Brazil sau thảm họa Minerazo: Một đời sống trong ám ảnh

MINH VIỆT
Từ 10:05 ngày 11-07-2014
Năm 1950, thủ thành Barbosa bị coi là tội đồ trong thảm họa Maracanazo. Barbosa sau đó bị người Brazil ruồng bỏ, phải sống trong mặc cảm tội lỗi đến tận khi qua đời (năm 2000). Bây giờ, rất có thể thế hệ cầu thủ Brazil vừa thảm bại trước Đức, cả đời sẽ phải sống trong nỗi ám ảnh Minerazo, như Barbosa tội nghiệp năm nào…

TỪ NỖI ĐAU CỦA BARBOSA…
Sau thất bại bi kịch 1-2 trước Uruguay ở chung kết World Cup 1950, Brazil không chơi trận đấu quốc tế nào cho tới tận tháng 4/1952. Họ cũng không đá trận nào ở Maracana cho đến tận tháng 3/1954. Trong đó, 3 nhân vật Bigode, Juvenal và đặc biệt là thủ thành Barbosa bị coi là tội đồ lớn nhất gây ra thảm họa Maracanazo. Lý do chủ yếu: vì cả 3 cầu thủ này là những người da màu.  

Tuy nhiên, trong số 3 cái tên kể trên, Barbosa là người lãnh hậu quả nặng nề nhất. Xã hội Brazil thời kỳ đó kỳ thị sắc tộc cực kỳ nặng nề và Barbosa trở thành mục tiêu của mọi sự dè bỉu, sỉ nhục trong suốt quãng đời còn lại. Anh Fernando Hazzan, 28 tuổi ở Sao Paulo cho biết: “Bố tôi kể rằng 20 năm sau thảm họa Maracanazo, khi Barbosa ra đường, ông vẫn bị người dân Brazil chỉ trỏ rồi nói rằng ông ấy là người khiến cả đất nước Brazil phải rơi lệ”.

Năm 1993, chủ tịch LĐBĐ Brazil, Ricardo Teixeira từng cấm Barbosa tham dự bình luận các trận đấu của Brazil trên sóng truyền hình. Selecao dưới thời HLV Mario Zagallo cũng cấm cửa Barbosa đến sân tập Teresopolis vì sợ ông mang đến sự xui xẻo. Từ ngày đó, Brazil cũng không dùng thủ môn da màu nào, cho đến khi Dida xuất hiện năm 1995. 

Thủ thành Barbosa đã phải sống trong mặc cảm đến cuối đời

Trong những năm cuối đời, Barbosa tán gia bại sản vì phải chạy chữa cho vợ Clotilde bị căn bệnh ung thư tủy xương. Ông kêu gọi sự giúp đỡ từ xã hội Brazil nhưng tất cả đều ngoảnh mặt, chỉ trừ CLB Vasca da Gama khi đội bóng này tình nguyện trợ giúp Barbosa khoảng 2.000 reais/tháng để ông thuê nhà và sống tạm qua ngày. Bạn của Barbosa, bà Teresa Barba kể lại: “Ông ấy đã khóc rất nhiều trên vai tôi. Ông ấy nói rằng: Tôi không có tội. Chúng tôi có 11 người cơ mà...”.  

Hai tuần trước khi qua đời, Barbosa trả lời phỏng vấn báo chí: “Hình phạt tối đa ở Brazil là 30 năm. Nhưng tôi đã phải trả cả cuộc đời cho một điều tôi không phải chịu trách nhiệm. Tôi đã phải sống trong ngục tù mà người Brazil tạo ra suốt 50 năm”. 

Barbosa vì Maracanazo phải sống trong nỗi uất hận. Ông trở thành nạn nhân của sự bất công bi kịch nhất trong lịch sử bóng đá. Barbosa cũng là hiện thân của bộ mặt cực kỳ xấu xí, của tình yêu bóng đá đến mù quáng của dân Brazil.

… ĐẾN NỖI ÁM ẢNH MINERAZO
“Thất bại trước Đức còn tồi tệ hơn cả Maracanazo 1950. Đó là một thảm kịch quốc gia”, Victor Mazure, một người lái taxi 60 tuổi ở Copacabana nói về trận thua 1-7 trước Đức. “Scolari và các cầu thủ của ông ấy cũng sẽ phải chịu điều tương tự như Barbosa. Mỗi năm, vào đúng ngày kỷ niệm trận thua này, họ sẽ phải nhận hàng nghìn cuộc điện thoại của người Brazil với câu hỏi vì sao họ lại để thua nhục nhã như thế?”, Mazure trong cơn điên nói tiếp. Quả thật, thế hệ cầu thủ Brazil vừa phơi áo trước Đức đang lo sợ họ sẽ phải sống phần đời còn lại trong nỗi ám ảnh Minerazo, như bậc tiền bối Barbosa.

Ngay từ bây giờ, chính họ cũng lờ mờ cảm nhận được điều khủng khiếp sắp xảy đến. “Đó là vết sẹo cực lớn sẽ theo chúng tôi trong cả phần đời còn lại”, Fred thừa nhận. “Những tiếng la ó không làm đau chúng tôi. Nhưng kết quả thua như này đã dìm chúng tôi xuống địa ngục. Đây là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi”, Hulk tâm sự trên kênh Globo. 


Tuy nhiên, Fernandinho mới là người sợ hãi nhất. Tiền vệ này cũng là cầu thủ da màu như Barbosa, cũng là người chơi cực tệ và mắc lỗi trực tiếp như Barbosa. Và đó là lý do khiến anh đang chìm trong sự âu lo tột độ: “Đó là một đêm không thể tin được với những điều kinh khủng nhất.

Chúng tôi sẽ không thể giải thích được vì sao nó lại xảy ra trong phần đời còn lại. Chúng tôi chưa bao giờ trải nghiệm những điều tương tự. Đó là nỗi đau quá, quá lớn và không biết mất bao lâu nữa chúng tôi mới có thể vượt qua. Chúng tôi chỉ còn biết xin lỗi người dân Brazil”.

Xin lỗi ư, Fernandinho? Liệu 200 triệu dân Brazil có tha thứ cho anh và các đồng đội? Như nhà nghiên cứu nổi tiếng Sergio Buarque người Brazil đã nói, dân Brazil ủy mị và yêu bóng đá mù quáng. Liệu sự mù quáng của họ có lại giết chết thế hệ cầu thủ Brazil bây giờ, như từng làm với Barbosa tội nghiệp?

Điểm 0 cho cả đội Brazil
Tờ O Globo vừa chấm điểm Brazil sau trận thua Đức. Đáng chú ý, tất cả các cầu thủ đều bị chấm 0 điểm. Cả HLV Scolari cũng nhận điểm 0. Ở bên kia chiến tuyến, HLV Loew được chấm 10 điểm. 
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x