Tuấn Anh, hãy nương vào Sơn Tùng MTP mà tiến - Bongdaplus.vn

Tuấn Anh, hãy nương vào Sơn Tùng MTP mà tiến

Những năm gần đây, Thái Bình tự hào với 2 người con nổi tiếng “Ca nhạc có Sơn Tùng – Bóng đá có Tuấn Anh”. Sơn Tùng MTP và Nguyễn Tuấn Anh có thể quen biết nhau hoặc không, nhưng họ cùng được gửi gắm nhiều ước mơ, hy vọng làm rạng danh nơi chôn rau cắt rốn. Nhưng trong khi số phận hứa hẹn với Sơn Tùng MTP về một sự nghiệp sáng chói, bền vững thì Tuấn Anh lại hứa với bố mẹ một điều cay đắng: giã từ nghiệp cầu thủ khi đang ở độ tuổi sung sức, rực rỡ nhất…

Ở mảnh đất Thái Bình “nắng ấm quê hương”, nhân vật nổi tiếng nhất có lẽ là “Chị Hai năm tấn”. Nhưng đấy là hình tượng của một thời đã qua, khi những đồng lúa bát ngát trĩu nặng mùa vàng là niềm hy vọng lớn nhất cho người dân sinh sống ở mảnh đất Sơn Nam Hạ này.

Những năm gần đây, Thái Bình nổi tiếng hơn khi là quê hương của những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn với giới trẻ. Trong giới showbiz là nghệ sĩ giải trí Sơn Tùng MTP và trên sân cỏ là tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh, viên ngọc quý nhất của thế hệ F1 tại lò đào tạo bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG.

Có thể nói, Sơn Tùng MTP là một hiện tượng của làng showbiz Việt Nam khi một chàng trai vô danh tiểu tốt âm thầm rời “quê lúa” vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm sự đổi đời. Khi đó, anh chỉ mới 17 tuổi. Vào lứa tuổi đó, Tuấn Anh đã phát quang những ánh sáng lấp lánh sơ khai.

Có lẽ, chẳng ai có thể ngờ được, chỉ vài năm sau, Sơn Tùng MTP sẽ trở thành ca sĩ có lượng fan khổng lồ nhất Việt Nam, là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới giới trẻ Việt Nam, người mà hễ nói câu nào là được giới fan biến thành châm ngôn sống, hễ tung sản phẩm âm nhạc nào là lập tức tạo thành “hit” kỷ lục trên You Tube - xứ sở của những nghệ sĩ Underground và Indie.

Hơn hai mươi triệu lượt xem single “Chạy ngay đi” chỉ trong 24 tiếng kể từ khi Sơn Tùng MTP đăng tải trên You Tube. Hơn 4 vạn người chen chúc trong sân Mỹ Đình để xem U19 Việt Nam có Tuấn Anh thi đấu đá trận chung kết với U19 Nhật Bản với cơn sốt vé kinh hoàng thổi giá vé từ 100.000 đồng lên 2 triệu đồng.

Sơn Tùng MTP điềm nhiên bắt “toàn bộ thế giới” phải thức đến nửa đêm để xem sản phẩm của mình, cả fan, anti-fan và giới truyền thông. Tuấn Anh làm say mê những ai từng được chứng kiến anh thi đấu từ HLV gạo cội Arsene Wenger đến ông bầu Đoàn Nguyên Đức rồi cả những ông bà già hay con nít “fan phong trào” chính hiệu vì chẳng biết mô tê gì về bóng đá.

Có thể, đã có lúc người dân Thái Bình mơ tưởng về một tương lai trở thành “thủ đô của các nghệ sĩ tài năng”. Nhờ những ngôi sao trẻ, đầy tài năng và triển vọng như Sơn Tùng MTP và Tuấn Anh.

