Những điều chưa biết về 'cổ tích EURO 1992' Đan Mạch

Kinh Thi Kinh Thi
13:43 ngày 04-06-2016
Vượt qua bảng đấu gồm các đối thủ mạnh Anh, Pháp và đội chủ nhà Thụy Điển, Đan Mạch thắng Hà Lan bằng loạt sút luân lưu 11m ở vòng bán kết, rồi thắng Đức trong trận chung kết.

CHUYỆN ĐÁNG BÀN TỪ MỘT CHI TIẾT THÊU DỆT

“Trở về từ những bãi biển tuyệt vời trên khắp thế giới, các tuyển thủ Đan Mạch đã hy sinh kỳ nghỉ Hè để thế chỗ Nam Tư tại VCK EURO (Nam Tư bị loại theo lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc)...”. Rất nhiều bài báo đã viết như vậy. Kỳ thực, đây là câu chuyện... “chém gió” cũng nổi tiếng không kém gì cú bất ngờ mang tên Đan Mạch tại EURO 1992. 

Peter Schmeichel nói: “Nam Tư bị loại chỉ 10 ngày trước khi EURO 1992 khai mạc. Chúng tôi chỉ được mời dự giải sau đó. Thuở ấy điện thoại di động chưa hề phổ biến. Vậy HLV Richard Moller Nielsen triệu tập chúng tôi “từ các bãi biển khắp thế giới” bằng cách nào”? Bản thân cái sự “đính chính” của Schmeichel cũng chẳng có gì quan trọng. Vấn đề là ở chỗ phải biết rõ sự thật để hiểu thêm về sự xuất sắc của Đan Mạch tại EURO 1992.

Sự thật là ĐT Đan Mạch đang tập trung, chuẩn bị đá giao hữu với SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập), khi họ hay tin được dự EURO. Mọi người đều biết, trước mỗi giải lớn luôn có các trận giao hữu tưng bừng, mà thành phần liên quan không nhất thiết chỉ là các đội chuẩn bị dự VCK. Chính các đội ấy mới phải cẩn thận “giữ chân” hoặc đá giao hữu chỉ để thử nghiệm, rà soát vấn đề nào đấy. Ngược lại, các đội không dự VCK thường... đá thật, như Đan Mạch hồi năm 1992.


Nói đúng hơn, đội bóng của HLV Nielsen tập và thi đấu rất nghiêm túc vì họ đang hướng đến một mục tiêu quan trọng là thay đổi cách chơi và hướng đến hiệu quả. Từng là trợ lý của HLV Sepp Piontek tại EURO 1984 và World Cup 1986, Nielsen thấy rõ rằng cách chơi “nghệ sĩ” của Đan Mạch tuy rất đẹp nhưng không thể dẫn tới thành công. Ông muốn xây dựng một Đan Mạch chắc chắn hơn trong phòng thủ và bớt hoa mỹ, sáng tạo trong tấn công. Và ông lao vào công cuộc chuẩn bị một cách nghiêm túc ngay sau thất bại ở vòng loại EURO 1992.

BỎ MICHAEL LAUDRUP LÀ QUYẾT ĐỊNH VĨ ĐẠI

Có một chi tiết cực kỳ quan trọng trong “cổ tích Đan Mạch” Michael Laudrup không góp mặt. Cầu thủ mà sau này người ta cho là vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Đan Mạch cực lực phản đối quan điểm thiên về hiệu quả của HLV Nielsen. Laudrup tuyên bố rút khỏi đội tuyển. Trong lối sống Đan Mạch, có một phương châm rất phổ biến, đại khái: “bạn đừng nghĩ mình là ai”. Vậy nên, công chúng Đan Mạch ủng hộ HLV Nielsen, dù họ rất khâm phục tài năng của Laudrup.

Tại vòng bảng EURO 1992, cả hai “đại gia” Anh và Pháp đều tuyên bố “không hài lòng” khi họ chỉ hòa 0-0 với nhau. Bóng đá là phải tấn công, phải đẹp mắt? Khi một trận đấu quy tụ Jean-Pierre Papin, Eric Cantona, Alan Shearer, Gary Lineker, với Michel Platini ngồi ghế chỉ đạo, mà hòa 0-0 thì đấy thật sự là nỗi thất vọng.


Suốt mấy ngày sau, Pháp và Anh chỉ lo mải mê tranh cãi vì sao họ không ghi bàn, không chiến thắng. Họ chỉ mải mê trả lời phỏng vấn, hứa hẹn trận sau sẽ khác. Kết quả? Pháp thua Đan Mạch trong khi Anh thua Thụy Điển, và hai ông lớn cùng xách va ly về nước. Bài học ấy, Nielsen đã chuẩn bị từ trước giải - kể cả khi đội bóng của ông vốn không có vé dự giải!

Chính vì chỉ có 10 ngày chuẩn bị trước giải, Nielsen và các tuyển thủ Đan Mạch dễ dàng từ chối mọi cuộc phỏng vấn, bác bỏ yêu cầu chụp ảnh với nhà tài trợ, không bị báo giới quấy rầy. Đấy cũng là một thuận lợi. Tất nhiên, Đan Mạch còn hưởng lợi khi các đội mạnh xem thường họ. Và, suy cho cùng, bất ngờ đã là thuộc tính quan trọng của môn bóng đá suốt hàng trăm năm qua. Nhưng cú bất ngờ lịch sử mà Đan Mạch làm được tại EURO 1992 chẳng phải không có nguyên nhân. Họ rất xứng đáng tận hưởng bất ngờ ấy.


Bây giờ, họ làm gì?
Phân nửa đội hình chính Đan Mạch ở chung kết EURO 1992 theo nghề huấn luyện sau này, nhưng chưa thấy ai thành công vượt bậc. Lars Olsen hiện là HLV trưởng ĐT... Faroe, và đấy từng là chỗ của Henrik Larsen. Kent Nielsen mới nhận ghế “thuyền trưởng” Odense. Ông cũng từng nắm Aalborg và Brondby. Flemming Povlsen và John Jensen thì chỉ lần lượt giữ những vai trò khiêm tốn.

John Sivebaek tuy không thích nghề huấn luyện nhưng cũng hoạt động trong bóng đá, hiện là nhà đại diện nổi tiếng ở vùng Scandinavia (cựu tuyển thủ Đan Mạch Thomas Gravesen là thân chủ của Sivebaek). Kim Vilfort và Brian Laudrup hoạt động ở lĩnh vực đào tạo trẻ. Giống như Peter Schmeichel, họ cũng thỉnh thoảng tham gia bình luận trên truyền hình. Lạ ở chỗ, ngoài việc bình luận, Schmeichel còn dẫn chương trình cho kênh truyền hình Discovery.

Torben Piechnik thì chủ yếu kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, Kim Christoffe chuyển sang lĩnh vực... chơi bài chuyên nghiệp.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x