Những niềm cảm hứng bất tận trên sân cỏ

Lê Minh
06:05 ngày 17-07-2015
Họ là những người khước từ khuôn phép, thách thức luật lệ, đi ngược lại với những quy chuẩn thông thường. Họ hút thuốc, uống rượu, đam mê bạo lực, lên giường với phụ nữ như ăn cơm bữa, nhưng trên hết, họ luôn biết cách mang lại những cảm xúc tột cùng cho người hâm mộ.
Những niềm cảm hứng bất tận trên sân cỏ
GEORGE BEST
“Năm 1969, tôi đã quyết định từ bỏ đàn bà và rượu. Đấy là 20 phút tồi tệ nhất cuộc đời tôi”, phát ngôn bất hủ của George Best thật sự đã gói ghém được cách sống của thiên tài bóng đá nay. Báo chí Bồ Đào Nha từng đặt cho Best biệt danh là “O Quinto Beatle” (thành viên thứ 5 của The Beatles) vì mức độ được công chúng yêu chuộng lẫn mức độ ăn chơi.

Tất cả những cầu thủ lắm tài nhiều tật sau này của bóng đá Anh đều phải xách dép theo học Best dài dài, cả về tài nghệ lẫn khả năng chơi bời. Ông là người xuất hiện trên những tạp chí sành điệu, hẹn hò với Hoa hậu Thế giới, sở hữu quán bar và cửa hiệu thời trang, vào tù, xuất hiện trên một chương trình truyền hình trong tình trạng say đến líu lưỡi, là cảm hứng cho những bài hát và những bộ phim, có sân bay được đặt theo tên mình.

Thế nhưng bất chấp thành tích có vẻ bất hảo ấy, đến giờ Best vẫn được xem là cầu thủ tài năng nhất mà Vương quốc Anh từng sản sinh ra trong lịch sử. Và đừng quên là ông giải nghệ khi mới 27 tuổi.

- “Tôi chi rất nhiều tiền cho bia rượu, chim và xe hơi đắt tiền. Số tiền còn lại tôi đều hoang phí cả”.
- “Tôi có ngừng uống rượu chứ, nhưng chỉ khi nào tôi buồn ngủ”.

JAY-JAY OKOCHA
Kể từ khi Okocha xuất hiện tại Premier League, các CĐV Bolton đã yêu anh đến mức làm ra một chiếc áo thun cổ động với dòng chữ: “Jay-Jay, người giỏi đến mức tên anh được đọc 2 lần”, đám trẻ nước Anh luôn hét lên “Ta là Okocha” sau một pha ghi bàn và cố học động tác vê bóng bằng gầm giày nổi tiếng của ông.


Trước đó, Okocha chơi bóng cho Entracht Frankfurt. Trong trận đấu với Karlsruher vào tháng 8/1993, khi trận đấu chỉ còn 3 phút thì Jay-Jay - khi ấy chỉ vừa mới 20 tuổi, có một tình huống đối diện với thủ môn đối phương. Góc sút đã rất hẹp. Okocha đảo người sang trái, rồi lại ngả sang phải, liên tục 3 lần như thế thì bị 3 hậu vệ đối phương kịp chạy về để bị kín khung thành. Ấy vậy mà sau thêm 3, 4 động tác giả nữa, Okocha vẫn có thể đưa quả bóng đi xuyên qua 3 hậu vệ ấy và hạ gục thủ môn trong sự thán phục của tất cả. 

Một BLV đã hét lên ngay trong cabin: “Hãy để đài truyền hình sa thải tôi cũng được, bởi vì bây giờ tôi sẽ chiếu chậm pha ghi bàn ấy 100 lần”. Người BLV ấy đã không làm vậy, nhưng pha ghi bàn ấy sau này đã được chiếu đi chiếu lại trên truyền hình Đức hàng nghìn lần (ảnh).

Bạn có biết người thủ môn của Karlsruher bị Okocha hạ gục là ai không? Oliver Kahn!

MICHAEL LAUDRUP
Laudrup là một cầu thủ ngầu như thế nào? Câu trả lời: ông ngầu đến mức không thể góp mặt trong đội hình tuyển Đan Mạch ngầu nhất lịch sử khi vô địch EURO 1992.


