EURO thay đổi bóng đá châu Âu như thế nào (Kỳ 1)

Lộc Trần
13:57 ngày 25-05-2016
Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, VCK EURO đã không còn chỉ là nơi các đội bóng châu Âu đến tranh tài. Đây còn là sự kiện thay đổi và đánh dấu bộ mặt bóng đá lục địa già trong từng giai đoạn nhất định.

EURO 1992: KỲ TÍCH ĐAN MẠCH VÀ BƯỚC NGOẶT THAY ĐỔI CHÂU ÂU

EURO 1992 xứng đáng là cầu nối từ quá khứ đến hiện tại. Đây là kỳ đại hội châu Âu cuối cùng có 8 nước tham dự, một trận thắng chỉ giành được 2 điểm cũng như thủ môn vẫn được bắt bóng khi đồng đội chuyền về. Đó là kỳ EURO cuối cùng đội bóng Liên Xô tham dự nhưng lại là lần đầu tiên của nước Đức thống nhất.

Tại Thụy Điển, đội bóng tí hon Đan Mạch đã viết ra câu chuyện cổ tích có 1 không 2. Đan Mạch chỉ được tham dự khi Nam Tư cũ bất ngờ bị loại. “Những chú lính chì” vượt qua vòng bảng bao gồm toàn ông lớn như chủ nhà Thụy Điển, Anh, Pháp với chỉ 1 chiến thắng. Sau đó thầy trò Richard Moller-Nielsen vượt qua Hà Lan 5-4 trên loạt luân lưu ở vòng bán kết.

Trong trận chung kết, trước một nước Đức non trẻ nhưng sở hữu dàn hảo thủ đáng mơ ước, Đan Mạch hoàn tất bất ngờ với chiến thắng thuyết phục 2-0, qua đó đoạt chức vô địch EURO duy nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Chức vô địch không tưởng của Đan Mạch
Chức vô địch không tưởng của Đan Mạch

Làn gió mới lạ từ Đan Mạch thổi bừng sức sống mới mẻ ra khắp châu Âu. Tại nước Anh, dự án về một giải đấu lớn mang tên Super League đã được manh nha từ thập kỷ 80. Từ những hạt nhân như Arsenal, Everton, Liverpool, M.U và Tottenham Hotspur, các đội bóng lớn tại Anh muốn tạo ra một sân chơi khác biệt so với hệ thống còn lại, vốn tồn tại gần thế kỷ qua. Đến năm 1991, phán quyết từ Thẩm phán Rose mở đường cho kế hoạch tách giải VĐQG hàng đầu nước Anh ra khỏi phần còn lại.

Cuối cùng, sau kỳ EURO điên rồ tại Thụy Điển, Premier League (Ngoại hạng Anh) đã ra đời với niềm hân hoan về một cuộc lật đổ và thay đổi bộ mặt thế giới bóng đá của nước Anh. Phần còn lại thì không cần phải nói, Ngoại hạng Anh đã chứng minh bước đi đúng đắn về sự chuyển giao này khi đang là sân chơi hấp dẫn số 1 thế giới.

Phán quyết của tòa án tạo tiền đề cho sự ra đời của Ngoại hạng Anh được đăng tải trên The Guardian
Phán quyết của tòa án tạo tiền đề cho sự ra đời của Ngoại hạng Anh được đăng tải trên truyền thông

Không dừng lại ở đó, cơn bão thay đổi thể thức còn lan sang cả UEFA. Với đứa con chiến lược là European Champion Clubs' Cup, hay đơn giản là European Cup (còn được hiểu là Cúp C1) đang đi vào ngõ cụt, cơ quan quyền lực nhất bóng đá châu Âu quyết định thay đổi. Phiên bản dùng từ năm 1955 chỉ dành cho các nhà vô địch của các giải VĐQG dự các trận knock-out. Đến thập kỷ 90, UEFA có ý tưởng về một giải đấu có sự tham dự của các đội xếp từ thứ 2 trở xuống ở các giải VĐQG và mở rộng giải đấu bao gồm cả vòng bảng.

Đến năm 1992, Champions League hào nhoáng ra đời với những thay đổi chính: bổ sung vòng bảng vào giải đấu cũng như cho phép 1 quốc gia có thể có nhiều đội tham dự. Như vậy, ngay đến các đội bóng nhỏ của các quốc gia nhược tiểu (như Đan Mạch tại EURO 1992), cũng có thể tham dự ngày hội chung. Đây là một bước tiến lớn về nhận thức và tạo ra cơ sở cho bóng đá của cả châu Âu bây giờ. 


EURO 1996: NGÀY TRỞ LẠI CỦA BÓNG ĐÁ ĐỨC

Bốn năm sau ngày lỡ hẹn ngôi vương trên đất Thụy Điển, ĐT Đức đến EURO 1996 với quyết tâm rất cao. Đó là kỳ đại hội nằm bên kia eo biển Manche, trên đất Anh đầy mưa gió. Kể từ World Cup 1966, nước Anh mới lại đăng cai một kỳ đại hội lớn đến như thế và quyết tâm vô địch EURO lần đầu tiên của đội chủ nhà là vô cùng lớn.

Tuy nhiên, mơ ước của đội chủ nhà vấp phải sự kháng cự quyết liệt của “Những cỗ xe tăng” Đức. Trước sự chứng kiến của 75.862 khán giả trong trận bán kết tại Wembley, thầy trò Berti Vogts lội ngược dòng đánh bại đội chủ nhà trên chấm luân lưu định mệnh. Người Anh gục ngã trước cửa thiên đường, nhường suất đi tiếp cho kẻ thù không đội trời chung. Đúng như dự đoán, Đức thêm một lần ngược dòng, lần này là trước CH Czech để có lần thứ 3 nâng cao chức vô địch EURO.

Lần gần nhất ĐT Đức làm được điều này đã cách đó 16 năm, tại EURO 1980. Ngoài chiếc cúp bạc, ĐT Đức còn có Matthias Sammer đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu. Anh cùng thủ môn Andreas Koepke và tiền vệ Dieter Eilts lọt vào đội hình tiêu biểu của EURO 1996. 

Chức vô địch Champions League mùa 1996/97 của Dortmund
Chức vô địch Champions League mùa 1996/97 của Dortmund

Chức vô địch vào mùa Hè đó là tiền để không thể tốt hơn cho sự trở lại của bóng đá Đức. Sau đó đúng 1 năm, Dortmund vô địch Champions League ngay trước mũi Juventus, trong thời kỳ mà bóng đá châu Âu nằm dưới ách thống trị của Serie A. 

Cúp bạc Champions League khi đó là một điều không tưởng với người Đức nếu biết rằng lần gần nhất họ có 1 đại diện góp mặt trong trận chung kết đã từ mùa 1986/87. Còn lần gần nhất người Đức đăng quang cũng đã từ mùa 1982/83, khi đó Hamburg đã vượt qua chính Juventus tại Athens. 

Kể từ mùa 1996/97, Bundesliga đã có thêm đại diện ở 3 trận chung kết chỉ trong vòng 5 mùa. Người Đức không còn chỉ là hào quang xưa cũ mà đã thực sự trở lại sau cú hích từ EURO 1996.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x