- Bongdaplus.vn

LỊCH SỬ GIẢI THƯỞNG “QUẢ BÓNG VÀNG” CỦA FRANCE FOOTBALL

Hẳn chúng ta đều nhớ điển tích kinh điển dẫn tới cuộc chiến thành Troia nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp có liên quan đến một phần thưởng. Đó là trái táo vàng có khắc dòng chữ “Dành cho nữ thần đẹp nhất” được nữ thần bất hoà Eris lăn vào giữa bàn tiệc đầy rẫy dung nhan. Lập tức, một màn tranh giành khủng khiếp đã diễn ra…

Hàng nghìn năm sau, tính từ mốc diễn ra cuộc chiến thành Troia vốn nảy sinh từ màn giành giật Quả Táo Vàng, tương đương danh hiệu Nữ Thần Đẹp Nhất, tại xứ Gaulois, người Pháp lại tạo ra Quả Bóng Vàng để trao cho Cầu Thủ Xuất Sắc Nhất Thế Giới.

Chẳng cần phải nói, để sở hữu được Quả Bóng Vàng, rõ ràng còn khắc nghiệt hơn Quả Táo Vàng rất nhiều. Phần thưởng của nữ thần Eris chỉ là sự giành giật của 3 nữ thần là Hera, Atena và Aphroditeur. Còn phần thưởng của tạp chí France Football lại bị cạnh tranh bởi hàng chục danh thủ túc cầu hạng nhất.

Cực khó để minh định chính xác được ai sẽ là chủ nhân của Quả Bóng Vàng một cách khắp nơi đều tâm phục, khẩu phục. Tuy nhiên, sự chính xác hay lẽ công bằng cũng chỉ mang tính tương đối, khó có thể tuyệt đối như các định lý toán học được.

Nếu như Quả Táo Vàng trao cho Aphroditeur được đánh giá là một phán quyết của hoàng tử Paris bởi thế gian này, ai có thể đẹp bằng nữ thần Sắc đẹp và Tình yêu? Và vẻ đẹp của nàng được cân đo đong đếm bằng những chỉ số hình thể, vẻ khả ái, gợi cảm và cuốn hút, vân vân và vân vân, như thi Hoa hậu vậy.

Nhưng làm thế nào để chọn ra một Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới đây? Tất nhiên phải dựa vào những chỉ số như danh hiệu, bàn thắng, mức độ đóng góp của cầu thủ đó với một đội bóng trong năm bình bầu. Và người đứng ra bình bầu chính là các nhà báo thể thao.

Kể từ khi Quả Bóng Vàng của tạp chí France Football xuất hiện, nó đã mê hoặc cả thế giới. Bất chấp một thực tế, Quả Bóng Vàng ở giai đoạn khởi thuỷ vốn chỉ dành cho giới cầu thủ châu Âu, đang thi đấu tại các CLB châu Âu, chứ không mang tính hoàn cầu như bây giờ.

Có thể nói, đấy là miền đất cấm đối với phần còn lại của bóng đá thế giới. Pele, Maradona có là Vua bóng đá hay Thánh của người Argentina ư? Không cần biết, Quả Bóng Vàng sẽ không bao giờ thuộc về những vĩ nhân sân cỏ này bởi họ không đủ điều kiện để đưa vào danh sách xét tuyển.

Phải sau 40 năm, khi mà cái Tôi ngạo nghễ của châu Âu đã biết khiêm nhường hơn trước những giá trị của các lục địa khác, không còn quá tự hào với danh xưng Lục địa Già của mình, Quả Bóng Vàng mới đoái hoài đến những cầu thủ phi châu Âu, nhưng vẫn phải đang thi đấu cho một đội bóng của châu Âu.

Cái tên George Weah giờ đây có thể xa lạ với những người hâm mộ bóng đá trẻ, hoặc họ chỉ biết đó là đương kim Tổng thống của đất nước Liberia, nhưng ông là một cột mốc của Quả Bóng Vàng, khi trở thành cầu thủ châu Phi đầu tiên, cầu thủ ngoài châu Âu đầu tiên nhận giải thưởng cao quý này vào năm 1995.

Và rồi, cũng đến ngày Quả Bóng Vàng được toàn cầu hoá. Bất kể cầu thủ mang quốc tịch nào, đang thi đấu ở đâu, hễ nhận được nhiều bình chọn của giới phóng viên thể thao, thì sẽ trở thành chủ nhân của Quả Bóng Vàng. Độ khó của game tăng lên bởi mức độ phức tạp và mở rộng của nó.