Nhờ “sếp Tùng” mà hàng trăm nghìn Sky (biệt danh của giới fan của Sơn Tùng MTP) biết đến địa danh Thái Bình, nơi trước đây chỉ được nhắc đến qua câu vần vè “có nhà máy cháo, có lò đúc muôi” hay giống ổi Bo trứ danh. Và tấm gương của Sơn Tùng MTP sẽ truyền cảm hứng cho hàng loạt Idol quê Thái Bình trong tương lai.

Còn hình ảnh của Tuấn Anh sẽ nhắc nhở người hâm mộ bóng đá rằng, ồ thì ra Thái Bình không phải mảnh đất “trắng bóng đá” như lầm tưởng mà đó là quê hương của tiền vệ tài hoa bậc nhất của bóng đá Việt Nam sau thời Hồng Sơn, rồi còn cả của những Trần Minh Vương, Đoàn Văn Hậu.

Và cũng từng có niềm hy vọng rằng nhờ hiệu ứng của Tuấn Anh và những cầu thủ đồng hương đang khoác áo ĐT Việt Nam mà sẽ có ngày Thái Bình có đội bóng chứ không còn chỉ là nơi cung cấp tài năng cho Nam Định, Thể Công, Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel… như từ trước đến giờ.

Đó không phải là những giấc mơ hay hy vọng hão huyền vì sức lan tỏa của những cá nhân như Sơn Tùng MTP và Tuấn Anh ở thời công nghệ số càng được nhân lên gấp bội. Chỉ có điều, không phải lúc nào trời cũng chiều lòng người.

Số Mệnh là điều không thể bỏ qua khi nhìn vào cuộc đời của mỗi con người. Số Mệnh của Sơn Tùng MTP và Tuấn Anh tưởng chừng giống nhau nhưng đang rẽ theo hai ngả khác nhau. Trong khi tên tuổi của Sơn Tùng MTP ngày một nổi như cồn thì Tuấn Anh lại chìm vào những bi kịch.

Có lẽ, đó là bởi Sơn Tùng chọn con đường Indie (nghệ sĩ độc lập, tự sáng tác, tự trình diễn, tự phát hành mà không phải lệ thuộc vào ai) thì Tuấn Anh buộc phải thi đấu trong một môn thể thao tập thể, nơi mà va chạm là bình thường, chấn thương là tất yếu.

Chỉ hơn 10 ngày trước, Tuấn Anh đã phải cay đắng hứa với thân phụ một điều đầy xót xa.

Có người cha nào giữ được sự bình thản khi nghe những lời này của cậu con trai yêu quý: “Con hứa với bố, sẽ có gắng một lần nữa. Nếu lại chấn thương, con sẽ giải nghệ, chuyển sang huấn luyện”.

Xót xa hơn, khi người cha ấy biết con trai mình có năng lực chơi bóng cực hay. Và còn gì cay đắng hơn nữa, khi chính ông là một bác sĩ, nhưng không thể giúp gì cho con - tiền vệTuấn Anh.

Đó là một tiền vệ công hào hoa luôn là điều chúng ta khao khát cháy bỏng sau thời kỳ của Hồng Sơn. Còn hơn một tài năng, đó là phong cách, khí chất, đam mê, thể hiện qua từng động tác được mài giũa tới cầu kỳ nhưng cũng đầy hiệu quả.

Một “số 10 cổ điển”, một vũ công ballet trên sân cỏ hay một tài tử với trái bóng, cụm từ nào cũng chính xác khi miêu tả về vị trí mang tính biểu tượng như vậy.Và khi chúng ta tìm thấy mọi phẩm chất đó nơi Tuấn Anh, con tim yêu bóng đá thăng hoa từng nhịp luân chuyển.

Kể từ lúc đá bóng nhựa, tới khi tham gia lớp năng khiếu Thái Bình, chuyển vào học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG rồi tham dự V.League, thi đấu cho U19, U23 Việt Nam và cả ĐTQG, Tuấn Anh luôn được nhìn nhận là một tài năng xuất chúng.

