các hậu vệ, làm động tác giả bằng chân trái rồi sút bằng chân phải. Quả bóng xoáy một cách kỳ dị khiến thủ môn bó tay. Hòa 1-1. 

Lần đầu tiên trận chung kết World Cup phải dùng đến 2 hiệp phụ. Angelo Schiavio ấn định chiến thắng 2-1 cho Italia. Hôm sau, báo giới nhờ Orsi diễn lại pha ghi bàn độc đáo để chụp ảnh. Ông cố thực hiện đến 20 lần, vẫn không làm được, dù trong khung thành không có thủ môn!

PHÁP 1938 
Italia - Hungary: 4-2
Colaussi 6’, 35’, Piola 16’, 82’ cho Italia - Titkos 8’, Sarosi 70’ cho Hungary


Đội tuyển Italia vẫn do HLV Vittorio Pozzo dẫn dắt. Ông trở thành HLV đầu tiên, và duy nhất đến tận bây giờ, 2 lần vô địch World Cup. Và Italia cũng trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công ngôi vô địch World Cup. 

Có một câu chuyện không được kiểm chứng, rằng nhà độc tài Benito Mussolini gửi điện tín cho đội tuyển Italia trước trận chung kết với nội dung ngắn gọn: “Thắng hoặc chết”. Đấy có thể là một áp lực, hoặc động lực. Nhưng bàn về chuyên môn thuần túy thì Italia thắng rất thuyết phục và khá dễ dàng.

Thụy Sỹ 1954 
Đức - Hungary: 3-2 
Morlock 10’, Rahn 18’, 40’ cho Đức - Puskas 6’, Czibor 8’ cho Hungary

“Đội bóng vàng” Hungary của những Puskas, Kocsis, Czibor, Hidegkuti... gần như không có đối thủ tương xứng trong suốt nửa đầu thập niên 1950. Họ đã thắng Đức 8-3 ở vòng bảng và dẫn trước 2-0 chỉ sau 8 phút của trận chung kết. Nhưng Đức thắng ngược 3-2, nhờ công lớn của Helmut Rahn. 

Đấy chỉ mới là lần đầu tiên đội Đức (lúc ấy là Tây Đức) được trở lại World Cup sau Thế chiến II. Kết quả này là cột mốc quan trọng làm nên nền bóng đá Đức hùng mạnh. Fritz và Ottmar Walter (Đức) trở thành cặp anh em ruột đầu tiên cùng lên ngôi vô địch World Cup.

Thụy điển 1958 
Brazil - Thụy Điển: 5-2
Vava 9’, 32’, Pele 55’, 90’, Zagallo 68’ cho Brazil - Liedholm 4’, Simonsson 80’ cho Thụy Điển


Bên phía Thụy Điển có Nils Liedholm - cầu thủ vĩ đại nhất nền bóng đá nước này trong thế kỷ 20, và Liedholm mở tỷ số ngay phút thứ 4 để trở thành cây làm bàn lớn tuổi nhất trong lịch sử các trận chung kết World Cup. 

Nhưng bên phía Brazil lại có Pele - sau này là “vua bóng đá”, và Pele cũng ghi bàn để trở thành cây làm bàn trẻ nhất lịch sử. Tuy thua đậm, nhưng đấy vẫn là thành tích hào hùng nhất trong lịch sử bóng đá Thụy Điển. Còn với Brazil, đây là chức vô địch đầu tiên, mở ra cả một bảng vàng chói lọi cho cường quốc số 1 World Cup.

CHILE 1962 
Brazil - Tiệp Khắc: 3-1
Amarildo 17’, Zito 69’, Vava 78’ cho Brazil – Masopust cho Tiệp Khắc 15’


Brazil giữ lại đến 8 cầu thủ trong đội hình chính so với trận CK World Cup 1958. Họ vẫn vô địch, và đấy là đội bóng gần đây nhất từng bảo vệ thành công chức vô địch World Cup. Pele chấn thương chỉ sau 2 trận tại vòng bảng. Nhưng một mình Garrincha vẫn đủ sức đưa đội bóng Vàng - Xanh đến chức VĐTG lần thứ hai trong lịch sử (đó là lý do vì sao Garrincha là cầu thủ được hâm mộ nhất tại Brazil chứ không phải Pele).