Và rõ ràng, dù vẫn còn rất nhiều điều tiếng – thì cuộc bình bầu nào mà chẳng có điều tiếng – càng ngày, danh tiếng của Quả Bóng Vàng càng gia tăng, song song với sự phát triển vũ bão của bóng đá. Chúng ta có thể thấy rằng, bóng đá của những năm đầu thế kỷ 21 đã khác rất xa bóng đá của thế kỷ 20.

Bây giờ, bóng đá là một cỗ máy kiếm tiền khổng lồ và mỗi ngôi sao sân cỏ đều là nhân vật có tầm ảnh hưởng. Chính vì thế, những danh hiệu như Quả Bóng Vàng không chỉ còn mang tính khích lệ, danh dự như ý nghĩa sơ khởi của nó, mà đã biến thành một chứng chỉ ISO danh giá cho các mục đích khác.

Hãy hỏi Stanley Matthews, chủ nhân Quả Bóng Vàng đầu tiên (1965) xem tiền vệ của CLB Blackpool này đã sử dụng phần thưởng đó như thế nào và hãy hỏi Cristiano Ronaldo, chủ nhân của 5 Quả Bóng Vàng trong thế kỉ 21 xem phần thưởng đã đem lại những gì cho mình thì chúng ta sẽ thấy Quả Bóng Vàng đã biến đổi như thế nào.

Với Sir Stanley, Quả Bóng Vàng chỉ là một tặng phẩm danh giá, xứng đáng được trưng bày ở một vị trí đẹp đẽ trong căn phòng của mình. Chỉ thế mà thôi. Còn với Ronaldo, ngoài vấn đề tôn vinh cá nhân, Quả Bóng Vàng còn phát triển giá trị thương hiệu cho chủ nhân, giúp chủ nhân kiếm thêm hàng mớ tiền từ vô số hoạt động kinh doanh nhãn hiệu bản thân…

Nhưng sự khác biệt này cũng là điều bình thường, phù hợp với quy luật phát triển. Để có cái nhìn thấu đáo hơn về Quả Bóng Vàng, hãy lần ngược thời gian về thời điểm nó đươc khởi sinh.

Người Anh sản sinh ra bóng đá nhưng người Pháp mới chính là những người nuôi lớn bóng đá, biến nó trở thành bộ môn thể thao vua. Lý lẽ để đưa ra nhận định nêu trên là hầu hết những giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, khiến những tín đồ túc cầu giáo như phát cuồng trong suốt trăm qua đều là sản phẩm của người Pháp.

World Cup là tuyệt tác thành hình dưới bàn tay nhào nặn của cố chủ tịch FIFA Jules Rimet. EURO, cũng là một sản phẩm của người Pháp khác có tên Henri Delaunay. Ngày nay, World Cup và EURO chính là 2 sự kiện bóng đá trị giá hàng tỉ USD, đem về vô số lợi nhuận cho FIFA và UEFA.

Nhưng chưa hết, Champions League, giải đấu danh giá nhất cấp CLB, cũng do người Pháp tạo ra. Tiền thân của Champions League là Cúp C1 châu Âu và nó được sáng lập bởi Jacques Ferran và Gabriel Hanot.

Ngược dòng thời gian trở về 60 năm trước, cây bút Jacques Ferran có mặt tại Santiago, Chile, để theo dõi và đưa tin về Giải vô địch các CLB Nam Mỹ, tiền thân của Copa Libertadores. Ông lập tức bị cuốn hút bởi ý tưởng tổ chức một sân chơi để các CLB mạnh nhất châu Âu so tài và đã bàn bạc với người đồng nghiệp Gabriel Hanot.

Hanot dĩ nhiên ủng hộ và thậm chí dựa vào uy tín và tầm quan hệ, ông còn đề xuất ý tưởng lên Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA). Kết quả là trong kỳ đại hội được tổ chức vào tháng 3/1953, đề xuất này được phê duyệt. 2 năm sau, mùa giải 1955/56, Cúp C1 châu Âu chính thức ra đời.

Cùng thời điểm tạo ra sân chơi cho các đội bóng, Hanot còn phát triển một ý tưởng vĩ đại khác. Đó là tạo ra một diễn đàn để các đồng nghiệp bày tỏ quan điểm và tôn vinh cầu thủ xuất sắc nhất trong năm. Diễn đàn đó có tên là Quả Bóng Vàng châu Âu.

