Trung Quốc & nước cờ phá thế độc tôn của bóng đá châu Âu

Lộc Trần
13:37 ngày 14-12-2016
Với những cầu thủ tài năng, đang độ chín trong sự nghiệp nhưng mắc cạn trên ghế dự bị tại châu Âu, họ luôn có một lựa chọn chung mang tên... Trung Quốc.
Trung Quốc & nước cờ phá thế độc tôn của bóng đá châu Âu

Vị thế có thể thay đổi nhưng không ai có thể phủ nhận Oscar luôn là một ngôi sao lớn tại Chelsea. Dù không được Antonio Conte trọng dụng nhưng ở độ tuổi 25, tương lai của tiền vệ người Brazil vẫn vô cùng xán lạn.

Ấy vậy mà giờ Oscar đang cân nhắc để chuyển đến giải VĐQG Trung Quốc (Chinese Super League - CSL) với chi phí chuyển nhượng dự tính lên tới 52 triệu bảng. Rõ ràng, mảnh đất đông dân nhất thế giới có một sức hút mãnh liệt và đe dọa "hút máu" bất cứ ngôi sao nào tại châu Âu.


Không chỉ có ngôi sao hết thời

Khi một cầu thủ ngôi sao chọn chuyển đến Trung Quốc thi đấu, người ta thường nghĩ: “Tay này đã hết thời, sang Trung Quốc để kiếm chác trong vài năm cuối sự nghiệp”. Trong một thời gian dài, NHM bên ngoài vẫn nghĩ rằng bóng đá Trung Quốc có mô hình giống như giải nhà nghề Mỹ MLS hoặc bóng đá Trung Đông, dùng tiền để mua lấy danh tiếng của những danh thủ về già.

Tuy nhiên, Oscar là minh chứng mới nhất cho việc CSL có thể làm mọi thứ. Họ đã chiêu mộ thành công những ngôi sao đang ở độ chín sự nghiệp như Hulk, Jackson Martinez, Graziano Pelle, Ramires...

Trung Quốc không còn là "trại dưỡng lão" hay công trường sử dụng nhân công giá rẻ. CSL đã biến thành một khu resort sang trọng với đầy đủ tiện nghi hấp dẫn, đáp ứng mọi yêu cầu dù là khắt khe nhất của các siêu sao. Đó là lúc chính những ngôi sao này có một cuộc đấu tranh nội tâm: Ở lại châu Âu, tranh đấu trong môi trường đầy áp lực để với tới một thứ danh vọng không chắc chắn; hay là sang Trung Quốc, được đối xử như một ông hoàng và dễ gặt hái thành công.

Pelle được đối xử như ông hoàng tại Shandong Luneng
Pelle được đối xử như ông hoàng tại Shandong Luneng

Đến lúc này, sự danh giá của châu Âu cũng bị gạt sang một bên. Điểm trừ duy nhất là sang Trung Quốc, các cầu thủ khó có cơ hội lên ĐTQG. Nhưng có hề chi, khi số tiền họ kiếm được bằng mấy lần thời còn khoác áo các CLB đỉnh cao châu Âu. World Cup, Champions League hay Quả bóng vàng thì hãy cứ để Cristiano Ronaldo và Leo Messi tranh nhau!

Nhưng đó mới chỉ là bề nổi, CSL không chỉ háo danh đơn thuần mà còn có một kế hoạch dài hơi dựa vào tiềm lực tài chính của mình. Các đội bóng Trung Quốc còn đang dần cất cánh nhờ đi theo mô hình của Shakhtar Donetsk, đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ Nam Mỹ.

Hồi tháng 9/2016, trong trận cầu được cả Trung Quốc mong chờ giữa Jiangsu Suning và Shijiazhuang Ever Bright, Martinez bất ngờ đột nhập vòng cấm, đặt lòng trong chân phải tuyệt đẹp vào góc cao khung thành, góp phần vào chiến thắng 6-1 của Jiangsu Suning. Nhưng siêu phẩm đó không phải của Jackson Martinez, cựu tiền đạo của Porto và Atletico Madrid, mà là Roger Martinez, cầu thủ còn lạ lẫm với hầu hết NHM trên thế giới.

Đó là bàn thắng khiến tất cả phải chú ý đến Roger Martinez. Đây là chân sút mới chỉ 22 tuổi người Colombia, vừa mới được phát hiện qua màn trình diễn ấn tượng ở Olympic 2016. Jiangsu Suning không chỉ có 2 ngôi sao thành danh Alex Teixeira và Ramires, mà còn chú ý đến cả những cầu thủ thuộc diện “sao mai” của Nam Mỹ.