Điểm vượt trội nhất của Tuấn Anh là kỹ thuật cá nhân. Không phải Công Phượng, Đông Triều hay Xuân Trường, chàng tiền vệ người Thái Bình mới là người được bậc thầy đào tạo trẻ Arsene Wenger đánh giá cao nhất ở từng pha chạm bóng.

Trong lần đến tập huấn với U18 Arsenal vào năm 2013, Tuấn Anh được những người bạn quốc tế gọi là “Ronadinho Việt Nam” vì khả năng sử dụng hai chân như một, đặc biệt rất mạnh trong việc tung ra các đường chuyền đột biến và dứt điểm trước vòng cấm.

Với bước một hơn người, đương nhiên tư duy phát triển bóng của Tuấn Anh cũng hơn các bạn đồng trang lứa một bậc. Đấy là điểm mà Wenger ghi nhận khi không giấu nổi bất ngờ về thực lực của một cậu bé đến từ vùng trũng của bóng đá như Đông Nam Á.

Sự cảm thán của “Giáo sư” lớn đến mức giúp ông đủ tự tin để giới thiệu Tuấn Anh với một đội bóng lớn ở châu Âu như Olympiakos. Trong lứa đầu của học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, Tuấn Anh lẽ ra là người xuất ngoại đầu tiên, đặc biệt còn là ở châu Âu, nếu không dính chấn thương nghiêm trọng.

Có nhiều lúc, người ta tự hỏi Tuấn Anh đã và đang làm gì, đi đá bóng hay... đánh nhau, mà từ cơ lưng, cơ đùi, gân khoeo cho đến dây chằng đầu gối, sụn chêm đều không nguyên vẹn. Chưa đầy 22 tuổi, Tuấn Anh đã phải lên bàn mổ 2 lần cho cả 2 bên chân.

Cơ thể của Tuấn Anh dường như không tải nổi tài năng của mình. Nó hạn chế gần như cùng kiệt khả năng đóng góp của anh cho những đội bóng chủ quản. Nhưng dù là một chút thôi, Tuấn Anh cũng kịp để lại những dấu ấn không thể nào phai trong tâm trí người hâm mộ.

Đó là bàn mở tỷ số ở góc không tưởng vào lưới U19 Myanmar ở giải U21 quốc tế năm 2014, hay pha solo để đời giữa vòng vây 4 cầu thủ UAE trước khi cứa lòng vào góc xa ở vòng chung kết U23 châu Á 2016.

Đó là những pha ban bật một chạm tinh tế làm nên tên tuổi của U19 Hoàng Anh Gia Lai hay U19 Việt Nam ngày nào. Là cách Tuấn Anh nhận bóng từ Xuân Trường, xoay compa làm lỡ trớn đối phương rồi tỉa bóng cho Công Phượng bứt tốc...

“NHM Việt Nam có thể ồ lên trước một đường chuyền độc đáo của Xuân Trường, rồi sung sướng khi Công Phượng ghi bàn nhưng để công nhận một tài năng hiếm có của lứa U19, họ cần nhắc đến Tuấn Anh. Tôi thấy cậu ta thực sự đặc biệt”, đây là những lời nhận xét của ông Masakazu Suzuki, HLV trưởng U19 Nhật Bản về Tuấn Anh ở giải U19 châu Á 2014.

Những kỷ niệm đó thực sự quá ngọt ngào, làm cho chúng ta cảm giác như mới ngày hôm qua vậy. Thế giới bóng đá hiện đại là guồng quay tàn nhẫn, anh dừng lại tức là anh thua cuộc và bị loại bỏ.

Tuấn Anh kể từ những đỉnh cao chói lọi giai đoạn đầu sự nghiệp đã dừng lại quá lâu vì chấn thương, cái kết thì không ai muốn nhắc tới. Trong một năm đại thành công của bóng đá Việt Nam, với nòng cốt là thế hệ vàng U23, không có bóng dáng Tuấn Anh ở đó.

