HLV Troussier có sai lầm với quan điểm lấy công, bù thủ với U22 Việt Nam?

Trí Công Trí Công
11:53 ngày 14-05-2023
HLV Philippe Troussier đưa ra quan điểm rằng nếu giành chiến thắng, U22 Việt Nam của ông phải ghi bàn nhiều hơn đối phương. Nhưng quan điểm lấy công bù thủ ấy đã không chuyển hóa thành hiện thực, khi chính U22 Indonesia lại làm tốt hơn U22 Việt Nam ở phương diện đó tại trận bán kết SEA Games 2023.
HLV Troussier có sai lầm với quan điểm lấy công, bù thủ với U22 Việt Nam?

Sự thực dụng của người tiền nhiệm Park Hang Seo

Có một quan điểm mang tính cốt lõi, nếu đối chiếu sự khác nhau giữa HLV Philippe Troussier và HLV Park Hang Seo. Đó là cách mà 2 HLV này hướng đến chiến thắng. Với HLV Park Hang Seo, ưu tiên không thua trước khi giành thắng lợi là điều mà nhà cầm quân này chú trọng.

Tính thực dụng của ông Park yêu cầu một hàng phòng ngự chắc chắn, hạn chế số bàn thua tối đa. Trong chia sẻ trên mạng xã hội hôm qua, những cựu trợ lý của HLV Park Hang Seo cũng đã đề cập đến sự tập trung trong khoảng 15 phút đầu mỗi hiệp cũng như giai đoạn cuối trận đấu. Bởi đấy là thời điểm mang tính nhạy cảm nhất quyết định đến nhập cuộc, bước ngoặt và cục diện của toàn trận.

Điều này đặc biệt được thể hiện rõ ở VCK U23 châu Á 2018 và 2020, ASIAD 2018, AFF Cup 2018, SEA Games 2019, Asian Cup 2019, SEA Games 2021, vòng loại thứ 2 World Cup 2022 hay phần nào là AFF Cup 2020 và 2022. Ở những giải đấu này, Việt Nam của HLV Park Hang Seo để thủng lưới rất ít. Thậm chí là còn không chịu bàn thua nào như ở SEA Games 2021.

Một năm trước, U22 Việt Nam còn là hàng thủ bất khả xâm phạm tại SEA Games - Ảnh: Đức Cường

Cụ thể hơn, nhìn từ 10 chiến dịch quan trọng mang đến thành công lớn kể trên, Việt Nam của ông Park giữ sạch lưới tới 42 trận, trong số 63 trận. Số bàn thua trong 21 trận không giữ sạch lưới còn lại là 43 bàn. Tức là nếu tính trung bình trong tổng cộng 63 trận chính thức ở 9 chiến dịch kể trên, Việt Nam của ông Park chỉ chịu tỷ lệ 0,68 bàn/trận.

Đấy cũng là lý do vì sao Việt Nam của ông Park giành 1 chức vô địch AFF Cup, 2 Huy chương vàng SEA Games, Top 4 ASIAD, Top 8 Asian Cup, 1 HCB U23 châu Á và vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Kể cả khi Việt Nam của ông Park không thành công ở U23 châu Á 2020 hay AFF Cup 2020 và 2022 thì không thể phủ nhận, sự thực dụng trong đề cao phòng ngự của vị HLV này mang đến thành công đáng kể cho bóng đá Việt Nam.

Thay đổi của HLV Troussier cần thời gian kiểm chứng

Khác với HLV Park Hang Seo, ông Troussier đề cao hơn ở khả năng tấn công. Trong phát biểu gần nhất sau trận đấu với U22 Thái Lan, ông càng nêu bật quan điểm về sự ưu tiên tấn công cho đội nhà, thậm chí là chấp nhận năng lực phòng ngự sẽ bị suy giảm. “Với tôi, đội nhận bàn thua không có gì bất ngờ. Khi triển khai bóng cự ly đội hình mở ra rộng. Mục tiêu nếu thắng thì phải ghi nhiều bàn hơn đối phương. Nếu tỷ số 5-4 thì tôi cũng hài lòng”.

