Góc nhìn về TTCN Hè 2014: Lý lẽ của tư bản

LÊ THÀNH
08:42 ngày 07-09-2014
Man United không điên với trường hợp của Di Maria, cũng như Real Madrid không điên vì mua Gareth Bale, James Rodriguez, hay Barcelona không điên vì đã mang về Neymar, Suarez với những cái giá trên trời.
Góc nhìn về TTCN Hè 2014: Lý lẽ của tư bản
Đó là lý lẽ của tư bản: Chi tiền để tiền đẻ ra tiền, trong thời đại mà bóng đá đã trở thành một ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận khủng khiếp và thậm chí còn dễ dàng bị thao túng bởi những thế lực trong bóng tối.

15 năm trước, khi Inter Milan bỏ ra 50 triệu USD (tương đương hơn 30 triệu bảng) để mua tiền đạo Christian Vieri từ Lazio, tờ Người quan sát La Mã của Tòa thánh Vatican đã mỉa mai rằng đó là điều “sỉ nhục giá trị lao động”. Nhưng giờ thì sao? Một chân sút hạng khá như Romelu Lukaku hay một tiền vệ tiềm năng cỡ Ander Herrera giờ cũng có giá tương tự, và một trung vệ vô danh mới khoác áo tuyển Pháp ba lần như Mangala cũng được mua về với giá còn hơn thế (35 triệu bảng từ Porto sang Man City).

Trước khi Real Madrid mua Luis Figo và Zinedine Zidane, làm nên xương sống của thế hệ Galacticos 1.0, lợi nhuận của họ chỉ là 80 triệu bảng/năm. Sau khi có hai ngôi sao này, Madrid thu về gấp ba lần con số ấy! Mọi thứ đều tăng trưởng theo những hợp đồng bị cho là điên rồ ấy, từ bán vé, tài trợ, bản quyền truyền hình, bán áo đấu... v.v

Bốn năm trước, số tiền báo áo đấu có in tên Cristiano Ronaldo đã vượt quá 80 triệu bảng, chi phí mà Real Madrid đã phải bỏ ra để đưa anh về từ Man United. Ronaldo chỉ mất một năm để “trả nợ” cho đội bóng đã chấp nhận bỏ tiền mua anh. Mùa Hè này, chỉ sau 48 giờ ký hợp đồng với James Rodriguez, một tân binh chịu rất nhiều nghi ngờ, Real Madrid bán được 345 nghìn chiếc áo đấu có tên anh!


Top 4 của danh sách các CLB bán áo đấu nhiều nhất năm qua đều là những đội chạy đua vũ trang tích cực nhất vài mùa qua: Đứng đầu là Real Madrid (1.4 triệu áo đấu bán ra), thứ hai là Man United (1.4 triệu), sau đó lần lượt là Barcelona (1.3 triệu) và Chelsea (910 nghìn). Trong khi đó, một CLB được xem là mẫu mực về tài chính như Bayern chỉ xếp thứ năm, với 880 nghìn áo đấu bán ra một năm.

Cuộc cách mạng về bản quyền truyền hình và tính phổ biến của bóng đá đã đẩy giá chuyển nhượng lên cao ngất ngưởng. Vì thế, nhìn dưới lăng kính kinh tế, thì đây đơn giản là một vụ đầu tư đáng giá. Man United đã tiêu 150 triệu bảng mùa Hè này, một con số có thể khiến Thế giới kinh hãi, nhưng đó chỉ là con số chết chóc một khi không ai còn xem họ thi đấu, không ai bỏ tiền vào sân Old Trafford mỗi cuối tuần và không hãng truyền hình nào trả tiền để phát các trận đấu của họ.

Những vụ chuyển nhượng điên rồ đơn giản là kết quả của bài toán thị hiếu: Bóng đá được hàng tỉ người theo dõi trên toàn cầu, và trong bối cảnh Thế giới oằn mình dưới cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì với các đội bóng lớn, các CĐV vẫn đến sân đều đặn vào mỗi cuối tuần, chiêm ngưỡng các siêu sao, và không ngại thọc tay vào túi để làm giàu cho đội bóng họ yêu. 

Thế nên, chẳng có sự điên rồ nào ở đây cả. Tất cả đều vận hành theo lý lẽ của đồng tiền.

Khi chuyển nhượng cũng là nơi rửa tiền
Khi Lazio mua Hernan Crespo từ Parma vào mùa Hè 2000, cả hai khai trên giấy tờ rằng giá của vụ chuyển nhượng này là hơn 53 triệu USD, nhưng trên thực tế, chỉ có 1/5 số tiền ấy chảy về đội bóng Thủ đô, còn lại là giá trị ảo để rửa tiền và bù lỗ. Vụ mua Gianluigi Lentini từ Torino sang AC Milan vào năm 1992 được khai là có giá trị 13 triệu bảng, nhưng con số thực tế có thể gấp ba lần như thế, và việc khai thiếu được phục vụ cho mục đích trốn thuế. 


Đầu năm nay, vụ chuyển nhượng Neymar từ Santos sang Barcelona bị điều tra vì sự bất nhất trên giấy tờ và thực tế: Barcelona khai giá trị của bản hợp đồng này là hơn 45 triệu bảng, trong khi Santos tuyên bố họ mới nhận được hơn 13 triệu bảng. Vậy thì còn 32 triệu nữa đã “bốc hơi” đi đâu? Đôi khi, giá trị thực của các thương vụ kinh khủng chỉ nằm trong bóng tối.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x