Chúng ta đang nói về Cầu thủ xuất sắc nhất Giải vô địch bóng đá U19 Đông Nam Á 2013, Cầu thủ xuất sắc nhất Giải U21 Quốc tế 2014, Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam 2014... nhưng không còn là gì ở hiện tại. Vì một yếu tố mà giới cầu thủ buộc phải chung sống: Chấn thương.

Chấn thương đối với cầu thủ như là scandal đối với nghệ sĩ showbiz vậy. Tuy nhiên, chấn thương đang đe dọa vùi dập sự nghiệp của Tuấn Anh, còn scandal chưa bao giờ dìm được Sơn Tùng MTP, thậm chí anh còn dùng nó để nhảy vọt. Đây chính là điểm khiến con đường của hai chàng trai cùng quê này ngày một rẽ theo những ngả khác nhau. Sơn Tùng MTP chiếm giữ micro vàng You Tube, còn Tuấn Anh đau đớn với đôi chân pha lê.

Tuấn Anh là mẫu cầu thủ đem đến cho người xem sự thích thú. Ngoài nhãn quan chiến thuật nhạy bén, sự thông minh tinh tế trong xử lý và khả năng thực hiện đường chuyền ở mọi cự ly có độ chính xác cao, chàng trai người Thái Bình này còn sở hữu bộ kỹ năng của một cầu thủ tấn công biên nghịch chân.

Thật vậy, hãy nhìn vào cách Tuấn Anh đảo chân như rang lạc, cách Tuấn Anh xoay trục chuyển hướng đi bóng và cách Tuấn Anh tăng giảm tốc đột ngột với sải chân dài uyển chuyển. Đó là những pha xử lý thường thấy ở Arjen Robben, Lionel Messi, Eden Hazard... khác hoàn toàn những cầu thủ tấn công biên thuận chân, chủ yếu sử dụng tốc độ và bám biên để thực hiện những quả tạt.

Một Tuấn Anh như thế đã được HLV Arsene Wenger đánh giá là sản phẩm ưu tú nhất của lò HAGL ở lứa đầu tiên. Và một Tuấn Anh như thế đã làm mê đắm biết bao con tim người hâm mộ, đặc biệt là qua những pha làm bàn đẹp mắt vào lưới U19 Myanmar hay U23 UAE. Và vẫn một Tuấn Anh như thế đem lại cho người hâm mộ bao luyến tiếc, vì một nỗi ám ảnh mang tên chấn thương.

6 năm, kể từ ngày được NHM biết mặt, nhớ tên và dành cho tình cảm đặc biệt, Tuấn Anh đã trải qua tổng cộng 12 ca chấn thương. Cơ thể của chàng trai Thái Bình này là một bộ sưu tập chấn thương, từ chấn thương điển hình ở các cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp cho đến những chấn thương thuộc dạng kinh hoàng nhất.

Tiêu biểu là 2 chấn thương đầu gối đều khiến cầu thủ trưởng thành từ lò HAGL này phải lên bàn mổ. Năm 2012, Tuấn Anh bị đứt dây chằng chéo và vỡ sụn chêm đầu gối trái. 4 năm sau, anh lại bị rách sụn chêm đầu gối phải. Vì chấn thương gối chấn thương như thế, Tuấn Anh liên tiếp bỏ lỡ các giải đấu lớn từ cấp CLB đến đội tuyển.

Đầu tiên là SEA Games 2015 và vòng chung kết U23 châu Á 2016, chấn thương cơ nhị đầu đùi đã khiến Tuấn Anh vắng mặt trong hầu như toàn bộ chiến dịch, chỉ tham gia trận đấu cuối cùng vòng bảng U23 châu Á, khi số phận của U23 Việt Nam đã an bài.

