Nữ trọng tài Esports duy nhất ở SEA Games 2023: 'Tôi đã cống hiến cho Wushu và bây giờ là VALORANT'

Thành Đạt
09:43 ngày 12-05-2023
Tại SEA Games 2023, “bóng hồng” Đặng Tiểu Bình không còn khoác lên mình bộ trang phục thi đấu Wushu mà xuất hiện ở vị trí trọng tài môn VALORANT.
Nữ trọng tài Esports duy nhất ở SEA Games 2023: 'Tôi đã cống hiến cho Wushu và bây giờ là VALORANT'

 Trò chuyện cùng Tạp chí Bóng đá, cô nàng sinh năm 2000 nhận ra sự nghiệp 16 năm với Wushu đang giúp cô có thêm sức mạnh thể chất và tinh thần để có thể đưa Esports đi đến cái đích là được sánh ngang thể thao truyền thống tại Việt Nam.

- PV: Vào thời điểm bắt đầu tập Wushu, bạn và gia đình có thực sự coi đó là cuộc sống hay có thể gắn bó với nó như là nghề nghiệp không?

- Trọng tài Đặng Tiểu Bình: Khi còn nhỏ, tôi không hiểu thế nào gọi là đam mê và chỉ biết mình rất thích võ thuật vào năm 7 tuổi, lúc bắt đầu tập Wushu. Đến khi lớn lên, tôi cảm thấy niềm đam mê và có thể sống với Wushu nên quyết định theo chuyên nghiệp.

Tới năm 17 tuổi, tôi tưởng tượng ra cảnh mình sẽ làm huấn luyện viên môn Wushu sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Thời điểm ấy, tôi chỉ là đứa trẻ con mới lớn, nghĩ đơn giản rằng mình học cái gì thì sau này sẽ làm cái đó.

Nhưng khi trải qua những ngày tháng luyện tập và nhiều giải đấu, tôi nghĩ rằng một VĐV chưa chắc đã làm được HLV. Ngược lại, một huấn luyện viên chưa chắc đã là VĐV có thành tích cao. Cho tới khi hiểu được điều đó, tôi nghĩ rằng chừng nào còn thi đấu thì sẽ cống hiến hết mình, xác định không trở thành HLV vì cảm thấy bản thân chưa đạt được những điều kiện cần và đủ.

- Bước chuyển của bạn từ Wushu sang Esports giống như đi từ trắng sang đen, từ phải sang trái. Bạn thấy rằng cái được lớn nhất của mình từ Wushu mang vào công việc hiện tại là gì? 

- Cái được nhất mà tôi thấy là kinh nghiệm và sự quyết đoán. Thể chất của tôi cũng rất tốt nhờ nhiều năm tập luyện Wushu, qua đó có thể thích ứng với cường độ làm việc tại những sự kiện như SEA Games 2023. Ở đây, chỉ có mình tôi là trọng tài nữ. Hơn nữa, tôi có thể làm được những công việc của cả con trai lẫn con gái, hay làm hai đầu việc cùng lúc.

Tôi luôn muốn dùng những thứ đã tích lũy được từ thể thao truyền thống và Wushu để có thể cống hiến, giúp nền thể thao điện tử Việt Nam đi lên, được nhiều người biết đến và công nhận.

Với Esports, tôi cũng được vui, được cống hiến cho đất nước. Hát Quốc ca Việt Nam ở nước ngoài là cảm giác mà không phải bất kỳ ai cũng có thể được trải qua.

Tuyển VALORANT Việt Nam kết thúc hành trình tại SEA Games 2023 với tấm HCĐ 

- Làm thế nào mà bạn lại bắt đầu nghĩ rằng mình sẽ làm VALORANT nói riêng và Esports nói chung? Bước ngoặt đưa bạn đến với Esports là gì?