Cầu thủ ghi bàn cho Tiệp Khắc trong trận này (sau đó đoạt “Quả Bóng Vàng châu Âu” 1962) là Josef Masopust từng sang Việt Nam dự giải bóng đá SKDA trong thành phần đội tuyển quân đội Tiệp Khắc.

ANH 1966 
Anh - Đức: 4-2 sau 120 phút
(Hurst 18’, 101’, 120’, Peters 78’ cho Anh – Haller 12’, Weber 89’ cho Đức

Bàn gỡ 2-2 ở phút 89 của Wolfgang Weber (Đức) khiến đôi bên phải đá tiếp hiệp phụ. Geoff Hurst (Anh) lập được cú hat-trick duy nhất trong lịch sử các trận chung kết World Cup. Nhưng bàn thứ 2 của ông, nâng tỷ số lên 3-2 ở phút 101, là pha bóng gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử. Bốn mươi năm sau, người ta mới chứng minh được rằng quả ấy chưa vào. Trọng tài biên Tofik Bahramov trở nên nổi tiếng với quyết định cho rằng quả ấy đã vào (Mãi sau ông trọng tài Bahramov nói lên quyết định không công nhận bàn thắng của Geoff Hurst là trả thù người Đức vì đã gây lên chiến tranh Thế giới II và tên ông bây giờ được đặt cho SVĐ quốc gia của Azerbaijan).

Mexico 1970 
Brazil - Italia: 4-1
Pele 18’, Gerson 66’, Jaizinho 71’, Carlos Alberto 86’ cho Brazil - Boninsegna 37’ cho Italia


Brazil và Italia đều đã 2 lần vô địch World Cup và họ đều đứng trước cơ hội đoạt vĩnh viễn chiếc cúp Jules Rimet theo luật FIFA. Rút cuộc, vinh quang thuộc về Brazil. Mario Zagallo trở thành nhân vật đầu tiên vô địch World Cup trong cả 2 vai cầu thủ (1958, 1962) và HLV (1970). 

Pele trở thành cầu thủ đầu tiên, và duy nhất cho đến bây giờ, 3 lần vô địch World Cup. Bàn ấn định tỷ số 4-1 của Carlos Alberto được xem là một trong những bàn thắng đẹp nhất qua mọi thời đại. Có đến 8 cầu thủ khác nhau lần lượt tham gia vào pha tấn công trước khi Pele chuyền thật chính xác để Carlos Alberto tung cú sút cháy lưới.

Đức 1974 
Đức - Hà Lan: 2-1
Breitner 25’, Mueller 43’ cho Tây Đức - Neeskens 2’ cho Hà Lan


Johan Neeskens mở tỷ số cho Hà Lan bằng quả phạt đền ở phút thứ 2,  bàn thắng sớm nhất trong các trận CK World Cup. Nhưng Đức thắng ngược 2-1 và đấy là một phần trong truyền thống thắng ngược rất lừng lẫy của bóng đá Đức. 

Hà Lan từ giải đấu ấy vang danh thiên hạ, như một hình mẫu của bóng đá đẹp. Có một chi tiết ít người biết đến: các cầu thủ Hà Lan gần như chia thành 2 phe ngay sau bàn thắng của Neeskens. Một số cầu thủ muốn tiếp tục phô diễn thứ “bóng đá tổng hợp” đặc trưng của họ. Số khác chỉ muốn bảo vệ ưu thế. Cầu thủ của “2 phe” từ đó ít khi chuyền bóng cho nhau!

Argentina 1978 
Argentina-Hà Lan:3-1 sau 120 phút
Kempes 37’ và 104’, Bertoni 115’ cho Argentina - Nanninga 82’ cho Hà Lan


Lần thứ 2 liên tiếp, Hà Lan lọt vào chung kết và thua đội chủ nhà trong cuộc quyết đấu cuối cùng. Cho đến trước năm 2010 thì đây là trận chung kết duy nhất không có mặt “tứ đại gia World Cup” tức Brazil, Uruguay, Italia, Đức. Phút 89, Rob Rensenbrink (Hà Lan) dứt điểm dội cột. Tỷ số 1-1 được giữ nguyên. 