Tiếp đến là AFF Cup 2016, HLV Hữu Thắng chờ Tuấn Anh cho đến phút chót hạn đăng ký danh sách nhưng cuối cùng vẫn không chờ được.Sang U23 châu Á tại Thường Châu, Tuấn Anh tiếp tục lỡ hẹn vì chưa bình phục hoàn toàn và ngậm ngùi chứng kiến đồng đội thăng hoa tột bậc cùng HLV Park Hang Seo.

Kịch bản tương tự lặp lại ở ASIAD 2018, AFF Cup 2018 và mới nhất là giải Asian Cup 2019. Quá nhiều giải đấu mang tính lịch sử của bóng đá Việt lại vắng mặt cầu thủ tưởng chừng đã được lịch sử lựa chọn để nâng tầm bóng đá Việt Nam.

Vì vậy, chúng ta thường ngậm ngùi thương tiếc cho sự nghiệp của Tuấn Anh qua những câu cảm thán. Giá như Tuấn Anh không gặp chấn thương này, giá như Tuấn Anh không dính chấn thương kia… Và gương mặt khắc khổ càng thêm khắc khổ sau mỗi lần quằn quại đau đớn vì chấn thương của Tuấn Anh càng tăng thêm phần xót thương và tiếc nuối về một đôi chân pha lê.

Thế nên, một lời hứa được thốt ra từ miệng Tuấn Anh và khiến bao người rung động. “Nốt lần này, nếu lại gặp chấn thương con nghỉ”, tiền vệ tài hoa của HAGL hứa nhưng không muốn hẹn với bố.

Chấn thương đã làm khổ Tuấn Anh và những người thân quá nhiều. Vì vậy điểm tới hạn của sự chịu đựng đã gần ngay trước mắt. Một sự buông xuôi có lẽ đã chờ sẵn ở lần gục ngã kế tiếp và mọi người lại tiếp tục có cơ hội “Giá như…”.

Câu chuyện về Tuấn Anh là một đề tài rung cảm thường được khai thác trong bóng đá Việt Nam. Sự khai thác này đôi khi thái quá nên lấn át mất phần lý trí. Thực tế, chấn thương là một phần không thể tách rời của thể thao đỉnh cao nói chung và bóng đá nói riêng.

Thế cho nên, tiểu sử chấn thương của cầu thủ quan trọng không kém tài năng và chỉ khi vượt qua buổi kiểm tra y tế thì một cầu thủ mới hoàn tất việc chuyển đến một CLB.Bởi vậy, thay vì run rẩy hoặc e sợ chấn thương, Tuấn Anh hoặc bất kỳ cầu thủ nào khác cần tập cách chấp nhận và hạn chế chấn thương tối đa.

Hoặc nói cách khác, chấn thương đôi khi là nhược điểm của một cầu thủ chứ không chỉ là chuyện xúi quẩy. Lấy Ronaldo “Béo”, một cầu thủ lừng danh từng phẫu thuật đầu gối làm ví dụ. Trước hết cần minh định, tài nghệ của người Ngoài hành tinh là miễn bàn cãi.

Giai đoạn mới bắt đầu sự nghiệp tại châu Âu, huyền thoại người Brazil khiến cả Lục địa Già run rẩy bởi những pha đi bóng như rẽ nước, với đôi chân thoăn thoắt như cánh máy bay trực thăng. Nhưng, lật ngược vấn đề, đôi chân của một con người liệu có chịu được cường độ hoạt động của một cánh quạt máy bay?

Tiếp đến, với phong cách đi bóng như thế, Ronaldo không thể tránh khỏi đòn triệt hạ từ các hậu vệ đối phương khi đã bất lực trong việc ngăn cản Người ngoài hành tinh đi bóng. Hai yếu tố ấy, đủ hợp thành chấn thương. Đầu tiên chấn thương nhẹ, sau đó chấn thương nặng vì sức đề kháng suy yếu sau mỗi… chấn thương.