- Tôi “nghiện” chơi game và rất thích thú với máy tính từ khi còn nhỏ. Thậm chí, tôi còn được bố dạy chơi Đế Chế từ năm 5 tuổi. Bố tôi rất thích chơi Đế Chế và tới sau khi ly hôn với mẹ thì thứ mà ông để lại cho tôi nhiều nhất là “nghiện” game. Chính vì thế mà tôi cũng từng trốn học để đi chơi điện tử. Các bạn nữ thường đi chơi, cafe vào cuối tuần nhưng riêng tôi thì chỉ thích chơi game. 

- Mẹ của bạn là một nhà báo, có thể chưa tiếp xúc nhiều với Esports. Bà ấy đã nói thế nào về việc bạn nghỉ thi đấu Wushu và chuyển sang làm VALORANT, nhất là khi bạn còn chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM để sinh sống và làm việc?

- Trước đây, tôi không biết mình đã ăn bao nhiêu trận đòn từ mẹ vì tội trốn học đi chơi điện tử. Về sau, tôi giải thích với mẹ rất nhiều lần cái này rằng Esports cũng là hình thức thi đấu sử dụng trí não thay vì sử dụng tay chân giống Wushu. Bây giờ, mẹ tôi đã thay đổi suy nghĩ, và thậm chí còn cảm thấy tự hào khi nhìn thấy tôi xuất hiện trên sân khấu SEA Games 2023.

Mẹ cũng là người đồng hành, trải qua “đắng cay ngọt bùi” cùng tôi trong suốt 16 năm ăn tập Wushu. Khi tôi quyết định chuyển hướng sang Esports và vào TP.HCM để theo đuổi con đường mới, mẹ nói với tôi rằng: “Con hãy cứ đi, mẹ không băn khoăn với điều gì cả và chỉ cần biết là con có cảm thấy thực sự hạnh phúc hay không. Nếu con hạnh phúc với quyết định của con thì đi đâu cũng là nhà”.

- Với Esports, bạn định hướng thế nào trong lộ trình 3 năm tới? 

- Tôi nghĩ mình có thể làm được rất nhiều việc, chỉ là không biết rằng liệu có ai cần tới mình hay không. Nhiều năm qua, tôi đã cống hiến cho Wushu còn bây giờ với Esports và VALORANT cũng vậy. Nhưng tôi còn muốn đưa nó đi xa hơn nữa, bởi tôi cảm thấy Esports vẫn có quá ít người biết đến và công nhận.

Ở môn bóng đá, một tuyển thủ có thể chỉ cần đá 1 giải thôi là nổi danh, được cả đất nước biết và mọi người tung hô. Còn với Esports, tuyển thủ cũng phải bỏ công sức, cống hiến, hy sinh chứ không đơn giản là “chỉ ngồi chơi game” như mọi người nói. Nếu có thể làm một điều gì đó giúp nền Esports Việt Nam đi lên, chắc chắn tôi sẽ cống hiến hết mình. 

- Công việc chính hiện tại của bạn là gì? Bạn làm thế nào để đảm bảo được cuộc sống ở TP.HCM?

- Tôi đã sống vì Wushu nhưng không có nghĩa là không thể làm việc khác. Khi chuyển vào TP.HCM để theo đuổi Esports thì tôi làm trọng tài, KOL, dẫn chương trình và gương mặt đại diện cho kênh sóng của VALORANT Việt Nam. Tôi còn làm rất nhiều công việc thậm chí còn không có tên cụ thể. Lúc này, tôi nghĩ mình có thể làm nhiều thứ để cống hiến cho Esports. Song, tôi luôn quan niệm rằng nếu bản thân có tài năng thì không có nơi đâu hay công việc nào có thể cản được bước chân mình.

- Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện.
 

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Bảng tổng sắp
huy chương SEA Games 2023
Stt
Đoàn TT
Tổng
1
Việt Nam
136
105
118
359
2
Thái Lan
108
96
108
312
3
Indonesia
87
80
109
276
4
Campuchia
81
74
127
282
5
Philippines
58
85
117
260
6
Singapore
51
43
64
158
7
Malaysia
34
45
96
175
8
Myanmar
21
25
68
114
9
Lào
6
22
60
88
10
Brunei
2
1
6
9
11
Timor-Leste
0
0
4
4
Đừng bỏ lỡ
x