Cuộc trưng cầu đầu tiên được tổ chức vào năm 1956 và ngày 18/12/1956 đi vào lịch sử khi chứng kiến huyền thoại Stanley Matthews trở thành người đầu tiên đoạt Quả Bóng Vàng.

Từ đó đến nay, Quả Bóng Vàng luôn là danh hiệu cá nhân được thèm khát nhất trong làng túc cầu. Bất kể thương hiệu ấy chỉ được tạo ra bởi một tờ tạp chí chuyên về bóng đá. Và bất kể rất nhiều sản phẩm tương tự được tạo ra, trong đó có cả sản phẩm thuộc những cơ quan quyền lực bậc nhất trong thế giới bóng đá như FIFA hay UEFA.

Vậy thành công và sự trường tồn của Quả Bóng Vàng xuất phát từ đâu? Câu hỏi này không dễ để giải đáp. Tuy nhiên, ít nhất Quả Bóng Vàng có ba điểm vượt trội so với bất kỳ sản phẩm tương tự nào khác.

Thứ nhất dĩ nhiên là truyền thống. Quả Bóng Vàng ra đời từ thập niên 1950, tức đã tồn tại hơn 60 năm. Ngay cả giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới - The Best - của FIFA cũng mới chỉ có tuổi đời chưa đầy 30 năm.

Thứ hai là thương hiệu. Lấy ý tưởng từ danh hiệu Áo Vàng của giải đua xe đạp vĩ đại nhất hành tinh Tour de France (vẫn là sản phẩm của người Pháp), Quả Bóng Vàng là cái tên dễ hiểu, dễ đọc và đặc biệt gây ấn tượng. So với cái tên Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA, rõ ràng Quả Bóng Vàng dễ đi vào lòng người hơn.

Đơn cử giai đoạn phối trộn giữa hai danh hiệu này, dưới cái tên Quả Bóng Vàng FIFA thì thật trớ trêu là chính chữ FIFA làm giảm giá trị của ba chữ Quả Bóng Vàng chứ không phải ngược lại.

Không chỉ vậy, đi kèm thương hiệu là một bộ nhận diện quá ư bắt mắt. Đó là tác phẩm trái bóng bằng vàng được chế tác bởi những người thợ kim hoàn lành nghề bậc nhất Paris và được định giá khoảng 13.000 euro.

Cuối cùng là một quy chế rõ ràng, liền mạch và hợp thời. Cụ thể, những người tham gia bầu chọn Quả Bóng Vàng không phải là cầu thủ hay HLV mà là các nhà báo. Về khía cạnh chuyên môn, dĩ nhiên nhà báo không thể vượt mặt các chiến lược gia. Tuy nhiên, cái vượt trội của những cây bút là họ cập nhật tình hình một cách tổng quát và nắm bắt được nguyện vọng của NHM.

Nói cách khác, mỗi lá phiếu của một nhà báo đại diện cho quan điểm của một số lượng CĐV nhất định, khác hẳn chuyện áp đặt ý chí cá nhân lên lá phiếu như các HLV. Bởi vậy, kết quả Quả Bóng Vàng nếu có gây tranh cãi cũng chỉ gây tranh cãi trong phạm vi cho phép, không bị biến thành trò hề giữa bàn dân thiên hạ. Suy cho cùng, đó cũng là một sự tinh tế thường thấy ở người Pháp.

Xuất thân quan trọng nhưng chính những hành động thực chất mới mang lại uy tín. Tương tự, bản thân mọi giải thưởng sẽ đều trở thành những cuộc bầu chọn vô bổ, kể cả khi nó được hậu thuẫn đặc biệt để ra đời, nếu không thể hiện đúng tư tưởng mà đại bộ phận đồng thuận.

Giải thưởng Quả Bóng Vàng trở nên độc nhất là vì thế. Từ ý thức đến cách triển khai, nó đều hướng đến giá trị chuyên môn cao nhất, nơi những người thực sự có năng lực mới có tư cách bỏ phiếu.

Có một câu chuyện như này. Trong cuộc bầu chọn danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 1996” của FIFA, HLV Phongsa Somphou của đội tuyển Lào ghi tên 3 tuyển thủ Lào là Savatdy, Luang Amath và Xeunvilay vào các vị trí số 1, 2, 3.

Thế HLV Gareth Keo của đội tuyển Campuchia chọn ai? Marco van Basten được ghi vào vị trí số 3. Đây là cuộc bình chọn của năm 1996. Huyền thoại Van Basten đã tuyên bố giải nghệ vào năm 1995, và trên thực tế thì ông không hề ra sân từ năm 1993!