Dario Conca (Shanghai SIPG)
Dario Conca (Shanghai SIPG)

Jiangsu Suning không phải trường hợp ngoại lệ, nhiều CLB Trung Quốc khác cũng đang cử tuyển trạch viên sang Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil để đãi cát tìm vàng. Như vậy các tài năng Nam Mỹ muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó không chỉ có châu Âu làm bến đậu mơ ước, mà còn có vùng Viễn Đông.

Có thể kể ra thêm một vài cái tên nổi bật như Dario Conca (Shanghai SIPG), Ricardo Goulart (Guangzhou Evergrande) và Renato Augusto (Beijing Guoan). Họ đều từng giành giải Bola de Ouro (Cầu thủ xuất sắc nhất giải VĐQG Brazil) vào các năm 2010, 2014 và 2015.

Ở các trường hợp kể trên, rõ ràng các CLB Trung Quốc đều đã đi trước đại gia châu Âu một bước trong việc chiêu mộ những ngôi sao tại Nam Mỹ.

VIDEO: 5 bản hợp đồng đắt giá nhất giải VĐQG Trung Quốc - Oscar lập kỷ lục



30 cầu thủ Nam Mỹ ở CSL 
Có đến 30 cầu thủ Nam Mỹ đang thi đấu tại Chinese Super League 2016. Trong số này đông nhất là nhóm cầu thủ Brazil với 22 người, Colombia 5 cầu thủ còn Argentina có 3 đại diện. Chỉ 2 CLB không sử dụng cầu thủ Nam Mỹ là Yanbian Funde và Liaoning Whowin, đang lần lượt xếp thứ 9 và 11, không có tham vọng lọt vào nhóm dự AFC Champions League. 

Phá vỡ cấu trúc lương trong bóng đá

Một trong những mồi câu để CSL thu hút cầu thủ chính là đãi ngộ cao đến phi lí ở một quốc gia vùng trũng về bóng đá.

Mùa hè vừa qua, sau màn trình diễn xuất sắc ở EURO 2016, Graziano Pelle có thêm nhiều sự lựa chọn cho sự nghiệp của mình. Anh có thể ở lại Southampton, hoặc đến một CLB lớn hơn ở châu Âu để tiếp tục phát triển. Thế nhưng, Pelle đã lựa chọn Trung Quốc, nơi trả cho anh mức lương khổng lồ 273.000 bảng/tuần.

Năm trong số 14 cầu thủ bóng đá được trả lương cao nhất thế giới đang thi đấu ở giải VĐQG Trung Quốc. Hulk, tiền đạo đang khoác áo Thượng Hải SIPG, là người nhận lương cao thứ 4 thế giới (16,6 triệu bảng/năm). Mới đây, CLB này cũng trả HLV Andre Villas-Boas tới 11 triệu bảng/năm để thay thế vị trí của Sven-Goran Eriksson.


Pelle nhận mức lương 14,2 triệu bảng/năm, đứng thứ 6 thế giới và xếp ngay sau Paul Pogba của M.U. Ezequiel Lavezzi của Hebei China Fortunes nhận 13,5 triệu bảng/năm, Ramires ở Jiangsu Suning nhận 11,6 triệu bảng/năm và Jackson Martinez nhận 11,2 triệu bảng/năm ở Guangzhou Evergrande.


Đội trả lương trung bình cao nhất ở Trung Quốc là Shandong Luneng với số tiền 1,47 triệu bảng/năm, nhiều hơn 14/18 đội tại Bundesliga, 5/20 đội tại La Liga, hơn 18/20 đội tại Ligue 1 và 5/20 đội tại Ngoại hạng Anh.

Tham vọng đô hộ bóng đá châu Âu

Năm 2014, Chính phủ Trung Quốc cho ban hành sắc lệnh cải cách ngành công nghiệp thể thao, với điểm đáng chú ý nhất là đặt ra mục tiêu đưa quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành siêu cường bóng đá vào thập niên 2050. Các bước được chính Chủ tịch Tập Cận Bình vạch ra là giành quyền dự World Cup, đăng cai World Cup và vô địch World Cup.

Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đang dần tạo ảnh hưởng lên làng túc cầu nhờ tiềm lực của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài việc nâng cấp chất lượng giải VĐQG, doanh nghiệp Trung Quốc dùng tiền mua cổ phần hoặc thâu tóm hoàn toàn các đội bóng tên tuổi tại châu Âu. Tính đến nay, chân rết của các tài phiệt quốc gia này đã lan ra 12 CLB khác nhau trên toàn cõi châu Âu, chủ yếu tại các giải VĐQG hàng đầu như Ngoại hạng Anh, La Liga hay Serie A.

Thế mới có chuyện derby kinh điển thành Milan bây giờ phủ bóng Trung Hoa. Ngày 5/8, Sino-Europe Investment Management Changxing chi ra tận 740 triệu euro để mua lại gã khổng lồ AC Milan, chấm dứt triều đại kéo dài 3 thập niên của tỷ phú Silvio Berlusconi.

Milan đã không còn trong tay Berlusconi
Milan đã không còn trong tay Berlusconi

Chỉ một tháng sau, Inter Milan, đối thủ truyền kiếp của AC Milan cũng rơi nốt vào tay người Trung Quốc. Cụ thể, tập đoàn bán lẻ Suning đầu tư 270 triệu euro để mua 70% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất nắm toàn quyền quyết định CLB áo sọc xanh đen.

Nhưng không chỉ có thành Milan nói tiếng Trung Quốc, tại Tây Ban Nha, hàng loạt đội bóng tham dự La Liga cũng rơi vào tay các nhà tài phiệt đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới. Một số cái tên tiêu biểu như Espanyol, Granada và đáng kể nhất là trường hợp của Atletico Madrid.

Vào tháng 1/2015, tập đoàn Wanda của tỷ phú Wang Jianlin đã mua lại 20% cổ phần đội bóng áo sọc đỏ trắng với giá 45 triệu euro, trở thành một trong 3 cổ đông lớn nhất. Sau đó, Wang Jianlin lập tức cho thấy tầm ảnh hưởng khi mở một học viện bóng đá Atletico tại quê nhà đồng thời hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng La Peineta, sân vận động mới của Atletico.

Chưa dừng lại ở đây, Wang Jianlin đang tính chuyện cải tổ đấu trường Champions League bằng cách đề nghị các ông lớn tại châu Âu nhóm họp vào tháng 10. Trợ lực cho nhà tài phiệt này dĩ nhiên là những tỷ phú đồng hương đã thâu tóm các đội bóng tại châu Âu và mối quan hệ tốt đẹp từ FIFA.

 12 CLB CHÂU ÂU CÓ CỔ PHẦN HOẶC ÔNG CHỦ LÀ NGƯỜI TRUNG QUỐC

1. Manchester City: CMC-CITIC Capital giữ 13% cổ phần, mua với giá 400 triệu euro năm 2015.

2. West Bromwich Albion: Lai Guochan giữ 100% cổ phần, mua với giá 177 triệu euro vào năm 2016.

3. Aston Villa : Recon Group giữ 100% cổ phần, mua với giá 76 triệu euro vào năm 2016.

4. Wolverhampton: Fosun giữ 100% cổ phần, mua với giá 60 triệu euro vào năm 2016.

5. OGC Niza: NewCity Capital giữ 80% cổ phần, mua với giá 11 triệu euro vào năm 2016.

6. FC Sochaux-Montbéliard: Ledus giữ 100% cổ phần, mua với giá 7 triệu euro vào năm 2015.

7. Auxerre : ORG Packaging giữ 60% cổ phần, mua với giá 6 triệu euro vào năm 2016.

8. AC Milan: Sino giữ 100% cổ phần, mua với giá 740 triệu euro vào năm 2016.

9. Inter Milan: Haixia Capital giữ 70% cổ phần, mua với giá 270 triệu euro vào năm 2016.

10. Atletico Madrid: Wanda giữ 20% cổ phần, mua với giá 45 triệu euro vào năm 2016.

11. Espanyol: Rastar Group giữ 45,1% cổ phần, mua với giá 45 triệu euro vào năm 2016.

12. Granada: Desport giữ 100% cổ phần, mua với giá 37 triệu euro vào năm 2016.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
32
+44
73
2
32
+49
71
3
32
+41
71
4
33
+19
63
5
32
+16
60
6
32
+17
50
7
32
-1
50
8
33
-6
48
9
31
+9
47
10
32
+2
44
11
32
-5
43
12
33
-2
42
13
32
-10
42
14
33
-11
32
15
32
-18
31
16
33
-16
26
17
33
-24
25
18
32
-16
23
19
33
-35
20
20
32
-53
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x