Những tập thể vĩ đại nhất lịch sử VCK EURO

Ngọc Trung
13:55 ngày 06-06-2016
Brazil năm 1970 luôn được xem là đội bóng vĩ đại nhất lịch sử World Cup, tại EURO cũng không thiếu những tập thể xuất chúng nhưng tìm ra đội bóng vĩ đại nhất là cả một vấn đề.

TÂY ĐỨC 1972

Người Đức thường biết đến như một nhân vật phản diện trong bóng đá. Thứ họ đem đến sân cỏ là lối chơi đầy toan tính, xù xì, xấu xí. Giống hình ảnh của một cỗ xe tăng, Die Mannschaft lầm lũi tiến đến chức vô địch bằng những chiến thắng sát nút nhàm chán. 

Một ai đó đã từng miêu tả về đội bóng này đầy chuẩn xác như sau: “Trận đấu có 90 phút và chiến thắng chung cuộc thuộc về người Đức”. Và nói chung, chứng kiến đội tuyển Đức thi đấu, những fan trung lập không bao giờ muốn họ chiến thắng, nhưng cuối cùng họ vẫn chiến thắng. 

Nhưng Tây Đức tại EURO 1972 là một ngoại lệ. Đó không phải là Tây Đức nhàm chán đã đánh bại Hà Lan đẹp lung linh trong trận chung kết World Cup 1974. Die Mannschaft thời điểm ấy trình diễn lối chơi Ramba Zamba fussball đầy màu sắc và sống động. Là “người tình” của mọi fan trung lập và tờ L’Equipe thì phải thốt lên: “Họ chơi thứ bóng đá của năm 2000”.

Đội hình tối ưu dự EURO 1972 của Tây Đức
Đội hình dự trận chung kết EURO 1972 của Tây Đức

Sự biến hóa của Tây Đức được thể hiện qua sơ đồ 1-3-3-3 với 3 hạt nhân Franz Beckenbauer, Guenter Netzer và Gerd Mueller trải đều ở 3 tuyến. Beckenbauer khai sinh ra khái niệm libero (hậu vệ quét) huyền ảo, Netzer là người dẫn dắt lối chơi với phong cách lãng tử còn Mueller sắm vai sát thủ, một trong những cỗ máy săn bàn đáng sợ nhất trong lịch sử bóng đá và được biết đến dưới biệt danh “Kẻ dội bom”.

Bộ ba này lợi hại như thế nào thì hãy chiêm ngưỡng lại bàn thắng mở tỷ số ở trận chung kết. Beckenbauer dẫn bóng xộc thẳng vào phần sân đối phương, bất kỳ hậu vệ nào khác mà làm như thế vào thời điểm ấy chắc chắn sẽ lập tức bị thay ra.

Đến sát vòng cấm, Beckenbauer chuyền bóng cho Mueller, Mueller lập tức nhả lại để Netzer tung cú vuốt bóng điệu nghệ đưa bóng tìm đến xà ngang. Vài giây sau, sau cú sút của Jupp Heynckess, Mueller như từ dưới đất chui lên dứt điểm tung lưới Liên Xô. Hơn 700 bàn trong sự nghiệp có đến 700 bàn “Kẻ dội bom” thực hiện theo cách ấy.

Năm đó, Tây Đức không chỉ vô địch châu Âu mà bộ ba Beckenbauer, Netzer và Mueller còn chia nhau ba vị trí dẫn đầu trong cuộc đua đến danh hiệu Quả bóng Vàng châu Âu.

Không như nhiều người nghĩ, Tây Đức trình diễn thứ bóng đá đầy quyến rũ tại EURO 1972
Không như nhiều người nghĩ, Tây Đức trình diễn thứ bóng đá đầy quyến rũ tại EURO 1972

PHÁP 1984

EURO 1984 là giải đấu của người Pháp. Họ đăng cai, họ vô địch và họ nẫng luôn danh hiệu Vua phá lưới với số bàn thắng kỷ lục (9 bàn). Hàng tiền vệ gồm Jean Tigana, Michel Platini, Alain Giresse, Luis Fernández của Les Bleus năm đó đi thì vào huyền thoại với biệt danh “Bộ tứ huyền ảo”.

Platini chính là chủ nhân danh hiệu Vua phá lưới, Jean Tigana và Luis Fernandez được báo giới ca ngợi “nên lưu buồng phổi của bộ đôi này vào bảo tàng FIFA” vì sự cơ động suốt 120 phút kịch chiến với Bồ Đào Nha tại bán kết còn Giresse gây ấn tượng bởi sự lắt léo.

Bộ tứ này dường như sinh ra để sát cánh cùng nhau. Họ không mất quá nhiều thời gian để tìm thấy sự ăn ý như thể “thần giao cách cảm”. Cụ thể, lần đầu tiên 4 cầu thủ này cùng hiện diện trên hàng tiền vệ Pháp là ở trận giao hữu với đội tuyển Anh 4 tháng trước khi EURO 1984 bắt đầu. Và họ cũng không phải là những người cùng một thế hệ, khi bước lên đỉnh cao nhất của bóng đá châu Âu, Jean Tigana và Platini 28 tuổi, Alain Giresse đã 31 tuổi còn Fernandez mới 24.

