Lăng kính: "Trương Vô Kỵ" Messi giải cứu Cúp Vàng

Trần Minh
Từ 13:40 ngày 13-07-2014
Khi Argentina chạm trán với Đức, người ta chờ đợi cuộc tranh tài giữa ngôi sao số 1 với đội bóng có lối chơi tập thể đáng ngưỡng mộ nhất thế giới hiện nay.

Cuộc tử chiến ấy có rất nhiều điểm tương đồng với cuộc so tài kinh tâm động phách giữa Trương Vô Kỵ và 3 vị cao tăng của chùa Thiếu Lâm vào cuối tác phẩm “Cô gái Đồ Long”. Vô Kỵ chính là Messi, còn cách phối hợp của Độ Nạn, Độ Ách, Độ Kiếp khi thi triển Kim Cương Phục Ma Khuyên chính là tinh thần tập thể của Mannschaft.

Trong lịch sử bóng đá thế giới, hiếm có cầu thủ nào đạt đến sự hoàn thiện như Lionel Messi. Anh giỏi ở gần như mọi kỹ năng: giữ bóng, dốc bóng, chuyền bóng, sút bóng và cả đá phạt. Đã có lúc người ta chê Messi chỉ thuận chân trái, nhưng giờ thì anh cũng sử dụng chân phải tốt không kém. 

Trong tất cả các truyện của Kim Dung, nhân vật giống Messi nhất chính Trương Vô Kỵ. Trong những cuộc tranh luận bất tận về việc ai là thiên hạ đệ nhất cao thủ trong tiểu thuyết Kim Dung, Vô Kỵ dứt khoát phải có trong Top 5. Người luyện võ chỉ cần có một tuyệt chiêu là đủ vang danh thiên hạ. Đằng này Vô Kỵ vừa giỏi môn võ tối cao của Tây vực là Càn Khôn Đại Na Di, lại luyện Cửu Dương Thần Công đến mức thượng thừa, càng đánh càng khỏe, chưa kể món võ công đặc dị trên Thánh Hỏa Lệnh.

Trong tất cả các truyện của Kim Dung, nhân vật giống Messi nhất chính Trương Vô Kỵ

Messi và Vô Kỵ cũng có thời thơ ấu khổ sở vì bệnh tật. Nếu Messi bị chứng thiếu hormone tăng trưởng thì Vô Kỵ cũng trúng Huyền Minh thần chưởng đến chết đi sống lại. Họ cũng đều có tính cách hiền lành đến... phát chán. Ta gọi Messi và Vô Kỵ là những anh hùng không bản sắc. Nhưng chớ mà chê bai vào họ, fan của Vô Kỵ - Messi thuộc hàng đông đảo nhất hành tinh.

Nếu như Vô Kỵ - Messi hoàn hảo ở mọi tuyệt kỹ thì Kim Cương Phục Ma Khuyên - tức cách chơi đồng đội của tuyển Đức - chính là khắc tinh của anh. Tuyệt kỹ này lấy tinh nghĩa yếu chỉ từ kinh Kim Cương, điểm tối hậu là đạt đến vô ngã tướng, không còn phân biệt giữa ta với người, mọi việc đều là huyễn không. Ba vị cao tăng của Thiếu Lâm khi công cùng công, thủ cùng thủ, không có trước sau, không phân biệt vị trí. Nói cách khác, không có ai là “ngôi sao” trong trận thế ấy. 

Đấy đích thị là tiqui-taca phiên bản nâng cấp của đội tuyển Đức. Ở World Cup lần này, Mannschaft cũng gần như xóa nhòa ranh giới của những vị trí trên sân. Sami Khedira có thể nhô lên như một tiền vệ công, Mesut Oezil lại có thể lùi xuống như một tiền vệ thủ, Manuel Neuer nhiều khi băng ra như một libero. Khi Miroslav Klose rời sân, ai cũng có thể giữ vai trò ghi bàn. Đã có 8 người thay phiên nhau ghi bàn cho Đức. Trong 6 trận đã qua, Đức tung ra 3.421 đường chuyền, họ chuyền gấp 3 lần số đường chuyền trung bình của 32 đội bóng tại giải. 

Cũng như Độ Ách, Độ Nạn và Độ Kiếp, đội tuyển Đức không có ngôi sao, hoặc nói cách khác ai cũng có thể là ngôi sao. Trong “Cô gái Đồ Long”, võ công của Vô Kỵ về lý thuyết là không có đối thủ, thế nhưng 3 lần đối đầu với Kim Cương Phục Ma Khuyên, chàng thất bại đến 2 lần và chỉ thành công ở lần thứ 3.

Thật trùng hợp, đây cũng là kỳ World Cup thứ 3 mà người Đức ngáng đường Argentina. Hai lần trước Messi đều đã nếm mùi thất bại, ở World Cup 2006 anh chỉ ngồi dự bị, năm 2010 anh đá đủ 90 phút. Nếu như Vô Kỵ thành công ở lần thứ 3 và cứu được “Sư tử tóc vàng” (Kim Mao Sư Vương) thì liệu Messi có thành trong trong việc giải cứu... Cúp Vàng?
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x