Đúng là so với Việt Nam thời ông Park, Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier cho thấy sự hiện diện quân số nhiều hơn bên phần sân đội bạn, với ý tưởng gây sức ép tầm cao và tổ chức mạch tấn công liên tục. Những chuyên gia phân tích chiến thuật dễ dàng chỉ ra khu vực mà Việt Nam của HLV Troussier phòng ngự nằm ở giữa sân, thay vì 1/3 cuối sân như ông Park.

Hàng công của U22 Việt Nam có triển vọng, nhưng chưa đủ ấn tượng để lấy công bù thủ - Ảnh: Đức Cường

Tất nhiên, việc áp dụng còn phải tùy vào môi trường và chất lượng nhân sự có trong tay ông Troussier. Và đáng tiếc, sức tấn công ấy của U22 Việt Nam là chưa đủ, trong khi hàng phòng ngự lại mắc nhiều lỗi. Sau 5 trận đấu đã qua, U22 Việt Nam ghi được 9 bàn thắng. Con số này đúng là cao hơn so với năm ngoái, khi U22 Việt Nam của ông Park giành Huy chương vàng với chỉ 8 pha lập công. Nhưng nó cũng chưa phải là con số quá ấn tượng, nếu như đối chiếu với 24 pha lập công mà U22 Việt Nam cũng chính của ông Park có được khi giành HCV SEA Games 2019.

HLV Shin Tae Yong của Indonesia sau khi theo dõi trận đấu của U22 Việt Nam và U22 Indonesia thẳng thắn chỉ ra rằng việc tận dụng cơ hội kém hơn đối thủ là lý do U22 Việt Nam thất bại. Và ngay cả khi đẩy cao nhịp độ tấn công ở 30 phút cuối trận, trong bối cảnh chơi hơn người thì đáng tiếc, sự vội vã trong những pha dứt điểm hay tổ chức lên bóng quyết định, cộng thêm cả sự thiếu may mắn trong một vài cơ hội đáng kể đã khiến U22 Việt Nam không thể có nhiều hơn 2 bàn thắng.

Tấn công là chưa đủ. Và hàng công cũng không thể bù cho hàng thủ có một kỳ SEA Games không hay. Sau 5 trận đã qua, đội đã thủng lưới tới 6 lần. Con số ấy còn lớn hơn cả 2 kỳ SEA Games gần nhất mà U22 Việt Nam lên đỉnh môn bóng đá nam! Bản thân ông Troussier cũng phải thừa nhận rằng, đội đã chịu những bàn thua không đáng có, trước Singapore, Lào, Thái Lan hay đặc biệt là trước Indonesia.

Tất nhiên, quan điểm lấy tấn công làm trọng yếu của HLV Troussier không sai. Nhất là khi ý tưởng ấy giúp các cầu thủ mạnh dạn và chủ động chơi bóng và lên bóng hơn. Nhưng để biến nó trở thành chiến thắng hay rộng hơn là chức vô địch, bản thân ông cũng cần tìm được sự cân đối giữa công và thủ, hay một lực lượng đủ mạnh để hàng công kiếm nhiều bàn thắng và hàng thủ cũng hạn chế số bàn thua ít nhất có thể.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Bảng tổng sắp
huy chương SEA Games 2023
Stt
Đoàn TT
Tổng
1
Việt Nam
136
105
118
359
2
Thái Lan
108
96
108
312
3
Indonesia
87
80
109
276
4
Campuchia
81
74
127
282
5
Philippines
58
85
117
260
6
Singapore
51
43
64
158
7
Malaysia
34
45
96
175
8
Myanmar
21
25
68
114
9
Lào
6
22
60
88
10
Brunei
2
1
6
9
11
Timor-Leste
0
0
4
4
Đừng bỏ lỡ
x