Đội hình tối ưu dự EURO 1984 của đội tuyển Pháp
Đội hình dự trận chung kết EURO 1984 của đội tuyển Pháp

HÀ LAN 1988

Nếu EURO 1984 phủ cái bóng của “bộ tứ huyền ảo” thì EURO 1988 in đậm dấu ấn của “bộ ba Hà Lan bay” gồm Frank Rijkaard, Ruud Gulit và Marco van Basten. Nhưng khác với Tây Đức với thế hệ Beckenbauer hay Pháp với thế hệ Michel Platini, Hà Lan không tiến băng băng đến trận chung kết, dù biệt danh của họ là “Cơn lốc màu da cam”.

Hà Lan lọt qua khe cửa hẹp tại vòng bảng bằng chiến thắng tối thiểu 1-0 trước CH Ireland nhờ pha lập công ở phút 82 của Wim Kieft, đánh bại Đức tại bán kết với tỷ số 2-1 nhờ bàn thắng ở phút 88 của Van Basten. Dù vậy, không vì thế mà cho rằng thầy trò Rinus Michels may mắt lết vào chung kết.

Hà Lan năm 88 vẫn quyến rũ như Hà Lan thời tổng lực những năm 1970. Nếu Kieft bỏ lỡ cơ hội ở phút 82 thì cũng như Rob Rensenbrink sút dội cột những phút cuối trận chung kết World Cup 1978, khi tỷ số đang là 1-1. Nếu đội bóng áo cam gục ngã trước Đức thì chẳng khác nào bi kịch chung kết World Cup 1974 lặp lại, nơi đội bóng hay hơn, đẹp hơn lại thất bại.

Và ở trận chung kết, Hà Lan hạ gục Liên Xô bằng siêu phẩm để đời của Van Basten. Không một kỳ EURO nào có kịch bản đẹp và viên mãn như thế.

Đội hình tối ưu dự EURO 1988 của đội tuyển Hà Lan
Đội hình dự trận chung kết EURO 1988 của đội tuyển Hà Lan

PHÁP 2000

Sau chức vô địch thế giới là chức vô địch châu Âu, đội tuyển Pháp những năm cuối thập niên 1990 đầu 2000 tạo nên sự thống trị tuyệt đối trên toàn cầu mà không cần thêm mỹ từ nào để mô tả. Và một tập thể đã vượt qua Hà Lan, Bồ Đào Nha hay Italia thời cực thịnh để đăng quang thì không thể không nằm trong danh sách những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử EURO.

Tại World Cup 1998, Les Bleus bước lên ngôi vô địch với lợi thế sân nhà và sự chắc chắn của hàng phòng ngự. Nhưng 2 năm sau, Zidane và các đồng đội bước lên đỉnh châu Âu lại bằng lối chơi tấn công quyến rũ. Chiến thắng ngược dòng trước đội bóng khai sinh ra Catenaccio và sở hữu trong đội hình những hậu vệ trứ danh như Maldini, Nesta... có thể chứng mình cho điều đó.

Và nếu như EURO 1984 chứng kiến Platini tỏa sáng rực rỡ thì EURO 2000 là giải đấu đưa Zidane bùng nổ dữ dội. Những pha xử lý bóng đầy ma thuật, những bàn thắng mang ý nghĩa quyết định (sút phạt vào lưới Tây Ban Nha, đá phạt đền vào lưới Bồ Đào Nha) của Zizou thời điểm đó chinh phục cả thế giới và đưa tên tuổi anh đi vào huyền thoại.

Đội hình tối ưu dự EURO 2000 của đội tuyển Pháp
Đội hình dự trận chung kết EURO 2000 của đội tuyển Pháp

TÂY BAN NHA 2008-2012

Tây Ban Nha là đội bóng duy nhất trong lịch sử bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu. Và mảng ký ức lịch sử của bóng đá xứ sở bò tót ấy vẫn còn tươi màu, với Iniesta-Xavi, với tiqui-taca.

Nếu so sánh giữa hai lần đăng quang, EURO 2008 là giải đấu mà La Furia Roja để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp hơn. Đó là lần đầu tiên sau 44 năm Tây Ban Nha vô địch một giải đấu lớn và mở ra một thời kỳ vàng son cho bóng đá xứ sở bò tót từ cấp đội tuyển đến CLB.

Không chỉ vậy, dưới sự dẫn dắt của HLV Luis Aragones, Tây Ban Nha giới thiệu đến thế giới lối chơi tiqui-taca huyễn hoặc, đầy cống hiến chứ không toan tính như sau này. Đó là tiqui-taca nguyên bản, khiến đối phương quay cuồng bởi những pha bật nhả tí tách luôn hướng trái bóng về phía trên.

Tại EURO 2012, khi cả thế giới đã quá hiểu tiqui-taca, Tây Ban Nha chuyển hóa sang lối chơi tiqui-taca thực dụng, hay còn gọi là tiqui-tacanaccio. Vẫn là những pha ban bật, nhưng trái bóng đi theo hướng ngang nhiều hơn là dọc. Chỉ đến trận chung kết với Italia, La Furia Roja mới thật sự bùng nổ, với Fabregas được bố trí thi đấu ở vị trí tiền đạo ảo.

Đội hình tối ưu dự EURO 2008 của đội tuyển Tây Ban Nha
Đội hình dự trận chung kết EURO 2008 của đội tuyển Tây Ban Nha
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x