Đôi bên đá thêm hiệp phụ và Argentina lần đầu tiên lên ngôi vô địch với chiến thắng 3-1. Mario Kempes (Argentina) là ngôi sao của trận chung kết. Willy và Rene Van der Kerkhof (Hà Lan) trở thành cặp anh em song sinh đầu tiên cùng thi đấu  ở trận chung kết World Cup.

Tây Ban Nha 1982 
Italia - Đức: 3-1
Rossi 57’, Tardelli 69’, Altobelli 81’ cho Italia - Breitner 83’ cho Đức


Với sự tỏa sáng bất ngờ của Paolo Rossi, Italia đã đạt được khí thế chiến thắng như nước vỡ bờ sau khi liên tục đánh bại Argentina 2-1 và Brazil 3-2 ở vòng đấu bảng thứ 2. Họ dễ dàng thắng Ba Lan 3-0 để vào chung kết.

 Ngược lại, Đức đã gần như kiệt sức sau trận bán kết khốc liệt với Pháp (hòa 3-3 trong 90 phút chính thức và thắng penalty 5-4). Trận chung kết do vậy không mấy hấp dẫn. Italia ghi được 3 bàn liên tiếp trong hiệp 2 do công của Paolo Rossi, Marco Tardelli và Alessandro Altobelli trước khi Paul Breitner gỡ bàn danh dự cho Đức.

Mexico 1986 
Argentina - Đức: 3-2
Brown 23’, Valdano 55’, Burruchaga 83’ cho Argentina - Rummenigge 74’, Voeller 80’ cho Tây Đức


Thua trước 2 bàn bởi José Luis Brown (phút 23) và Jorge Valdano Valdano (phút 55), đội tuyển Đức vẫn kiên trì san bằng tỷ số do công của Karl-Heinz Rummenigge (phút 74) và Rudi Voeller (phút 80). Ngôi sao số 1 của giải - Diego Maradona - bị các cầu thủ Đức khóa chặt trong phần lớn thời gian của trận đấu. 

Nhưng rút cuộc, Maradona vẫn tung được đường chuyền tuyệt vời để Jorge Burruchaga ghi bàn quyết định cho Argentina. Trận đấu rất hay. Franz Beckenbauer trở thành nhân vật đầu tiên thất bại trong trận chung kết World Cup ở cả 2 vai cầu thủ (1966) và HLV (1986).

Italia 1990 
Đức - Argentina: 1-0
Andreas Brehme pen 85’


Đức là đội đầu lọt vào chung kết trong 3 kỳ World Cup liên tiếp. Và đây là lần đầu tiên trận chung kết World Cup được lại lặp bởi cùng một cặp đấu. Và kỳ này, Đức đã phục thù thành công người Argentina với một Diego Maradona không còn xuất thần như năm 1986 cộng thêm sự vắng mặt vì án treo giò của tiền đạo Claudio Caniggia. 

Andreas Brehme ghi bàn duy nhất bằng quả phạt đền (gây tranh cãi) ở phút 85. Pedro Monzon và Gustavo Dezotti bên phía Argentina bị đuổi. Đấy không bao giờ là một trận đấu hấp dẫn. Franz Beckenbauer bây giờ lại có kỷ lục là người đầu tiên nâng cúp thế giới trong cả hai vai thủ quân, HLV trưởng.

MỸ 1994 
Brazil - Italia: 0-0 sau 120 phút; thắng 3-2 trong loạt sút 11m)
Kỳ World Cup của rất nhiều chi tiết lạ lẫm, diễn ra tại Mỹ vốn cũng là nước chủ nhà lạ lẫm với World Cup, rút cuộc cũng kết thúc bằng một trận chung kết kỳ lạ: lần đầu tiên không có bàn thắng. 


Có đến 4 trong 9 quả luân lưu bị sút hỏng. Bên phía Italia, Franco Baresi và Daniele Massaro và Márcio Santos của Brazil cũng đều sút hỏng. Nhưng có vẻ như người ta chỉ nhớ đến cú sút cuối cùng: ngôi sao Roberto Baggio của Italia sút vọt xà và Brazil chính thức đăng quang. Baggio từ người hùng thành tội đồ muôn thủa còn Brazil đăng quang với phong cách thực dụng trái ngược với truyền thống của họ.