HLV Zoran Vranes của đội tuyển Trinidad & Tobago ghi tên 3 cầu thủ đội nhà vào 3 vị trí cao nhất. HLV Wilfred Lardner của đội tuyển Liberia cũng không chịu kém, khi ông bầu 3 tuyển thủ Liberia. Đấy là cuộc bầu chọn của FIFA năm 1995.

Thế đấy, giải thưởng của FIFA dù xuất thân "danh gia vọng tộc", vẫn trở nên lố bịch khi động đến lợi ích riêng, thông qua những kẽ hở không phải của luật lệ mà của nhận thức.

Việc của các nhà báo lại khác. Họ là đồng nghiệp với “chủ giải” France Football trong cuộc bầu chọn Quả bóng vàng. Họ hiểu hơn ai hết về vấn đề trách nhiệm trong từng lá phiếu. Phán xét xem cầu thủ nào xuất sắc chính là công việc hàng ngày của họ, công việc nuôi sống họ. Vậy nên, giải thưởng Quả bóng vàng của France Football luôn có uy tín hơn, thuyết phục hơn giải thưởng của FIFA.

Ở đây, không thể nói các nhà báo không có lợi ích riêng. Nhưng ít ra các đánh giá của họ có liên quan trực tiếp tới sinh mệnh nghề nghiệp, thay vì nghĩa vụ phải làm. Các HLV như Somphou, Vranes, Lardner trong các câu chuyện nêu trên vẫn có thể ngủ ngon, chẳng phải băn khoăn về tai tiếng (nếu có) từ lá phiếu của họ. Việc của họ là dẫn dắt ĐTQG của mình, chứ không phải phán xét đâu là cầu thủ hay nhất thế giới.

Do đó, khi mà FIFA và France Football quyết định hợp nhất 2 cuộc bầu chọn vào năm 2010, giới chuyên môn đã thấy mâu thuẫn. Lợi ích của hành động này là gì, về tài chính, đương nhiên là số 1. Ngoài ra, cũng để cho người hâm mộ toàn cầu quy về một mối, không phải chia đôi não bộ để nhớ song song 2 giải thưởng có nhiều tiêu chí trùng nhau trong một năm.

Nhưng tư tưởng trái ngược nhau sao có thể cùng làm việc. Những người thủ cựu, ghét cay ghét đắng thứ đại trà sao có thể chịu được cuộc bỏ phiếu của những chuyên gia lại biến thành hoạt động công cộng cho cả những kẻ không cùng đẳng cấp.

Đấy không thể là giải pháp đúng đắn về mặt chuyên môn, vì Quả Bóng Vàng FIFA chỉ hạ thấp uy tín của Quả Bóng Vàng chứ nó chẳng hề kéo uy tín trong cuộc bầu chọn của FIFA đi lên.

Do đó, có hợp phải có tan. Sau 6 năm hợp tác, sự chịu đựng đã đi đến giới hạn. Bắt đầu từ 2016, France Football rút khỏi liên danh và tự mình bầu Quả Bóng Vàng như xưa. Họ vừa ném đi một loạt nguồn thu béo bở chỉ để giữ lấy cốt cách của mình.

Việc hợp tan-tan hợp này có thể trở thành trò cười trong mắt công chúng. Nhiều kẻ ngoa ngoắt đi qua và thả vào những bình luận gai mắt, kiểu như: Quả Bóng Vàng liệu có còn giá trị như xưa? Nhưng tranh cãi có bao giờ buông tha mỗi cuộc bình chọn. France Football chưa bao giờ nhận mình là số 1, cũng chẳng cần phải làm việc vô bổ đó. Họ có thế giới riêng, cộng đồng riêng và thỏa mãn với nó. Vậy là đủ.

Uy tín của giải thưởng Quả Bóng Vàng sau năm 2016 chưa chắc đã được như xưa. Nhưng có hề gì, danh tiếng đâu phải là thứ vĩnh cửu, nó phát triển nhờ vào giá trị thực chất. Chỉ cần có chất riêng, Quả Bóng Vàng đã không còn phải so đo với bất cứ thứ gì nữa rồi. Nó vẫn là Trái Táo Vàng khiến thần linh và loài người thèm muốn và khao khát. Đến muôn đời!

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: NGỌC TRUNG – XUÂN LỘC – HẢI AN
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x