Chuyển nhượng Hè 2017: Thời của các hậu vệ

Kinh Thi Kinh Thi
14:09 ngày 12-06-2017
Liverpool đã phải xin lỗi Southampton và tạm thời khép lại chiến dịch chiêu mộ hậu vệ Virgil van Dijk chẳng qua vì họ tiếp xúc “không đúng quy trình”. Vấn đề đáng chú ý nhất trong câu chuyện này lại nằm ở chỗ khác: Van Dijk là ai mà Liverpool sẵn sàng chi đến 60 triệu bảng để mua?
Chuyển nhượng Hè 2017: Thời của các hậu vệ

Vì sao Klopp quyết mua Van Dijk?

Có lỗi thì phải bắt, thế thôi. Đâu ai cấm Liverpool làm lại từ đầu, gõ đúng cửa để hỏi mua Van Dijk! HLV Juergen Klopp vẫn có thể rước về trung vệ mà ông ưa thích nếu đáp ứng cái giá 70 triệu bảng của Southampton! Chênh lệch 10 triệu ở tầm mức ấy mà còn lăn tăn đến nỗi sai luật và phải chính thức xin lỗi, thì cứ nói luôn: Klopp chỉ là gã “tay mơ” trên thị trường chuyển nhượng. Biết thế, Southampton càng cố ép giá, thay vì thỏa hiệp.

Lại còn nảy sinh một vấn đề khác. Với một hậu vệ sắp tròn 26 tuổi vẫn chưa từng dự một giải đấu lớn, mới 12 lần khoác áo ĐT Hà Lan trong thời kỳ lụn bại nhất của đội tuyển này, mà Liverpool còn muốn mua về với giá 60 triệu bảng, thì Klopp sẽ chi bao nhiêu nếu ông tìm ra một giải pháp khác? Giải pháp thay thế Van Dijk chắc là không thiếu.

Hơn 20 năm về trước, Phil Babb gia nhập Liverpool với giá 3,6 triệu bảng - kỷ lục chuyển nhượng trong làng bóng đá Anh đối với hậu vệ khi ấy. Ngay hôm sau, John Scales trở thành đồng đội mới của Babb với giá 3,5 triệu bảng. Tổng cộng là hơn 7 triệu bảng cho cặp hậu vệ đắt nhất trong lịch sử bóng đá Anh! HLV Roy Evans quyết chí thay đổi hàng thủ đã thủng lưới 55 bàn ở mùa bóng trước đó, bằng cách chi tiền mua hậu vệ.

Giờ là Klopp. Ông tạo dựng tên tuổi ở Dortmund, bắt đầu từ mùa bóng 2008/09. Ở mùa trước đó, Dortmund thủng lưới 62 bàn (nhiều nhất Bundesliga), đứng cách 3 bậc so với nhóm rớt hạng. Klopp thay cặp trung vệ. Dortmund lập tức vươn lên vị trí số 6, với số bàn thua ít hơn tất cả các đội xếp trên. Đến Liverpool, Klopp cũng có chút thành công, nhưng không che được sở đoản phòng ngự cho đội bóng này. Không có gì lạ khi ông soạn lại bổn cũ: chi tiền mua trung vệ. Gấp 10 lần cặp trung vệ có giá kỷ lục ngày xưa, Liverpool vẫn mua?


Thời của các loại triết lý

Sao không tập đến nhuyễn cách phòng thủ chống sút phạt, rà soát hệ thống phòng thủ sao cho kín kẽ, thay vì rải tiền mua sắm hậu vệ? Đừng quá quan tâm chiến thuật của Klopp, bởi ông huấn luyện bằng triết lý. Với Klopp, cứ chạy nhanh hơn, đến trước đối phương một bước, thì chiến thuật gì cũng thắng.

Đây là thời kỳ của các triết lý trong bóng đá đỉnh cao. Jose Mourinho nặng về triết lý. Pep Guardiola càng quá triết lý. Triết lý Wenger... vẫn sống. Sắp tới có thể lại thêm triết lý Zinedine Zidane. Đâu là bài bản rõ ràng, là dấu ấn chiến thuật trong 2 chức vô địch Champions League mang tính lịch sử của Zidane? Chiến thuật ư? Leonardo Jardim từng có ý định sang Trung Quốc kiếm tiền trong khi Carlo Ancelotti giờ chỉ còn biết im hơi lặng tiếng.

Đặc điểm của các HLV nặng về triết lý là đội bóng phải theo họ (chứ họ không làm việc theo hoàn cảnh sẵn có). Muốn vậy, phải mua cầu thủ đúng mẫu ưng ý của HLV. Mùa trước, Man City chi đậm 47,5 triệu bảng để có John Stones trước tiên vì anh này “biết chơi bóng”, đúng mẫu ưa thích của Pep. Hậu vệ phải giỏi kỹ thuật, biết chuyền để giữ bóng ngay trong khu vực phòng ngự thay vì cứ phá bóng một cách đơn giản. Stones thậm chí còn dám lừa bóng qua người ngay trong khu 16m50 của mình.

Đấy chỉ là một ví dụ. Arsene Wenger vốn hà tiện vẫn chi 35 triệu bảng để có Shkodran Mustafi là ví dụ khác. Nhìn chung, các HLV đều muốn có mẫu cầu thủ ưng ý để xây dựng hàng thủ theo đúng ý đồ. Ngôi sao phía trên dĩ nhiên cũng cần, nhưng yêu cầu chuyên môn không quá nặng nề, vì ngôi sao tấn công khi nào cũng linh động hơn, phụ thuộc ít hơn vào yêu cầu của HLV. Tất nhiên, còn phải nhắc đến tình trạng quá giàu có của các CLB Anh, làm cho việc mua hậu vệ ưng ý trở nên dễ dàng. Thiên hạ vẫn mua sắm đều. Nhưng nổi bật trong thời kỳ này đang là sự lên giá vùn vụt của các hậu vệ.

CON SỐ
30 Dưới thời Sir Alex, hậu vệ đắt giá nhất là Ferdinand có giá 30 triệu bảng. Sau khi Sir Alex nghỉ  hưu, M.U đã mua 3 hậu vệ với giá từ 30 triệu bảng trở lên gồm Shaw, Bailly và Lindelof.
137,2 Là số tiền (triệu bảng) mà M.U đã chi vào thị trường chuyển nhượng để mua cầu thủ thời kỳ hậu Alex Ferguson.

Hậu vệ lên giá nhanh như thế nào?

Cả 5 bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới cho một hậu vệ đều xuất hiện chỉ trong vòng 3 năm gần đây. Ngược lại, đã 16 năm trôi qua, vẫn chưa ai xô ngã được kỷ lục về giá chuyển nhượng cho một thủ môn (Gianluigi Buffon chuyển từ Parma đến Juventus năm 2001). Gần một thập kỷ cũng đã trôi qua mà chỉ có 2 cầu thủ qua mặt Cristiano Ronaldo (2009) về giá chuyển nhượng (Gareth Bale năm 2013 và Paul Pogba năm 2016).

Trào lưu sẽ còn tiếp tục

Hậu vệ đắt giá nhất thế giới, David Luiz (50 triệu bảng) thật ra chỉ đứng thứ 14 trong danh sách các cầu thủ có giá chuyển nhượng cao nhất thế giới tính đến trước Hè này. Ngoài Luiz, chỉ có một hậu vệ khác trong Top 25 là John Stones của Man City. Xem ra, hàng ngũ “hậu vệ đắt giá” trong làng bóng đỉnh cao vẫn chưa đến mức bão hòa.


Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x