PHÁP 1998 
Pháp - Brazil: 3-0
Zidane 27’, 45+1’ và Petit 90+3’


Dù Pháp là đội chủ nhà thì nhiều người vẫn quá bất ngờ khi họ thắng đậm đến thế. Đây chỉ mới là lần đầu tiên đội Pháp góp mặt ở trận chung kết World Cup và họ cũng chật vật mới vào đến trận đấu cuối cùng. Zinedine Zidane tỏa sáng với 2 bàn thắng (đều bằng đánh đầu). 

Có một bí ẩn lớn, đến giờ vẫn chưa ai thật sự hiểu rõ: Ronaldo bị gì, đến nỗi co giật, sùi bọt mép, phải đi cấp cứu ngay trước trận đấu. Ban đầu anh không có tên trong đội hình ra sân, sau đó lại có tên. Cả thượng viện lẫn hạ viện Brazil đều mở các cuộc điều tra riêng rẽ, nhưng chẳng đưa ra được kết luận đáng kể nào.

Nhật Bản - Hàn Quốc 2002 
Brazil - Đức: 2-0
Ronaldo 67’, 79


Có một điều kỳ lạ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đức và Brazil gặp nhau ở đấu trường World Cup (dù họ đều là cường quốc, thi đấu rất nhiều, thường xuyên tiến xa). 

“Người ngoài hành tinh” Ronaldo với mái tóc “thằng bờm” lạ lẫm đã ghi cả 2 bàn, và Brazil làm nên kỳ tích “penta” (5 lần vô địch World Cup). Brazil trở thành đội tuyển thứ 2 sau... Đức xuất hiện ở 3 trận chung kết World Cup liên tiếp. Thủ quân Cafu của Brazil là cầu thủ duy nhất xưa nay thi đấu trong 3 trận chung kết. Và Đức trở thành đội bóng đầu tiên 4 lần chia tay World Cup ở vị trí á quân (sau giải đấu này Đức phải chờ đến 12 năm mới lại được tham dự 1 trận chung kết World Cup) .

Đức 2006 
Italia - Pháp: 1-1 sau 120 phút, thắng 5-3 trong loạt sút 11m
Materazzi 19’ cho Italia - Zidane pen 7’ cho Pháp)


Với sự tỏa sáng của Zinedine Zidane, Pháp lần thứ hai góp mặt trong 1 trận chung kết World Cup. Cũng chính Zidane là người mở tỷ số cho Les Bleus và đi vào huyền thoại với 3 bàn thắng trong 2 trận chung kết World Cup (cả 2 con số ấy đều là kỷ lục). 

Nhưng anh còn được nhớ đến bởi cú húc đầu vào ngực trung vệ Marco Materazzi của Italia và bị đuổi trong hiệp phụ thứ 2. David Trezeguet (Pháp) là cầu thủ duy nhất sút hỏng 11m. Italia đăng quang lần thứ 4 bằng nghệ thuật phòng ngự Catenaccio trứ danh của họ, chỉ kém mỗi Brazil.

Nam Phi 2010 
TBN - Hà Lan: 1-0 sau 120 phút
Iniesta 116’


Trận đấu đi vào lịch sử với kỷ lục... tồi tệ: có đến 14 thẻ vàng. Đội tuyển Hà Lan trước đây thường được biết đến như một hiện thân của bóng đá đẹp giờ lại chơi rất bạo lực. Nigel De Jong đạp thẳng vào ngực Xabi Alonso (chẳng hiểu vì sao trọng tài không phất thẻ đỏ). 

Mãi đến phút 116, Andres Iniesta mới ghi được bàn duy nhất, giúp TBN lần đầu tiên lên ngôi vô địch. Đấy là bàn mở tỷ số muộn nhất trong lịch sử các trận chung kết World Cup. 

Hà Lan cũng có kỷ lục, dù không vui bằng: họ đã đá trận chung kết thứ 3 mà vẫn chưa bao giờ vô địch World Cup.

THÔNG TIN:
* Ghi chú: World Cup 1950 không có trận chung kết. Bốn đội lọt vào vòng 2 thi đấu vòng tròn, tính điểm, xếp hạng.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x