Trong suốt vòng loại EURO năm ấy, 2 ngôi sao lớn nhất của bóng đá Đan Mạch khi ấy là Michael Laudrup và Brian Laudrup mâu thuẫn nặng nề với HLV Richard Moller Nielsen và tuyên bố rút lui khỏi đội tuyển quốc gia một lượt. Đan Mạch không vượt qua được vòng loại, nhưng được mời tham gia thay thế cho Nam Tư phải rút lui vì lý do chiến tranh.Brian, người đã quyết định tái xuất 2 tháng trước đó, cùng đội đến Thụy Điển dự giải và giành Cúp. Nhưng Michael - người sau này đã được bình chọn là cầu thủ Đan Mạch hay nhất qua mọi thời đại - thì thấy không có lý do gì để gián đoạn kỳ nghỉ Hè của mình. 

Có thể đấy lại là một điều tốt. Vì nhà báo Đan Mạch Kan Kjeldtoft từng bảo: “Đan Mạch khó mà vô địch EURO năm ấy nếu co Michael bởi vì lối chơi của họ dựa vào phòng ngự phản công, trong khi Michael luôn là người tôn sùng bóng đá tấn công. Anh ta thà là bị dí súng vào đầu còn hơn là cùng Nielsen vô địch EURO với chiến thuật ấy”.

“Pele là số 1 trong thập niên 1960, Cruyff là số 1 trong thập niên 1970, Maradona số 1 trong thập niên 1980 còn số 1 trong thập niên 1990 phải là Laudrup”. - Franz Beckenbauer.

JOHAN CRUYFF
Trong trận gặp Helmond Sport vào tháng 12/1982, thay vì sút thẳng như thông thường, Cruyff chuyền ngang cho đồng dội Jesper Olsen để thực hiện một pha phối hợp làm ngỡ ngàng tất cả, từ đối thủ, CĐV cho đến các BLV. Khi được hỏi vì sao lại thực hiện quả chuyền như vậy, Cruyff nói: “Vì khán giả luôn thích những gì mới mẻ”.


Câu trả lời ấy chính là triết lý bóng đá của Cruyff: luôn hướng về số đông, luôn sáng tạo ra những điều mới mẻ. Giống như một phiên bản đi trước của Eric Cantona, Cruyff luôn có những phát ngôn gây sốc, nhưng lại đầy tính chiêm nghiệm, chẳng hạn: “Điều khó khăn nhất trong một trận đấu dễ dàng là khiến cho đối thủ của bạn chơi thứ bóng đá tệ hại”.

Cruyff là sự kết hợp của tài năng, sự khôn ngoan và hết mình vì công việc. Pele và Beckenbauer là những tượng đài bất tử, nhưng Cruyff lại mang tính biểu tượng cao hơn. Người ta bảo sự xuất hiện của ông đã làm thay đổi lịch sử bóng đá thế giới vĩnh viễn. Không một ai để lại di sản sau khi đã giải nghệ nhiều hơn là Cruyff. Ông chơi bóng giỏi hơn bất kỳ ai trong thời của mình và ông cũng hiểu môn thể thao này hơn bất kỳ ai.

Trước Cruyff, không ai chơi bóng như thế và cũng không ai nói những lời như thế. 

DIMITAR BERBATOV
Các CĐV bóng đá rất ghét những cầu thủ lười biếng. Họ muốn những người hùng sân cỏ rời sân trong chiếc áo đã ướt sũng vì mồ hôi, thậm chí là cả máu. Họ muốn thấy cầu thủ mà mình ủng hộ luôn nỗ lực cho đến những giây cuối cùng. Thế nhưng vẫn có một ngoại lệ: Dimitar Berbatov, người mà tờ Guardian từng mô tả là: “Không hề chơi bóng đá, cũng không ham thích bóng đá bởi vì Dimitar cao hơn thế”.


Berbatov là tuýp cầu thủ có thể rời sân mà chiếc áo vẫn khô ráo vì anh quan niệm chơi bóng nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch như một quý ông. Ta chả bao giờ thấy Berbatov hộc tốc đuổi theo một quả bóng hay nỗ lực nhảy lên tranh một pha bóng bổng bằng mọi giá. 

Đấy là cầu thủ ghi những bàn siêu tưởng nhất và bỏ qua những cơ hội ngỡ như dễ dàng nhất. Bề ngoài của Berbatov rất giống với Andy Garcia. Và bản thân Berbatov cũng cố học theo phong thái lịch lãm của diễn viên người Tây Ban Nha. “Tôi cố học theo cách hút thuốc của Andy vì nhìn nó rất ngầu”, Berbatov nói.