Một vấn đề nữa là thói quen sinh hoạt. Xuất thân từ những khu ổ chuột tại Brazil khiến Ronaldo sớm lao vào những cuộc ăn chơi trác táng khi chớm thành công và bắt đầu rủng rỉnh tiền trong túi. Những cuộc ăn chơi này cũng khiến sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt là các bó cơ suy yếu.

Và ngoài ra là vấn đề cân nặng. Do đó đôi chân của Ronaldo thật tội nghiệp, đã phải hoạt động với công suất của cánh máy bay lại còn gánh một trọng tải ngày càng lớn. Điều đó thì không thể trách các hậu vệ Serie A.

Trở lại với Tuấn Anh, nỗi ám ảnh chấn thương của tiền vệ này cũng phần nào nằm ở lối chơi tương tự Ronaldo. Như đã đề cập từ trước, Tuấn Anh sở hữu bộ kỹ năng của một cầu thủ tấn công biên nghịch chân, với những pha dốc bóng tốc độ, rê dắt lắt léo, xoay trục đột ngột… Đó là điều trông thì đẹp nhưng thực ra cần hạn chế đối với các tiền vệ trung tâm.

Bởi lẽ, không gian ở điểm giao giữa trung tuyến và trung lộ vô cùng chật hẹp, với mật độ cần thủ kín đặc nhất trên sân. Điều này đồng nghĩa số lượng tình huống va đập diễn ra với tần suất cao hơn các khu vực khác.

Tuấn Anh lại ưa cầm bóng phô diễn nên số lần anh va chạm với cầu thủ đối phương lại cao hơn các cầu thủ khác. Và mỗi lần va chạm như thế, nguy cơ chấn thương lại tăng lên.

Thế nên, để lời hứa với bố không bao giờ thành hiện thực, đầu tiên Tuấn Anh cần xem chấn thương chính là nhược điểm của bản thân, đồng nghĩa cần phải cải thiện.

Đầu tiên là tích cực tập luyện để duy trì thể trạng tốt. Tiếp đến là hoàn thiện lối chơi. Không hẳn bỏ đi những pha xử lý mềm mại đã trở thành thương hiệu nhưng Tuấn Anh phải biết cách xử lý thế nào cho hợp lý nhất cho bản thân và đồng đội.

Nói cách khác, đã đến lúc Tuấn Anh phải trưởng thành. Không thời điểm nào phù hợp hơn thời điểm này. Vì trên tay chàng tiền vệ tài hoa người Thái Bình bây giờ còn có cả tấm băng thủ quân của CLB Hoàng Anh Gia Lai.

“Để ngồi được ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được cảm giác không ai chịu được”. Đó chính là điều mà Sơn Tùng MTP đã chia sẽ về thành công và cái giá để đạt được nó của mình. Câu nói đó cũng như dành để nói với Tuấn Anh để anh có thêm động lực vượt qua khó khăn và lời hứa cay đắng với thân phụ.

Chấn thương, scandal là những điều chẳng dễ chịu gì nhưng để thành công thì buộc phải chấp nhận và vượt qua nó. Ronaldo đã chiến thắng chấn thương để trở thành nhà vô địch thế giới 2002. Sơn Tùng MTP đã dẫm bẹp điều tiếng để trở thành nhân vật có ảnh hưởng. Giờ đến lúc Tuấn Anh.

Chỉ cần giữ được sự mạnh mẽ và niềm hy vọng, con người ta chưa được phép dừng lại. Tuấn Anh sẽ quay lại V.League 2019 với tư cách đội trưởng của Hoàng Anh Gia Lai. Một nhiệm vụ mới, một vai trò mới, và biết đâu đấy, sẽ có một cuộc đời mới.

Bình luận

THỰC HIỆN:

Nội dung: HẢI AN - TRẦN LỘC - NGỌC TRUNG
Đồ họa & Thiết kế: HỮU ANH
Kỹ thuật: ĐỖ TRẦN LINH
Một sản phẩm của Bongdaplus.vn
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x