Bình luận bảng E: Chất Pháp

Kuang Dy
Từ 19:19 ngày 15-06-2014
Có lẽ đa số người xem bóng đá ở Việt Nam khi nhắc đến ĐT Pháp là lại nghĩ rằng đội bóng đó phải hào hoa, nghĩa hiệp như phong cách của “Ba chàng lính ngự lâm”. Suy nghĩ đó không chính xác, nếu không muốn nói là sai lầm và hời hợt.

Bóng đá luôn là tấm gương phản chiếu xã hội của một quốc gia, nhưng thường là của hiện tại chứ ít khi của quá khứ. Mà hiện tại của nước Pháp thì khác xa với quá khứ lãng mạn trong văn học của Alexandre Dumas. Thế hệ những cầu thủ Pháp hiện tại là thế hệ của những người có rất ít điểm chung với thời Michel Platini, chứ đừng nói đến thời xa hơn của Just Fontaine hay Raymond Kopa.

Nhà xã hội học Pháp, Stephane Beaud mới đây vừa ra mắt một cuốn sách với tựa đề rất gai góc: “Ghê tởm, giàu có và độc ác? Một cái nhìn khác về ĐT Pháp”. Ông phân tích Les Bleus từ thế hệ 1998 đến nay dưới góc độ xã hội học và rút ra hai điều. Một, thế hệ 98 có đủ thời gian học hành, được giáo dục đầy đủ. Hai, những scandal đáng xấu hổ của Les Bleus trong 10 năm qua là thể hiện sự phản kháng thầm lặng của một thế hệ thanh niên không chấp nhận mô hình tập thể cổ điển.

Lilian Thuram được nhiều người ví như Socrates của bóng đá Pháp. Thuram ham đọc sách, thích nghe nhạc Jazz, đặc biệt là Miles Davis, và thích tranh luận. Xuất hiện trên truyền hình, Thuram thường đeo một đôi kính, rất tự tin, am hiểu. Nói chung là rất có phong cách.

Paul Pogba, người được coi là biểu tượng cho thế hệ trẻ của Les Bleus, dù cũng là con một gia đình nhập cư, lại có con đường khác hẳn Thuram: 15 tuổi chấm dứt học hành, lao vào con đường chuyên nghiệp, có hẳn một bác sỹ dinh dưỡng và HLV thể lực riêng từ đó đến nay chỉ để chuyên tâm vào trái bóng.


Lilian Thuram

Đây không đơn giản là câu chuyện về học thức nữa, dù đa phần các cầu thủ Pháp ngày trước học hành tốt hơn, mà là câu chuyện về lựa chọn cách sống. Các cầu thủ trẻ như Pogba, Varane hay thế hệ sinh năm 1987 của Benzema phần lớn xuất thân trong các gia đình nhập cư ở ngoại ô. So với thế hệ 98, họ là những người chứng kiến nhiều sự đổ vỡ trong xã hội Pháp trong thập niên đầu thế kỷ 21, từ sự kiện quốc ca “La Marseillaise” bị huýt sáo trong trận Pháp-Algeria 2005 cho đến việc cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy dùng từ “racaille” (cặn bã) để nói về các thanh niên da màu ít học.

Chủng tộc là chủ đề nhạy cảm nhưng rõ ràng là các hệ lụy của nó diễn ra hàng ngày. ĐT Pháp đa phần có gốc nhập cư, đòi hỏi họ phải đại diện cho cái chất nguyên thủy của người Pháp da trắng là điều không hợp lý. Bởi vậy, xem ĐT Pháp bây giờ không thể giữ mãi quan niệm cho rằng họ phải chơi hào hoa, cống hiến và quân tử.

Xem ĐT Pháp bây giờ là xem một thế hệ những người trẻ đa phần có xuất phát điểm kém trong xã hội Pháp, với các nền tảng giáo dục và văn hóa khác “chất Pháp” cổ điển, đã vươn lên và giành được những thành công nhất định như thế nào. Những Benzema, Matuidi, Pogba, Varane, Sakho, Sissoko… không phải là những người “không sợ gì, chỉ sợ trời sập xuống đầu” của dân Gaulois. Họ là những thanh niên thường bị nhìn với cái nhìn thiếu thiện cảm và đang quyết tâm thay đổi điều đó. 

Thành công hay thất bại sẽ dần được hé lộ từ trận đấu đêm nay. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là cái “chất” của họ cũng là một thứ “chất Pháp” mới, xứng đáng được chờ đợi…
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x