Từng bị các đồng đội chê là quá lười biếng, Berbatov đã có một câu trả lời theo phong cách của riêng mình. Lễ Tặng quà năm 2012, anh ghi 1 bàn và lột chiếc áo đấu, để lộ chiếc áo thun với thông điệp: “Cứ bình tĩnh mà chuyền bóng cho tôi”.

“Tôi luôn nghĩ là mình ghi được những bàn thắng đẹp, vì đấy là mục tiêu của tôi khi bước ra sân cỏ: ghi bàn thật đẹp, tạo ra những pha bóng thật đẹp”.

RIVELLINO
Pele là ngôi sao số 1 không phải tranh cãi, Carlos Alberto là một thủ quân đầy bản lĩnh trong khi Jairzinho là chân sút số 1, nhưng không một ai có thể gói gọn được phong cách chơi bóng của “đội bóng thế kỷ” - Brazil 1970 - được như Rivellino.

Rivellino nổi tiếng với cái chân trái ma thuật, đôi vớ được xắn xuống còn phân nửa và một bộ râu rất... dâm đúng theo mốt của các “ngôi sao phim heo” đương thời, nhưng đấy lại là bộ râu khiến biết bao phụ nữ phải thổn thức.


Con trai của một gia đình người Italia nhập cư, Roberto Rivellino đã lấy chính cái họ của bố mình làm “nghệ danh” khi thi đấu, trái với tuyệt đại đa số các cầu thủ Brazil khác đều không dùng tên thật mà dùng biệt danh để in lên áo. Rivellino trưởng thành từ bóng đá đường phố, sau đó thành công với futsal và mau chóng trở thành một cái tên lẫy lừng dù còn rất trẻ. 

Các cầu thủ Brazil của thế hệ vàng 1970 có người sở hữu kỹ thuật siêu quần, có người lại tràn đầy sức mạnh, nhưng Rivellino là người hiếm hoi kết hợp được cả 2 yếu tố ấy. Ông là người giúp cho kỹ thuật đi bóng “Elastico” (đẩy bóng sang một bên rồi ngoặt bóng theo hướng ngược lại chỉ với một chân) trở nên nổi tiếng. Khi nói về động tác ấy, Rivellino mỉm cười: “Pele chẳng thể học theo được đâu, vì anh ta không đủ kỹ thuật”.

Rivellino là con người tiêu biểu của triết lý “Jogo Bonito” trứ danh của người Brazil, tức là bóng đá phải kết hợp với trình diễn. Ông từng than thở: “Bóng đá giờ quá nặng về chiến thuật và thể lực, bóng đá đẹp không còn hiện hữu nữa trong khi đấy là môn thể thao của quần chúng, vì quần chúng”.

“Khi còn là một cậu nhóc tôi vẫn thường xem Brazil thi đấu. Tôi chả quan tâm Pele làm gì vì tôi chú ý đến Rivellino nhiều hơn. Ông ấy sở hữu mọi phẩm chất mà tôi ước mơ. Với tôi Rivellino là tượng trưng cho nét đẹp của bóng đá”.  - Diego Maradona.

LEV YASHIN
Biệt danh của ông là “Nhện đen”, “Bạch tuộc đen” hoặc “Báo đen”, tất cả vì Yashin luôn ra sân với bộ trang phục màu đen huyền thoại. Trước Yashin, chưa từng có thủ môn nào đạt đến giá trị biểu tượng như thế.

World Cup 1958, giải Cúp thế giới đầu tiên được truyền hình đến toàn thế giới, cũng là lúc mà Yashin viết lại lịch sử thủ môn. Từ chỗ là một người chỉ quanh quẩn trong khu 5,50 mét, Yashin đã thật sự làm chủ được toàn bộ vòng cấm, liên tục hò hét chỉ đạo các hậu vệ và khởi đầu các đợt phản công với những cú ném bóng nhanh. Nhưng tài bắt phạt đền mới thật sự là “đặc sản” của “Nhện đen”. Trong sự nghiệp của mình Yashin đã thắng trong 150 lần đối mặt với đối phương trên chấm 11 mét. 


Hai năm sau đó, tức 1960, sau khi giành HCV Olympic 1956, Yashin tiếp tục dẫn Liên Xô đến chức vô địch EURO đầu tiên sau trận chung kết lịch sử với Nam Tư. Thất bại tại World Cup 1962 không làm cho vị trí của Yashin bị ảnh hưởng bởi vì cũng chỉ sau đó 1 năm, Yashin trở thành thủ môn đầu tiên và duy nhất cho đến nay giành Quả Bóng Vàng.

Vì lý do chính trị, cả cuộc đời Yashin chỉ được thi đấu cho Dynamo Moscow. Trong những chuyến du đấu, luôn có 2 vệ binh đi theo ông như hình với bóng để ngăn không cho “các thế lực phương Tây” lôi kéo ông thay đổi CLB. Và vì quá mến chuộng tài năng của Yashin, người ta cũng lờ đi những thói hư tật xấu của người thủ môn này như rượu chè và thuốc lá. Yashin nói: “Tôi chơi hay hơn và tập trung hơn sau khi bập một điếu thuốc. Còn rượu thì giúp tôi thức tỉnh những múi cơ”.

“Loại thủ môn nào mà không đau khổ, dày vò sau một bàn thua là loại thủ môn vứt đi. Anh ta phải đau đớn với bàn thua thứ 100 như với bàn thua thứ nhất vậy. Nếu anh ta mà bình thản thì coi như anh ta chết chắc. Bất kể anh ta đã làm gì trong quá khứ, người thủ môn ấy chắc chắn không thể có tương lai”.

ZVONIMIR BOBAN
Là một ngôi sao bóng đá hiếm hoi có học vấn đáng nể, Boban có bằng đại học về lịch sử và là người hâm mộ cuồng nhiệt của nhà thơ người Argentina Jorge Luis Borges. Thế nhưng điều đáng nhớ nhất khi mọi người nhắc đến Boban là anh đã đá một... cảnh sát. Ngày 13/5/1990 khi Dinamo Zagreb của Boban gặp Red Star Belgrade, Nam Tư đang là một quốc gia hấp hối. Khi bạo lực trên khán đài nổ ra và sau đó lan xuống sân cỏ, Boban nhìn thấy một cảnh sát đang đánh một CĐV Dinamo. Thủ quân của Zagreb liền xông đến và tung một cú đá cực mạnh vào giữa ngực của tay cảnh sát ấy.


Ngay lập tức, Boban trở thành người hùng bất tử trong lòng các CĐV Croatia nói riêng và cộng đồng dân chúng Croatia nói chung. Sau này, Boban đã nói về khoảnh khắc ấy: “Tôi nhìn thấy gì ở chính vào vào giây phút ấy ư? Tôi nhìn thấy một người của công chúng sẵn sàng hy sinh tất cả: cuộc sống, sự nghiệp và danh tiếng mà mình đã gầy dựng để bảo vệ điều mà anh ta cho là đúng”. Đấy là lý do vì sao rất nhiều người Croatia xem Boban như một hình mẫu để nói theo.

“Croatia là lẽ sống của đời tôi. Tôi yêu đất nước mình như yêu chính bản thân. Tôi sẵn sàng chết vì Croatia” .

SOCRATES
Ông đeo một chiếc băng đầu rất thời trang, có một bộ râu không lẫn vào đâu được, luôn mang gương mặt suy tư như triết gia Hy Lạp cùng tên và có cách sống quên thời gian của John Lennon.

Socrates học về y khoa (lý do ông có biệt danh là “bác sĩ”), nhưng ông là tay nghiện thuốc và nghiện rượu nặng. Ông rất yêu gia đình, nhưng lại chưa từng nói không với người phụ nữ nào thích lên giường với mình. 


Về tài năng, Socrates cũng là một nhân tài hiếm có ở đất nước vốn tràn ngập ngôi sao như Brazil. Chơi bóng tốt 2 chân, chuyền gót với độ chính xác tuyệt vời, luôn xâm nhập vòng cấm như từ dưới đất chui lên. Ông là thủ quân của đội tuyển Brazil được xưng tụng là đẹp nhất qua mọi thời đại hồi World Cup 1982. Về thất bại năm ấy, Socrates nói: “Cứ đá đẹp trước, chiến thắng là thứ 2. Điều quan trọng nhất của bóng đá chả phải là niềm vui sao?”

Ông có viết báo, đề tài chủ yếu là chính trị và kinh tế. Trước khi qua đời vào năm 2011, Socrates còn đang ấp ủ một cuốn tiểu thuyết về World Cup.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
33
+43
74
3
32
+44
73
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
32
+17
50
7
32
-1
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
32
+2
44
11
33
-7
43
12
34
-4
42
13
33
-12
42
14
34
-6
35
15
33
-15
34
16
33
-14
26
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
33
-56
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x